Bác sĩ Mỹ trao tặng gần 500 hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
(Sóng trẻ) - Sáng 17/5, nhân dịp chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng 2022, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật và giao lưu với chủ đề “Bảo tàng - Nơi kết nối với tình yêu di sản”.
Chương trình có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng các bên liên quan. Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của ông Mark Rapoport, chủ nhân các hiện vật được gửi tới bảo tàng. Đây sẽ là buổi trao tặng hiện vật lớn nhất của ông Mark với gần 500 trong tổng số hơn 650 hiện vật, tiêu biểu là các bộ sưu tập: Dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp, nhà bếp, ăn trầu, trang sức trang điểm,...
Số hiện vật được trao tặng không chỉ gây ấn tượng về giá trị văn hóa mà với ông Mark, đó còn là những kỷ niệm về những chuyến đi sưu tầm, về những lần ông bất ngờ với văn hóa Việt Nam. Lý giải cho hành động tặng hiện vật của mình, ông Mark Rapoport chia sẻ: “Tôi trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ vì tôi yêu quý và rất tin tưởng nơi này. Đây sẽ là nơi gìn giữ và phát huy tốt những giá trị của chúng”.
Tiếp nhận món quà từ ông Mark, bà Nguyễn Thị Tuyết, phó giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bày tỏ niềm trân trọng đối với tình cảm của ông Mark Rapoport khi gửi tặng bảo tàng số lượng lớn hiện vật gắn liền với người phụ nữ Việt Nam do chính ông sưu tầm và nghiên cứu. Đồng thời, đại diện bảo tàng khẳng định mỗi hiện vật trưng bày tại đây sẽ luôn được nâng niu, bảo quản và khai thác phục vụ cho các hoạt động chuyên môn.
Mối lương duyên với di sản Việt
Ông Mark Rapoport chia sẻ bản thân lần đầu tiếp xúc với hiện vật Việt Nam trong chuyến đi tới một ngôi làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi. Khi đó, người phiên dịch của ông nói rằng người dân trong làng rất nghèo, nếu ai muốn mua đồ vật họ sẽ bán. Ngày hôm ấy, Mark đã mua một chiếc giỏ để đựng cơm và một gùi ba ngăn. Kể từ đó tới nay, ông đã có một bộ sưu tập hiện vật tuyệt vời về văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trong vòng 20 năm, Mark đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật về văn hóa của các dân tộc tại Việt Nam.
Trong quá trình sưu tầm di sản, rào cản về ngôn ngữ khiến Mark gặp không ít khó khăn. Ông cho biết bản thân phải tự tìm hiểu thông tin từ trước và Mark cảm thấy thật may mắn khi có những người bạn đồng hành giúp đỡ ông trên con đường sưu tầm di sản văn hoá. Ông bày tỏ mong muốn được đi tới những nơi thật xa để có thể tìm thấy những di sản tuyệt vời của người Việt Nam và mang chúng tới gần hơn với mọi người.
Mong muốn gìn giữ giá trị Việt
Không chỉ là một người đi sưu tầm di sản, đối với Mark, việc bảo tồn những hiện vật ấy cũng vô cùng quan trọng. Từ suy nghĩ đó, dự án kính dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã ra đời.
“Trong một chuyến đi đầu tiên đến thăm các ngôi làng ở khu vực miền núi phía Bắc, tôi thấy một người phụ nữ lớn tuổi loay hoay tập trung vào chi tiết của một tấm vải dệt. Là một thầy thuốc, tôi biết bà ấy bị lão thị. Biểu hiện chính là không tập trung được vào vật ở gần. Cách chữa trị là đeo kính”, Mark chia sẻ cơ duyên dẫn tới dự án.
Ông nhận ra rằng việc đeo kính sẽ giúp ích cho bà ấy. Trong những chuyến đi tiếp theo, ông mang tặng gần 100 chiếc để giúp những người phụ nữ lớn tuổi tiếp tục công việc thêu thùa, may vá. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, sau gần 20 năm, ông Mark đã tặng được 9000 chiếc kính. Dự án đã giúp ích cho những người phụ nữ lớn tuổi, đồng thời góp phần bảo tồn nghề truyền thống.
Là một người nước ngoài nhưng Mark Rapoport lại có niềm đam mê mãnh liệt đối với việc sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thông qua buổi trao tặng hiện vật, ông Mark hy vọng có thể lan tỏa di sản văn hóa tới mọi người, gắn kết những trái tim say mê tình yêu với di sản và ngày càng phát huy giá trị cốt lõi dân tộc Việt.