Bảo tồn làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu
(Sóng Trẻ) - Là một xã nhỏ nằm cách Hà Nội gần 35 km, xã Quảng Phú Cầu được bạn bè gần xa biết tới với nghề làm tăm hương truyền thống nổi tiếng có từ lâu đời.
Hơn 40 năm gắn bó và giàu lên nhờ nghề làm tăm
Từ lâu, người dân Việt Nam đã xem chuyện thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hoá truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết. Cũng từ đó mà xuất hiện nhu cầu tiêu thụ hương và sinh ra các làng nghề chuyên sản xuất hương nhang. Để có một nén nhang thành phẩm, đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu khác nhau. Trong những nguyên liệu ấy, tăm dùng làm chân hương là một nguyên liệu hết sức quan trọng.
Nói đến nghề làm tăm hương thì phải kể đến xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) vì đây là làng nghề truyền thống có từ lâu đời (cách đây hơn 40 năm) và còn phát triển cho đến ngày nay.
Làng nghề làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) nổi tiếng có từ lâu đời. (Nguồn: Internet)
Những năm gần đây, làng nghề phát triển mạnh, tạo việc làm cho rất nhiều hộ gia đình trong làng và lan dần sang cả các xã lân cận. Nhiều người biết đến sản phẩm tăm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa bởi, sản phẩm của làng không chỉ đẹp về mẫu mã, mà còn tiện lợi cho người tiêu dùng.
Hiện nay, cùng với nghề làm tăm hương, xã Quảng Phú Cầu còn kết hợp làm các loại tăm tròn, tăm mành… là nguyên liệu để sản xuất ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác và được xuất khẩu sang nhiều nước.
Toàn xã có khoảng 300 hộ và các hộ đều tham gia vào những công đoạn khác nhau của quá trình làm tăm hương. Trong đó, có 60 hộ đầu tư máy móc làm tăm tròn xuất khẩu sang Canada, 20 hộ có ô tô tải cung cấp nguyên liệu và chở hàng vào miền Nam.
Mỗi ngày, xã Quảng Phú Cầu tiêu thụ khoảng gần 200 tấn vầu từ Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Thanh Hoá… chuyển về. Nhiều gia đình từ chỗ sản xuất nhỏ nay mở rộng quy mô đầu tư máy móc, mở rộng xưởng sản xuất tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương, góp phần làm giảm số hộ nghèo toàn xã xuống còn 4% theo tiêu chí mới.
Thách thức để bảo tồn nghề truyền thống không bị mai một
Xã Quảng Phú Cầu đang vấp phải rất nhiều thách thức trong việc đưa nghề tăm phát triển thành một thương hiệu bền vững. Tăm hương của xã đa phần mới chỉ là sản phẩm thô, phải đưa vào miền Nam tiếp tục xử lý, sau đó mới xuất nại được. Người dân cũng chưa có điều kiện đầu tư máy móc và trình độ sử dụng các thiết bị hiện đại của người dân còn hạn chế. Vấn đề đầu tư nhân lực, vật lực còn thiếu sự quan tâm của chính quyền.
Đi cùng với sự phát triển kinh tế là vẫn đề ô nhiễm môi trường. Với cách làm ăn manh mún truyền thống, không có hệ thống xử lý chất thải chuyên nghiệp thì việc ô nhiễm môi trường là vấn đề khó tránh khỏi. Công đoạn ngâm tre, nứa của người dân trong xã đã và đang làm nguồn nước ở ao, ngòi và sông Nhuệ ô nhiễm nặng. Nài ra, người dân còn phải đối mặt với khói bụi do các xưởng làm tăm thải ra môi trường. Việc phơi tăm thủ công tràn ra đường cũng gây ách tắc giao thông.
Tăm được phơi tràn ra lòng đường. (Nguồn: Internet)
Ông N.V.V- chủ cơ sở sản xuất tăm tròn cho biết: “Sản xuất tăm tròn đa số toàn bằng nứa khô nên rất bụi và khá vất vả. Nghề tăm thì lợi nhuận cao đấy nhưng cũng nhiều rủi do, về mùa khô, tăm rất dễ bén lửa, gây ra cháy xưởng. Tuy chưa có vụ cháy nào gây thiệt hại về người nhưng về tiền bạc thì thất thoát không kể hết được.”
Sản xuất tăm tròn rất bụi bặm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. (Nguồn: Internet)
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đang dần cạn kiệt. Người dân trong xã phải sang Lào, hoặc các vùng giáp biên giới Việt – Trung để khai thác nứa, vầu về làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác như vậy thì chắc chắn không đảm bảo được sự phát triển bền vững.
Hướng đến tầm nhìn xa hơn
Để đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường , UBND xã Quảng Phú Cầu đã xây dựng dự án nước sạch giai đoạn 2000-2010. Năm 2009, trạm xử lý nước ngầm đầu mối thôn Phú Lương Hạ đã hoàn thành. Sau khi làm điểm thành công tại thôn Phú Lương Hạ, nhân dân các thôn Cầu Bầu, Đạo Tú, Xà Cầu cũng chung tay xây dựng trạm xử lý nước sạch. Đến nay, Quảng Phú Cầu đã có 4 trạm xử lý nước ngầm, công suất từ 200-500m3/ngày đêm.
Cùng với việc xử lý nước, xã còn xây dựng nhà máy xử lý rác mùn, tuy nhiên nhà máy này công suất còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để giải quyết triệt để vấn đề này, người dân đành thu m và bán lại cho nhà máy sản xuất giấy.
Ngành nghề tăm hương truyền thống phát triển đã mở ra cho xã Quảng Phú Cầu một hướng đi mới đầy hứa hẹn, với những nỗ lực không ngừng từ phía chính quyền và người dân trong xã, tin rằng làng nghề sẽ trở thành một vùng CN – TTCN trọng điểm của vùng quê nại thành Hà Nội.
Khánh Linh – Thu Hường
Lớp Báo mạng điện tử K.31
Cùng chuyên mục
Bình luận