Báo chí và người làm báo (1)


(Sóng Trẻ) - Nghề báo là nghề đòi hỏi phải đi nhiều. Những chuyến đi ấy cũng giống như những cuộc lữ hành nhiều mệt mỏi nhưng cũng lắm thú vị, không ít gian nan nguy hiểm nhưng cũng nhiều niềm vui và nhất là được tiếp xúc, được hiểu biết để phản ánh một cách chính xác, trung thực, kịp thời về những cái mới nảy sinh. Đó là hạnh phúc của nghiệp cầm bút, là niềm đam mê của những người làm báo tâm huyết.

 

1. Đối tượng phản ánh của tác phẩm báo chí

Báo chí có nhiều chức năng quan trọng như: thông tin, tuyên truyền, giáo dục, dự báo, giải trí, giao tiếp... trong đó thông tin là chức năng có tầm quan trọng hàng đầu. Báo chí có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp xã hội với những mối quan tâm, sở thích không giống nhau. Công chúng báo chí đa dạng và phức tạp. Không phải thông tin nào trên báo chí cũng được số đông tiếp nhận dễ dàng.

Cái mới là đối tượng, đồng thời là mục đích phản ánh của tác phẩm báo chí. Chính đặc điểm này đã tạo ra sự khác biệt giữa thông tin báo chí với các hình thức thông tin khác.

Cái mới luôn luôn xuất hiện ở mọi lĩnh vực của đời sống. Đó có thể là những con người hoặc là những nhân tố, những sự việc, sự kiện, tình huống, hoàn cảnh... mới nảy sinh, mới xuất hiện, tiêu biểu cho sự vận động phát triển không ngừng của cuộc sống .

Việc phát hiện ra cái mới chưa phải là điều có tính chất quyết định. Điều còn quan trọng hơn nhiều là phải phân tích đánh giá để hiểu biết đúng bản chất của cái mới đó để trên cơ sở đó thực hiện thông tin một cách có hiệu quả.

Không phải cái mới nào cũng có thể trở thành đối tượng của tác phẩm báo chí. Trong thực tế đời sống có nhiều cái mới chỉ mang tính chất ngẫu nhiên, đơn lẻ, đột xuất. Ở nước ta, người làm báo chỉ lựa chọn thông tin về những cái mới tiêu biểu, điển hình nhất, thể hiện bản chất và xu thế vận động đích thực của đời sống, đồng thời lại không ảnh hưởng đến quyền lợi của quốc gia.

Trong bối cảnh của xã hội hiện đại, báo chí vẫn là một hoạt động thông tin đại chúng nhất, năng động nhất, hiệu quả nhất và có nhiều công chúng nhất. Nó đề cập đến những cái mới trong mọi mặt của đời sống một cách xác thực, cụ thể, đáp ứng yêu cầu thời sự và tính định hướng trực tiếp và thông qua đó tác động mạnh mẽ đến đời sống, trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Chính những đặc điểm về đối tượng phản ánh của tác phẩm báo chí đã cho thấy những phẩm chất, năng lực của người làm báo.

2. Những phẩm chất cần có của người làm báo

Người làm báo phải có năng lực lựa chọn, xử lý thông tin nhanh chóng, trung thực, chính xác, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của công chúng, từ đó có những tác động tích cực, hiệu quả đến tiến bộ xã hội.

Nghề báo là một nghề nhiều vinh quang nhưng cũng rất gian khổ. Dù là nhà báo chuyên nghiệp hay chỉ là cộng tác viên của báo chí, khi đã tham gia vào lĩnh vực này, cũng đều phải là những nhân chứng - người quan sát và thông tin một cách trung thực, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Quá trình nhận thức và phản ánh các vấn đề, sự kiện trong thực tế của người làm báo (như cách tiếp cận sự kiện, cách lựa chọn các chi tiết, cách thẩm định, lý giải, đánh giá sự kiện) luôn luôn bị chi phối bởi hàng loạt những yếu tố, trong đó đặc biệt là quan điểm chính trị của bản thân họ. Tính khách quan của những thông tin trên báo chí nói chung không tách rời những lợi ích và quan điểm chính trị - xã hội của nhà báo và của cơ quan báo chí.

Người làm báo nếu chỉ có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp thì vẫn chưa đủ. Họ còn phải có vốn sống phong phú và kiến thức sâu, rộng về nhiều mặt. Chính kiến thức, kinh nghiệm sống và trình độ văn hoá sẽ tạo ra cơ sở cho phương pháp hoạt động thực tiễn một cách khoa học, hiệu quả của những người làm báo.

Một tác phẩm báo chí bao giờ cũng là kết quả của một quá trình lao động phức tạp. Người làm báo không chỉ là người phản ánh sự kiện mà quan trọng hơn, còn phải là người khám phá ra hình thể và linh hồn của sự kiện. Để làm được như vậy, người làm báo phải có năng lực quan sát tinh tường và trên cơ sở đó tiến hành lựa chọn.

Kỹ năng nghề nghiệp và trình độ nghiệp vụ thành thạo để nắm bắt được công nghệ làm báo hiện đại cũng là những yêu cầu không thể thiếu được đối với một người làm báo hiện nay. Cùng với những điều đó, sự năng động, linh hoạt và say mê thâm nhập cuộc sống để phản ánh những điển hình và nhân tố mới, tinh thần dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống lại cái xấu, cái ác vì lợi ích của nhân dân cũng là những yêu cầu không thể thiếu được đối với một người làm báo trong bối cảnh của đời sống báo chí hiện đại.

Tác phẩm báo chí có nhiệm vụ thông tin kịp thời về cái mới nên nhà báo phải là người  đặc biệt nhạy bén trước cái mới. Tất nhiên sự nhạy bén đó trước hết phải được đặt trên cơ sở của sự hiểu biết về đời sống xã hội và sự nhạy cảm chính trị. Người làm báo có trách nhiệm tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, biểu dương những gương tiêu biểu, những điển hình tốt, đấu tranh phê phán với những hành vi phạm pháp, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.

Nói tóm lại, có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có tư duy sắc bén, có vốn sống và phương pháp khoa học - đó là những yêu cầu cơ bản về phẩm chất của một người làm báo chân chính ở nước ta hiện nay.

3. Khai thác tài liệu cho tác phẩm báo chí

Người làm báo có thể khai thác các tài liệu cho tác phẩm của mình thông qua giao tiếp xã hội; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các văn bản, tài liệu chính thức và không chính thức; thông qua các thông tin viên, cộng tác viên… Các phương tiện thông tin đại chúng cũng được coi là một nguồn thông tin quan trọng để người làm báo tăng cường vốn hiểu biết của mình.

Những người làm báo có kinh nghiệm còn có thể khai thác được nhiều thông tin qua các cuộc họp báo, qua đồng nghiệp, qua mạng Internet, qua những cuộc tiếp xúc cá nhân... Trong các chuyến đi thực tế ở cơ sở, người làm báo cũng có thể vận dụng các phương pháp thu thập thông tin một cách mềm dẻo, linh hoạt để khai thác tài liệu cho các tác phẩm báo chí của mình.

Khi đi dự họp báo và tham gia các hoạt động khác để thu thập thông tin, người làm báo phải chủ động chuẩn bị các phương tiện nghiệp vụ (như máy ảnh, camêra, máy ghi âm, điện thoại di động...) và phải kiểm tra hoạt động của các phương tiện đó để đảm bảo là không có trục trặc gì trong khi sử dụng chúng; chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn; dự kiến các tình huống có thể xảy ra để thích ứng; dự kiến những phương án khác nhau để có những câu hỏi khai thác được thông tin có chất lượng.

Trong nghề báo, có nhiều cách đi thực tế cơ sở. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hoàn cảnh, điều kiện và kinh nghiệm, vốn sống, mục đích của mỗi nhà báo. Có nhà báo đi nhiều nơi, gặp nhiều người, chứng kiến nhiều hoàn cảnh, nhiều nhân vật, nghe nhiều câu chuyện; có nhà báo đi ít nhưng có trọng điểm, có mục đích rõ ràng; có nhà báo đi quanh năm suốt tháng, vừa đi vừa viết bài gửi về tòa soạn; lại có những nhà báo thỉnh thoảng mới có điều kiện đi thực tế…

Những người làm báo có kinh nghiệm thường có sự chuẩn bị cẩn thận trước một chuyến đi. Điều đầu tiên là phải xác định rõ mục đích, nhiệm vụ cho chuyến đi để trên cơ sở đó có những chuẩn bị đầy đủ về các phương tiện nghiệp vụ cần thiết, phương tiện giao thông, kế hoạch tiếp xúc, phương thức và phương tiện liên lạc và kể cả những điều kiện vật chất, tư trang, vật dụng sinh hoạt cá nhân khác trong những ngày công tác xa nhà. Phải có dự kiến về những hiệu quả trong chuyến đi cùng với các khả năng khác có thể đạt tới.  Sự chuẩn bị trước những chuyến đi có thể đóng vai trò quyết định sự thành bại của chính chuyến đi đó.

Mỗi nhà báo – xuất phát từ mục đích riêng của mình để có những cách đi thực tế thích hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Có thể lấy ví dụ bằng kinh nghiệm của những người viết phóng sự. Nhà báo Nguyễn Quang Vinh - một trong những cây bút phóng sự đang được chú ý trên báo Lao Động trong những năm gần đây cho rằng: trước khi đi trên thực địa (để viết phóng sự), dứt khoát người làm báo phải “đi bằng tài liệu, bằng sách vở, bằng phong tục văn hoá, bằng địa lý, bằng truyền thuyết trước đã”. Anh ta phải biết được nhân vật của anh ta ở chỗ ấy, chốn kia - tức là ở vùng văn hoá nào, nói năng thổ ngữ ra sao, phong tục tập quán, cách thức sống, sinh hoạt, sản xuất như thế nào? Biết như thế đã, mới đi đến gặp nhân vật, mới chủ động phỏng vấn, hỏi chuyện, ghi chép, mới hy vọng dựng được nhân vật trong không gian, thời gian, trong hoàn cảnh một cách chân thực để trên cơ sở đó “viết mới ra được hồn vía nhân vật, mới thấy được một nhân vật động cựa, có chiều sâu, có tính khái quát và hấp dẫn”...

Cây bút phóng sự Đỗ Doãn Hoàng cũng nhận thấy rằng khi đi vào các điểm nóng, đi vùng sâu vùng xa, sóng gió mũi nhọn, việc thu thập thông tin rất khó khăn: Đi trên tàu bồng bềnh cả tháng trên biển thì tính ghi chép làm sao; đi trong rừng sâu, đêm đến là mù mịt với ngọn đèn dầu thì ghi chép làm sao; liên tiếp phải tham gia những cuộc tiếp xúc, họp hành, vỗ tay và uống rượu thì ghi chép vào lúc nào? Lại còn bố trí viết lúc nào cho hợp lý, để kịp truyền bài về ? Chụp ảnh thế nào? Làm thế nào bảo quản phim ảnh, máy móc để tránh những rủi ro có thể xảy ra ngã xuống nước hoặc bị mưa trong suốt cả lộ trình ? Trong khi thực hiện những vụ điều tra gay cấn thì làm sao ghi âm, chụp ảnh được? Bên cạnh đó còn là các kế hoạch gặp người này người nọ để phỏng vấn, thắc mắc, xin tư liệu, hỏi chuyện, chất vấn hay đơn giản chỉ là để xác minh một con số, một tư liệu của bài phóng sự sẽ viết hoặc đang viết… Để làm được tất cả những công việc đó, người làm báo phải tự mình điều chỉnh, tự mình thích ứng, tự mình thực hiện.  Ngay cả việc ghi nhật ký trong một chuyến đi cơ sở dài ngày cũng vậy. “Nếu không ghi nhật ký, nếu không hệ thống tư liệu lại và lên chương trình làm việc cho ngày hôm sau thì sớm hay muộn gì bạn cũng bị khuyết mất tài liệu, bỏ sót tài liệu, bỏ sót nhân vật trên đường đi, bỏ sót những điều đã quan sát được, hoặc quên mất tất cả những điều đó”.

                                                                                                                                  LTKT.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN