Chủ tịch cộng đồng Green Fingers Vietnam: Xử lý rác thải nhựa là trách nhiệm của tất cả mọi người

(Sóng trẻ) - Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn về môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó nổi lên là tình trạng ô nhiễm rác thải đang ở mức báo động. Chính việc sử dụng những chai nhựa hoặc túi nilon của người dân đã gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của mỗi con người. 

Để hiểu rõ hơn về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và tìm hiểu những giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa, hãy cùng gặp gỡ và trò chuyện với bạn Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch cộng đồng Green Fingers Vietnam Gen 5.

thuylinh.jpg
Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch cộng đồng Green Fingers Vietnam Gen 5. Ảnh: NVCC

 


PV: Dưới góc độ là 1 bạn trẻ hoạt động về môi trường thì chị có đánh giá thế nào về thực trạng rác thải ở Việt Nam hiện nay?

Thùy Linh: Tình trạng rác thải nhựa ở Việt Nam hiện nay rất báo động. Theo công bố của The Wall Stress Journal từ thống kê số liệu tại một số nước năm 2010, trong số các quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhiều nhất, Việt Nam thuộc top 4 với 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý đổ ra môi trường nước mỗi năm. 

Đây là một con số gây sợ hãi. Không ngờ những hành động mà chúng ta làm hàng ngày như sử dụng túi nilon hay là những sản phẩm dùng một lần lại thải ra một lượng rác thải lớn đến như vậy. Riêng ở 2 thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì con số này lên đến 80 tấn rác thải nhựa hàng ngày. 

PV: Vậy chị có đánh giá như nào về tình trạng tái chế, xử lý rác thải ở Việt Nam hiện nay?

Thùy Linh: Theo mình tìm hiểu tình trạng xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam hiện nay có 3 phương thức và chủ yếu sử dụng hình thức chôn lấp (chiếm từ 80% trở lên) và sử dụng phương thức đốt để xả ra môi trường để tiết kiệm diện tích vùng đất chứa rác thải nhựa. Còn lại một số ít, khoảng dưới 20% sẽ sử dụng để tái chế.

Với tính bền vững và tính không hòa tan, tác động của rác thải nhựa có thể ảnh hưởng hàng trăm đến hàng ngàn năm, tác động đến quyền và lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai. Theo mình, xử lý rác thải nhựa không chỉ là nghĩa vụ cá nhân mà là của tập thể và cần có sự hợp tác phối hợp của tất cả mọi người.

PV: Theo chị việc chôn lấp rác thải nhựa có những hạn chế gì?

Thùy Linh: Khi các bạn chôn lấp rác ở dưới mặt đất nó sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm nguồn đất chúng ta sinh sống hàng ngày và nó ảnh hưởng trực tiếp đến với sức khỏe của con người, cũng như khi đốt chúng thải ra những khí độc hại, đặc biệt là khí dioxin, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là việc biến đổi gen. 

Vì thế tình trạng này khiến rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đắn đo, suy nghĩ để tìm ra những cái giải pháp để có thể xử lý triệt để hơn nữa việc xả rác thải nhựa ra bên ngoài.

PV: Vậy giải pháp mà chính quyền cũng như các chuyên gia đã đề ra để xử lý rác thải nhựa là gì?

Thùy Linh: Việt Nam mình rất nhanh nhạy trong việc tìm ra những biện pháp xử lý, nhưng hiện nay còn thiếu nhiều nguồn đầu tư. Việt Nam cũng đang tìm ra những phương pháp khác để xử lý rác thải nhựa. Ví dụ như có thể đốt nhưng mà đốt trong điều kiện an toàn, ít xả thải ra ngoài môi trường và có thể tận dụng những nguồn sau khi mà đốt xong để trở thành phân vi sinh hay những nguồn năng lượng có thể sử dụng như tái chế than đá.

PV: Có ý kiến cho rằng “Không nên coi nhựa là rác” bởi tính ưu việt của nó. Các vật dụng từ nhựa đã phổ biến trong cuộc sống thường ngày với ưu điểm như là bền, đẹp, tiện dụng và giá thành thấp. Vậy quan điểm của chị về ý kiến này như thế nào? 

