Bạo lực học đường: Tiếng còi cảnh báo cho toàn xã hội

(Sóng trẻ) - Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023, có 1.250 vụ việc bạo lực học đường xảy ra với 3478 học sinh vi phạm. Bạo lực học đường đang diễn biến khá phức tạp và là vấn đề nan giải cho nền toàn hệ thống giáo dục.

Tình trạng bạo lực học đường tại các trường học hiện nay đang khá báo động với các số liệu "không biết nói dối". Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023, có 1.250 vụ việc bạo lực học đường xảy ra, với 3478 học sinh vi phạm. Nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường là do mâu thuẫn cá nhân (chiếm 40,9%), học sinh chưa được giáo dục kỹ năng sống (38,5%), và ảnh hưởng từ môi trường bạo lực (17,6%). Bạo lực học đường đang có diễn biến khá phức tạp và là vấn đề nan giải cho nền giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng.

Vết nhơ nhức nhối và những nguyên nhân sâu xa

Bạo lực học đường hiện nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Những vụ việc học sinh đánh nhau, hành hung bạn bè xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi lo lắng. Trước hết, gia đình là một trong những nguyên nhân góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến xu hướng bạo lực học đường ở trẻ. Nhiều gia đình nuông chiều con quá mức khiến con trẻ có tâm lý ỷ lại bố mẹ, hay giáo dục trẻ bằng bạo lực hoặc thường xuyên xuất hiện bạo lực giữa các thành viên trong gia đình. Điều này vô tình khiến con trẻ hình thành thói quen giải quyết vấn đề bằng vũ lực từ bé, gây ra tính cách bốc đồng, ưa bạo lực, hiếu thắng, muốn mọi thứ phải theo ý mình. 

Bên cạnh những nguyên nhân từ gia đình, môi trường giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển hành vi bạo lực ở học sinh. Học sinh chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống và cách giải quyết mâu thuẫn, vậy nên có thể dễ dàng bị lôi kéo vào các tình huống xung đột và lựa chọn cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Đặc biệt, sự ảnh hưởng từ môi trường xung quanh và tâm lý hùa theo đám đông “ăn hiếp” kẻ yếu có thể kích thích tính hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân của học sinh. Khi bị tấn công, một số học sinh chưa có đủ sự tin tưởng đối với thầy cô, dẫn đến việc không dám mở lòng tâm sự với giáo viên, nhà trường, khiến tình trạng bắt nạt học đường  kéo dài mà không được phát hiện để có biện pháp can ngăn kịp thời. 

Giáo viên Nguyễn Thị Hương Giang (Trường Trung học Phổ thông số 2 Bảo Yên - Lào Cai) bày tỏ quan điểm rằng: “Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người ảnh hưởng lớn đến tâm lý và cảm xúc của học sinh. Sự quan tâm và kết nối từ phía giáo viên là yếu tố then chốt để có thể tạo ra một môi trường học tập tích cực và lành mạnh. Khi học sinh cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm và động viên của giáo viên, các con sẽ cảm thấy thoải mái, tin tưởng và an toàn hơn khi chia sẻ vấn đề và tìm kiếm sự giúp đỡ”.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng các thiết bị điện tử và mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter ngày càng sớm và thường xuyên cũng là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực học đường. Những video về các vụ đánh nhau hoặc các bài đăng về hành vi quấy rối trên các nền tảng mạng xã hội có thể thu hút nhiều sự chú ý, từ đó kích thích học sinh muốn tìm cách thể hiện bản thân thông qua các hành vi bạo lực hoặc xâm phạm để “lấy oai” và trở nên nổi tiếng hơn. Các bộ phim hành động, trò chơi điện tử và chương trình thực tế thể hiện hình ảnh bạo lực không phù hợp với lứa tuổi học sinh vẫn “nhan nhản” trên các nền tảng mạng xã hội mà không được gắn mác hạn chế độ tuổi, khiến học sinh dễ dàng tiếp cận, ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ của trẻ, từ đó có thể bộc phát các hành vi bạo lực trong vô thức. 

Nỗi ám ảnh và hệ lụy dai dẳng

Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, với các hình thức bạo lực đa dạng, bao gồm bạo lực thể chất, ngôn từ và bạo lực mạng. Những lời nói bông đùa tưởng chừng như vô hại nhưng lại làm tổn thương sâu sắc đến tinh thần của nạn nhân trong một khoảng thời gian dài, thậm chí, họ không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh bị bạo lực học đường.

Em Ngọc Khuê - học sinh trường THPT Vinschool Times City, Hà Nội, chia sẻ cảm xúc: “Em cảm thấy vô cùng lo sợ và hoang mang vì không biết nếu rơi vào trường hợp bị bạo lực học đường thì em sẽ phải đối mặt và xử lý như thế nào”.

Đối với mỗi nạn nhân, bạo lực học đường đã trở thành “vết thương khó lành” trong tâm trí của họ. Họ trở nên thu mình và tự ti trước đám đông, trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm lý sau vụ việc. Ngoài ra, bạo lực thể chất có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của nạn nhân và tạo ra những vết thương khó lành, thậm chí là có thể dẫn đến tử vong.

“Sau khi bị bạo lực học đường, em luôn cảm thấy bất an khi ra ngoài đường. Mỗi ngày đến trường, em luôn phải lo sợ và căng thẳng về việc liệu mình có bị tấn công tiếp hay không. Điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của em và khiến em luôn có cảm giác bị cô lập, không tin tưởng vào bất kỳ ai”, em D.N, nạn nhân từng bị bạo lực học đường giãi bày.

Phụ huynh của em D.N lo lắng: “Từ khi vụ việc đó xảy ra, con tôi trở nên rụt rè, ám ảnh, sợ hãi và thu mình trước đám đông. Vụ bạo lực học đường ấy như một ‘bóng ma’ tâm lý mà con tôi chưa thể nào vượt qua, dù nó đã xảy ra cách đây 1 năm rồi. Sức khỏe tinh thần của con đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực vì không biết làm thế nào để giúp con vượt qua khủng hoảng ấy”.

anh-pinterest.JPG
Bạo lực học đường có thể trở thành "bóng ma tâm lý" khiến nạn nhân khó vượt qua. (Ảnh: Internet)

So với năm học 2021-2022, trong năm học 2022-2023, số vụ bạo lực học đường giảm 7,1% và số học sinh vi phạm giảm 3,8%. Hình thức bạo lực phổ biến nhất là bạo lực thể chất (chiếm 60,5%), bạo lực ngôn ngữ (33,8%) và bạo lực bạo lực mạng (5,7%) cũng là những vấn đề cần được quan tâm.

Vượt qua nỗi đau và hướng đến tương lai phía trước

Để ngăn chặn triệt để vấn đề bạo lực học đường hiện nay, việc giáo dục con trẻ về đạo đức và kỹ năng sống lành mạnh là điều cấp thiết. Học sinh cần được giáo dục kỹ lưỡng về ý nghĩa và hậu quả của bạo lực học đường. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Phụ huynh nên thay đổi cách giáo dục con, phối hợp cùng với giáo viên và nhà trường quan tâm, chia sẻ, đồng hành cùng con để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp bạo lực học đường một cách hiệu quả.

Ngoài ra, nhà trường cũng cần tổ chức các buổi tư vấn “chữa lành những vết sẹo” tâm lý cho nạn nhân, nhằm giúp các em vượt qua khủng hoảng, lấy lại sự tự tin và niềm vui trong cuộc sống. Đồng thời, nhà trường và xã hội cũng cần giáo dục những học sinh tham gia bạo lực học đường nhận thức được sai lầm của bản thân, sửa đổi hành vi, hòa nhập với cộng đồng.

Tiến sĩ Phùng Thị An Na (Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: “Nhà trường cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc và hiệu quả với những vụ bạo lực hoặc chủ động ngăn chặn không để những mầm mống của bạo lực phát triển. Rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây cho thấy vai trò của nhà trường trong phòng chống bạo lực dường như chưa thực sự hiệu quả. Bạo lực học đường rất có thể là mầm mống nảy sinh bạo lực gia đình trong tương lai của các em học sinh này”.

Có thể nói, bạo lực học đường là một vấn đề dai dẳng trong xã hội, chưa thể xóa bỏ hoàn toàn. Bởi lẽ ảnh hưởng của bạo lực học đường vô cùng nghiêm trọng, nó gây ra những hậu quả nặng nề cho cả nạn nhân, học sinh tham gia bạo lực và toàn xã hội. Do đó việc đối phó với vấn đề này là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Bạo lực học đường chính là “Tiếng còi cảnh báo” cho xã hội, không thể giải quyết bởi một cá nhân hay một tổ chức nào đơn lẻ, vấn đề này cần sự chung tay góp sức của gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Mỗi bên cần thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phòng chống bạo lực học đường. Chỉ khi có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho thế hệ tương lai.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN