Báo chí trong tầm mắt cơn bão: Những câu chuyện phía sau ống kính

(Sóng trẻ) - Ngày 3/12, Trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến về tác nghiệp trong thiên tai với sự tham gia của hai khách mời là phóng viên, biên tập viên dày dặn kinh nghiệm. 

Khi xảy ra thiên tai, phóng viên chính là những chiến sĩ trên mặt trận truyền thông. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, vai trò của họ trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến công chúng càng trở nên quan trọng. 

Buổi Tọa đàm với sự tham gia của phóng viên/biên tập viên Nguyễn Tùng Thư (Đài truyền hình Việt Nam) và phóng viên/biên tập viên Nguyễn Trung Kiên (Truyền hình Công an Nhân dân) là dịp chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm thực tế và kinh nghiệm hai khách mời đã đúc kết sau quá trình làm việc ở những “điểm nóng” thiên tai.

Đến tham dự buổi tọa đàm có sự góp mặt của ThS. Trần Thị Phương Lan - Giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông; cùng các giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các bạn sinh viên có mặt trong hội trường, những khán giả đang theo dõi trên trang tin điện tử Sóng trẻ cũng như livestream trên fanpage của Trang tin.

hoa.jpg
ThS. Trần Thị Phương Lan tặng hoa hai khách mời đặc biệt của chương trình. (Ảnh: BTC)

Đương đầu với Yagi

Khi mới bước chân vào nghề báo, anh/ chị có bao giờ  hình dung rằng sẽ phải trực tiếp lấy tin tại những điểm nóng về thiên tai không?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Người ta thường nói rằng "nghề chọn người".  Tôi chọn học truyền hình tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền với suy nghĩ sẽ trở thành biên tập viên quốc tế. Những ngày còn học trong trường,  tôi chưa từng nghĩ rằng sau này sẽ trở thành phóng viên đưa tin tại các "điểm nóng" thiên tai. Nhưng nhờ cái duyên với nghề, hiện tại  tôi đang làm phóng viên tác nghiệp tại môi trường đặc biệt này.

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: Bản thân  tôi cũng có sự tương đồng với chị Thư. Từ ngày còn là sinh viên,  tôi đã thực tập tại trung tâm VTV24, đơn vị có những chương trình văn hoá rất nổi bật. Sau này, khi chuyển sang Đài Truyền hình Công an nhân dân tôi vẫn công tác tại mảng văn hóa và chưa từng nghĩ rằng sẽ tác nghiệp trong "tâm bão". Có lẽ vì thế,  tôi có góc nhìn rất mới lạ về bão lũ, thiên tai, và cũng có cơ hội ngồi đây để chia sẻ về hành trình tác nghiệp  tôi tại Hạ Long, Quảng Ninh vừa rồi.

Động lực nào đã thúc đẩy 2 khách mời quyết định đến hiện trường ngay lập tức, trong khi biết rằng đó là một môi trường đầy rủi ro? Trước khi lên đường tác nghiệp, anh chị đã chuẩn bị như thế nào?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: 16 năm theo nghề thì đã có khoảng 12-13 năm tôi làm phóng viên chuyên sâu về thiên tai, biến đổi khí hậu và môi trường. Tôi đã học hỏi rất nhiều từ thực tế hiện trường, từ đồng nghiệp và cả những chương trình đào tạo đặc biệt dành cho phóng viên chuyên sâu tại các "điểm nóng" thiên tai. Vì vậy, tôi luôn giữ tâm thế sẵn sàng cho công việc đưa tin này.

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: Đến nay, tôi đã gắn bó với truyền hình gần một thập kỷ và cũng có những kỹ năng làm truyền hình, có thể gọi là "nhạy cảm nghề". Trước khi đối mặt với cơn bão,  tôi cảm thấy rất bình lặng. Thế nhưng, tôi đã vô cùng bất ngờ trước sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Có lẽ vì là đàn ông, sức chịu đựng của  tôi tốt hơn cộng thêm sự can đảm,  tôi đã có thể vượt qua. Tuy nhiên, khi chứng kiến cơn bão khủng khiếp cuốn trôi mọi thứ, kể cả những biển pano, áp phích khổng lồ thì mới thấy đó thực sự là một trải nghiệm kinh hoàng. 

Trước tình hình không có điện, không có mạng, chị Tùng thư đã cập nhật tin bài về trung tâm bằng cách nào?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Thời điểm đó, có hai bán đảo chính chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi là Bạch Long Vĩ và Cô Tô, tôi đã lựa chọn Cô Tô. Trước khi lên đường công tác, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống mất điện và mất sóng điện thoại. Sống trong điều kiện thông tin như hiện nay, mất điện và mất sóng vô cùng khủng khiếp. 

Ngoài công cụ Đài chuẩn bị cho mang đi, tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Về cột sóng, phải đi dò cột sóng nào ít bị ảnh hưởng nhất để gửi tin về nhà. Ngoài ra  tôi còn liên hệ với bên quân đội, chuẩn bị phương án liên lạc bằng điện thoại vệ tinh nếu cần thiết.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hỗ trợ từ địa phương, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn như vậy.

Hình ảnh nào khiến anh ấn tượng nhất về sức tàn phá của cơn bão Yagi tại Quảng Ninh, thưa anh Trung Kiên? (Độc giả Nguyễn Trung - Hà Nội) 

PV/ BTV Nguyễn Trung Kiên: Tôi có một góc nhìn khác từ vị trí của một phóng viên chuyên làm mảng Văn hóa: Rất khó để tìm thấy hình ảnh người dân lạc quan và đoàn kết ở đâu giống như người dân Quảng Ninh. Khi tác nghiệp, tôi ở tại một nhà khách của Công an tỉnh Quảng Ninh. Điều làm  tôi ngạc nhiên là dù sắp đối mặt với cơn bão, mọi người vẫn mời  tôi ăn uống rất bình thường, thậm chí còn thịnh soạn. Khi hỏi, tôi được chia sẻ rằng các nhà hàng vẫn thoải mái dùng hải sản, vì biết rằng khi bão đổ bộ, các bể hải sản sẽ không thể giữ được.

Ngay khi cơn gió đầu tiên đổ bộ – chỉ là đợt gió nhẹ nhất trong trận bão, các nhà cửa và nhà hàng ven biển đã tan hoang. Tuy nhiên, sau khi bão đi qua, người dân vẫn lạc quan ngồi lại với nhau để chia sẻ: “Nhà ông mất bao nhiêu tiền?”, “Nhà tôi còn mất nhiều hơn”. Dù hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn tìm cách động viên nhau bằng những lời nói đầy lạc quan như vậy.  Tôi nghĩ, tinh thần hôm đó của người dân Quảng Ninh chính là hình ảnh thu nhỏ của tinh thần người Việt Nam – rất lạc quan và tích cực vượt qua khó khăn.

km1.jpg
Hai khách mời chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp báo chí tại cơn bão Yagi. (Ảnh: BTC)

Chị đã dự đoán và theo dõi hướng đi của bão Yagi như thế nào để lên kế hoạch tác nghiệp, thưa chị Tùng Thư?

PV/ BTV Nguyễn Tùng Thư: Tôi là phóng viên chuyên về thiên tai và biến đổi khí hậu nên trong hành trình nhiều năm làm nghề, Yagi quả thật là một siêu bão nhưng không phải là lần đầu tiên tôi gặp. Tháng 11 năm 2013,  tôi đã làm phim tài liệu về công tác khắc phục hậu quả của siêu bão Haiyan tại Philippines và chứng kiến những khái niệm chưa bao giờ nghĩ đến, như những ngôi mộ tập thể – vô cùng ám ảnh.

Người Philippines mai táng không để mộ gồ lên để tôi biết đâu là đường đi, đâu là mộ,  tôi đã sa vào một ngôi mộ mà không hề hay biết. Tên trên mộ viết nguệch ngoạc, Philippines khi đó tan hoang, người dân phải vá víu mọi thứ như trong cảnh chiến tranh. Tôi nhìn thấy rất nhiều vật dụng của trẻ em như búp bê và gấu bông.  Tôi nghĩ nếu công tác dự báo được thực hiện tốt hơn thì sẽ không xảy ra những thảm họa nghiêm trọng như vậy. Philippines là một quốc gia có hệ thống cảnh báo tốt, nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự tàn phá của bão. 

Khi Yagi đến,  tôi nhìn thấy đường đi của cơn bão và biết rằng nó sẽ đi qua Bạch Long Vĩ và Cô Tô. Sau khi trao đổi với Ban lãnh đạo cơ quan, tôi quyết định sẽ ra đảo vì thông tin từ đảo sẽ trực quan và chính xác nhất trước khi cơn bão đi vào đất liền. VTV có khoảng 100 phóng viên và biên tập viên tham gia tác nghiệp cả bão và lũ trong Yagi. Tôi quyết định ra tuyến đảo vì nếu ở đất liền sẽ khó hình dung được sức tàn phá của cơn bão.

Đối với Yagi, điều tôi nhớ nhất là cảnh tan hoang sau bão. Một tháng trước, tôi đã đến Cô Tô để làm phóng sự về công tác trồng rừng của người dân trước khi cơn bão đến. Người dân Cô Tô như sống trong vùng bị chất độc hóa học tấn công, rừng cây xơ xác. Nếu không có cánh rừng đó, không biết sẽ có bao nhiêu người thương vong. Cô Tô giống như một kỳ tích, vì nếu không có cánh rừng đó, thiệt hại sẽ rất lớn.

Không chỉ Trung tâm Dự báo khí tượng quốc gia mà còn cả các cơ quan khí tượng quốc tế, như Hong Kong và Mỹ đều đánh giá cơn bão này là rất mạnh. Khi Yagi đến Trung Quốc, tôi cập nhật số liệu từ cơ quan khí tượng và hình ảnh cơn bão này bên đó. Tôi ra đảo Cô Tô vào ngày 5/9 – là người đi công tác đầu tiên thì khoảng 3/9 - 4/9, các chuyên gia đã cảnh báo tôi phải cẩn thận vì cơn bão này rất mạnh.

Khác với Trung Kiên nghĩ rằng trời êm, nắng đẹp thì bão sẽ không vào nhưng với kinh nghiệm của tôi, trước bão, trời càng nóng, êm và oi bức, càng chứng tỏ bão sẽ mạnh. Đặt chân đến Cô Tô, tôi thấy chuồn chuồn bay rất nhiều, nước biển trong, cá dồn vào chân cảng, và tôi chắc chắn rằng cơn bão này sẽ đổ bộ.

Chị Tùng Thư có thể chia sẻ chi tiết hơn về khoảnh khắc khi gió lớn nhất, ekip phải cố gắng để giữ vững thiết bị, đảm bảo an toàn cho bản thân và tiếp tục đưa tin trực tiếp về cơn bão Yagi?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Trước khi đi đưa tin về cơn bão Yagi, như đã chia sẻ ban đầu, tôi từng làm việc với NHK Nhật Bản – một đài truyền hình đưa tin thiên tai và thảm họa hàng đầu thế giới. Tôi đã được học rất kỹ lưỡng từ các thầy về cách đưa tin trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra để đảm bảo an toàn cho người phóng viên.

Ekip của tôi có 4 người: quay phim, lái xe, kỹ thuật, tôi là người quyết định điểm tác nghiệp và nội dung cần đưa tin. Vào 9h sáng ngày 7/9, gió ở Cô Tô đã bắt đầu nổi to đổi hướng tiến vào đất liền, tức là bão đang vào Cô Tô.

Lúc 8h, khi bão chưa mạnh, tôi chỉ đứng bên ngoài đưa tin về cảnh vật xung quanh. Đến 9h, tôi đã khảo sát sự an toàn nhưng có thể thấy tác động của gió bão rất mạnh. Gió giật có thể nói là loại gió nguy hiểm nhất và mình không ngờ rằng khi đưa tin, mình đã phải chống chọi lại với cơn gió giật. Khảo sát địa hình để đứng đưa tin, anh quay phim là người hứng trọn cơn gió bão, tôi còn được quay lưng lại để giữ an toàn và nếu gió thổi mạnh, tôi sẽ không bị thổi bay.

