Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua mua bán hàng cũ trên Internet

(Sóng trẻ) - Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, các hoạt động trực tuyến gia tăng đã tạo nên một môi trường tốt cho hành vi lừa đảo qua mạng. Đặc biệt trong nhiều hội nhóm bán lại quần áo đã qua sử dụng với giá rẻ, xuất hiện nhiều tài khoản Facebook chuyên đi lừa đảo khi mua hàng.

Hành vi lừa đảo tiền qua banking ngân hàng không phải là mới. Tuy nhiên, chúng liên tục thay đổi hình thức để các nạn nhân không đề phòng, dễ dàng tin tưởng. Các đối tượng này thường nhắm vào những người bán đồ cũ có tâm lý muốn nhanh chóng bán được hàng.

Nhắm vào những người "nhẹ dạ cả tin"

Trong các Hội nhóm pass quần áo trên mạng xã hội Facebook, xuất hiện nhiều đối tượng giả làm người mua hàng để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Khi nhắn tin với nạn nhân, chúng luôn có một mô-típ quen thuộc “Chị đang ở nước ngoài nên nhờ người nhận hộ”. Mọi thứ từ trang cá nhân đến địa chỉ mua hàng đều rất chân thật. Do đó dễ gây được lòng tin ở người bán.

Đang ở nước ngoài, nhờ người nhận hộ là mô típ thường sử dụng của các đối tượng lừa đảo
Đang ở nước ngoài, nhờ người nhận hộ là mô típ thường sử dụng của các đối tượng lừa đảo

Bạn Ngô Khánh Linh – thành viên Nhóm Góc Pass đồ cho biết: “Sau khi người bán gửi số tài khoản, đối tượng lừa đảo sẽ gửi một đường link giả mạo ứng dụng MoneyGram - ứng dụng chuyển khoản quốc tế. Khi này, chúng yêu cầu nạn nhân vào đường link, xác minh tài khoản bằng các thông tin như số thẻ ngân hàng, tên, tuổi để nhận tiền chuyển từ quốc tế”.

Được biết, sau khi có được thông tin tài khoản, các đối tượng này sẽ thực hiện chuyển khoản từ tài khoản của người bị hại vào tài khoản của mình. Để hoàn tất công việc này, các đối tượng sẽ phải có mã OTP của bị hại, do đó chúng sẽ tiếp tục giả mạo tin nhắn của MoneyGram với nội dung: “Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử trên hệ thống Ibanking với số tiền nhận là xxx triệu đồng. Mã OTP sẽ được xác nhận để hoàn tất giao dịch”.

Đồng thời trên website giả mạo này cũng hiện lên “Thủ tục nhận tiền: Quý khách vui lòng xác thực mã OTP cá nhân để nhận tiền”. Trong lúc đó đối tượng cũng thực hiện rút tiền của bị hại nên lúc đó ngân hàng sẽ gửi mã OTP vào điện thoại của bị hại. Khi bị hại nhập OTP này vào website giả mạo thì đồng nghĩa với việc bị hại đã chuyển khoản cho đối tượng phạm tội.

Khánh Linh cho biết, vì muốn chắc chắn đây không phải lừa đảo, cô đã yêu cầu được gọi điện trực tiếp, lấy lý do nhờ đối tượng hướng dẫn cách xác minh. Bất ngờ, đối tượng vẫn sẵn sàng nghe máy, thậm chí gọi điện qua video. Tuy nhiên, chúng sẽ giấu mặt và hướng camera ra hướng khác. “Mình gọi video, đầu dây bên kia là tiếng phụ nữ. Sau khi trao đổi, mình đã vạch trần hành vi lừa đảo. Nhưng bên kia không những không sợ mà còn có thái độ cười cợt mình”, Linh chia sẻ thêm.

Không may mắn “thoát nạn” như Linh, Vy Nguyễn – cũng là thành viên của Nhóm Pass đồ, cho biết cô bị lừa 3.700.000đ bởi hình thức tương tự. “Vì lần đầu bán nên mình nghĩ chuyển khoản sẽ yên tâm hơn nên đã gửi số tài khoản. Mình cũng không rành những thứ này nên điền thông tin, mật khẩu đầy đủ để cái link đó gửi mã OTP đến. Trong quá trình, chị liên tục giục mình kiểm tra tin nhắn, và thật sự thì mã OTP gửi đến rất nhiều lần và mình phải nhập đi nhập lại.

Trong quá trình nhập, mình phải vào app của Ngân hàng để kiểm tra tài khoản liên tục. Sau đó mình nhập mật khẩu mãi mà không được. Cùng lúc đó mình thấy chị thu hồi tin nhắn các đường link chị gửi đến và ngay lập tức block mình. Mình không biết chính xác chị đó là ai nên cũng không dám tố cáo”, Vy chia sẻ.

Cô cho biết bản thân dễ dàng tin tưởng bởi tài khoản Facebook mà đối tượng sử dụng không giống tài khoản ảo. Các tài khoản sẵn sàng để ảnh gia đình, kèm thông tin nơi làm việc vô cùng chi tiết. Tuy nhiên, đây lại là các nick bị hack và được các đối tượng mua lại để sử dụng. 

Các đối tượng sẵn sàng
Các đối tượng sẵn sàng "tung" địa chỉ và số điện thoại người nhận, khiến nhiều nạn nhân càng thêm tin tưởng

Đối tượng vô danh, khó tìm

Bạn Nông Hà Thanh, sinh viên Luật, Đại học Công đoàn cho biết: “Gần đây mình cũng bị lừa với hình thức này. May thay, số dư trong thẻ ngân hàng không còn nhiều nên tổn thất ít. Tuy vậy, mình vẫn cố mò tìm đối tượng này, nhưng điều đó hoàn toàn không thể thực hiện được. Sau khi lấy tiền thành công, đối tượng này chặn Facebook và dường như nick đó cũng biến mất”.

Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, các đối tượng lừa đảo có rất nhiều chiêu trò “phủi dấu” sau khi đạt được mục đích. Chúng có thể tự tạo nick ảo dựa trên một tài khoản thật của người dùng, cũng có thể trực tiếp hack các tài khoản uy tín. Bên cạnh đó, IP của các tài khoản lừa đảo này thường ở Trung Quốc, Đài Loan. Do vậy, rất khó để xác định đối tượng là ai và ở đâu. Những người bị hại khi ấy cũng chỉ biết “kêu trời” vì không có thông tin để tố cáo.

Luật sư Ngọc Long nhận định tuy rất khó để tìm ra đối tượng, nhưng với tội danh lừa đảo chúng hoàn toàn có thể bị quy án
Luật sư Ngọc Long nhận định tuy rất khó để tìm ra đối tượng, nhưng với tội danh lừa đảo chúng hoàn toàn có thể bị quy án

Chia sẻ về trường hợp này, Luật sư Ngọc Long cho biết: “Theo đó, các đối tượng kể trên khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính từ 01 - 02 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với điều kiện ‘vi phạm lần đầu, tài sản bị lừa đảo có trị giá dưới 02 triệu, không phải phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội’.

Đối với trường hợp hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, các đối tượng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo khoản 1 Điều 174 (khung hình phạt nhẹ nhất); phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo khoản 4 Điều 174 (khung hình phạt nặng nhất)”.

Các khung hình phạt đều sẵn có, nhưng các đối tượng lại có thể lẩn trốn một cách an toàn bởi những lỗ hổng của internet. Một tài khoản giả mạo có thể được lập nên trong vài phút và xóa đi trong tích tắc. Mọi dấu vết biến mất nhanh như số tiền trong tài khoản của các nạn nhân. Điều này dẫn đến việc phát hiện và xử lý gặp vô vàn khó khăn.

Chính vì vậy, mỗi cá nhân khi tham gia mua bán cần đề cao cảnh giác. Không tùy tiện cung cấp thông tin và công khai số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên mạng. Những tài khoản giao dịch online không để số tiền dư quá lớn để tránh các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài khoản.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN