“Xóm thùng phuy” bức tử người dân thủ đô

La liệt thùng phuy chất cao cả chục mét; tiếng búa, tiếng đục gõ chát chúa; mùi hóa chất, mùi khói khẹt lẹt và mùi nước sông hôi thối bốc lên nồng nặc,… Đó là những bức xúc mà nhiều năm nay người dân sống cạnh khu tái chế thùng phuy dưới chân cầu Mai Lĩnh (Hà Đông, Hà Nội) đang phải gánh chịu.

Những “cái chết” có thể dự đoán trước

Người dân cho biết nghề tái chế thùng phuy đã xuất hiện ở khu vực này từ năm 1996. Ban đầu chỉ một hai hộ thu mua thùng phuy phế liệu rồi gia công, tân trang thủ công. Nhưng vì lợi nhuận cao nên những năm gần đây, người ta đua nhau mở xưởng, thuê nhân công về làm với quy mô lớn. 

Những thùng kim loại được chủ cơ sở tái chế thu mua về với giá rất “bèo”

Các hộ kinh doanh này chuyên thu mua những chiếc thùng phuy đựng dầu, nhựa, sơn, hắc ín,... được thải loại ra từ các nhà máy công nghiệp và các đơn vị thi công công trình giao thông ở các tỉnh. Thùng phuy mua về được súc rửa, nung, đục, tán, ngâm hóa chất trong những bể xút (NaOH) nồng độ đậm đặc để xử lý. Rác, cặn và nước thải của tất cả các công đoạn này đều không qua xử lý mà xả thẳng ra sông Đáy ở ngay phía sau khu tái chế. 

Những chiếc thùng mới thu mua về chưa được phân loại, xếp ngổn ngang hai bên đường

ee8dd0e13_anh_3.jpg
Những thùng chứa hóa chất độc hại được công nhân xử lý bằng hóa chất có nồng độ 
đậm đặc. Để qua mắt lực lượng chức năng, chủ các cơ sở tái chế thường đặt tấm nhôm
 lên các thùng hóa chất giả làm bình chứa nước

Qua nhiều năm phải hứng chịu một lượng lớn chất thải độc hại, nước sông chuyển màu đen ngòm và bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Theo kết quả phân tích mẫu nước của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ năm 2009 đến nay, sông Đáy bị ô nhiễm cục bộ và đã vượt mức báo động tại một số điểm, trong đó có lưu vực sông đoạn qua khu vực cầu Mai Lĩnh – nơi diễn ra hoạt động tái chế thùng phuy.

Cô Nguyễn Thị Xuân – một người dân sống gần khu tái chế ngán ngẩm: “Đáng lẽ sống cạnh sông thì bọn cô chỉ việc gánh nước từ sông lên để tưới cho cây, nhưng vì nước sông ô nhiễm nặng nên cô phải gánh nước từ nhà đi, chứ nước sông như thế này bón vào cây thì cây chết hết”.

Cô Xuân cho biết thêm: “Những năm trước, người dân ở đây vẫn chăn vịt ở ven sông và đánh cá về ăn. Nhưng bây giờ chả ai chăn thả gì gần sông nữa, cá câu về đem cho mèo mèo còn không ăn.”

 
Chất thải độc hại, chưa qua xử lý từ “xóm thùng phuy” xả thẳng xuống sông Đáy đã 
phá hủy môi trường và đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực

Hỗn hợp các chất thải này không chỉ chảy xuống sông Đáy mà còn lưu lại trên mặt đường và tràn xuống cống rãnh, kênh mương,… Những hợp chất ô nhiễm này còn được thải vào những ruộng rau của người dân, gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe của các hộ dân quanh khu vực. 

Trước sự “đầu độc” đêm ngày bởi “xóm thùng phuy”, dòng sông Đáy đang “sống mòn” chờ “chết”, môi trường ở khu vực chân cầu Mai Lĩnh bị tàn phá nghiêm trọng. Nhưng do không có nguồn nước bổ sung nên sông Đáy không có khả năng tự làm sạch và không khí ngày càng tích tụ nhiều độc tố. Chúng trở thành những “sát thủ giấu mặt”, dần cướp đi sức khỏe và mạng sống của người dân nơi đây. 

