Đặc sắc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 4/3/2025 (tức mùng 5/2 năm Ất Tỵ), người dân và du khách thập phương đã nô nức tham gia lễ kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại miếu thờ Hai Bà Trưng.

Rạng sáng sớm, tại miếu thờ Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) đông đảo người dân và du khách thập phương đã tới tham gia lễ dâng hương và cấp thủy trên sông Hồng theo truyền thống tín ngưỡng. Hoạt động nhằm tưởng nhớ đến công ơn Hai Bà và phát huy đạo lý “uUống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đặc biệt, năm nay để chào mừng quyết định công nhận “Lễ hội đền Hai Bà Trưng” (phường Đồng Nhân, phường Bạch Đằng) là di sản văn hóa phi vật thể, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức lễ hội với quy mô đặc biệt. Đồng thời, quận cũng vinh dự đón nhận quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho quần thể Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất thiêng.
Bà Hồ Thị Hợp (73 tuổi, Hoàn Kiếm) bồi hồi chia sẻ: “Hằng năm, tôi đều tham gia lễ hội đền Hai Bà Trưng tại quận Hai Bà Trưng cùng gia đình. Năm nay đặc biệt hơn vì quận vinh dự đón quyết định công nhận Di sản phi vật thể quốc gia với lễ hội, tôi cảm thấy rất tự hào và vui mừng khi nét đẹp dân tộc của quận sẽ mãi được duy trì và bảo tồn”.

Sau lễ cấp thủy trên sông Hồng, lễ hội có tổ chức nghi thức rước nước về đền thờ Hai Bà Trưng và tổ chức những hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong đó, có các hoạt động như: múa lân, trống cổ động trên địa bàn phường và trước Miếu Hai Bà Trưng phường Bạch Đằng.


Hòa chung không khí rộn ràng của lễ hội, Vũ Kim Ngân (19 tuổi, Cầu Giấy) háo hức cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình tham gia lễ hội và thực sự ấn tượng. Đến đây, mình bất ngờ trước quy mô hoành tráng, cùng những tiết mục văn hóa – nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc”.
Theo chia sẻ của người dân phường Bạch Đằng, lễ hội đền Hai Bà Trưng không chỉ là dịp tri ân hai vị nữ anh hùng dân tộc mà còn là niềm tự hào, biểu tượng văn hóa của cộng đồng nơi đây. Mỗi năm, người dân quận Hai Bà Trưng luôn thành kính tưởng nhớ công lao Hai Bà, gìn giữ và lan tỏa truyền thống quý báu qua từng thế hệ.

Về công tác đảm bảo an ninh – trật tự lễ hội, ông Nguyễn Lương (63 tuổi, Hai Bà Trưng), cán bộ tổ dân phố phường Bạch Đằng, cho biết: “Công tác chuẩn bị đã được triển khai kỹ lưỡng với gần 100 người tham gia làm theo ca, chia thành các tổ chuyên trách như hướng dẫn du khách, đảm bảo an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn…”.
Lễ hội diễn ra từ ngày 4/3 - 6/3/2025 với nhiều hoạt động thú vị.
Để tri ân và tôn vinh công lao hiển hách của Hai Bà Trưng, qua nhiều thế kỷ, nhân dân đã xây dựng nhiều công trình tưởng niệm đầy ý nghĩa. Hiện nay, Hà Nội có ba ngôi đền được xem là nơi thờ chính Hai Bà Trưng, mỗi địa điểm gắn liền với một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của hai vị nữ anh hùng: Đền Hạ Lôi (huyện Mê Linh) – quê hương của hai vị nữ tướng, tổ chức hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch; Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) – nơi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, diễn ra hội vào ngày 6 tháng 3 Âm lịch; Đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) – nơi ghi dấu sự kiện nhân dân rước tượng Hai Bà từ sông Cái lên bờ lập đền thờ, tổ chức lễ hội vào ngày 6 tháng 2 Âm lịch. |