Bình đẳng trong giáo dục vùng dân tộc thiểu số: Đại học là tương lai của con!

(Sóng trẻ) - Trong những năm gần đây, giáo dục nói chung và giáo dục đại học đối với vùng dân tộc thiểu số đã ngày càng có những tiến triển rõ rệt, đặc biệt là vấn đề bình đẳng trong học tập giữa học sinh nam và học sinh nữ.

Cơ hội không của riêng ai!

Trong những năm gần đây, giáo dục nói chung và giáo dục đại học đối với vùng dân tộc thiểu số đã ngày càng có những tiến triển rõ rệt, đặc biệt là vấn đề bình đẳng trong học tập giữa học sinh nam và học sinh nữ.

Phạm Trà My là một cô gái người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên tại vùng núi Yên Lạc, Na Rì, Bắc Kạn. Ở chỗ em, số nữ sinh đi học hết lớp 12 rất ít, đặc biệt là học đại học, em chính là một trong số ít những bạn có được cơ hội này. Luôn ấp ủ mong ước được bước chân vào trường đại học mơ ước, trong suốt những năm tháng cấp 3, My luôn chăm chỉ và cố gắng học tập, để rồi em cũng gặt được trái ngọt. My đã thi đỗ vào khoa Dược trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Hạnh phúc là thế nhưng cô vẫn canh cánh nỗi niềm:“ Lúc quyết định học đại học, mình rất lo bởi học đại học thì tiền học phí, tiền ở trọ và các chi phí khác rất là nhiều, bố mẹ mình sẽ phải chi trả số tiền lớn ấy. Nhưng cũng rất may mắn là sau khi mình nói chuyện với bố mẹ thì bố mẹ rất vui vẻ ủng hộ quyết định của mình.”

Khi được hỏi về lý do lựa chọn ngành học hiện tại của mình, My cho biết: “ Niềm đam mê học và trở thành dược sĩ là ước mơ từ thuở nhỏ của mình. Ở quê mình, mặc dù đã được nhà nước quan tâm rất nhiều, cũng được nhận rất nhiều sự hỗ trợ, nhưng ở những vùng sâu vùng xa hơn, cuộc sống của người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về y tế và sức khỏe con người, cộng đồng. Bởi vậy, mình lựa chọn học dược để sau này khi đã có đủ kiến thức và kĩ năng, mình sẽ trở về quê nhà để giúp đỡ mọi người chăm sóc và bảo vệ bản thân, giúp bà con luôn khỏe mạnh, hạnh phúc.”

ngoc-1.png
Trà My - sinh viên tại Đại học Y Dược Thái Nguyên

 


Giống như My, Thào Thị Nhung đến từ Lai Châu, cô gái người dân tộc Giáy cũng mang trong mình khát khao khám phá chân trời mới, cơ hội mới cho bản thân và gia đình, quê hương.

Gia đình cô sinh sống tại bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), dù gia đình không khá giả là mấy nhưng khi biết mong muốn luôn ấp ủ trong lòng con gái là được xuống Thủ đô để học tập, bố mẹ Nhung vô cùng ủng hộ và tạo điều kiện cho con:

“ Học đại học giúp mình trau dồi bản thân và có định hướng cho tương lai.” - Nhung chia sẻ.

Lựa chọn ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, cô cho biết:  “ Mình mê tiếng Anh từ khi còn nhỏ, khi đó gia đình chưa có điều kiện nên mình chỉ được nghe tiếng Anh qua cuộc nói chuyện của người nước ngoài trong các buổi chợ phiên mà thôi. Lúc ấy,với mình tiếng Anh thật là cuốn hút. Sau này, khi đã có nhiều kiến thức hơn về lợi ích của ngôn ngữ này thì đam mê học hỏi, chinh phục ngôn ngữ này trong mình lại càng lớn hơn.”

ngoc-2.png
Thào Thị Nhung - sinh viên tại Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

 

Bố mẹ sẽ luôn đồng hành trên con đường mà con đã chọn

Tiếp nối những tư tưởng và đường lối của Đảng về giáo dục và quyền bình đẳng trong giáo dục, cùng với mong muốn con cái được phát triển toàn diện, có những cơ hội mới trong cuộc sống, bố mẹ của My và Nhung là hai trong số rất nhiều gia đình đã và đang cho con theo học tại các trường đại học trên toàn quốc.

Chia sẻ về lý do cho con đi học đại học, ông Phạm Quang Luận- bố của My cho biết: “ Gia đình chú không khá giả gì, nhưng khi biết mong muốn được học tập của con thì cô chú cũng hết lòng giúp đỡ, chỉ mong sao My được học tập tốt nhất có thể là cô chú vui rồi.”

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, năm 2021 toàn tỉnh có 62 sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên cả nước. Nhung là một trong số 62 bạn sinh viên ấy.

Kết nối và trao đổi với gia đình Nhung qua điện thoại, chú Thào Văn Chiến chia sẻ: “ Nhung nhà chú là một đứa học khá, cô giáo cũng khuyến khích gia đình cho bạn đi học. Lúc đầu gia đình cũng hơi lo lắng vì con đi học xa, nhà cũng không phải có nhiều tiền. Nhưng đến khi con có giấy báo đỗ vào trường đại học, cô chú rất mừng và cũng tạo điều kiện tốt nhất để con được đi học, thỏa mãn đam mê của con.” 

“ Việc học tập của con em trong bản cũng được các cán bộ và nhà trường quan tâm rất nhiều, ngày trước thì không có mấy nhà cho con đi học cả, nhưng mấy năm gần đây thì hầu như nhà nào cũng cho con đi học, nhờ có nhà trường mà chú thấy học đại học rất có ý nghĩa với các con nên chú và cô cũng muốn cho Nhung đi học để bà con cũng cho con em họ đi học.” - chú Chiến chia sẻ thêm.

Mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng những gia đình học sinh, sinh viên dân tộc thiểu vẫn mong muốn, khát khao con cái được học tập đầy đủ, nuôi dưỡng ước mơ một tương lai tươi sáng hơn, đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Để đạt được kết quả này, không chỉ có bản thân mỗi sinh viên mà chính từ nhận thức của mỗi bậc phụ huynh cũng đã và đang dần được thay đổi, trở nên tiến bộ hơn, khắc phục được những quan niệm, hủ tục lạc hậu, xưa cũ. Nhờ đó, thế hệ trẻ miền dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển và bình đẳng hóa trong giáo dục trên khắp cả nước.

Giáo dục đại học đối với vùng DTTS đang ngày một bình đẳng

Nước ta là một quốc gia với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên khắp cả nước, trong đó có 53 DTTS, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Đa số người DTTS cư trú ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước. Đây là những nơi núi cao, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhưng đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược, xung yếu về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Để có thể phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt chú trọng tới giáo dục, nhất là giáo dục ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, học tập và làm việc. Nhờ những cố gắng của các cấp chính quyền, đến năm 2019, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường THCS, tiểu học và hầu hết các xã có trường, điểm trường và lớp học mầm non; cả nước có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với tổng số 109.245 học sinh nội trú. Trong đó, số trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia chiếm khoảng 40%. Ngoài ra còn 975 trường phổ thông dân tộc bán trú, 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc.

Trao đổi về vấn đề này, theo ông Đỗ Văn Chiến, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Những năm qua, việc đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, miền núi được Đảng, Nhà nước và các địa phương xác định là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển KT-XH. Đến nay, đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học, học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ chi phí ăn, ở, học. Mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng DTTS, miền núi tiếp tục được củng cố, mở rộng. Trong đó mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú đã góp phần to lớn trong tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn trong suốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, đánh giá được đúng tình hình thực tế của giáo dục đại học và bình đẳng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm tạo khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy nhận thức của các em học sinh, sinh viên đang trong độ tuổi học tập tiếp tục cố gắng, phấn đấu, nỗ lực để thực hiện ước mơ của mình.

Theo báo cáo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục Đại học tính đến năm học 2019-2020, cả nước có 103.181 sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường đại học trên toàn quốc. Hơn 13.000 người DTTS có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng; hơn 78.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp. 

Ngoài ra, một trong những việc làm thiết thực để thể hiện sự quan tâm và đẩy mạnh giáo dục dân tộc thiểu số là dạy học tiếng bản địa, đã có 23 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang triển khai dạy và học 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số, gồm: Tiếng Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Thái. Đây là minh chứng rõ nét trong việc góp phần bảo đảm quyền văn hóa cho các dân tộc thiểu số.

Có thể thấy, để đạt được những kết quả là từ chính sách hỗ trợ giáo dục vùng DTTS và miền núi những năm qua của Đảng, Nhà nước; sự cố gắng, nỗ lực của các thầy, cô giáo cùng các em học sinh DTTS. Từ đây, có thể ngày một khẳng định chất lượng giáo dục dân tộc đang ngày càng được nâng cao, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và miền núi.

Bởi vậy, bình đẳng và thúc đẩy trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là yếu tố then chốt để phát triển nguồn nhân lực của cả nước. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN