4 sai lầm sinh viên báo chí thường mắc khi viết báo
(Sóng Trẻ) - Sinh viên báo chí ngày nay được đánh giá là năng động, thông minh hơn thế hệ đi trước. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo tác phẩm, sinh viên thường hay mắc phải một số lỗi nhỏ sau đây.
Trích dẫn gián tiếp lời nhân vật
Đây là thực trạng diễn ra nhiều trên mặt báo, và không phải chỉ riêng sinh viên đi viết báo mới mắc phải, mà nhiều nhà báo có kinh nghiệm lâu năm cũng gặp phải lỗi này. Điều này thể hiện ở việc khi tác giả trực tiếp dẫn ý kiến của một nhân vật nào đó, nhưng thực tế lại không phải của họ mà là của một người khác nói ra, và được nhân vật đó nhắc lại. Sinh viên khi mới đi viết bài cần hết sức tỉnh táo để tránh điều này, nếu cảm thấy không rõ ràng hoặc chưa chắc chắn về một ý kiến nào đó của nhân vật, hãy đừng ngại ngần hỏi lại. Sẽ chẳng có ai cười hoặc chế giễu bạn về điều này, bởi cẩn thận trong báo chí là không thừa, đặc biệt khi nhân vật bạn tiếp xúc là người quan trọng và có địa vị trong xã hội.
Hãy luôn là những “cây bút trẻ” tỉnh táo khi viết báo
Chỉ biết làm báo duy nhất một loại hình/ lĩnh vực
Ngày nay, khi loại hình báo chí đa phương tiện bùng nổ mạnh mẽ, thì việc sinh viên trang bị cho mình hành trang vững chắc về nhiều thể loại báo chí, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội là một điều nên làm. Không phải sinh viên học chuyên ngành báo in thì chỉ viết được báo in, học chuyên ngành phát thanh thì chỉ biết xây dựng chương trình phát thanh, hoặc chỉ biết viết về một vấn đề nào đó, còn các vấn đề khác thì không,… sẽ là một điều thiệt thòi cho chính các bạn. Việc trang bị cho bản thân kĩ năng làm báo đa phương tiện quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong thời đại công nghệ như hiện nay.
Không biết mình đang viết cái gì
Có nhiều sinh viên sau khi đi thực tế về viết bài, viết xong bản thân cũng không hiểu mình viết gì. Lý do là ngay từ ban đầu, tác giả bài viết đã chưa xác định được mục đích của bài viết nên chưa có những định hướng cụ thể cho bài viết. Xác định nội dung đề tài bạn muốn viết, vạch ra những ý lớn mà bạn định triển khai rồi ghi ra các ý nhỏ sau đó không bao giờ là thừa. Nếu không, tác phẩm của bạn sẽ chỉ là những con chữ hỗn độn mà không độc giả nào có thể chấp nhận.
Hiểu ít nhưng thích viết "lớn"
Bệnh của một số sinh viên hiện nay là thích viết những điều to tát, lớn lao, trong khi kiến thức còn hạn chế. Như vậy vấn đề được nhắc đến sẽ không đúng, trúng, và sâu, hoàn toàn không thuyết phục được độc giả. Biết 10 chỉ nên viết 1, 2; biết 100 thì viết 10. Có như vậy bài viết mới đủ sâu sắc và chắc chắn. Nhiều nhà báo là cây đa, cây đề trong làng báo, họ lựa chọn viết những vấn đề nhỏ, giản đơn, nhưng khi đến với độc giả thì chan chứa bao nhiêu tâm sự, gửi gắm những triết lý sâu xa đến không ngờ.
Phạm Tuyết Nhung
Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận