Võ sư mù không chỉ trong kiếm hiệp
(Sóng trẻ)-Người ta biết đến Nguyễn Kim Hoàng với Giải thưởng tình nguyện quốc gia 2015. Lớp võ miễn phí của anh ở trường Nại ngữ cũng vì thế mà trở nên nổi tiếng. Hơn 20 năm dạy võ, khát khao truyền thụ luôn cháy bỏng trong anh. Dù có lúc đã phải giải tán lớp, dù cho số phận đã giáng cho con người này những đòn chí mạng, Kim Hoàng vẫn hiên ngang đón nhận sự nghiệt ngã ấy, vẫn vững tin sống trọn với đam mê võ thuật của mình.
Võ sư mù vươn lên từ định mệnh
Nguyễn Kim Hoàng sinh năm 1978, yêu thích võ thuật từ nhỏ, bắt đầu với võ phái Nam Hồng Sơn. Anh là lứa đầu tiên tiếp cận với Pencat Silat trong buổi đầu du nhập vào Việt Nam. Năm 1995, là thành viên đội tuyển quốc gia, nhưng khi môn võ này chớm mang lại những vinh quang cho nước nhà ở khu vực, Kim Hoàng quyết định bỏ dở nghiệp thể thao. Anh theo học khoa Công nghệ thông tin của Viện Đại học Mở Hà Nội.
Niềm đam mê võ thuật không vì thế mà nguội tắt, thậm chí nó còn rực cháy hơn nữa, khi anh truyền cảm hứng cho học trò của mình qua từng đường quyền, từng pha đánh. Vừa đi học, vừa tổ chức các lớp dạy võ miễn phí, số lượng môn sinh của anh có lúc lên đến hàng trăm người. Sẽ là hoàn hảo cho hành trình sống với đam mê của mình, nếu không có một biến cố xảy ra. Biến cố tưởng chừng đã mang anh đi khỏi cuộc đời này.
Cuối năm 2010, căn bệnh lupus ban đỏ khiến anh mất hoàn toàn 2 con mắt, không những vậy hệ thống tế bào tự phá hủy , dẫn đến suy thận nặng. Cái chết lơ lửng trong tương lai như một tai họa không báo trước. Hàng ngày anh vẫn phải lọc máu và chạy thận tại Bệnh viện Đống Đa. Bác sĩ bảo anh nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.Anh đã phải giải tán lớp võ trong 6 tháng vì những cơn đau.
Võ sư Nguyễn Kim Hoàng
Nhưng sự hành hạ của bệnh tật đã không thể khuất phục ý chí trong anh. Bằng niềm đam mê của bản thân, bằng sự động viên của gia đình và động lực muốn người con gái nhìn anh như một tấm gương mạnh mẽ, anh quyết định đứng lớp trở lại.
Mù 2 mắt, trong điều kiện môn võ cần thị phạm nhiều, Kim Hoàng đã phải thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy. “ Bây giờ khả năng nhìn của mình không có, bắt buộc mình phải tìm một cách khác. Mình nói nhiều hơn hoặc hướng dẫn cho một số bạn có tố chất một chút để các bạn đó có thể làm trợ giáo cho mình”
Kim Hoàng từ lao động chính trong gia đình, giờ gánh nặng bệnh tật đè trên vai, anh đã có thể kiếm thêm ở lớp võ. Nhưng qua bao năm tháng, anh vẫn không thu một đồng học phí nào. “ Mình đã bị bệnh, gia cảnh cũng nghèo rồi, có thu thêm cũng không có tác dụng gì. Hơn nữa mình không đặt nặng vấn đề kinh tế vào việc dạy võ thuật. Đó là truyền bá sự đam mê và niềm yêu thích từ bé của mình.” Đến nay, lớp võ của anh ở trường Nại ngữ đã tồn tại được 14 năm.
Anh chỉ bảo môn sinh từng ngón võ, từng pha ra đòn( nguồn VOV)
Sáng chạy thận, chiều dạy võ. Thời gian biểu của anh đều đặn như vậy. Những học trò đến với anh không chỉ vì trình độ chuyên môn, tại đấy chúng được học cả về tình người, sự sẻ chia từ người thầy luôn ân cần như một người cha. Anh dạy chúng cả cách đối nhân xử thế, cách đứng dậy từ những vấp ngã và cách vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Môn sinh gọi anh là “ngọn lửa không bao giờ tắt”.
Đằng sau ánh hào quang
Nguyễn Kim Hoàng là một trong số rất nhiều những phận đời nghiệt ngã sau ánh hào quang mà thể thao mang lại. Cũng chính lupus ban đỏ đã giết chết cô gái vàng Taekwondo Hoàng Hà Giang, cựu vô địch thế giới và HCB Asiad 2006 phải ra đi ở tuổi 24 sau thời gian chống chọi bệnh tật. Chúng ta cũng xót xa một Vũ Bích Hường từng đi vào lịch sử khi mang lại tấm HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam ở Seagame 1995, giờ bại liệt phải nằm một chỗ. Chồng mất vì ung thư, con trai tự kỷ, cộng với những khoản nợ lên tới cả tỉ đồng. Không ai có thể tưởng tưởng, đằng sau giọt nước mắt vinh quang, lại là giọt nước mắt bất hạnh vì quãng đời còn lại.
Chúng ta đã vắt kiệt sức lực thanh xuân của họ để thu về thành tích. Rồi khi không còn giá trị, chúng ta bỏ mặc họ đối mặt với quy luật đào thải của xã hội. Có ai đó sẽ nói về cơ chế ở đây, nhưng cơ chế có là nhân văn nếu như không có một sự đối xử công bằng. Họ không có một sự bảo đảm, hay chí ít là một sự hậu đãi sau khi từ giã sự nghiệp. Tự mình kiếm việc làm, tự trang trải và tự sống với thị trường khắc nghiệt nài kia. Nếu như ở một số nước có Ủy ban riêng biệt lo cho đời sống sau giải nghệ của các VĐV thể thao thành tích cao, thì ở ta cơ quan đó có lẽ vẫn còn nằm ở những lời chót lưỡi đầu môi.
Biết trước một kịch bản như vậy, nhưng tại sao những con người ấy vẫn cống hiến hết mình cho nền thể thao nước nhà. Đơn giản, họ mang trong mình một ngọn lửa đam mê. Họ không quá tính toán như những nhà quy hoạch mà chỉ muốn sống trọn cuộc đời với niềm đam mê ấy. Dẫu rằng có nghiệt ngã đến đâu, dẫu cho cuộc đời giáng cho họ những đòn chí mạng, ngọn lửa ấy vẫn dựng họ dậy để tiếp tục chiến đấu, tiếp tục sống với cuộc đời lạc quan.
Hỏi Kim Hoàng có bao giờ anh nghĩ đến chuyện sẽ dừng lại. Anh bảo anh không biết rằng bệnh tật sẽ tàn phá cơ thể mình đến đâu, nhưng anh sẽ cố gắng duy trì lớp võ này, đến khi còn có thể…
Một võ sư mù. Nhưng võ sư ấy không phải là sản phẩm của tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Đó là một con người thực, một bi kịch thực và chiến đấu bằng một tình yêu thực !
Đình Trường
Báo chí đa phương tiện K35
Cùng chuyên mục
Bình luận