Lúc đó, máy quay của VTV nặng gần 30kg liên tục chao đảo, anh quay phim phải ghì chặt máy quay lại, anh lái xe thì ôm anh quay phim, máy quay đảo trái đảo phải. Tôi thấy sởn da gà nhưng không thể ngồi thụp xuống, vẫn phải tiếp tục đưa tin 

Sau khi kết thúc việc đưa tin, tôi thấy anh kỹ thuật đã ngồi xuống và túm lấy chân mình từ lúc nào, khiến tôi vừa xúc động vừa bất ngờ. Công việc của anh kỹ thuật chỉ là đảm bảo đường truyền và sóng, nhưng anh đã quan sát tình hình và nhận thấy nguy hiểm của tôi khi đối mặt với cơn gió giật. 

Khó khăn lớn nhất mà 2 khách mời gặp phải khi tác nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của bão Yagi là gì?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Đối với bà con hay công việc của lực lượng cứu hộ thì công việc của phóng viên là rất nhỏ bé. Điều ám ảnh lớn nhất đối với mỗi phòng viên là không thể truyền được tin bài về.

Theo tôi, đã là phóng viên, các bạn nên đầu tư một chiếc điện thoại đời mới nhất có thể. Tôi nhận ra được rằng chính chiếc điện thoại sẽ là công cụ tác nghiệp nhanh và hiệu quả nhất so với việc sử dụng máy quay - phải mất thời gian để cóp ra. Ngày nay, điện thoại có khả năng quay phim và thu tiếng rất tốt, chỉ cần thao tác đơn giản là có thể gửi qua Zalo. Trong các tin bài tôi gửi về, rất nhiều sản phẩm được thực hiện bằng điện thoại. 

Giống như Trung Kiên, chúng tôi cũng phải đi dò sóng, 4 người đi 4 hướng khác nhau, chỗ nào có sóng thì gọi người còn lại ra để gửi bài về. Tôi đã có thói quen sử dụng điện thoại và mạng 4G dung lượng lớn nên phát huy hiệu quả công việc. Phóng sự từ 3-4 phút cũng nên chia nhỏ thành từng 30 giây để có thể gửi nhanh hơn.

Thông thường, tôi chỉ cần gọi điện thoại hỏi nhân vật đang ở đâu, nhưng trong hoàn cảnh bão lũ, tôi thậm chí còn lên nhờ ban công của một người dân để có sóng còn gửi bài về.  

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: Khó khăn lớn nhất có lẽ là phải tự tôi trở thành một nhà báo đa năng trong cơn bão mà không có mạng, không có sóng: vừa là phóng viên, vừa phải tự cập nhật tin bài cho đài bằng cách thủ công. Rất may là hơn 30 tin bài tôi cập nhật đều thành công và đến tay khán giả. Trên tất cả, mọi người vẫn vượt qua những khó khăn để tin bài của mình được lên sóng sớm nhất, phục vụ thông tin cho người dân.

Tôi may mắn vẫn bắt được sóng để truy cập Internet. Các bài viết được xử lý rất vội và không được chỉn chu như bình thường. Tuy nhiên, dù không hoàn hảo, tôi vẫn đảm bảo cập nhật nhanh bằng cách làm việc xuyên ngày đêm để kịp thời gian phát sóng buổi sáng lúc 7 giờ và buổi trưa lúc 11 giờ của kênh. Theo tôi, những điều kiện khó khăn này đã giúp tôi thực sự trở thành một phóng viên chạy nóng – nhanh chóng cập nhật thông tin, nhanh nhẹn hơn thay vì chậm rãi đi sâu tìm hiểu như phóng viên văn hóa trước đây.

Giữa khó khăn, tôi thấy may mắn vì có cơ hội trải nghiệm tác nghiệp trong thiên tai. Tinh thần lạc quan là điều tôi học hỏi được từ chính người dân Quảng Ninh trong việc vượt qua thử thách.

kien.jpg
PV/BTV Nguyễn Trung Kiên chia sẻ về những khó khăn khi tác nghiệp báo chí trong cơn bão Yagi tại Quảng Ninh.(Ảnh: BTC)

Đối với một nữ phóng viên, việc tác nghiệp nơi tâm bão sẽ gặp những khó khăn nhất định nào, thưa chị Tùng Thư? (Độc giả Ngọc Bích - Quảng Ninh)

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Bản thân tôi thấp bé nhẹ cân, vì vậy anh kỹ thuật mới phải giữ chân tôi như thế. Phóng viên nữ gặp rất nhiều bất lợi, và tôi cũng đã nói với con mình rằng sức khỏe thực sự rất quan trọng. Nếu không có sức khỏe thì không thể làm phóng viên, đặc biệt là phóng viên thời sự.

Từ ngày 5-7/9, lúc bắt đầu đến khi cơn bão qua đi, tôi không thể ngủ yên một đêm nào. Tần suất lên sóng rất nhiều, nếu không có sức khỏe, tôi sẽ không thể thực hiện được công việc này.

Sức khỏe tuy không bằng nam giới nhưng tôi có mẹo như kỷ luật với bản thân, ăn uống điều độ và một số cách để trang bị mình. Ví dụ trong các lần đưa tin tại miền Trung năm 2016, 2017, thời tiết có bão nhưng rất lạnh, tôi rút ra kinh nghiệm các lần đi bão sau luôn mang theo áo khoác len và trà gừng để làm ấm người. Khi đi cùng ekip với nhiều đồng nghiệp nam, mọi người thường chủ quan, nên mình càng phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

Có ý kiến cho rằng các nữ PV/BTV sẽ gặp nhiều trở ngại hơn các đồng nghiệp là nam, bao gồm thể lực, tinh thần, sự bền bỉ… khi tác nghiệp tại các “điểm nóng” thiên tai, anh Trung Kiên có ý kiến như thế nào? (Độc giả Thanh Bình - Vĩnh Phúc)

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: Trở ngại lại thành thuận lợi cho ekip vì có những nữ phóng viên mà ekip sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Theo tôi, các phóng viên nam cũng cần chuẩn bị thật kỹ càng để tránh gặp phải những cản trở, ảnh hưởng đến quá trình đưa tin nhanh chóng và chính xác đến độc giả.

Tôi hay xem VTV1 và biết đến chị Thư với các mảng nông nghiệp, thiên tai…Tôi thấy rằng không chỉ chị Thư mà các phóng viên nữ đều rất lăn xả và có sự liều lĩnh trong công việc. Các nhà báo nữ phải vượt qua nhiều giới hạn về thể chất, sức khỏe và tinh thần cùng những định kiến của xã hội để đưa tin đến khán giả một cách chính xác và nhanh chóng nhất.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại tâm bão Yagi, sức khoẻ và tinh thần của anh/chị bị ảnh hưởng ra sao?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Khi cơn bão đi qua, tôi thở phào nhẹ nhõm. Cả tôi và Ban Lãnh đạo của Cô Tô đều rất lo lắng vì cơ sở hạ tầng ở đây yếu, không có nhiều công trình kiên cố và kinh nghiệm phòng chống bão không nhiều. Đây là lần đầu tiên sau 60 năm miền Bắc đón bão lớn như thế, người dân đã gần như đã không còn nhớ những kiến thức phòng chống bão. 

Lúc nào tôi cũng lo lắng không biết có ai bị thương vong không. May mắn thay, ở Cô Tô không có trường hợp thương vong nào. Cảm giác lúc đó như mình đã giành chiến thắng. Mặc dù rất mệt nhưng tôi vẫn thấy vô cùng sung sướng và có một nguồn năng lượng đặc biệt.

Khi rời Cô Tô, tôi tiếp tục theo dõi xem các đồng nghiệp của mình đưa tin như thế nào, cũng sẵn sàng tinh thần có thể quay trở lại đâu đưa tin khi lũ kéo đến. Đối với những đợt thiên tai kéo dài, bão có thể chỉ kéo dài vài giờ nhưng lũ thì có thể kéo dài nửa tháng. Vì thế, tôi luôn ý thức giữ gìn sức khỏe để sẵn sàng ứng phó với những tình huống tiếp theo.

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: Hai tháng sau khi tác nghiệp tại cơn bão Yagi, tâm lý của tôi  vẫn chưa ổn định, vì sau khi bão đi qua, lũ đã ập về các tỉnh phía Bắc. Tôi cảm thấy rất đau lòng khi chứng kiến thiên tai năm nay của Việt Nam thật khủng khiếp: sập nhà, thiệt hại về người...Như tôi đã chia sẻ, trước khi cơn bão đổ bộ, tôi đã rất bàng quan. Nhưng sau khi bão đổ bộ vào, tôi rất muốn ra ngoài để tìm hiểu xem cơn bão đã xảy ra như thế nào và sao lại có sức tàn phá mạnh mẽ đến vậy.

Tuy nhiên, công tác phòng chống của người dân Hạ Long khiến tôi rất ấn tượng, dù nơi đây trước đây ít khi chịu ảnh hưởng của bão. Vì thế, sau cơn bão, khi đọc báo cáo thiệt hại, tôi  cảm thấy nhẹ lòng vì cơn bão đi qua mà không gây nhiều thiệt hại về người.

Tôi thấy may mắn vì cơn bão đi qua mà không gây nhiều thiệt hại về người. Qua chuyến tác nghiệp vừa rồi, tôi rất vui và tự hào khi được cập nhật thông tin tới người dân trên cả nước. Thêm vào đó là sự biết ơn vì được làm công việc mình chưa từng thử.

Kỹ năng tác nghiệp trong thiên tai

Hai khách mời đã từng tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nào về kỹ năng đưa tin trong các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai chưa? Những khóa học đó đã trang bị cho anh/chị những kiến thức và kỹ năng gì để có thể ứng phó tốt hơn với những tình huống thực tế?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Tôi là phóng viên chuyên về môi trường nên được học rất kỹ về các kỹ năng đưa tin trước, trong và sau thiên tai. Trước các đợt công tác, phóng viên được cấp một bộ kit chuẩn bị khi đưa tin, bao gồm áo mưa và đồ bảo hộ. Ngoài ra, cần chuẩn bị lương thực thực phẩm. Người Nhật gợi ý mang theo socola vì cấp đường rất nhanh, giúp duy trì năng lượng trong tình huống đói lạnh và tụt huyết áp. Tôi cũng mang theo trà gừng để hồi phục sức khỏe khi cảm thấy hơi choáng hoặc lạnh.

Trong quá trình tác nghiệp, cần có ít nhất 2 đèn pin, một cái được đeo trước mũ bảo hộ và một đèn pin to giống như của ngư dân để sử dụng khi mất điện. Dưới chân, việc chọn ủng hay không còn phụ thuộc vào loại thiên tai mà mình đang tác nghiệp. Tôi cho rằng dép rọ của quân đội rất hiệu quả, thoát nước nhanh, giữ chân khô và giảm nguy cơ bị ngã. Nếu bùn vào thì chỉ cần dội đi là xong trong khi đi ủng mà bùn tràn vào thì phóng viên phải vứt bỏ đôi ủng nặng nề.

Đối với phóng viên truyền hình, bên ngoài cần mặc áo mưa, nhưng bên trong phải chuẩn bị sẵn một bộ trang phục có thể lên hình bất kỳ lúc nào. Những người không lên hình có thể chọn quần ngắn hoặc soóc để tránh bị ngấm nước mưa. Phóng viên nữ thì không thể làm như vậy, vì vậy cần có phương án thay thế, mang theo bộ trang phục để có thể thay ngay lập tức.

Áo phao là vật dụng cần thiết khi đưa tin lũ lụt. Trong trường hợp sạt lở, cần hết sức thận trọng vì không thể đoán trước được, xảy ra rất nhanh và cục bộ. Ở đây không sao, nhưng cách đó vài chục mét có thể đã sụp xuống rồi, chỉ cần một giây là có thể bị cuốn trôi. Khi đưa tin về sạt lở, cần lưu ý và thận trọng.

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: Bản thân tôi chưa thật sự tham gia vào một khoá đào tạo kỹ năng tác nghiệp trong thiên tai. Tuy nhiên, tôi  là người thích đi và khám phá, đương nhiên cũng có một chút kỹ năng đối mặt với nguy hiểm. Là người con miền núi, tôi cũng hiểu rõ thiên tai khủng khiếp như thế nào.

Mục tiêu cao nhất của một phóng viên khi tác nghiệp là cập nhật thông tin đến người dân và phải đảm bảo an toàn cho tính mạng mình. Tôi không lao vào hoàn cảnh khắc nghiệt để chứng tỏ mình là người dũng cảm mà là để cho thông tin được cập nhật chính xác nhất.

Công tác chuẩn bị của đội ngũ tòa soạn trước khi tác nghiệp dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế nào, thưa 2 khách mời?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: VTV có một chiến lược gọi là Breaking news. Khi thiên tai đạt cấp độ khẩn cấp cao nhất, sẽ mở Breaking news mỗi tiếng một lần và phát sóng trên tất cả các hạ tầng số bao gồm cả VTVGo, fanpage…

VTV chuẩn bị một lượng tin bài lớn, không phụ thuộc vào từng phóng viên đơn lẻ như mình. Có 2 đơn vị chính cùng với hội đồng tin tức để thông báo và phổ biến thông tin đến các bên liên quan, hỗ trợ lẫn nhau tác nghiệp. 

Ban thời sự có một trung tâm là Truyền hình thời tiết. Bình thường, họ phụ trách dẫn các bản tin dự báo thời tiết trên sóng, nhưng khi có thiên tai, họ sẽ trực tiếp định hướng khí tượng, tạo ra các kịch bản đưa tin ứng phó, xác định các phóng viên sẽ có mặt ở đâu và sẽ đưa tin trong thời điểm nào. Tất cả kết nối với nhau qua các nhóm trên Viber, Zalo, với sự hướng dẫn từ Trung tâm Thời tiết để cập nhật thông tin: tình hình bão ra sao, gió mạnh đến mức nào, bão đi qua đâu, những địa điểm nào để các nhóm ở địa điểm đó kịp thời chuẩn bị.

Danh sách phóng viên phụ trách các đầu cầu cụ thể cũng được lập ra để biết ai sẽ lên sóng. Thư ký biên tập sẽ kết nối phóng viên, phân công ai trực tiếp làm việc, ai gửi bài về và xây dựng kế hoạch kịch bản lên sóng.

thu-3.jpg
PV/BTV Nguyễn Tùng Thư chia sẻ về công tác chuẩn bị của đội ngũ VTV trước khi tác nghiệp báo chí tại các "điểm nóng" thiên tai. (Ảnh: BTC)

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: ANTV chỉ có một kênh sóng nên việc vận hành 9 bản tin mỗi ngày với tôi khá khó khăn.

Vấn đề lớn nhất là tôi phải thực hiện đa chức năng, gánh vác rất nhiều công việc, nên có lúc mất nhịp trong việc cập nhật liên tục. Tuy nhiên, cả ekip vẫn rất cố gắng để đưa thông tin nhanh nhất tới độc giả.

Đôi khi, tôi sử dụng điện thoại - báo chí di động để cập nhật thông tin nhanh chóng tới độc giả. Đó là những điều tôi học được qua việc xem các bản tin của các đài khác và học hỏi từ các anh chị đi trước, chứ chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng phòng chống thiên tai.

Hai khách mời có thể chia sẻ kinh nghiệm để làm sao vừa có thể khai thác thông tin một cách hiệu quả, vừa thể hiện sự đồng cảm với những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai?

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Cũng có những cuộc tranh cãi nội bộ về việc đưa tin về nạn nhân trong thiên tai như thế nào. Có những quan điểm giống như bức tranh đạt giải về nạn chết đói, đặt câu hỏi tại sao phóng viên không cứu đứa trẻ đó mà lại chụp ảnh để làm mình nổi tiếng.