Thùy Linh: Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này vì mình nghĩ nguyên liệu hay vật liệu sản xuất ra đều có nguyên nhân của nó và nó phải có ích, có tác dụng với đời sống con người thì họ mới nghiên cứu ra. Tính chất của nhựa là bền, rẻ và đẹp. Nếu không có nhựa thì những chai đựng nước, hộp đựng thức ăn sẽ rất nặng khi mình sử dụng các vật liệu khác.

Mình nghĩ lý do nhựa tạo ra một lượng rác thải lớn như vậy là do cách thức con người sử dụng. Chúng ta đã lạm dụng đồ nhựa và đồ dùng một lần quá nhiều. Nếu một đồ vật có thể sử dụng nhiều lần thì sẽ không ảnh hưởng nhiều tới môi trường và sức khỏe con người. Bản chất của nhựa không hề xấu, chỉ là do cách chúng ta sử dụng nhựa như thế nào.

PV: Hiện nay có rất nhiều dự án, hoạt động về môi trường ra đời. Đây có phải là lúc chúng ta bắt đầu nhận thức được về việc bảo vệ môi trường và những tổ chức như Green Finger Vietnam đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn không?

Thùy Linh: Đúng là như vậy. Một vài năm trở lại đây, cùng với việc truyền thông mạnh mẽ hơn, mọi người đã dần dần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề về môi trường. Mình không chắc nhận thức của mọi người sẽ lên đến một tầm cao tuyệt đối nhưng mình đã thấy được sự quan tâm rất lớn của mọi người về bảo vệ môi trường.

Chắc hẳn các bạn đã từng nhìn thấy những hình ảnh một con động vật ở ngoài biển bị chết, khi mổ ra thì bên trong toàn rác thải nhựa; hay một con rùa bị mắc vào tấm lưới đánh cá,… Những hình ảnh đó sẽ để lại nhiều ấn tượng với mọi người và họ sẽ thấy được tác động trực tiếp của rác thải nhựa tới cuộc sống. 

Khi có những báo cáo khoa học về hạt vi nhựa xuất hiện trong hải sản, chúng ta ăn cũng là ăn những hạt vi nhựa đó đã khơi dậy sự quan tâm của mọi người.

Mình đánh giá việc các bạn quan tâm đến môi trường là một bước tiến khá lớn vì trước đây mọi người không quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều mà nghĩ đó là một vấn đề nằm ngoài cuộc sống của mình.

Có thể mọi người chỉ coi đây là một trào lưu, không có nhiều kiến thức về môi trường nhưng thấy rằng việc sử dụng ống hút tre hay, mang bình cá nhân là hành động hay ho thì mọi người thực hiện theo. Nhưng dù các bạn có hiểu được hết bản chất hay không thì nó cũng là một điều rất tốt bởi vì chúng ta đã có hành động đẹp vì môi trường.

PV: Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay đã bắt đầu đưa việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ nhỏ bằng những hoạt động gần gũi như giáo dục cho các em về tình yêu môi trường, yêu thiên nhiên, dạy các em vứt rác đúng nơi quy định,… Và ở Việt Nam cũng có một số trường đã áp dụng hình thức này đưa vào giảng dạy. Chị đánh giá như thế nào về cách làm này?

Thùy Linh: Mình là một sinh viên sư phạm và cũng theo ngành giáo dục Tiểu học nên mình rất ủng hộ việc đưa giáo dục môi trường vào hoạt động ngoại khóa hoặc trong chương trình kiến thức của trường. Đây là lứa tuổi các em bắt đầu đặt câu hỏi nhận thức về khoa học và các em đã có hiểu biết về thế giới xung quanh. Vì thế khi được tiếp xúc với các chương trình giáo dục về môi trường các em cũng tạo ra những thói quen ban đầu và duy trì nó cho tới khi lớn hơn.

Với Green Fingers Vietnam bọn mình cũng đưa chương trình giáo dục về môi trường để dạy các em. Chúng mình tổ chức các lớp học theo chủ đề, tổ chức chiếu phim hay các buổi workshop, event để các bạn có thể tự tay làm các đồ tái chế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em.

thuylinh1.jpg
Green Finger Vietnam tổ chức hội chợ “Think green, Act clean” tại Trường tiểu học Mai Dịch. Ảnh: Green Finger Vietnam.

 

PV: Trong quá trình triển khai những hoạt động đó, Green Finger Vietnam có gặp phải khó khăn nào không?

