Xuôi về Cổ Đạm: Tìm về làn điệu truyền thống xứ Nghệ - Ca Trù
(Sóng trẻ) - Xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn được biết đến là cái nôi của Ca Trù xứ Nghệ, với những làn điệu đã lay thức biết bao tâm hồn người nghe. Những điển tích, điển cố, những giá trị nhân văn lớn lao của Ca Trù nơi đây đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà của dân tộc Việt Nam.
Thăng trầm cùng dòng chảy thời gian
Đất tổ ca trù ở Cổ Đạm, tổ sư ca trù là vợ chồng Đinh Lễ - Bạch Hoa. Ca trù Cổ Đạm là tên gọi theo tên tổng Cổ Đạm xưa, xuất hiện vào thế kỷ XVI và hưng thịnh nhất vào thế kỷ XVII, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ, ca trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng trong thiên hạ.
Giáo phường Ty Cổ Đạm nức tiếng một thời đã đào tạo ra những ca nương kép đàn tài hoa. Gần 30 năm qua, CLB có các cụ tâm huyết: Ông Nguyễn Phùng – Chủ nhiệm CLB, Phan Thị Xuân, Phan Thị Mơn, Hà Thị Bình,.....
Hàng năm vào ngày 11 tháng Chạp Âm lịch là ngày giỗ tổ nghề hát ca trù Cổ Đạm. Giáo phường khắp nơi đổ về đây đàn hát, tao nhân mặc khách nườm nượp cho nên dân xứ Nghệ có câu: “Đờn Cổ Đạm, phách Kỳ Anh đưa với đón trọn tình chung thủy”.
Với niềm đam mê và sự nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật này, các thành viên trong CLB Ca Trù Cổ Đạm qua nhiều thế hệ đã gìn giữ và phát triển ca trù trước những thăng trầm của đất nước.
Ông Phan Đình Anh - Phó chủ nhiệm CLB Ca Trù Cổ Đạm chia sẻ: “Ca trù bây giờ không thể nuôi thân chứ chưa nói đến gia đình. Nhưng vì nó đã ngấm vào máu, ngày không ca bài nào không chịu được nên chúng tôi cố gắng gìn giữ tới bây giờ.”
Khác biệt từ từng lời hát
Ca Trù Cổ Đạm mang nặng tiếng nói ân tình đậm đà bản sắc dân tộc, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nắm vai trò quan trọng, khi được UNESCO công nhận Ca trù Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
So với Ca Trù xứ Bắc, ca trù Cổ Đạm có những nét riêng. Cô Trần Thị Cẩm Tú - Thành viên CLB Ca trù Cổ Đạm chia sẻ: “Ca trù Cổ Đạm hát nhanh, đanh hơn, tiết tấu nhanh hơn, không luyến láy; cách lấy hơi nhàn nhã thư thái hơn; đệm đàn trống phách cũng có những sự khác biệt; khi âm lượng đánh ra sẽ giòn hơn. Lối xòe đàn, lối rung, lối nhấn cũng khác ngoài Bắc, do đó kép Bắc vào đánh đàn, đánh trống gõ phách thì đào Nghệ rất khó hát, nhiều khi sẽ không hát được.”
Ngoài ra, thơ của ca trù Cổ Đạm cũng khác với dân ca ngoài Bắc. Phần lớn thơ của dân ca quan họ, dân ca Bắc Bộ là những câu thơ lục bát, lục bát biến thể song thất lục bát, dân ca thường lấy ca dao làm lời ca. Còn ca trù Cổ Đạm rất phóng túng, thơ gì cũng có thể phổ được. Bộ nhạc được bố trí theo từng hoàn cảnh. Đây chính là điểm mạnh của ca trù Cổ Đạm làm cho người dân bình thường đến vua chúa và các nhà trí thức đều đam mê.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng mạch văn hóa dân gian vẫn âm thầm chảy trong những mạch đất của làng Cổ Đạm. Lối hát ca trù giòn sắc, ít luyến láy đặc trưng của Cổ Đạm vẫn được các nghệ nhân âm thầm gìn giữ.
Mùa xuân đang trở lại trên cánh đồng lúa mênh mông, trên xanh thẫm hàng dương... Mùa xuân cũng đang trở về trong lòng người Cổ Đạm, trong tiếng hát, tiếng đàn, trong nhịp sênh phách trong những ngôi nhà lặng lẽ dưới chân Ngàn Hống… Hẳn rằng, ca trù Cổ Đạm đã và sẽ tiếp tục gieo nhịp bồng bềnh, liêu trai trong đời sống hiện đại…