Tình trạng ô nhiễm nặng nề quanh các cơ sở tái chế thùng phuy khiến người dân ở đây triền miên đau ốm. Viêm phổi, viêm xoang, tiêu chảy,… là những căn bệnh phổ biến nhất ở khu vực này. Một người dân thuộc phường Đồng Mai cho biết, ở đây đã có rất nhiều người chết vì ung thư.

“Xóm thùng phuy” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Bởi cứ từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, khi công nhân của cơ sở tái chế ngâm các tấm kim loại vào thùng hóa chất thì mùi hắc bốc lên rất nồng, khiến tất cả các hộ dân sống gần đó phải đóng cửa, bật quạt và đeo khẩu trang cho bớt mùi. 

“Nếu không có việc phải ra nài thì các hộ dân đều đóng hết các cửa, bởi không ai chịu được mùi hóa chất từ khu tái chế thùng phuy, nhất là những ngày nắng nóng thì lại càng khó chịu. Nhiều người trong xóm mắc các bệnh về hô hấp. Nhưng lo nhất là mấy đứa nhỏ học ở trường tiểu học gần đây, còn nhỏ, sức đề kháng yếu thì sao mà chúng chịu được” – một người dân sống tại tổ 5, phường Đồng Mai lo lắng.

71f907162_anh_4.jpg
Trong thời gian các công nhân của cơ sở tái chế làm việc, người dân luôn bị làm phiền bởi 
những âm thanh hỗn tạp từ máy cưa, máy đục, máy xẻ,… Mặt đường bị băm nát sau những 
lần làm bãi “chịu trận” cho thợ đục, gõ thùng phuy và bởi hàng trăm chuyến xe tải qua lại
71f907162_anh_5.jpg
Trung bình mỗi ngày có tới trên 1.000 chiếc thùng đủ màu sắc được xếp thành đống cao 
hơn cả mái nhà, che khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông

Chính quyền bất lực?

Từ lâu đã có nhiều báo, đài phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ở “xóm thùng phuy” dưới chân cầu Mai Lĩnh. Tháng 5 năm 2009, UBND quận Hà Đông cũng đã có Công văn 422/UBND yêu cầu các cơ quan chức năng của quận phối hợp cùng chính quyền cơ sở xử phạt nghiêm khắc những cơ sở tái chế thùng phuy gây ô nhiễm môi trường, lập tức giải tán bãi đáp và khu tái chế. 

Quyết định này của chính quyền phần nào giải quyết được vấn đề và giải tỏa được bức xúc của người dân. Tuy nhiên chỉ không lâu sau đó, “xóm thùng phuy” lại “hồi sinh” và tiếp tục “bức tử” môi trường, đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.   

Nhiều hộ dân cho biết, họ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền, nhưng sau khi các cán bộ hứa hẹn sẽ giải quyết thì lại “lặn không sủi tăm”, “không thấy đại diện nào xuống lập biên bản và nghiêm khắc đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở tái chế”.

Những biện pháp mà UBND quận Hà Đông đưa ra hầu như chỉ mới tập trung vào xử phạt hành chính mà chưa có sự can thiệp, xử lý triệt để. Thậm chí, mức phạt hành chính mà UBND quận Hà Đông đưa ra cũng còn quá nhẹ (chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng). Mức phạt này không đủ sức răn đe đối với những người đang vì đồng tiền mà hủy hoại môi trường, hủy hoại cuộc sống của nhiều người dân khác.

Thế nhưng, có lý nào với những bậc trí thức như các cán bộ lãnh đạo quận Hà Đông lại không hiểu được thực tế trên? Hơn ai hết, họ là người nắm rõ khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vậy, do đâu mà có mức phạt nhẹ nhàng đến vô lý như vậy đối với “xóm thùng phuy”? Liệu sự “hồi sinh” dai dẳng của “xóm thùng phuy” có phải thực sự là vì chính quyền bất lực hay còn nguyên do nào khác?

95124b05c_capture.jpg

Hoài Phương – Đào Phương – Phan Quỳnh
Đa phương tiện K34 A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN