NSND Trung Anh: " Sân khấu là điều quan trọng nhất đối với tôi rồi sau đó mới đến điện ảnh".
(Sóng trẻ)- 14h30, chiều ngày 28/11, trang thông tin điện tử Sóng Trẻ đã tổ chức thành công chương trình giao lưu trực tuyến cùng với NSND Trung Anh. Qua chương trình, độc giả đã có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện cùng Nghệ sĩ và lắng nghe những chia sẻ về nghề diễn. Chương trình đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía khán giả.
Chương trình giao lưu trực tuyến bắt đầu.
Khi sở hữu một gia tài nghệ thuật đáng nể với 30 năm diễn xuất và hơn 50 bộ phim truyền hình và điện ảnh, các vai diễn trong hành trình nghệ thuật đó có ý nghĩa gì với ông? Và ông ấn tượng sâu sắc với vai diễn nào nhất?
Đối với tôi, ý nghĩa của vai diễn quan trọng hơn cả, trong quá trình hoạt động nghệ thuật của tôi, thất bại nhiều hơn là thành công, có những vai diễn mình cho là thành công nhưng lại không được khán giả nhớ đến là thất bại. Như khoảng thời gian 1993 hoặc 1994, tôi đóng một bộ phim chỉ có 2 tập, phim Mê Lộ - đây là bộ phim mà tôi rất thích cả kịch bản và cả nhân vật ông bộ đội. Đây là vai diễn đã rất lâu nhưng tôi vẫn nhớ mãi về vai diễn này, bởi nó đòi hỏi ở một nghệ sĩ phải vắt kiệt sức của mình.
Nghệ sĩ có thể bật mí đôi chút về vai diễn mới của mình trong bộ phim “Thương ngày nắng về” gần đây không ? Tuýp vai đó là vai chính diện, phản diện hay như nào ạ ? (Hương Ly-Hà Nội- [email protected])
Đây là một vai chính diện, các bạn xem không để ý sẽ không thấy tôi trên phim, bởi tôi chỉ xuất hiện một tý, vào vai một ông dịch giả tiếng anh tài liệu, tiểu thuyết, là một con người chính diện, sống trong gia đình phức tạp. Bộ phim chưa được phát sóng nên tôi chưa thể nói về nội dung của bộ phim, chỉ là một vai diễn ngắn, mà tôi tham gia cùng phim cho vui.
Chắc hẳn mỗi bộ phim đều có những kỷ niệm, vậy có kỷ niệm nào mà nghệ sĩ cho là khó quên nhất trong sự nghiệp diễn xuất của mình không? (Ngọc Mai -Hà Nội- [email protected])
Có chứ, chúng tôi không cố gắng lưu lại kỉ niệm, những kỉ niệm nào đáng nhớ thì chắc chắn sẽ luôn ghi sâu. Ví dụ phim "Mê lộ" đóng cách đây 30 năm, bởi tôi phải ăn mặc như một nhân vật điên, rất khác thường. Mặc quần áo bộ đội rách màu, buộc dây thừng, đeo ống bơ, trang phục rất điên rồ, phun thêm bụi bẩn. Đó là định hình vẻ ngoài của nhân vật. Và trong lúc chuyển địa điểm, có nghỉ lại ở Hà Tây, hóa trang rất điên rồ như thế, nên tôi vào một góc ngồi, đang ngồi thì thấy cả chợ im lặng, tôi nhìn lên thấy một người giống hệt tôi về vẻ ngoài, một người điên thật, cả đoàn phim ai cũng sợ, cả chợ nín thing, anh ta đến chỗ tôi và nhìn tôi, như tìm thấy một người đồng minh, và chìa tay xin thuốc lá, chúng tôi đã ngồi hút cùng nhau, cả chợ lúc đấy đã tưởng tôi là người điên. Tôi mãi ấn tượng về hình ảnh hai người điên thật và điên giả.
Dù ở vai điềm tĩnh, hiền lành NS cũng đóng thành công, vai nguy hiểm như Lương Bổng cũng được nghệ sĩ hoàn thành xuất sắc. Vậy Ông thích hoàn thành ở dạng vai nào hơn ạ ? (Hoàng Thủy - Hà Nội - [email protected])
Bản thân khi tôi nhận kịch bản phim, tôi rất ngạc nhiên, khi nghĩ đến nhân vật đó người ta sẽ liên tưởng đến hình ảnh một người cao to, hầm hố. Tôi ban đầu thấy lo, tôi đã phải thể hiện nó rất khó, mình gầy gầy, cao cao không thể đóng theo kiểu xăm trổ, đầy người, mình không có thể hình như thế. Nhưng đó là niềm vui rất lớn khi được thể hiện rất nhiều dạng vai khác nhau, bất ngờ rồi đến lo, niềm vui, khổ luyện bản thân mình rất nhiều trước khi vào vai. Cuối cùng tôi chọn 1 vai diễn chỉ diễn bằng ánh mắt, cảm ơn đài truyền hình, quay phim, đạo diễn, họ biết tôi cần gì, dùng gì để chỉ quay ánh mắt để thể hiện nhân vật đó, là 1 vai tôi rất tâm huyết và rất thích nhân vật đó.
Ở giữa chương trình, ban tổ chức đã dành một khoảng thời gian để NSND Trung Anh có thể gần gũi hơn với các vị khán giả qua trò chơi của chương trình. Và cũng qua trò chơi, khán giả có thể thấy được sự nhiệt huyết cũng như những tình cảm của nghệ sĩ dành cho khán giả qua nhiều những từ khó mà có nhiều độc giả thắc mắc và tìm kiếm.
Sau khi chia tay Nhà hát kịch Việt Nam sau 43 năm gắn bó để tập trung cho công việc dạy học tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, ông cảm thấy thế nào khi đảm nhiệm vai trò mới này? (bạn Đức Trung - Ba Đình )
40 năm công tác tại nhà hát kịch, nơi đó chính là cái nôi của tôi- là nơi tôi học, nơi tôi quay trở lại sau khi đi bộ đội. Sân khấu là điều quan trọng nhất đối với tôi rồi mới đến điện ảnh. Tiếc nuối thì không có, đến tuổi phải về hưu. 40 năm công tác nhà hát kịch, chia tay với cái nôi tôi sinh ra, nôi nuôi dưỡng mình chắc chắn sẽ rất buồn. Đối với tôi sân khấu mới là quan trọng, khán giả biết tôi nhiều qua phim nhưng với tôi, sân khấu ăn sâu vào mình mấy chục năm rồi. Ngoài bắc thời đó sản xuất phim điện ảnh rất ít, chúng tôi được rèn luyện trên sân khấu, với tôi sân khấu là niềm đam mê lớn nhất, nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ ngày diễn, đi công tác với nhau, cùng đi ăn, làm sân khấu, đồng cam cộng khổ trong quá trình mấy chục năm, có những nỗi buồn, tiếc nuối, không thể tham gia, sức khỏe để làm sân khấu rất khó, rất buồn khi rời xa nơi mình sinh ra và lớn lên.
Vai diễn bố Sơn, họ nói đây là gia đình đóng phim chứ không phải đóng phim gia đình? (Huy Công)
Một câu nói rất là hay đối với bộ phim của chúng tôi. Lẽ ra là tôi không đóng bộ phim đó, tôi đã định từ chối vì tôi bận. Cuối 2018 tôi làm phim cho nước ngoài, tôi nghĩ tôi không thể về kịp để tham gia, tôi đã từ chối. Đến gần tết tôi đang quay, tôi có nhận được điện thoại từ đạo diễn hỏi tôi đã về chưa? hỏi tôi có về kịp không? Tôi rất cảm động mặc dù tôi đã từ chối và đúng 29 tết có người đưa kịch bản đến cho tôi. Tôi đọc liền trong mấy ngày tết và tôi bảo trời ơi kịch bản hay quá, từ chối thì tiếc quá. Thực ra tôi thấy kịch bản rất tốt. Khi phim chưa phát sóng, họp báo các nhà báo hỏi tôi thấy nhân vật anh đóng như thế nào? Tôi trả lời đây là một nhân vật rất dễ nhưng mà tôi sợ nhất là chữ dễ trong này, sợ nó dễ chán , dễ nhàm, tôi làm việc với kịch bản để thêm bớt một số chỗ, Đây là hình thức vừa quay vừa phát sóng, đầu tiên, vừa quay vừa rút kinh nghiệm. Chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý, giống như một gia đình, hầu như chúng tôi không diễn, sống thật với nhân vật của mình. Bảo Hân lúc đầu hơi khó một chút, nhưng mà bạn rất nhanh thích nghi, bốn bố con diễn rất ăn nhập.
Sau bộ phim “Những đứa con của làng”, Nghệ sĩ đã dành được giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất của liên hoan phim Việt Nam, không biết cảm xúc của ông khi lần đầu được nhận giải thưởng lớn như vậy? ( Diệp - Hà Tĩnh)
Nhận được giải thưởng chắc chắn ai cũng sẽ vui rồi. Với tôi cũng vậy, bất cứ giải thưởng nào được nhận cũng đều trân quý cả, quan trọng là mình được ghi nhận trong chuyên môn và trong lòng khán giả. Đó là những dấu mốc trong sự nghiệp của mình.
Có thể thấy mỗi vai diễn của chú đều để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Đối với Nghệ sĩ, có quy tắc nào trong việc lựa chọn kịch bản không? (Minh Uyên)
Thật ra không phải vai diễn nào cũng ấn tượng, nhưng khán giả họ nhớ vai nào thì vai đó thành công, nói chính xác là tôi không có quy tắc, bản thân chúng tôi không chủ đích nhận kịch bản. Mình đọc kịch bản vai đó có nên nhận không, không biết có làm nổi không, làm hay thì tôi sẽ nhận. Diễn viên phần lớn bị động trong việc nhận vai, là khi đã được mời, điều kiên quyết là phải làm thật kỹ, đọc kỹ kịch bản, phân tích kỹ nhân vật, tâm lý, hoạt động ngoại hình nhân vật.
Khi bộ phim Về nhà đi con kết thúc, các diễn viên trong phim vô cùng thân thiết với nhau, NSND Trung Anh có thể dùng một vài tính từ để miêu tả về “3 người con gái” trong phim không?
Tôi nhớ sau khi phát sóng, tôi gọi Bảo Thanh là “nữ hoàng nước mắt”, vì có những ngày quay Bảo Thanh khóc từ sáng đến tối, tôi thương lắm. Bởi cảnh quay khóc rất mệt, mệt hơn cả những cảnh đấm đá. Đối với diễn viên nào cũng vậy, nó ảnh hưởng rất lớn tới cảm xúc của mình. Với Thu Quỳnh tôi dùng cụm từ “đào lệch” và “đào thương”. Hai cụm từ này chỉ những người phụ nữ đóng những vai chính diện (nhân vật Huệ- Về nhà đi con) và phản diện (nhân vật My Sói- Quỳnh búp bê). Và Bảo Hân, tôi vẫn hay trêu là “tomboy loi choi” như những gì cộng động mạng đã gọi.
NSND Trung Anh và NSND Hoàng Dũng là một cặp bài trùng khi diễn xuất. Sự ra đi của NSND Hoàng Dũng là một sự tiếc nuối của nhiều khán giả theo dõi phim truyền hình Việt. Chú có thể chia sẻ một vài kỉ niệm mà chú nhớ nhất khi làm nghề cùng NSND Hoàng Dũng được không ạ?
Anh Hoàng Dũng hơn tôi 5 tuổi, chúng tôi không chỉ là cặp bài trùng khi đóng phim mà ngoài đời chúng tôi cũng rất thân thiết. Gắn bó hơn 30 năm, trải qua cùng nhau rất nhiều vai diễn, anh ấy không chỉ là người bạn diễn mà tôi coi anh ấy như người nhà. Anh ấy bị bệnh và ra đi là mất mát lớn với ngành nghệ thuật nói riêng và gia đình nói chung. Đây cũng là nỗi mất mát rất lớn đối với tôi.
Phân cảnh nào NSND nhớ nhất khi quay cùng NS Hoàng Dũng?
Tôi không biết được phân đoạn nào. Nghĩ lại thì có phân cảnh mà tôi nhớ là đi quay "Người phán xử" ở Đồng Mô, trong phân cảnh bị ám sát. Hôm đó trời rất lạnh mà quay ở ngoài trời bên Đồng Mô, anh Hoàng Dũng hôm đó phải mặc một bộ quần áo ngủ mỏng, tôi đã mang đến nước ấm và áo khoác cho anh ấy. Còn rất nhiều kỷ niệm với NSND Hoàng Dũng, kỷ niệm thì có quá nhiều, tôi không biết cái nào nhất, cái nào nhì, nhưng chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm thân thiết với nhau.