Xu hướng làm việc "chân trong, chân ngoài" của giới trẻ
(Sóng trẻ) - Khái niệm poly-working – làm nhiều nghề cùng lúc – đã trở nên quen thuộc với giới trẻ Việt Nam, khi nhiều người hy vọng rằng xu hướng này sẽ giúp họ tăng thu nhập, phát triển kỹ năng và “thách thức” bản thân.
"Poly-working" là thuật ngữ kết hợp giữa “poly” (“nhiều” trong tiếng Hy Lạp) và “working” (làm việc), xuất phát từ xu hướng làm việc phổ biến ở một số quốc gia phương Tây. Mô hình này cho phép người lao động đảm nhận nhiều nhiệm vụ cùng lúc, mang đến sự linh hoạt và cơ hội đa dạng hóa công việc. Tại Việt Nam, khái niệm poly-working đang dần trở nên quen thuộc với người trẻ, đặc biệt nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ làm việc trực tuyến.
Đa nhiệm: Cơ hội tỏa sáng hay gánh nặng ôm đồm?
Theo một khảo sát của Công ty Kiểm toán Deloitte (Anh), gần 46% người thuộc thế hệ Gen Z (thế hệ sinh từ năm 1997 - 2012) và 37% thế hệ Millennials (thế hệ sinh từ 1981 - 1996) đang tham gia vào công việc bán thời gian bên cạnh công việc chính. Tại Việt Nam, những con số này không chỉ phản ánh một xu hướng tích cực mà còn đặt ra những lo ngại đáng kể cho tương lai.
Hoàng Phi (23 tuổi, TP.HCM), một chuyên gia Digital Marketing (Tiếp thị kỹ thuật số), đang đảm nhận nhiều vai trò khác nhau bên cạnh công việc toàn thời gian. Từ sáng tạo nội dung đến biên kịch bán thời gian và làm việc từ xa, một ngày hoàn hảo đối với Hoàng Phi là hoàn thành 3 - 4 công việc cùng một lúc.
Chia sẻ về lý do chọn poly-working, Hoàng Phi cho biết: “Tôi muốn trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực marketing để hiểu rõ hơn về tính bổ trợ giữa các vai trò. Điều này không chỉ giúp tôi xây dựng sự linh hoạt cho bản thân mà còn tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Mặc dù đôi khi tôi cảm thấy mình đang chạy đua với thời gian và không biết khi nào mới có thể dừng lại”. Bên cạnh đó, hình thức làm việc này còn là cách dự phòng rủi ro trong trường hợp cô nàng mất việc đột ngột.
Giống như Hoàng Phi, Quỳnh Như (22 tuổi, TP.HCM) cũng đang đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau với lịch trình dày đặc.
Từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, bạn trẻ này làm biên phiên dịch cho một công ty nước ngoài. Sau đó, từ 5 giờ đến 7 giờ tối, cô làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Trung. Từ 8 giờ tối đến 1 giờ sáng, cô tiếp tục với các dự án thiết kế tự do. Ngoài ra, Quỳnh Như còn dạy gia sư 5 buổi mỗi tuần, linh động theo thời gian của mỗi học sinh.
Quỳnh Như chia sẻ: “Việc không giới hạn bản thân trong một công việc duy nhất đã giúp tôi phát triển chuyên môn, cải thiện trình độ ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng mềm”. Tôi cảm thấy mình năng động hơn, cởi mở hơn và có thể mở rộng các mối quan hệ xã hội, từ đó tích lũy được nhiều trải nghiệm phong phú”.
Tuy nhiên, với cường độ công việc cao và tần suất làm việc dày đặc, hình thức làm việc này cũng mang lại áp lực không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của nhiều bạn trẻ.
Đối với Quỳnh Như, lịch làm việc dày đặc là lý do lớn nhất khiến cô phải nhập viện vì chứng đau dạ dày, thậm chí, kết nối với gia đình cũng trở nên mờ nhạt. “Mặc dù poly-working mở ra nhiều cơ hội nhưng đối với tôi, nó như một con dao hai lưỡi”, Quỳnh Như tâm sự.
Hình thức làm việc đa nhiệm đang trở thành hướng đi được ưa chuộng, song việc lao động quá sức có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng “karoshi”, hay cái chết do làm việc quá sức, đã trở thành vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản hàng thế kỷ.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế Nhật Bản, có gần 3000 người ở Nhật Bản đã chết do các vụ tự tử liên quan đến việc tăng ca trên 100 giờ mỗi tháng. Tình trạng này không chỉ phản ánh sự cần thiết phải điều chỉnh cách tiếp cận với công việc, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Cân bằng cuộc sống ngay cả khi làm việc ngày đêm
Anh Nhân Văn (25 tuổi, TP. HCM) vừa đảm nhận vị trí chuyên viên pháp chế toàn thời gian tại một công ty, vừa khéo léo duy trì hai công việc bán thời gian: Quản lý KOC và quản lý sản phẩm cho một cửa hàng thời trang. “Sở dĩ bản thân có thể cân bằng được cả 3 công việc này là do đã gắn bó với 2 công việc bán thời gian trong vòng 4 năm. Vì vậy, việc poly-working giúp tôi tránh cảm giác nhàm chán, không bị gò bó trong một công việc ‘lặp đi lặp lại’ từ 8h sáng đến 5h chiều”, anh Văn chia sẻ.
Tuy nhiên, Văn cũng không khuyến khích mọi người theo đuổi poly-working nếu điều đó làm giảm hiệu suất cá nhân. “Sự linh hoạt chỉ nên thực hiện khi mỗi người hoàn toàn có khả năng quản lý những thách thức phát sinh từ nhiều công việc khác nhau”, anh nhấn mạnh.
Chia sẻ về tác động của poly-working đến sức khỏe tâm thần của người trẻ, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Đặng Đức Anh (Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh rằng mô hình này mang lại cả lợi ích lẫn rủi ro. “Việc thực hiện nhiều công việc song song không chỉ gia tăng thu nhập mà còn mở rộng hiểu biết và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực. Điều này giúp cá nhân thích nghi tốt hơn với môi trường sống, đồng thời duy trì hứng thú trong công việc nhờ sự đa dạng”, thạc sĩ Đức Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cảnh báo rằng việc kiêm nhiệm nhiều công việc có thể dẫn đến căng thẳng và kiệt sức: “Những dấu hiệu như giảm hoạt động chăm sóc bản thân, rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội và có những suy nghĩ tiêu cực có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần”.
Để giảm thiểu những rủi ro này, thạc sĩ Đặng Đức Anh đưa ra lời khuyên cho người trẻ: “Quản lý căng thẳng là rất quan trọng. Nếu poly-working gây khó khăn về thể chất và tinh thần, người lao động nên xem xét chiến lược ứng phó hiệu quả với áp lực như: kỹ năng sắp xếp công việc, các kỹ thuật điều hòa cơ thể, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ… Bên cạnh đó, bản chất của poly-working cũng là nhằm đáp ứng những nhu cầu ẩn sâu như cảm giác hạnh phúc, cảm giác tự do, cảm giác được tôn trọng... Khi hiểu được những khao khát bên trong, ta có thể tìm ra những phương pháp khác nhau để đáp ứng những nhu cầu đó mà không nhất định phải là poly-working”.
Poly-working đang trở thành một xu hướng phổ biến của lao động hiện đại. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng người lao động trẻ cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và trang bị các kỹ năng quản lý căng thẳng và hiệu suất làm việc của bản thân.