Đổ xô đi “săn” chung cư không sổ hồng để tiết kiệm tiền tỉ
(Sóng trẻ) - Bất chấp rủi ro khi mua những căn hộ chung cư không sổ hồng, nhiều người dân vẫn thực hiện để tiết kiệm chi phí.
Cơn sốt nhà không sổ hồng - Đẩy giá nhà lên mức kỷ lục
Việc mua nhà không sổ hồng đang trở thành một "cơn sốt" trong bối cảnh giá nhà đất tại Hà Nội tăng cao chóng mặt. Nhiều người cho rằng đây là cách để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên, đằng sau đó là những rủi ro tiềm ẩn rất lớn. Không có sổ hồng đồng nghĩa với việc chủ sở hữu không được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Nếu xảy ra tranh chấp, có thể mất trắng số tiền đã bỏ ra. Hơn nữa, việc vay vốn ngân hàng, sang tên đổi chủ cũng trở nên khó khăn.
Chị Phạm Kim Anh (42 tuổi) cùng chồng hiện làm công việc kinh doanh tự do trên địa bàn Tp Hà Nội. Thời điểm trước, gia đình 4 người của chị vẫn chen chúc trong căn trọ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Bất tiện trong sinh hoạt, chị Kim Anh ấp ủ dự định mua một căn chung cư nhỏ để ổn định chỗ ở.
Chắt chiu từng đồng trong thời gian dài, vợ chồng chị Kim Anh cũng dành dụm được 1,4 tỉ đồng. Chị quyết định vay thêm ngân hàng khoảng 300 - 500 triệu đồng để mua chung cư.
Tuy nhiên, sau vài tháng khảo sát thị trường, vợ chồng chị nhận ra, số tiền đó là không đủ để mua một căn hộ đủ tiêu chí cho gia đình 4 người ở. Hết cách, chị tham khảo những chung cư không sổ và quyết định mua một căn hộ bằng hình thức lập vi bằng.
“Cực chẳng đã chúng tôi mới phải mua căn này. Tôi cũng biết việc mua nhà không sổ nhiều rủi ro, thế nhưng càng đợi thì giá nhà càng lên cao, càng hết hy vọng. Tôi quyết định “chốt” luôn để thoát cảnh thuê nhà” - chị Kim Anh tâm sự.
Cơn sốt bất động sản tại Hà Nội đã đẩy giá nhà lên mức kỷ lục, đặc biệt là phân khúc căn hộ giá rẻ dưới 2 tỷ đồng. Sự khan hiếm nguồn cung khiến nhiều người dân buộc phải cân nhắc đến những lựa chọn khác, trong đó có việc mua bán nhà đất chưa có sổ. Điều này dẫn đến tình trạng giá cả các căn nhà không sổ tăng cao bất thường, có khi chênh lệch đến gần 4 tỷ đồng so với căn nhà cùng diện tích đã có sổ.
Giá chung cư tăng do đâu?
Anh Phạm Long (32 tuổi, ngụ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm công việc kinh doanh tự do, cho hay: “Đọc thông tin giá nhà trên báo đài, mạng xã hội mà tôi chóng mặt. Chỉ mong thị trường sớm ổn định để ước mơ sở hữu nhà Hà Nội của người lao động bớt xa vời”.
Vợ chồng anh Long hiện có trong tay số tiền 1,8 tỉ đồng. Chán cảnh ở trọ, hiện gia đình anh cũng “săn” những căn nhà không sổ. Theo đó, anh Long đã ưng ý một căn rộng 27m2, có giá hơn 2 tỉ đồng tại phố Định Công Thượng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và đang thảo luận để tiến hành thủ tục bàn giao nhà.
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, giá chung cư tại Hà Nội tăng cao chủ yếu do nguồn cung ngày càng đi xuống, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ và bình dân. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng đi lên. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, nhân công... ngày càng cao khiến giá nhà khó giảm trong ngắn hạn.
Ông Đính cho biết, việc mua nhà chưa có sổ đỏ, sổ hồng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, người mua cần lưu ý kỹ vấn đề pháp lý trước khi “xuống tiền” để tránh những tranh chấp không đáng có.
Hiện nay, có nhiều lý do khiến chung cư chưa có sổ hồng: - Chung cư chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý hoặc giấy tờ sở hữu căn hộ chung cư chưa rõ ràng và không đủ căn cứ để xin cấp sổ hồng cho các căn chung cư này. - Các căn chung cư hiện vẫn đang còn vướng các tranh chấp về quy hoạch như giải phóng mặt bằng, đền bù… hoặc tranh chấp mua bán, tặng cho… giữa cá nhân với cá nhân hoặc với tổ chức… nên chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng chung cư. - Công trình chung cư chưa hoàn thành để được cấp sổ hồng hoặc để thực hiện mua bán trong trường hợp không cần sổ hồng. - Chung cư mặc dù đã hoàn thành nhưng không đúng với thiết kế ban đầu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã đăng ký trong giấy phép xây dựng. - Căn hộ chung cư đang được chủ đầu tư thực hiện thế chấp tại ngân hàng và hiện tại chưa có đủ nguồn vốn để giải chấp. - Chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế đất, thuế giá trị gia tăng, lệ phí môn bài… |