Chàng sinh viên Y Đa khoa và hành trình 73 ngày chống dịch từ Bắc vào Nam
(Sóng trẻ) - “Dù tuổi đời non trẻ và tuổi nghề bằng không, lại đối diện với dịch bệnh mới chưa từng xuất hiện, mình có sợ. Nhưng tình yêu Tổ quốc, nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ đã thôi thúc mình muốn được cống hiến một phần nhỏ vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” - đó là tâm sự của Trần Đình Hoàng - chàng sinh viên năm thứ 5 ngành Bác sĩ Đa khoa, Trường ĐH Y Dược Thái Bình khi được hỏi về hành trình 73 ngày chống dịch từ Bắc vào Nam của mình.
Gác lại niềm riêng, xông pha vào tâm dịch
Tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, Trường Đại học Y Dược Thái Bình rất nhanh chóng đã thành lập đoàn 350 người (đợt 1) chi viện cho công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, bao gồm: 10 cán bộ và 340 sinh viên. Với tình yêu Tổ quốc, với cái tâm của người học Y, khi nhìn thấy dịch bệnh bước vào giai đoạn cao trào, đặc biệt ở khúc ruột miền Nam thân yêu, Trần Đình Hoàng đã quyết tâm đăng ký tham gia vào đoàn người chi viện ấy.
Ai đã lên đường vào tâm dịch cũng đều xác định phải tạm xa gia đình, gác lại mọi nỗi lo để toàn tâm toàn ý cho “cuộc chiến” khốc liệt này. Tuy vậy, so với mọi người trong đoàn chi viện khi ấy, Hoàng dường như phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn về mặt tâm lý. “Bố mẹ mình không ở cùng với nhau. Khi biết tin mình đăng ký chi viện cho TP.HCM, cả bố và mẹ mình đều lo, không muốn để mình lao vào tâm dịch. Cái đó thì ngay cả bản thân mình ban đầu nghĩ cũng rất lo. Nhưng mình quyết định rồi, mình muốn đóng góp cho công cuộc phòng, chống dịch, mình đã cố gắng thuyết phục để bố mẹ an lòng. Sau đó bố mẹ cũng hiểu và đồng ý cho mình đi”- Hoàng tâm sự.
Đam mê với bộ môn thể thao E-Sports, đồng thời là leader của cộng đồng Free Fire Thái Bình và từng bước trở thành vận động viên thi đấu chuyên nghiệp tại các cuộc thi trong và ngoài nước nhưng chàng trai trẻ ấy đã tạm gác lại cơ hội với những giải đấu lớn trong năm nay để tham gia chống dịch tại TP. HCM. Hoàng chia sẻ: “Mình bắt đầu vào chống dịch ở TP. HCM từ ngày 19/7. Cùng thời điểm đó có rất nhiều giải đấu lớn. Với vai trò leader của cộng đồng Free Fire Thái Bình, mình đi thì cũng là thiệt thòi lớn cho các bạn trong cộng đồng. Nhưng khi các bạn biết tin mình sắp đi tình nguyện chống dịch tại TP.HCM thì ai nấy trong cộng đồng đều rất hiểu và ủng hộ”.
Được sự động viên của gia đình, người thân, bạn bè, Hoàng như được tiếp thêm sức mạnh để lao vào cuộc chiến, cống hiến không ngừng để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.
Hành trình 73 ngày không quên tại thành phố mang tên Bác - “dù mệt nhưng quyết chiến đấu tới cùng”
Ngày 19/7, sau khi trải qua quá trình tập huấn chuyên môn, lấy mẫu xét nghiệm tất cả đều cho ra kết quả âm tính với SARS-CoV-2, Hoàng và đoàn chi viện của mình đã có mặt tại TP HCM. Vượt lên trên những khó khăn ban đầu như môi trường sống, sinh hoạt, làm việc… Hoàng cùng mọi người nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với địa phương, tách thành các nhóm nhỏ hỗ trợ cho một số quận, huyện trọng điểm của thành phố để lấy mẫu diện rộng, truy vết ca nhiễm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đợt đầu chi viện, nhân lực còn mỏng, bệnh nhân lại đông, nên mỗi người trong đoàn chi viện phải làm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, làm việc không kể giờ giấc. Hoàng tâm sự: “Một ngày của mình bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào 11h đêm. Mỗi ngày chúng mình phải đi vận động lấy từ 1000 đến 2000 mẫu máu. Người ít mà khối lượng công việc lại nhiều nên cứ làm, bao giờ xong thì mới nghỉ”.
Ở tuyến đầu chống dịch, đối diện với môi trường khắc nghiệt, cường độ làm việc cao, chứng kiến cả ranh giới giữa sự sống và cái chết, khiến Hoàng không tránh khỏi những phút giây tưởng chừng muốn kiệt sức. Kể về một lần cấp cứu F0 tại nhà, Hoàng không giấu được xúc động: “Có những bệnh nhân F0 mà mình trực tiếp phát hiện, theo dõi và điều trị, cấp cứu. Lúc đầu họ có những biểu hiện rất khả quan. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại chuyển biến rất xấu và không qua khỏi. Chứng kiến cảnh một người mới đây còn khỏe mạnh lại đột nhiên qua đời, mình cảm thấy rất hụt hẫng, cảm xúc buồn khó tả lắm. Rồi bạn bè, đồng nghiệp của mình đi làm tiếp xúc gần với F0, nhiều người bị mắc, mình cũng rất sợ, sợ bị mắc, sợ mình không đủ ý chí để tiếp tục đến cuối của cuộc chiến này”.
Dù khó khăn là thế nhưng Hoàng vẫn không chùn bước mà cùng mọi người xốc lại tinh thần làm việc, chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh.“Dù mệt nhưng nhóm mình luôn động viên nhau, đã xông pha rồi là phải quyết cố gắng chiến đấu tới cùng. Sau lưng chúng mình là gia đình, phía trước là bệnh nhân. Chúng mình phải là điểm tựa cho họ. Những lời động viên của gia đình người thân, bạn bè ở quê là nguồn động lực to lớn, tiếp thêm cho mình sức mạnh để mình có thêm mạnh mẽ, tiếp tục cuộc chiến này”- Hoàng chia sẻ thêm.
Cuối tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh ngày càng diễn biến phức tạp với số lượng ca nhiễm mới tăng cao mỗi ngày. Sáng 25/8, đoàn tình nguyện thứ 2 của Nhà trường gồm 250 cán bộ, giảng viên và sinh viên trường ĐH Y Dược Thái Bình tiếp tục lên đường chi viện cho TP. HCM. Hoàng chia sẻ: “Rất may khi đó đoàn chi viện thứ 2 kịp thời vào, chúng mình san sẻ công việc với nhau. Khi đó mình đã quen việc hơn. Mình là sinh viên bác sĩ, được phân công lên làm trưởng nhóm, quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ các bạn điều dưỡng, tình nguyện viên mới vào. Năng suất, hiệu quả công việc cũng vì thế mà tăng lên đáng kể, góp phần ổn định tình hình dịch bệnh tại phường. Ai cũng phấn khởi”.
Nhắc đến cụm từ “tình nguyện đi chống dịch”, “lao vào tâm dịch”... người ta cứ cho rằng một cá nhân, một tập thể nào đó phải hy sinh vì lợi ích chung của cộng đồng. Nhưng với chàng trai y đa khoa Trần Đình Hoàng thì lao vào tâm dịch là một cuộc hành trình không quên, cuộc hành trình mà Hoàng “nhận” được nhiều hơn là “cho”. Hoàng bộc bạch: “Mình nhận về nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Mình nhận về thêm những mối quan hệ mới: tình bạn bè, tình anh em, tình thầy trò, tình quân dân,...Và quan trọng nhất mình nhận về nhiều tình cảm trân quý của mọi người, những người xa lạ chỉ thoáng vài lần gặp gỡ. Nhiều lắm!”.
“Đâu cần thanh niên có - Đâu khó có thanh niên. Còn trẻ mình còn đi, còn cống hiến”
Ngày 29/9, sau hành trình “chiến đấu” khốc liệt với dịch bệnh, Hoàng cùng đoàn chi viện chống dịch tại TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh trở về an toàn.
Mặc dù đã trở về với công việc thường nhật hơn 2 tháng nay, bên cạnh niềm vui đoàn tụ cùng người thân, bạn bè, Hoàng vẫn không thể nào quên được những ngày tháng khốc liệt tại TP.HCM. Hoàng ngậm ngùi chia sẻ:“Quả thực khi trực tiếp nhìn thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết, những người trẻ như mình mới càng thấm thía cuộc sống ngắn ngủi và vô thường. Dịch bệnh thì không chừa một ai. Sinh mệnh con người là đáng quý nhất và chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có”.
Để ghi nhận và tri ân những nỗ lực của đoàn chi viện chống dịch tại TP.HCM, UBND Quận Tân Phú, Phường Phú Thọ Hòa, Trường ĐH Y Dược Thái Bình và Bộ Y tế đã trao tặng bằng khen cho Hoàng cùng các thành viên trong đoàn chi viện - những người có thành tích xuất sắc trong công cuộc chi viện, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hoàng hào hứng chia sẻ:“Đâu cần thanh niên có - Đâu khó có thanh niên. Còn trẻ mình còn đi, còn cống hiến”. Giờ đây, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang có dấu hiệu giảm nhiệt, thành phố bước dần vào trạng thái bình thường mới. Những con phố đã bắt đầu tấp nập trở lại với nhịp sống vốn có của thành phố, Hoàng trở về và vẫn đang tiếp tục công việc chống dịch tại quê nhà Thái Bình và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh, bất kể ngày hay đêm. Chúng ta có quyền tin rằng, với tinh thần và sự quyết tâm từ những bạn trẻ có năng lực như Hoàng sẽ là một trong những cơ sở khiến cuộc chiến với dịch bệnh Covid - 19 sớm kết thúc và chiến thắng sẽ dành cho tất cả chúng ta.