“Body shaming” – Bạo lực bằng lời nói
(Sóng trẻ) – “Body shaming” hay miệt thị nại hình đang là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Những lời nói giễu cợt, chê bai nại hình tưởng chừng như vô hại nhưng để lại hậu quả khôn lường.
“Body shaming” là hành động đưa ra những phát ngôn tiêu cực, không phù hợp về trọng lượng, kích thước cơ thể hoặc nại hình của một con người. Điều này xuất hiện từ những nhận thức phiến diện và lệch lạc của nhiều cá nhân về cái đẹp. Trong xã hội hiện đại, nại hình đang trở nên ngày càng quan trọng và được quan tâm hơn bao giờ hết. Những quan điểm “béo là xấu, gầy mới đẹp”, “con gái phải da trắng, chân dài, ba vòng nóng bỏng” hay “con trai phải có cơ bắp, cao to” đang trở thành những quy chuẩn để đánh giá. Điều này khiến cho nhiều người không sở hữu những đặc điểm như khuôn mẫu trên dễ bị đem ra soi xét, chế bai.
“Body shaming” xảy ra ở khắp nơi trong cuộc sống, từ gia đình, trường học, cơ quan, trong những cuộc nói chuyện hay ngay cả những tiết mục, chương trình gây cười cho khán giả. “Body shaming” được biểu hiện dưới 3 hình thức đơn giản mà chúng ta thường hay bỏ qua hoặc cho rằng là bình thường: Tự chê bai bản thân mình và so sánh mình với người khác (Sao chân mình ngắn thế, mặt mình lắm mụn thế mà nó lại chẳng có tý nào, 55kg rồi mình béo như lợn ý...); Chỉ trích nại hình người khác trước mặt họ (Mới tăng cân à, sao béo thế, bây giờ người ta thích vòng 1 to cơ, mày xấu thế này ai yêu cho nổi...); Đánh giá người khác sau lưng họ (con kia mặt to như cái mâm ý nhỉ, thằng này lùn với nhìn ẻo lả kiểu gì ý,...).
Trong xã hội hiện nay, việc đánh giá người khác qua nại hình đã trở thành một thói quen. Chúng ta coi việc “body shaming” bản thân mình và người khác là chuyện rất bình thường. Nhiều người sẵn sàng buông lời nhận xét mà không cần biết đối phương cảm thấy thế nào. Có thể bạn cho rằng “lời nói gió bay”, song việc chê bai, giễu cợt nại hình của một người có thể để lại hậu quả nặng nề.
Gần đây, sự việc một bà mẹ đơn thân bán hàng online bị nhiều người chê bai nhan sắc đến mức bật khóc ngay trên livestream đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Chị Duyên Phạm – nhân vật chính của sự kiện trên tâm sự: “Bị chửi khiến mình suy nghĩ nhiều nên ốm, không còn đầu óc làm ăn gì hết. Mình bị đả kích trên Facebook và cả điện thoại nữa, hầu như chuông cứ reo cả ngày mà chẳng dám nghe. Kể cả bố mẹ, người thân cũng không liên lạc được. Cả tuần nay đều mất ăn mất ngủ vì vụ livestream bán hàng”.
Chị Duyên bật khóc bởi những lời chế giễu, miệt thị trên mạng (nguồn: Internet)
Nguyễn Khánh Linh (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Các bạn trong lớp luôn trêu mình béo và đặt biệt danh cho mình là ‘Voi’. Mặc dù đối với các bạn đó chỉ là trò đùa vui nhưng mình không thấy như vậy. Những câu nói đó khiến mình cảm thấy xấu hổ, tự ti về bản thân. Mình đã từng nhịn ăn để giảm cân đến mức ngất xỉu vì đói”.
Có những lúc, chính bạn là người tự “body shaming” bản thân mình. Khi đi mua quần áo, có ai thường tự hỏi: “Da mình đen thế này sao mặc được màu trắng” hay “Mình gầy thế này mặc cái quần kia chắc thành que củi” chưa?. Hay cả những lúc tự đem bản thân mình ra so sánh với người khác khi nói chuyện:“Mày sướng thật đấy, ăn gì cũng không sợ, chả bù cho tao hít không khí thôi cũng đủ béo rồi”. Đó là một trong những biểu hiện của “body shaming”.
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng “body shaming” gây ảnh hưởng theo nhiều mức độ: “Nếu chúng ta nói ở mức độ nhẹ và thể hiện sự quan tâm thì nó có thể tạo ra sự thay đổi tích cực. Ví dụ như đối tượng đó sẽ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của mình hơn, tập luyện tốt hơn hoặc điều chỉnh lối sinh hoạt của bản thân. Tuy nhiên, phần lớn nó sẽ để lại sự tổn thương làm cho người đó cảm thấy xấu hổ, mặc cảm. Thậm chí, họ có thể có những hành động tiêu cực khi tình trạng ‘body shaming’ đó bị lặp đi lặp lại thường xuyên từ nhiều người”.
Jessica Laney đã tự kết liễu cuộc sống của mình ở tuổi 16. Không chỉ bị chế giễu về nại hình, bị gọi là “mập ú”, “lẳng lơ”, Jessica còn nhận được những câu nói kinh khủng như “Cô có thể chết đi được không?” hay “Chẳng ai thèm quan tâm đến cô đâu”. (nguồn: Internet)
“Nó có thể làm cho đối tượng rơi vào những trạng thái như rối loạn về mặt tâm lý, dẫn đến trầm cảm, thậm chí nghiêm trọng hơn là nghĩ đến chuyện tự tử. Vì vậy, những lời miệt thị này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của đối tượng bị ‘body shaming’”.
Bạn Trần Thị Thanh cho biết: “Trước kia mình cũng rất ám ảnh bởi mọi người xung quanh thường xuyên chê gầy khiến mình không dám đăng ảnh lên mạng xã hội. Thực ra, mình bị chứng kém hấp thụ chất dinh dưỡng nên dù ăn nhiều cũng không tăng cân được. Những lời nói kiểu ‘sao không ăn vào đi’, ‘đang giữ eo à’, ‘gầy thế này rồi còn nhịn ăn’,… khiến mình bản thân mình stress và có những lúc tưởng như phát điên”.
“Ngay cả những lời nói quan tâm thiện ý hay những lời đùa vui mà cứ lặp lại thì cũng có thể gây tổn thương cho người khác”- TS Khuất Thu Hồng chia sẻ
Ngạc nhiên thay, một số cho rằng “body shaming” chỉ là những lời góp ý để người khác trở nên tốt đẹp hơn. Liệu những lời miệt thị như vậy, dù với mục đích quan tâm thì, có mang lại hiệu ứng tích cực với người nhận nó hay không? Theo bạn, “body shaming” đang phản ảnh một vấn đề nhức nhối trong xã hội, hay thực chất chỉ là một hình thức phóng đại? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về “body shaming” ở phần bình luận bên dưới.
BBT Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận