Cái Tâm của người làm báo
(Sóng Trẻ)-Trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu: “Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay”, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Nguyên Trưởng Ban TTVH Trung ương (nay là Ban Tuyên Giáo Trung ương), Nguyên Trợ lý Tổng Bí thư khoá 2001-2006 về vấn đề này…
Một trong những nhiệm vụ đặc biệt của báo chí là tạo dựng và định hướng dư luận xã hội. Vì vậy, nài năng lực nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, nhà báo rất cần có đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật trong những năm qua, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo đang trở thành một vấn đề nổi cộm của báo chí Việt Nam.
Trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu: “Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay”, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Nguyên Trưởng Ban TTVH Trung ương (nay là Ban Tuyên Giáo Trung ương), Nguyên Trợ lý Tổng Bí thư khoá 2001-2006 về vấn đề này…
- Trước hết, xin ông đánh giá khái quát sự phát triển của báo chí Việt Nam trong 10 năm trở lại đây?
Nhà báo Hữu Thọ: Nhiều người lấy mốc năm 1986 – năm Đại hội lần thứ VI của Đảng mở đầu thời kỳ đổi mới là thời điểm bắt đầu thời kỳ phát triển sôi động của báo chí phản ánh thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Theo tôi, đổi mới bắt đầu từ thực tiễn, do đó sự phát triển sôi động của báo chí đổi mới diễn ra từ trước đó và thực sự sôi động là từ đầu những năm 80. Tuy nhiên từ 1980 đến 1986 là báo chí đổi mới một cách tự phát, từ 1986 trở đi mới thực sự có định hướng, đi vào nề nếp, cùng Đảng “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” khắc phục “giản đơn, một chiều”. Báo chí Việt Nam thực sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, có một thực trạng là hiện nay số lượng đầu báo, số lượng nhà báo chưa tỷ lệ thuận với chất lượng của báo chí. Nhiều cơ quan muốn ra báo để có một nơi phát ngôn chính thức, nhiều người muốn chọn nghề báo vì nghề này hấp dẫn và theo họ thì dễ nổi tiếng. Tiêu cực trong báo chí thì có từ lâu nhưng từ năm 1998 là năm mà làng báo đã bắt đầu chứng kiến nhiều hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong kinh tế thị trường với nhiều sự cám dỗ. Đó cũng là năm mà Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo”.
- Quan niệm của ông về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo?
Nhà báo Hữu Thọ: Nghề nào cũng cần có đạo đức. Nghề báo là nghề có quan hệ tới nhiều người, nhiều tầng lớp, đóng vai trò quan trọng trong tạo dựng và định hướng dư luận xã hội nên đạo đức nghề báo rất được coi trọng và chú ý. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo phải dựa trên đạo làm người, đạo đức công dân và đạo đức cách mạng. Đã có lúc chúng ta chỉ chú ý giáo dục đạo đức cách mạng mà coi nhẹ đạo đức làm người. Một nhà báo có đạo đức tốt trước hết phải là một người tốt, là một công dân tốt.
Đất nước nào cũng quan tâm đến đạo đức nghề báo nhưng mỗi nước có những quy định khác nhau dựa trên những yêu cầu của nước đó. Ở nước ta, đạo đức nghề báo còn phải gắn với đạo đức chính trị. Chúng ta yêu cầu báo chí phải trung thực, khách quan nhưng trung thực, khách quan phải gắn với nhiệm vụ chính trị, giữ vững định hướng phát triển, không được làm mất ổn định chính trị của đất nước. Trung thực, khách quan bị ràng buộc bởi hai điều là bản chất sự thật và trách nhiệm xã hội của nhà báo. Bản chất sự thật khác với hiện tượng bên nài của sự thật. Nhà báo phải có trách nhiệm tìm ra cái bản chất bên trong của sự thật, đánh giá đúng sự thật và chỉ nói rõ sự thật khi đã đánh giá đúng. Còn trách nhiệm xã hội buộc nhà báo phải suy nghĩ nên đưa tin vào lúc nào, đưa như thế nào để có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước của mình.
- Theo ông, trong các vấn đề nổi cộm hiện nay của báo chí, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo có phải là vấn đề nổi cộm nhất?
Nhà báo Hữu Thọ: Đạo đức nghề nghiệp chỉ là một trong những vấn đề nổi cộm. Ví dụ vấn đề định hướng dư luận và báo chí tư nhân hoặc núp bóng tư nhân cũng là những vấn đề nổi cộm hiện nay.
- Theo ông, trong các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp như: hiểu biết về pháp lý, về thể chế, trách nhiệm xã hội, lợi ích quốc gia, tính chuyên nghiệp, tính khách quan, tính trung thực thì vấn đề nào là quan trọng nhất mà nhà báo cần phải chú ý trong khi tác nghiệp?
Nhà báo Hữu Thọ: Điều đầu tiên và tối thiểu nhất mà nhà báo cần phải chú ý là tính trung thực. Nội dung cơ bản của tính trung thực là tôn trọng sự thật. Khi nhà báo biết tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng bản chất của sự thật thì nhà báo sẽ biết cách xử lý thông tin, sự thật đó như thế nào. Nhà báo đó sẽ không bị bất kỳ điều gì, bất kỳ lý do gì ràng buộc dù đó là tiền bạc hay quyền lực chi phối. Nhưng trung thực mới chỉ là đạo đức, để tiếp cận được cái đúng, cái bản chất thì cần phải có kiến thức và trách nhiệm xã hội. Bản chất của sự thật chính là tính chân thật.
Trên thế giới có tờ báo phát hành được nhiều là do hay cải chính. Hôm nay họ cố tình đưa tin sai và ngày hôm sau họ cải chính, rồi cứ tiếp tục như thế. Người ta mua báo vì muốn được xem cải chính. Những tờ báo đó có thể nổi tiếng, bán được nhiều báo, thu lợi nhuận lớn nhưng chắc chắn không phải là những tờ báo chiếm được sự tin cậy của độc giả, không phải là những tờ báo chiếm vị trí sang trọng trong lòng độc giả. Người đốt đền có thể nổi tiếng hơn người xây đền nhưng họ chỉ có thể trở thành nhân vật lịch sử với ý nghĩa để lại tiếng xấu chứ không bao giờ trở thành nhân vật văn hoá. Điều độc hại của những tờ báo đó là họ làm ra và cung cấp những sản phẩm “dưới văn hoá”, tạo ra một bộ phận công chúng có nhận thức “dưới văn hoá” và một nền văn hoá “dưới văn hoá”.
Ở nước ta có nhiều tờ báo thường xuyên mắc sai lầm và khi sai lại không kịp thời cải chính. Điều này xuất phát từ một quan niệm luôn coi mình là đúng và sợ cải chính. Bởi họ nghĩ rằng nếu cải chính có nghĩa nhận mình là sai, và đã sai thì sẽ mất độ tin cậy, mất độc giả và đương nhiên sẽ thiệt hại về kinh tế.
- Trước đây, chúng ta có 10 điều Quy ước đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, sau đổi thành 9 điều Quy định. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, tôi thấy tính hiệu lực của nó đối với sự tác nghiệp của cá nhân mỗi nhà báo là chưa cao. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Nhà báo Hữu Thọ: Bởi vì theo tôi còn mấy điều bất cập. Thứ nhất, dùng từ “Quy ước” thì thích hợp hơn là “Quy định”. Quy ước mới chính là “tâm luật”, còn quy định là nằm trong luật pháp.
Thứ hai, nếu quy định là luật thì Hội nhà báo lại không phải là cơ quan có quyền ra luật.
Thứ ba, những quy định đạo đức nghề nghiệp của chúng ta còn hẹp và quá cứng nhắc. Nếu nói chung chung thì đúng, nhưng trong nhiều từng tình huống cụ thể thì chưa thật sự thích hợp và không dễ xử lý, ví dụ như thế nào là dâm ô, bạo lực…
- Ở những nước có nền báo chí tiên tiến, mỗi cơ quan báo chí tự xây dựng cho mình một bộ quy ước đạo đức nghề nghiệp và nếu nhà báo nào vi phạm sẽ bị “trừng phạt” nghiêm khắc. Ở Việt Nam, khi nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì luật pháp và công luận hình như còn coi nhẹ, chưa thực sự lên án mạnh mẽ?
Nhà báo Hữu Thọ: Có hai nguyên nhân cơ bản, thứ nhất là luật pháp và quy định đạo đức đều chưa nghiêm và có điều tế nhị. Thứ hai là những người mắc lỗi một số người lại thực sự có năng lực, mà xã hội ta rất trọng, rất cần người tài, cơ quan báo chí rất muốn tuyển dụng những nhà báo có tài.
- Theo ông, những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhà báo hiện nay là gì?
Nhà báo Hữu Thọ: Có một số biểu hiện nổi bật sau: Biểu hiện thứ nhất là dùng báo chí để “đánh” lẫn nhau trong nội bộ. Hiện nay có nhiều nhà báo thường tụ tập với nhau để bàn cách “đánh” ai và “cứu” ai. Nếu anh giúp tôi đánh sếp của tôi thì tôi sẽ giúp anh đánh sếp của anh.
Biểu hiện thứ hai là dùng báo chí để đề cao một người nào, một tổ chức nào đó vì lợi ích cá nhân mà thực chất người đó chưa đáng được đề cao như cách viết quảng cáo để nhận tiền.
Biểu hiện thứ ba là dùng báo chí để che dấu điều xấu, che dấu tội phạm.
Cả ba biểu hiện trên đều xuất phát từ động cơ cá nhân, có thể vì tiền, có thể vì quyền cũng có thể vì ân nghĩa, yêu ghét cá nhân.
- Nhiều nhà báo nói rằng, trong điều kiện hiện nay nhà báo không thể không nhận phong bì, điều quan trọng là họ viết như thế nào? Ý kiến của ông về vấn đề này?
Nhà báo Hữu Thọ: Tiền cũng là một vấn đề quan trọng để nhiều nhà báo phải suy nghĩ. Nhưng có bao nhiêu tiền mới là đủ? Nhiều người nghèo khổ vẫn viết lên những tác phẩm để đời. Ai cũng cần tiền để sống, nuôi gia đình. Nhưng điều quan trọng là đừng coi đồng tiền là mục đích sống, lý tưởng nghề nghiệp.
- Theo ông, trong tình hình hiện nay thì nhà báo phải có những yêu cầu đạo đức nghề nghiệp như thế nào?
Nhà báo Hữu Thọ: Thứ nhất vẫn là sự trung thực. Thứ hai là sự dũng cảm, dám xông pha vào những điểm nóng sôi động nhất của cuộc sống, luôn đứng ở trung tâm của sự kiện, bước nặt của lịch sử. Thứ ba là sự hiểu biết và tôn trọng đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời phải có kiến thức sâu, rộng về lĩnh vực mình viết. Thứ tư là phải có tính chuyên nghiệp, chuyên nghiệp trong mối quan hệ với toà soạn, với lãnh đạo cơ quan báo chí (như chấp hành sự điều động); chuyên nghiệp trong xử lý mối quan hệ với đồng nghiệp và cả sự chuyên nghiệp trong ứng xử với đối tác.
- Cuối cùng, để Việt Nam có một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn, đạo đức thì theo ông chúng ta cần phải làm gì?
Nhà báo Hữu Thọ: Để báo chí thực sự chiếm được lòng tin của công chúng thì theo tôi, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi nhà báo phải tự rèn đạo đức nghề nghiệp, học nghề và rèn nghề. Hiện nay có nhiều nhà báo không biết quý trọng cái tên của mình. Họ phải hiểu rằng khi mình làm một việc xấu có thể không ai biết nhưng bản thân anh ta thì phải biết. Việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp chính là giữ gìn sự tin cậy trong lòng độc giả đối với nhà báo, với tờ báo. Và để làm được điều đó thì nhà báo phải biết hy sinh nhiều hơn là nhận.
-Xin chân thành cảm ơn ông!
Ths.Trường Giang
Khoa Phát thanh - Truyền hình