Suy nghĩ của tôi là làm sao để đưa tin về nạn nhân mà không làm nổi tên tuổi của nhà báo lên. Tôi luôn quán triệt tư tưởng, giữ vai trò là người quan sát, không tác động thêm gì vào bối cảnh và nhân vật. Trước hết, mình phải là người quan sát, sau đó mới đến với nhân vật với tư cách là người trò chuyện, chứ không phải phỏng vấn, điều đó sẽ khiến nhân vật cảm thấy nặng nề. Tóm lại, hãy hỏi chuyện một cách tự nhiên nhất có thể. Họ đã quá tổn thương rồi, không được khơi gợi lại nỗi đau bằng câu hỏi kiểu "Thấy thế nào, có buồn không?". Trong quá trình trò chuyện, họ sẽ tự kể ra những gì họ đã trải qua.

Đội kỹ thuật cũng cần chuẩn bị trước phương án để thu tiếng mà không cần cài mic vì khi họ đang trong trạng thái mất mát, việc yêu cầu cài mic có thể khiến tâm trạng họ thay đổi.

Xét cho cùng, người phóng viên đưa tin về thiên tai cũng phải là người có tâm. Có những chi tiết sẽ không thể dối trá được trong những khoảnh khắc đấy. Nhà báo, đến tận bây giờ, chỉ cần là người đi bên lề, tôi nghĩ như vậy sẽ tự động ghi nhận lại câu chuyện của cuộc sống như cái vốn có, mang đến những tác phẩm vừa mang tính thời sự, vừa mang tính nhân văn. 

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: Tôi đã từng tham gia một lớp học làm phim tài liệu, nơi tôi được học cách ghi lại những cảm xúc tự nhiên nhất của nhân vật dù có phải đồng hành “ăn dầm nằm dề” bên cạnh họ suốt cả năm trời. Đồng thời, tôi cũng được học về đạo đức, nhân đạo trong báo chí. Tôi hiểu rằng mình không được khai thác nỗi đau của họ. Mình phải chân thành, đặt bản thân vào vị trí của họ, và đó là cách để tôi làm ra những sản phẩm tinh tế và hiệu quả.

Một lời khuyên mà Kiên muốn gửi gắm đến các bạn trẻ theo đuổi con đường báo chí rằng: chỉ có sự chân thành mới có thể chạm đến cảm xúc và câu chuyện của nhân vật. Một sản phẩm mà nhà báo cảm thấy ưng ý chắc chắn sẽ được khán giả đón nhận và ủng hộ.

Hai khách mời có kinh nghiệm nào về việc sử dụng các công cụ công nghệ hiện đại để thu thập và xử lý thông tin tại hiện trường? (Độc giả Thuỳ Dương - Lào Cai)

PV/BTV Nguyễn Tùng Thư: Hiện nay có rất nhiều công nghệ hiện đại như GoPro, Osmo, rất gọn nhẹ. Tùy theo loại hình thiên tai, ekip sẽ quyết định mang thiết bị nào đi. Đội ngũ phải chuẩn bị cho mọi tình huống: trên không, dưới nước, địa hình vùng núi…

Có những hiện trường quá khắc nghiệt, chẳng hạn như phải leo núi, thì không thể mang theo những máy quay quá lớn. Đối với flycam cũng cần phải cân nhắc; tùy vào địa hình mà phải điều chỉnh, vì gió to quá có thể không sử dụng được.

PV/BTV Nguyễn Trung Kiên: Thực ra, tôi đã quen với công việc làm văn hóa, nên những công nghệ mới, nhỏ gọn đã rất quen thuộc. Ngày nay công nghệ giúp việc mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, không chỉ riêng đối với báo chí. Các thiết bị hiện đại có khả năng chịu được các điều kiện thời tiết rất tốt – có thể chịu được việc rơi xuống biển, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng để mang lại những hình ảnh và thước phim chất lượng.

Những bạn đam mê công nghệ có thể tìm tòi để trở thành một nhà báo đa trải nghiệm. Các bạn đang theo học ngành báo, các bạn phóng viên trẻ  hãy sử dụng các thiết bị đồng bộ để đảm bảo thông tin được cập nhật nhanh và hiệu quả. Đây là cách hỗ trợ tối ưu nhất của công nghệ để thông tin được chuyển đến độc giả nhanh nhất.

Cảm ơn những chia sẻ quý báu của 2 khách mời về những trải nghiệm, kinh nghiệm tác nghiệp báo chí tại "điểm nóng" thiên tai.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật19 giờ trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN