Chọn ngành học: Đừng nhắm mắt… chọn bừa
(Sóng trẻ) - Nhiều bạn trẻ không xác định được thế mạnh, không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chạy theo trào lưu số đông với những ngành nghề “hot” hoặc chọn nghề theo mong muốn của gia đình. Kết quả, sau khi vào học đại học, sinh viên mới nhận ra rằng bản thân không phù hợp với ngành nghề.
“Khi lên lớp, mình cảm thấy khá bức bối, buồn ngủ và không tập trung, bài tập trên lớp mình cũng chỉ cố gắng hoàn thành cho qua môn vì mình nhận ra mình không hứng thú với ngành học này”. Những lời trên là tâm sự của Quỳnh Anh, sinh viên năm nhất đang theo học ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Vào những năm học cấp ba, Quỳnh Anh chưa biết mình thực sự thích và muốn gì. Vì vậy Quỳnh Anh đã để nguyện vọng là ngành Luật Kinh tế theo như định hướng cùng mong muốn của cha mẹ. Bên cạnh đó, việc gia đình có một văn phòng công chứng và suy nghĩ sau khi ra trường có thể ra làm cho gia đình khiến quyết định đăng ký ngành Luật Kinh tế càng trở nên thuyết phục hơn.
Tuy nhiên thực tế diễn ra có phần trái ngược, sau kỳ học đầu tiên, Quỳnh Anh không khỏi thấy chán nản với những bộ môn chuyên ngành cứng nhắc và phần nào không phù hợp với tính cách cùng thế mạnh của Quỳnh Anh. Sau khi lên Đại học và được thử cũng như trải nghiệm nhiều vị trí, Quỳnh Anh nhận ra mình giỏi thiết kế, lên kế hoạch và chạy sự kiện. Đối với ngành Luật Kinh tế, đòi hỏi sinh viên có nền tảng luật pháp vững chắc thông qua việc học tốt lý thuyết thì có sự khác biệt hoàn toàn so với những gì mà Quỳnh Anh khám phá được ở bản thân hiện tại.
Theo như chia sẻ, khi kết thúc năm nhất, Quỳnh Anh có dự định theo học ngành Truyền thông Đa phương tiện tại một trường Đại học khác ở thành phố Hồ Chí Minh. “Bây giờ khi đã xác định sẽ theo đuổi đúng đam mê, mình cảm thấy tự tin và hạnh phúc hơn rất nhiều. Điều còn trăn trở duy nhất là gia đình mình có lẽ sẽ bất ngờ và thất vọng một chút” - Quỳnh Anh kể.
Thay vì bỏ học hay chuyển hẳn sang học một ngành khác khi nhận ra bản thân học sai ngành thì bạn Thắm - sinh viên năm ba Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vẫn quyết định tiếp tục hoàn thành chương trình đại học song song với việc học thêm một ngành khác tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.
“Ban đầu mình để nguyện vọng vì mình thích Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, lúc đấy mình chỉ suy nghĩ đơn giản là việc được học trong môi trường mình yêu thích sẽ giúp mình có những năm tháng Đại học tuyệt vời hơn. Điểm mình không cao nên mình đã chọn ngành Quản lý xây dựng để vào được trường mà không có sự tìm hiểu kỹ” - Thắm cho biết.
Học hết năm hai, Thắm mới nhận ra mình đang học mà không hề có động lực hay mục tiêu nghề nghiệp cần phấn đấu. Tuy nhiên, cân nhắc về thời gian, tiền bạc, công sức đã bỏ ra khi học ngành Quản lý xây dựng, Thắm quyết định học song song hai ngành vì cho rằng đây là hướng đi “an toàn” dù có thể vất vả và cần nhiều sự kiên trì hơn so với các bạn đồng trang lứa.
Việc sinh viên vào trường đại học rồi mới nhận ra mình không phù hợp với ngành học là một thực trạng khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Đây là xu hướng đáng quan ngại bởi nó gây ra sự tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng lớn đến cơ hội nghề nghiệp của các bạn trẻ.
Góc khuất trong câu chuyện định hướng ngành nghề
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng chia sẻ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi năm có hơn 600.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa bước vào các trường cao đẳng, đại học, hơn 600.000 phụ huynh đồng hành cùng học sinh trong việc chọn trường chọn ngành. Sau năm nhất, có rất nhiều sinh viên nhận ra ngành học mình chọn, ngôi trường mình chọn chưa hẳn đã là ngành học mình thực sự mong muốn, mình thực sự phù hợp.
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện lựa chọn sai ngành học đa phần là ở bậc phổ thông các bạn chưa có định hướng ngành nghề thực sự rõ ràng. Về phía cá nhân, các bạn chưa tìm hiểu kỹ để hiểu đúng về năng lực, sở thích của bản thân khi lựa chọn ngành nghề. Chính sự thiếu định hướng nghề nghiệp khiến các bạn lựa chọn theo cảm tính hoặc theo ý kiến gia đình, đến khi bước chân vào cánh cổng Đại học mới nhận ra sự không phù hợp.
Về phía gia đình, phụ huynh chỉ nên đứng ở vai trò khuyến khích, tham vấn dựa trên thế mạnh nổi trội và đam mê của con cái thay vì ép buộc. Còn đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục trung học phổ thông, cần đẩy mạnh thường xuyên và đổi mới công tác tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh khối 12 dễ dàng tiếp cận thông tin khi cần thiết và nhận được sự trợ giúp kịp thời.
Lối đi nào cho sinh viên chọn sai ngành học
Những sinh viên khi nhận ra sự nhầm lẫn trong chọn ngành học đã quyết định bỏ hẳn ngành đang theo học để lựa chọn một con đường khác. Lúc này, các bạn cần nhìn nhận lại bản thân, với những sở thích, tính cách và năng lực như vậy có thể lựa chọn những ngành nghề nào. Việc tìm được niềm vui, sự yêu thích đam mê ở một ngành học khác sẽ giúp các bạn có hứng thú học tập hơn, sau khi ra trường cũng sẽ không lãng phí 4-5 năm học đại học và có công việc như mong muốn.
Trong trường hợp lựa chọn tiếp tục học ngành không phù hợp, các bạn cần phải nhận thức rõ những rủi ro mình có thể gặp phải như học trong sự chán chường, áp lực. Khi đó kết quả học tập rất dễ bị giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tự tin. Những kỹ năng khác như giao tiếp cũng dần bị hạn chế, lâu dần sinh viên có thể rơi vào tình trạng stress nghiêm trọng và rất khó để học tập tiếp.
Một hướng đi khác mà sinh viên cũng lựa chọn khá nhiều là học song song hai ngành. Tuy nhiên, để học cùng lúc hai ngành, các bạn cần rất nhiều nghị lực và cố gắng, đặt ra mục tiêu rõ ràng trong quá trình học.
Việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai là cả một hành trình, có thể sự lựa chọn ban đầu chưa đúng, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội khác, nếu thực sự dũng cảm, hiểu về bản thân và công việc mình sẽ theo đuổi, nhất định các bạn sẽ đưa ra được những quyết định phù hợp.
Không ai có thể đưa ra một kết luận khẳng định chắc chắn tính đúng đắn về quyết định của các bạn sinh viên trong việc có nên dừng lại việc học khi chọn sai ngành hay không. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất ở đây là các bạn trẻ tự chủ đưa ra quyết định của riêng mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm với nó.