82% sinh viên "nhịn tiểu" khi nhà vệ sinh bẩ
(Sóng Trẻ) – Đó là số liệu thống kê được trong một cuộc điều tra nhỏ của nhóm sinh viên Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy chất lượng nhà vệ sinh không đảm bảo có tác động tiêu cực đến sức khỏe của học sinh - sinh viên, gây nên hậu quả không tốt cho những người trực tiếp sử dụng nhà vệ sinh bẩn.
Vệ sinh là một nhu cầu không thể thiếu đối với tất cả mọi người nói chung và cho học sinh - sinh viên nói riêng. Mặc dù những năm gần đây khu vực nhà vệ sinh trong trường học được chú trọng, quan tâm nhiều trong việc sửa chữa, bảo quản, tuy nhiên vẫn còn có nhiều chỗ thiếu sót trong cơ sở vật chất.
Nhóm sinh viên trường khoa Ngữ Văn Pháp - trường ĐH Khoa học và Xã hội Nhân Văn (TP.HCM) đã thực hiện đề tài nghiên cứu về chất lượng nhà vệ sinh trong trường đại học của mình. Biên tập viên Sóng Trẻ xin lược trích và biên tập một phần trong nghiên cứu, tập trung vào nội dung "Tầm quan trọng của nhà vệ sinh trong trường học".
11, 7% nhà tiêu đạt chuẩn tại các trường nông thôn
Vấn đề nhà vệ sinh trong trường học nói chung rất được cộng đồng quan tâm, bằng chứng là có rất nhiều bài báo viết về đề tài này. Trên báo điện tử An ninh thủ đô, 18/09/2011 có đăng bài: “Hãi hùng nhà vệ sinh trường học” của tác giả Huyền Chi. Bài viết cung cấp đưa ra một khảo sát của Bộ giáo dục và đào tạo tại 14 tỉnh, thành phố. Trong đó có đến 3.000 trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo chất lượng, chiếm gần 30% trong tổng số 11.000 trường. Tác giả đã liên tục đưa ra các dẫn chứng đáng lo ngại về sự ảnh hưởng của nhà vệ sinh kém chất lượng đến học sinh tại trường. Tuy nhiên, bài báo này chỉ mới nêu lên nguyên nhân, vẫn chưa đưa ra được biện pháp cải thiện.
Báo Thanh niên, số 277 (6129) ra ngày 3/10/2012 có bài viết lớn: “Sinh viên không dám… đi vệ sinh” của tác giả Lê Thanh. Bài viết nêu lên những thực trạng nhà vệ sinh tại các trường Đại Học - Cao Đẳng và kí túc xá tại thành phố Hồ Chí Minh dành cho sinh viên xuống cấp trầm trọng nhưng dường như các cơ quan quản lí vẫn chưa mấy quan tâm, đồng thời nêu lên những ảnh hưởng tiêu cực đến từ nhà vệ sinh bẩn.
Khu vệ sinh và nhà tắm tại khu C, KTX Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xuống cấp, tường đóng rêu – (Ảnh: tác giả Lê Thanh)
Theo trang Nursing Times (www.nursingtimes.net) đăng vào ngày 22/06/2010 nói về một nghiên cứu vào năm 2003 của Community Practitioners’ and Health Visitors’ Association ở Vương Quốc Anh với tiêu đề “Tiêu chuẩn tối thiểu của nhà vệ sinh trong trường học là cần thiết để cải thiện sức khỏe trẻ em” của tác giả Jenny Perez, giám đốc của Education and Resources for Improving Childhood Continence. Bài báo đã đưa ra các số liệu có được từ cuộc nghiên cứu để cho thấy ảnh hưởng của nhà vệ sinh đến sức khỏe trẻ em, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn tối thiểu dành cho một nhà vệ sinh trong trường học (những tiêu chuẩn này đã được đăng trên trang http://www.bog-standard.org/factsheet_016.aspx), nhưng vẫn chưa nêu lên các giải pháp thực tế để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh.
Ở Việt Nam, nhìn chung, vẫn chưa có một sự quan tâm đúng mực đến công trình phụ này. Nếu như các khu chung cư cao cấp, các văn phòng, những dịch vụ sang trọng, những khu nghỉ mát cao cấp, các trường học, bệnh viện có ngân sách dồi dào… công trình phụ khá được chú trọng về hình thức cũng như các tiện nghi cơ bản nhất thì các khu du lịch phổ thông, khu vui chơi dành cho trẻ em, trường học và bệnh viện công… nhà vệ sinh gần như chỉ sạch sẽ được một thời gian ngắn và bắt đầu dần dần xuống cấp, xuất hiện các hư hỏng. Một mặt do cơ sở vật chất không được quan tâm đầu tư xây dựng, mặt khác là do nước ta những dịch vụ công cộng được mọi người sử dụng nhiều hơn cả, vì phí không quá cao, nên nhà vệ không được giữ gìn cẩn thận và thiếu chi phí xây dựng cũng như sửa chữa, bảo quản.
Theo trang Wikipedia, một điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về hiện trạng các công trình vệ sinh tại 966 điểm trường tại vùng nông thôn Việt Nam đã chỉ ra: trong tổng số điểm trường điều tra chỉ có 72,7% số điểm trường có nhà tiêu và chỉ có khoảng 54% nhà tiêu thuộc loại hình hợp vệ sinh (trong đó chỉ có 11,7% nhà tiêu đạt tiêu chuẩn vệ sinh). Tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu đạt tỷ lệ thấp nhất là khối mầm non: 52,4%. Khối mầm non cũng là khối có tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu thuộc loại hình hợp vệ sinh thấp nhất (39,5%).
Sinh viên "nhịn tiểu"
Để phản ánh được thực trạng của hệ thống nhà vệ sinh trong khuôn viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, cơ sở Linh Trung (Quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) nhóm nghiên cứu đã thực hiện một bảng khảo sát nhỏ trong 100 bạn sinh viên, về hệ thống Nhà vệ sinh của trường.
Thứ nhất, nhóm đưa ra câu hỏi đầu tiên có nhiều sự lựa chọn về một số vật dụng cơ bản trong phòng vệ sinh để thăm dò ý kiến của các bạn sinh viên, xem các bạn có nguyện vọng muốn sử dụng một nhà vệ sinh “chất lượng” như thế nào.
Ý kiến của sinh viên về một Nhà vệ sinh chất lượng
Các vật dụng mà đa số các sinh viên cho rằng là cần thiết nhất phải có trong nhà vệ sinh, đó là giấy vệ sinh, gương, sọt rác và phải có từ 3 phòng vệ sinh trở lên. Theo tình hình khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy hầu như không hề có giấy vệ sinh và chỉ có hệ thống nhà vệ sinh thuộc khu nhà học mới xây mới được bố trí vòi xịt thay cho giấy.
Câu hỏi thứ hai liên quan đến “Mức độ quan tâm đến chất lượng nhà vệ sinh trong trường học”
Mức độ quan tâm đến chất lượng nhà vệ sinh của sinh viên Nhân văn
Có thể thấy, mức độ Quan tâm và Rất quan tâm của Sinh viên về chất lượng nhà vệ sinh trong trường là rất cao, và rất thấp các sinh viên không quan tâm đến vấn đề vệ sinh này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính bản thân sinh viên.
Một trong các câu hỏi khảo sát được đưa ra: “Bạn có phải ‘nhịn’ khi thấy nhà vệ sinh quá bẩn?”
Phản ứng của sinh viên khi thấy nhà vệ sinh quá bẩn
Có một sự chênh lệch khá rõ ràng trong biểu đồ. Hơn 80% sinh viên trả lời câu hỏi có xu hướng “nhịn” khi thấy nhà vệ sinh quá bẩn. Điều này chứng minh nhà vệ sinh trong trường đã có lúc rất bẩn đến nỗi khiến cho sinh viên phải chịu như vậy, nó dẫn đến một số tác hại không hề tốt đến sức khỏe của sinh viên.
Cận cảnh hậu quả
Trang VnExpress đăng ngày 15/09/2011 có bài viết: “Nhà vệ sinh bẩn - nơi cư trú lý tưởng cho vi khuẩn” thực hiện phỏng vấn TS.BS Chuyên Khoa II Nguyễn Đức Chính (Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội). Ông cho biết: “Môi trường ẩm thấp của nhà vệ sinh có thể hình thành các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn tả, thương hàn, phó thương hàn cùng các chủng khác của E.coli. Đặc biệt, những vi khuẩn sống trong bồn cầu nhà vệ sinh cũng là một trong những nguồn gốc chủ yếu gây bệnh viêm não ở trẻ em. Đặc biệt, bệnh tay-chân-miệng với cơ chế lây lan qua 3 đường chính trong đó có đường phân-miệng khiến vấn đề nhà vệ sinh trường học lại càng trở nên nhạy cảm và đáng báo động. Theo tài liệu của Viện nghiên cứu & phát triển Cambridge, trong 7 giờ, một con vi khuẩn trong nhà vệ sinh có thể trực phân liên tục thành 2 triệu con vi khuẩn. Với cường độ sử dụng nhà vệ sinh cao hiện nay ở các trường tiểu học, tốc độ này thậm chí còn nhanh hơn”.
Sinh viên có thể sẽ mắc phải các bệnh đường ruột như kiết lị, sỏi thận do nhịn tiểu quá lâu. Hoặc có thể, để tránh sử dụng nhà vệ sinh bần, sinh viên sẽ có khuynh hướng hạn chế uống nước để giảm cơn buồn tiểu. Rất nguy hiểm nếu cơ thể không được tiếp đủ lượng nước cần thiết, cơ thể sẽ bị giảm khả năng thải độc, gây mệt mỏi và suy nhược trí óc, ảnh hưởng rất xấu đến việc tiếp thu kiến thức trên giảng đường cho sinh viên. Mặt khác, do tính chất khí hậu ở Việt Nam vào mùa hanh khô, nắng gắt, cơ thể sẽ mất khá nhiều nước nên việc cung cấp nước lại là rất cần thiết.
Có thể đưa ra hai nguyên nhân chính là: một là do sự đầu tư chưa thích đáng từ phía nhà trường, hay nói cách khác là do không có đủ kinh phí để xây dựng. Hai là do chính ý thức sử dụng của học sinh, sinh viên. Các học sinh lẫn sinh viên vẫn còn nhiều trường hợp chưa ý thức tốt việc sử dụng và giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ.
Khi thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã quan tâm rất nhiều đến hậu quả việc kém chất lượng của nhà vệ sinh tại trường đối với sinh viên. Nhấn mạnh hậu quả của tình trạng xuống cấp nhà vệ sinh để mong rằng nhận được những phản hồi tích cực từ phía nhà trường và cả sinh viên - những người trực tiếp sử dụng. Hơn ai hết, các sinh viên cần có hiểu biết về vấn đề này để có thay đổi về ý thức khi sử dụng nhà vệ sinh, cũng như lên tiếng với nhà trường về nhu cầu của mình.
Giảng viên hướng dẫn: Thạc sĩ Châu Văn Ninh
Nhóm sinh viên: Kim Duyên, Bích Nhã, Thanh Trúc, Mỹ Vân
(ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM)
Cùng chuyên mục
Bình luận