Thùy Linh: Trong quá trình triển khai chúng mình gặp khá nhiều khó khăn. Khi triển khai các chương trình ở trường tiểu học, lứa tuổi này các bạn còn hiếu động, cảm thấy môi trường là một vấn đề xa vời, nên việc tiếp cận ban đầu cũng khó khăn. May mắn là khi chúng mình tiến hành triển khai các em đã nhanh chóng bắt nhịp rất nhanh vào bài giảng. 

Tuy nhiên mình thấy khó khăn nhiều hơn ở phía các trường học. Vì là một tổ chức bên ngoài không phải tổ chức trực thuộc của chính phủ nên điều kiện để xin tổ chức sự kiện cho các bạn học sinh còn nhiều hạn chế.

PV: Tại các điểm trường tiểu học mà Green Finger Vietnam thực hiện dự án tái chế rác thải nhựa thì vật liệu và các sản phẩm tái chế sẽ được sử dụng như thế nào?

Thùy Linh: Chúng mình sẽ khuyến khích các bạn học sinh mang những vật liệu sử dụng một lần trong nhà các em có. Các em có thể mang những vỏ hộp sữa, vỏ sữa chua, chai nước lavie,...đã qua sử dụng, đem rửa sạch và mang đến. Chúng mình sẽ sử dụng những vật dụng đó để các bạn tình nguyện viên hướng dẫn các em làm những đồ tái sử dụng như: làm ống đựng bút, chậu trồng cây,... Thành phẩm làm ra sẽ để các bạn nhỏ tự mình sử dụng một cách ý nghĩa nhất.

PV: Chị có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ khi hoạt động cùng những thành viên trong Green Finger Vietnam không?

Thùy Linh: Trong quá trình hoạt động mình có rất nhiều kỷ niệm với Green Finger Vietnam. Trong đó đáng nhớ nhất là kỷ niệm chúng mình thực hiện đóng phim về môi trường để giáo dục các em về vấn đề lối sống tối giản. 

Trong bộ phim mình được giao đóng một vai nam, cụ thể là vai người bố với nhiệm vụ giáo dục các con về cách sống tối giản. Bên cạnh việc chuẩn bị sự kiện thì quãng thời gian bọn mình lên kịch bản, đóng phim với nhau là một kỷ niệm rất đáng nhớ.

PV: Với tư cách là một người trẻ tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường, chị có lời khuyên nào dành cho tất cả mọi người nhằm bảo vệ môi trường cũng như hạn chế rác thải nhựa ra môi trường không?

Thùy Linh: Mình nghĩ mọi người có thể thực hiện bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất. Mỗi người bớt sử dụng 1 túi nilon, khi đi uống nước bớt đi 1 ống hút nhựa, hoặc đến trực tiếp cửa hàng dùng đồ của họ thay vì mua đồ sử dụng 1 lần mang về,... 

Những hành động nhỏ như vậy nhưng cũng sẽ góp một phần giảm thiểu rác thải nhựa để có thể bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống của chính bản thân mỗi người cũng như cuộc sống xung quanh chúng ta.

Cảm ơn chị Thùy Linh đã đồng ý tham gia buổi phỏng vấn này. Chúc chị và cộng đồng Green Finger Vietnam ngày càng phát triển và mang đến nhiều hoạt động ý nghĩa cho môi trường và xã hội.

Green Fingers Vietnam là sáng kiến được bảo trợ bởi Chương trình tình nguyện trẻ ASEAN năm 2015 và là một trong 20 dự án của Đông Nam Á được tài trợ bởi YSEALI 2016 - một chương trình nổi tiếng của chính phủ Hoa Kỳ. Green Fingers Vietnam được thành lập từ tháng 6 năm 2014, dự án đại diện cho những nỗ lực của một thế hệ trẻ Việt Nam có trách nhiệm nhằm khắc phục những vấn đề môi trường của xã hội một cách sáng tạo và hiệu quả. Với phương châm “Tái chế đơn giản thế!”, chúng tôi kết hợp các hoạt động khác nhau như chiến dịch nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường bằng việc mở workshop, tổ chức các lớp học tại một số trường học, các sự kiện hội chợ, âm nhạc mang lại độ ảnh hưởng sâu rộng và những kết quả tích cực.

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN