Bàn về công việc dẫn chương trình phát thanh
(Sóng trẻ)- Dẫn chương trình và người dẫn chương trình là những yếu tố quan trọng của mỗi chương trình phát thanh. Ở các nước có nền phát thanh hiện đại, tiên tiến trên thế giới, công việc dẫn chương trình được coi là một khâu quan trọng và tện tuổi của những người dẫn nổi tiếng đã trở thành một sự đảm bảo cho sức hấp dẫn và thương hiệu của mỗi chương trình.
Ở Việt Nam, vấn đề này ngày càng trở nên bức xúc hơn, cấp thiết hơn trong giai đoạn hiện nay, khi các chương trình phát thanh trực tiếp ra đời, đòi hỏi ở mức độ cao kỹ năng dẫn chương trình của biên tập viên. Nhiều Ban biên tập ở ĐTNVN song song với việc cải tiến chương trình đã hình thành đội ngũ người dẫn bán chuyên nghiệp. Những cái tên: Đình Khải, Đồng Mạnh Hùng, Vân Anh, Thanh Tùng, Thu Hà… đã trở nên quen thuộc với đông đảo thính giả thông qua sự dẫn dắt linh hoạt, duyên dáng . Song nhìn chung, công việc dẫn chương trình phát thanh ở ta hiện nay vẫn chưa được coi trọng đúng mức và người dẫn chương trình vẫn là một hình ảnh mờ nhạt.
Có thể bàn về một số vấn đề trong khâu dẫn chương trình của chúng ta về quan niệm cũng như nội dung, hình thức thể hiện.
1. Về quan niệm:
Nhiều nhà báo phát thanh cho rằng: chỉ cần nội dung tin bài hay và phong phú thì sẽ hấp dẫn được thính giả, lời dẫn chỉ là yếu tố phụ, đưa vào để nội dung thông tin có đầu có đuôi, làm sinh động thêm chương trình. Công việc dẫn với đầy đủ ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở đó.
Trước một chương trình, thính giả bị hấp dẫn bởi điều gì? Đó là bởi hai yếu tố:
+ Giá trị của thông tin
+ Sức lôi cuốn của việc truyền đạt thông tin
Hai yếu tố này đan xen, bổ sung cho nhau, gắn bó mật thiết với nhau, trong đó, sức lôi cuốn của việc truyền đạt thông tin lại phụ thuộc rất lớn vào khâu dẫn dắt. Có nhiều chương trình, nội dung được chuẩn bị rất công phu, tin bài phong phú, nhưng hiệu quả truyền thông lại không cao bởi thiếu một sự dẫn dắt chương trình lôi cuốn tương ứng. Nhiều tác phẩm đề cập những vấn đề nóng hổi mà nhà báo phải vất vả, lăn lộn với thực tế mới có được nhưng khi phát sóng nhiều thính giả bỏ qua vì không biết đến hoặc không bị hấp dẫn để chú ý lắng nghe. Chúng ta chưa thực sự quan tâm tới việc làm sinh động, hấp dẫn chương trình ở từng giây phút và làm thế nào để mỗi lần phát sóng, chương trình mang tới cho thính giả một sự mới mẻ, thú vị riêng. Nội dung thông tin hay, tất nhiên là một tiêu chí mà mọi chương trình cần đạt tới. Song, khâu dẫn dắt bị coi nhẹ sẽ làm giảm đi sức mạnh của mỗi một chương trình phát thanh. Biên tập viên, dẫn chương trình viên Lê Huy Nam - Ban Thời Sự - Đài Tiếng nói Việt nam đã nhận xét: “Lời dẫn có vị trí đứng giữa một phóng sự xuất sắc và nút tắt đài”.
2. Về nội dung:
Xuất phát từ quan niệm coi nhẹ công việc dẫn chương trình, nội dung dẫn của chúng ta lâu nay còn đơn giản, trùng lặp, ở nhiều chương trình là sự qua loa, đại khái, nhiều khi không có gì nài việc giới thiệu các thành phần của chương trình. Thậm chí có chương trình, sau nhạc cắt, biên tập viên đọc luôn tin bài. Những gì thính giả nhận được là sự xa lạ, rời rạc của thông tin. Chương trình trôi qua, thông tin loáng thoáng rồi rơi vãi. Với cách làm như vậy, chúng ta tự đánh mất người nghe!
Làm thế nào để người nghe đón nhận và ghi nhớ thông tin? Làm thế nào để thính giả không nghe một cách thụ động? Đó là những câu hỏi đặt ra cho biên tập viên trong quá trình dẫn. Nội dung thông tin càng hay, có nhiều chi tiết đắt thì lời dẫn càng phải hấp dẫn. Một điều thuận lợi cho người dẫn là khi có nội dung hay thì dễ nói hay, nói tự tin và phát huy được cao nhất khả năng dẫn dắt của mình.
Lời dẫn cần đạt được một số yêu cầu về nội dung như sau:
- Lời dẫn phải mở ra khúc dạo đầu cho chương trình, làm cho người nghe thưởng thức được hương vị của nó. Nhiệm vụ đầu tiên của lời dẫn là làm cho người nghe cảm nhận được cái hay, cái mới lạ mà chương trình sẽ mang đến cho họ. Họ nhận thấy được sự cần thiết phải nghe không chỉ vì nội dung thông tin nóng bỏng mà còn bởi sự lôi cuốn, duyên dáng của chương trình, ở đó họ có được những giây phút thú vị.
- Gắn kết các thành phần tham gia trong chương trình. Đó không chỉ đối với các vị khách mời mà đối với cả từng tin bài riêng lẻ, các bài hát được sử dụng trong chương trình. Đối với các vị khách mời, người dẫn vừa phải trực tiếp hỏi và dẫn dắt để khai thác và chuyển tải thông tin tới thính giả vừa phải giúp họ có được mối liên hệ gần gũi, thân mật với nhau để cùng bàn bạc và trao đổi. Đối với các tin bài được đưa vào chương trình, người dẫn phải nắm bắt cái hồn, cái ý của từng tác phẩm để dẫn dắt và kết nối. Bởi lẽ, khi phóng viên thực hiện tin bài, họ đi theo từng góc độ riêng của họ. Những tin bài đó phải được kết nối, xâu chuỗi thành một cái mạch chung, tạo nên tính tổng thể cho chương trình, làm nổi bật chủ đề mà vẫn có được những ấn tượng riêng.
Thông qua việc liên kết, gắn bó các thành phần tham gia chương trình, lời dẫn còn có ý nghĩa định hình tâm trạng, bối cảnh, lôi kéo thính giả gắn với chương trình từ đầu đến cuối. Từ việc cảm nhận được hơi thở của sự kiện, của vấn đề, người nghe trở nên chủ động tiếp thu và nhờ đó thông tin của chương trình giảm thiểu được sự lãng phí, đem lại hiệu quả cao hơn.
- Bám sát lượng nội dung thông tin được chuyển tải, rút ra từ đó cái ý sáng nhất, hấp dẫn nhất mà đánh vào sự tò mò của thính giả. Lời dẫn không thể là sự sáo rỗng, trùng lặp, lời dẫn của ngày hôm qua cũng có thể sử dụng cho ngày hôm nay và cho ngày mai. Đó vừa phải là sự mời chào hấp dẫn vừa lại chứa đầy kiến thức, gợi mở được vấn đề.
Ví dụ, có hai cách dẫn:
Cách thứ nhất: Tình hình Trung Đông tiếp tục căng thẳng. Sau đây là tin tổng hợp.
Cách thứ hai: Hôm qua được coi là ngày thứ sáu đẫm máu nhất trong 17 tháng xung đột liên tiếp ở Trung Đông. Phóng viên chuyên theo dõi tình hình khu vực này phản ánh chi tiết với quí vị và các bạn.
Cách thứ nhất có vẻ chung chung, không nêu được sự biến động mạnh mẽ của sự kiện, vì vậy kém phần hấp dẫn. Cách thứ hai sắc sảo hơn, bám sát nội dung, nêu được thông tin đắt giá, làm thông tin cựa quậy, thu hút sự chú ý của người nghe hơn. Cách làm này đòi hỏi sự nỗ lực của biên tập viên, phải đọc kỹ, hiểu kỹ nội dung chương trình. Đối với một số nước như Anh, Pháp, lời dẫn còn như là một sự quảng cáo cho thông tin, kích thích sự tò mò của thính giả. Với tinh thần học hỏi cái hay, loại bỏ cái dở, cái không phù hợp, tôi nghĩ rằng cách làm trên cũng có thể áp dụng đối với các chương trình phát thanh của chúng ta.
-Lời dẫn luôn phải có sự sáng tạo cao về mặt ngôn từ và ý tưởng. Ngôn từ trong lời dẫn không những phải chuẩn xác, chuyển tải được lượng thông yin cần thiết mà còn phải có sức biểu cảm cao, tạo ấn tượng. Bên cạnh đó những ý tưởng hay, mới mẻ, hóm hỉnh trong lời dẫn có thể đem lại cho thính giả sự thú vị, vui tươi và làm cho chương trình trở nên sinh động cuốn hút.
3. Về hình thức:
Hiện nay, chúng ta vẫn còn có nhiều chương trình không có người dẫn chương trình. Thay vì người dẫn, các chương trình này sử dụng hai giọng, một nam một nữ thay nhau đọc. Thậm chí có chương trình tên là: “diễn đàn” nhưng cũng chỉ là hai giọng đọc thay nhau. Kiểu dẫn “sau đây là” vẫn còn phổ biến, chẳng cần đầu tư công sức, biên tập viên cứ bật micro là giới thiệu và đọc tin bài. Nhìn chung, hình thức dẫn chương trình của ta còn đơn điệu, thiếu sinh động, chưa tận dụng được sức hấp dẫn của lời dẫn.
Một số ít chương trình đã bước đầu coi trọng khâu dẫn chương trình, công việc này được thực hiện chu đáo hơn, song do cũng chỉ là công việc “làm thêm” nên thời gian và công sức dành cho việc thiết kế nội dung và hình thức dẫn còn ít ỏi. Ngay cả ở những chương trình này thì việc dẫn đơn điệu, xa rời nội dung vẫn xảy ra và những lỗi nhỏ trong quá trình dẫn do không chuẩn bị kỹ như việc giới thiệu sai tên tuổi vị chủ tịch tỉnh X hoặc sai địa danh, giới thiệu bài hát “ Chín bậc tình yêu ” song lại phát bài “ Ca dao em và tôi ”… làm cho người dẫn trở nên có vẻ ngô nghê và người nghe thì như đang ăn cơm mà cắn phải hạt sạn.
Có thể đưa ra một số yêu cầu về hình thức lời dẫn như sau:
- Lời dẫn phải ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Sau khi đưa ra được cái ý cần thiết, lời dẫn phải nhanh chóng nhường chỗ cho nội dung thông tin. Lời dẫn quá dàI sẽ làm mất hứng thú của người nghe.
- Lời dẫn phải duyên dáng, sinh động, tự nhiên. Người dẫn vừa phải tạo được sự duyên dáng trong lời nói vừa có cách ngắt nhịp phù hợp, tạo điểm nhấn để thính giả dễ nghe, dễ nhớ. Lời dẫn rất phong phú, đa dạng nhưng hay nhất lại chính là những lời dẫn giản dị, tự nhiên, gây được cảm xúc bất ngờ. Sự linh hoạt trong phong cách dẫn, sự đa giọng điệu, sự kết hợp hài hoà giữa giọng nam và nữ đem lại cho lời dẫn tính sinh động, thu hút sự lắng nghe.
-Lời dẫn cần được chuyển tải bằng giọng nói hay. Người dẫn chương trình cần phải có một giọng nói chuẩn về mặt thanh sắc, âm điệu, có khả năng biểu cảm cao. Người dẫn chương trình phát thanh lại càng phải có một giọng nói đáp ứng được những đòi hỏi cao về chất giọng và sức biểu cảm.
4. Đôi điều về người dẫn chương trình phát thanh:
Để thành công trong công việc dẫn, người dẫn chương trình phát thanh nài những tố chất của một nhà báo như khả năng phát hiện nhanh nhạy, sự ứng đối linh hoạt, có bản lĩnh vững vàng thì người dẫn còn phải có duyên dẫn. Cái duyên đó lại chỉ có được nhờ các yếu tố: chất giọng hay, kiến thức rộng và cả tố chất riêng của bản thân người đó nữa. Chất giọng là bẩm sinh nhưng không thể thiếu sự rèn luỵện, còn kiến thức là sự luôn biết học hỏi, tìm tòi, sáng tạo. Kiến thức của người dẫn còn bao gồm cả vốn từ vựng phong phú, và ngôn từ mà người dẫn sử dụng bao giờ cũng giản dị, dễ hiểu, gần gũi với đời thường. Người dẫn cũng cần có khả năng diễn đạt một cách xác đáng những suy nghĩ, cảm xúc bằng lời, và cần có cả sự hài hước để làm tăng thêm phần sinh động, thú vị cho chương trình.
Dẫn chương trình theo đúng yêu cầu của công việc này là một việc khó, đòi hỏi nhiều sự nỗ lực của người dẫn. Một chương trình phát thanh, đặc biệt là chương trình phát thanh trực tiếp có thành công hay không phụ thuộc một phần rất lớn vào khâu dẫn. Bởi vậy, đã đến lúc các Đài Phát thanh của chúng ta đầu tư cho việc đào tạo, phát triển đội ngũ người dẫn chương trình và đặt cho công việc dẫn một vị trí xứng đáng trong danh mục các công việc của một chương trình, tạo thời gian thực hiện và có thù lao thích đáng cho người dẫn để khuyến khích họ làm việc. Cũng đã đến lúc các nhà báo phát thanh, đặc biệt là nhà báo trẻ dành một phần thời gian và công sức để học hỏi và rèn luyện năng lực dẫn chương trình của mình.
Riêng đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một cơ sở đào tạo các chuyên ngành báo chí, trong đó có chuyên ngành phát thanh, chúng tôi xin kiến nghị, trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành này nên rèn luyện cho các em kỹ năng dẫn dắt chương trình, bao gồm việc rèn luyện giọng, phát triển năng lực sử dụng ngôn từ cũng như khả năng nói trước micro và việc giữ bình tĩnh, ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống, để khi các em ra trường sẽ là một đội ngũ có năng lực làm việc tốt, chịu được các thử thách của công việc, đáp ứng những nhu cầu mà các Đài phát thanh đang đặt ra.
ThS Đinh Thu Hằng
Khoa Phát thanh – Truyền hình
Cùng chuyên mục
Bình luận