Bức tranh 'Ngũ hổ thần tướng': Sự hồi sinh của môn nghệ thuật thất truyền hơn một thế kỷ
(Sóng trẻ) - Talkshow “Họa Kim Sa & Tín ngưỡng thờ mẫu trong tranh Hàng Trống” lần đầu tiên mang đến bức "Ngũ hổ thần tướng" theo phong cách Họa Kim Sa. Bức tranh được thực hiện trong hơn 300 giờ, thu hút sự quan tâm của đông đảo những người yêu nghệ thuật.
Talkshow được tổ chức bởi HỌA GẤM vào ngày 5/3, tại khách sạn Smarana (Hà Nội). Sự kiện nằm trong dự án “Hoạ Linh Sắc Việt" - chuỗi sự kiện nhằm lan tỏa nét đẹp tâm linh của người Việt trong 4 dòng tranh dân gian nổi tiếng: Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng và Làng Sình; kết hợp với nghệ thuật Hoạ Kim Sa - môn nghệ thuật được cải tiến bởi Pháp Lam Huế bị thất truyền hơn 1 thế kỉ.
Với niềm yêu thích văn hóa truyền thống của nhiều nền văn minh khác nhau, đồng thời muốn giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa nét đẹp nghệ thuật đến thế hệ trẻ, HỌA GẤM đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và phục dựng, sáng tạo những sản phẩm thủ công theo phong cách nghệ thuật cổ.
Chị Nguyễn Hoàng Anh - người thành lập HỌA GẤM, cũng là người trực tiếp phục dựng các bức tranh và sáng tạo tranh mới bằng những nghệ thuật cổ chia sẻ: “Toàn bộ bức tranh đều mang sứ mệnh truyền tải đến thế hệ trẻ nét đẹp cổ truyền. Để dễ dàng tiếp cận với công chúng hiện đại, HỌA GẤM đã thổi hơi thở hiện đại vào tranh cổ, sao cho các tác phẩm nghệ thuật trở nên độc đáo nhất, thu hút nhất".
Đặc biệt, sự kiện còn lần đầu tiên mang đến bức tranh “Ngũ hổ thần tướng” trong tranh Hàng Trống theo phong cách Họa Kim Sa. Chị Hoàng Anh cho biết thêm: “Hổ trong tín ngưỡng của người Việt được xem là linh vật có sức mạnh, oai linh. Từ đó, nó dần đi vào nghệ thuật, trở thành nét đẹp đặc trưng trong tranh dân gian Việt Nam. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ, Quan Ngũ Hổ thuộc hệ thống thần linh được nhân dân tôn kính phụng thờ hàng hạ ban. Có thể nói, việc phụng thờ thần hổ không phát triển độc lập mà tồn tại song hành cùng với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu. Bởi vậy, chúng mình tạo nên bức Ngũ hổ thần tướng theo phong cách Họa Kim Sa nhằm tiếp nối những giá trị đẹp mà tranh Hàng Trống để lại”.
“Ngũ hổ thần tướng” được làm thủ công toàn bộ trong hơn 300 giờ, bằng nhiều chất liệu khác nhau như dây đồng, cát và keo cố định. Quá trình thực hiện bức tranh đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Bởi vậy, HỌA GẤM đã dành trọn tâm huyết vào từng công đoạn như: lên ý tưởng, phục dựng, phác thảo, tìm và tạo nguyên liệu, đính kết, hoàn thiện sản phẩm.
Tham gia Talkshow, bạn Phạm Thị Ngọc Yến (20 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Talkshow mang đến cho mình nhiều kiến thức mới mẻ về văn hóa dân gian, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu. Tưởng chừng đây là một lĩnh vực khó tiếp cận, nhưng bức tranh thủ công của HỌA GẤM đã truyền tải trọn vẹn thông điệp đến khán giả. Từ đó, mình hiểu và tự hào về những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình".
Talkshow nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá, bản sắc, tôn giáo được hình thành và phát triển bởi những con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Bên cạnh đó, đây còn lời khẳng định đầy tâm huyết về tình yêu, niềm tự hào của thế hệ trẻ đối với quá khứ, với những giá trị truyền thống cao quý của dân tộc mình.
Trong thời kỳ Cảnh Thái đế thời nhà Minh, Trung Quốc trị vì, sản xuất đồ giả sứ tráng men được đột phá bằng việc phát minh ra những màu sắc tươi mới, cốt kim loại thay vì cốt sứ, tạo thành nghệ thuật mới, lấy tên gọi Cảnh Thái Lam. Nghệ thuật này du nhập vào Việt Nam dưới thời Nguyễn với một tên gọi mới: Pháp lam. Trong thời hiện đại, việc để tên Cảnh Thái Lam để giữ gìn nguyên bản; tuy nhiên để phát huy theo tinh thần dân tộc và hài hoà với văn hoá của người Việt, Họa Gấm cùng các nhà cố vấn đã quyết định gắn cho nghệ thuật này một tên gọi mới là Tân Pháp Lam - Hoạ Kim Sa. |