Bẫy hợp đồng gia sư: Những chiêu trò lừa gạt sinh viên ít kinh nghiệm
(Sóng trẻ) - Không chỉ mất tiền oan vì phí môi giới, nhiều sinh viên còn bị ép khai gian kinh nghiệm, giả mạo thông tin để có thể nhận các lớp dạy gia sư.
Cảnh giác với lời mời chào hấp dẫn
Gia sư từ lâu đã trở thành công việc phổ biến đối với nhiều sinh viên, lý do chính là bởi nguồn thu nhập ổn định mà công việc này mang lại. Thế nhưng, bên cạnh các trung tâm uy tín, vẫn tồn tại không ít trung tâm “chui” - nơi lợi dụng nhu cầu việc làm của sinh viên, sử dụng nhiều chiêu trò để chiếm đoạt tiền cọc.
Các trung tâm này thường không có các thông tin cơ bản như Website, Fanpage, biển hiệu, hay thậm chí là địa chỉ trung tâm. Họ thường xuyên đăng tải các quảng cáo về lớp dạy với những cam kết như: thu nhập hấp dẫn, công việc ổn định, không yêu cầu kinh nghiệm... Khi được liên hệ, họ thông báo với người nhận lớp tới trực tiếp trung tâm để trao đổi công việc và ký hợp đồng.
P.A - sinh viên năm nhất trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Khi đến trung tâm theo địa chỉ họ gửi, mình được dẫn lên văn phòng. Mình khá bất ngờ vì đó chỉ là một căn phòng nhỏ, lụp xụp và chỉ có một bàn làm việc. Sau khi trao đổi, họ yêu cầu nộp một khoản phí tương đương 45% - 50% tiền lương của tháng, tức khoảng 600.000 - 800.000 đồng”.
Được biết, khoản chi phí này là phí nhận lớp, hay còn gọi là phí giới thiệu. Đây là khoản tiền sinh viên phải trả trước để có thể nhận lớp dạy qua sự giới thiệu của trung tâm. Mặc dù mức phí khá cao, song không ít bạn đã chấp nhận chi tiền vì tin tưởng vào sự ổn định mà trung tâm đã cam kết.
Thế nhưng, khoản phí này liên tục có sự “biến động”. “Sau khi ký hợp đồng một tuần, họ báo đổi lớp khác mà không có lý do cụ thể. Lớp mới có mức lương cao hơn, đồng nghĩa mình phải trả thêm phí nhận lớp. Nếu không nhận, họ sẽ đơn phương hủy hợp đồng và không hoàn trả khoản phí mình đã đóng trước đó” - P.A cho biết. Cũng theo P.A, trung tâm đã chặn các phương thức liên lạc khi “bị” đòi lại tiền.
Lật tẩy chiêu trò “ăn tiền”
Một chiêu trò khác mà các trung tâm gia sư này thường sử dụng là ép sinh viên khai gian thông tin cá nhân, bằng cấp, kinh nghiệm dù khi ký hợp đồng không có các yêu cầu này.
V.Đ.M.Đ (Hà Nội) bức xúc chia sẻ: “Họ yêu cầu mình nhận lại lớp của một bạn đã bỏ hợp đồng và hướng dẫn các cách thức để lừa phụ huynh và học sinh”. Theo Đ., trung tâm này sẽ hỗ trợ làm thẻ sinh viên và hình ảnh trên mạng xã hội Facebook, Zalo để dễ dàng “qua mắt” phụ huynh. “Sau khi mình không đồng ý, trung tâm đã lập tức hủy hợp đồng”, Đ. cho biết thêm.
Không khó để bắt gặp các trường hợp sinh viên bị ép khai gian thông tin cá nhân để có thể nhận lớp học. Tuy nhiên, vì đạo đức nghề nghiệp nên phần lớn sinh viên đều từ chối và điều này đồng nghĩa với việc mất toàn bộ tiền cọc. Ngược lại, nếu đồng ý, họ phải tự chịu trách nhiệm với công việc do trung tâm không còn ràng buộc sau khi bàn giao lớp theo hợp đồng.
Theo tìm hiểu của PV, các trung tâm này đều sử dụng tài khoản giả để trao đổi công việc. Nhằm tránh bị tố cáo khi có tranh chấp, họ chỉ gọi điện để trao đổi các thông tin quan trọng như lịch dạy, điều kiện hợp đồng hay thậm chí là cách lừa phụ huynh.
Trong trường hợp người nhận lớp có thắc mắc hoặc muốn có thông tin rõ ràng bằng văn bản, các trung tâm thường vòng vo hoặc tỏ thái độ khó chịu. Một số trường hợp, sau khi sinh viên phát hiện bị lừa và cố gắng liên lạc lại, họ lập tức bị chặn, thậm chí bị đe dọa bằng những lời lẽ khiếm nhã.
Với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, các trung tâm gia sư lừa đảo vẫn đang tiếp tục hoạt động mạnh trên địa bàn Hà Nội. Sinh viên cần nâng cao cảnh giác bằng cách kiểm tra kỹ thông tin trung tâm gia sư, đọc kỹ hợp đồng… để tránh mất tiền oan và không bị lôi kéo vào các hành vi gian dối.