Chùa Phật Tích - Ngôi cổ tự lưu trữ các bảo vật quốc gia
(Sóng trẻ) -Tọa lạc trên núi Phật Tích (thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), chùa Phật Tích được xây dựng dưới triều đại nhà Lý – triều đại có nền Phật giáo phát triển nhất trong lịch sử nước ta, và đây cũng là ngôi chùa được ghi nhận có giá trị cổ vật lớn nhất Việt Nam.
Còn được biết đến với tên cổ là Vạn Phúc Tự, chùa nằm ngay dưới chân núi Phật Tích (còn gọi là Lạn Kha, Non Tiên…), là một trong những nơi được truyền bá Phật giáo sớm nhất từ Ấn Độ vào Việt Nam. Chùa tựa vào núi, quay về hướng tây nam, nhìn ra sông Đuống lấp lánh ánh bạc. Ngôi chùa ấy, ngôi Quốc tự lưu giữ trong mình biết bao nhiêu di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của một thời.
Ngôi chùa gắn liền với lịch sử Việt Nam
Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý năm Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc : "Lí gia tam tế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo". Ngôi chùa vào thời Lý hiện nay không còn nữa, song những dấu tích lịch sử của nó vẫn ghi dấu ở nơi này, ngôi chùa mới được trùng tu xây dựng lại vẫn mang dấu ấn của một thời lịch sử và tâm linh của người Việt hàng bao thế kỉ trước…
Thời vua Lý Thánh Tông, giữa biết bao đền chùa mọc lên, sống giữa lòng nền Phật giáo đang trong thời kì phồn hoa, thịnh vượng, Phật Tích được xem là Quốc tự, là đại trung tâm Phật giáo của cả quốc gia và cũng là một danh lam được người đời xem trọng.
Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật bằng đá xanh nguyên khối được dát vàng bên nài. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đổi tên thành thôn Phật Tích.
Về kiến trúc ngôi chùa, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Trụ trì chùa Phật Tích cho biết: “Chùa được kiến trúc theo kiểu “nội công nại quốc”, sân chùa là cả một vườn hoa mẫu đơn rực rỡ. Bên phải chùa là Miếu thờ Đức chúa tức bà Trần Thị Ngọc Am là đệ nhất cung tần của chúaTrịnh Tráng tu ở chùa này nên có câu đối “Đệ nhất cung tần quy Phật địa. Thập tam đình vũ thứ tiên hương”. Bà chẳng những có công lớn trùng tu chùa mà còn bỏ tiền cùng dân 13 thôn dựng đình
Bên trái chùa chính là nhà tổ đệ nhất thờ Chuyết chuyết Lý Thiên Tộ. Ông mất tại đây năm 1644 thọ 55 tuổi; hiện nay chùa còn giữ được pho tượng của Chuyết công đã kết hỏa lúc đang ngồi thiền
Cho tới nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị Tam thế Phật, 8 gian nhà tổ và 7 gian nhà thờ thánh Mẫu. Ngôi chùa có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật dài khoảng 60 m, rộng khoảng 33 m, mặt nài bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật”.
Ngôi cổ tự với nhiều bảo vật quốc gia
Ngàn năm Phật Tích, ngàn năm của bao thăng trầm đổi thay in dấu lên thân của những tượng, những trạm khắc, những hoa văn, những cổ vật vô giá từ người đời đi trước. Ta đến gặp Phật Tích cổ kính, trầm ngâm nhưng đậm hình, đậm sắc, đậm những dư âm. Đến Phật Tích, ta không khỏi ngỡ ngàng trước sừng sững của bảo tháp giữa trời, của tượng phật A-Di-Đà có niên đại hàng ngàn năm tuổi tinh xảo đến độ trở thành tuyệt tác nhân gian, của những linh thú trước sân chùa, của dấu vết xót lại nới nền móng tháp cổ…
Tượng phật A-Di-Đà bằng đá xanh được tạc vào thời Lý hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa, đó không chỉ là một báu vật của người dân địa phương mà còn là báu vật của cả nước ta. “Tượng Phật A-Di-Đà là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay. Tiếu tượng và hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, là thông điệp của thời Lý để lại cho muôn đời sau” – Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết thêm
Tượng 10 linh thú bằng đá được tạo thành từng cặp đăng đối đứng chầu trước cửa Tam bảo bao gồm voi, sư tử, trâu, tê giác, ngựa. Chúng được tạo tác giống như thật. Những linh thú này đều có trong tích nhà Phật. Nó vừa mang ý nghĩa bảo vệ Phật pháp và sự quy y Phật pháp. Đó trước tiên là sự biểu dương sức mạnh của Phật pháp bằng tiếng của sư tử, đó là biểu trưng của sức mạnh. Kế tiếp là tượng voi được coi là sức mạnh tinh thần. Tiếp theo là tượng tê giác nằm áp sát bụng xuống bệ sen, miệng ngậm, chiếc sừng nhú trên mũi. Trong phật pháp tê giác được Đức phật ca ngợi như là biểu tượng cho những người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát. Ngựa cũng là biểu tượng cho năng lượng và sức lực trong việc hành pháp. Trong đạo phật để dạy người Phật tử cách điều phục tâm của mình cho nên tâm được ví với con trâu hoang. Trâu có bản tính siêng năng, nhẫn nại không hung hăng nhưng vô trí. Trâu được tạc trong tư thế nằm thủ phục trên bệ tượng tạo cảm giác nghỉ ngơi, thư thái, mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tư tại trong thế giới của phật.
Tượng đầu người mình chim: Pho tượng cao chừng 0,4m. Tượng được tạo tác bằng đá, nửa trên là người với đôi tay đã được cách điệu thành đôi cánh mang đầy tính sáng tạo nghệ thuật. Tượng có khuôn mặt trầm tư, dịu dàng và rạng rỡ, mắt nhìn xuống, môi khép lại khẽ mỉm cười, mũi cao và thẳng, mái tóc được thắt bằng một dải có điểm hoa trang trí .
Tượng Phật A-Di-Đà làm bằng đá xanh cao 27 mét trên đỉnh núi bên cạnh những hàng thông xanh mướt, theo nguyên mẫu tượng A-Di-Đà từ thời Lý. Qua 107 bậc thang, trên núi Lạn Kha tượng quay mặt về hướng Tây, hướng thiện.
Sau sân nền có 32 ngọn tháp xây bằng gạch và đá là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở đây, phần lớn được dựng vào thế kỷ 17. Ngọn tháp lớn nhất là Tháp Phổ Quang, cao 5,10 m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn
Trong vấn đề bảo tồn các bảo vật quốc gia, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết: “Chùa Phật Tích đã xây dựng một bảo tàng văn hóa Phật giáo để gìn giữ lại những di vật, hiện vật tìm thấy được trong quá trình khảo cổ, khai quật các khu di tích lịch sử trong chùa”.
Việc phát hiện các hiện vật cổ có tuổi nghìn năm cùng với nghệ thuật tạo hình đặc sắc ở chùa Phật Tích đã mở ra những nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tháp và nghệ thuật tạo hình thời Lý đóng góp vào công việc nghiên cứu di sản văn hóa của dân tộc. Cùng với đó đã khẳng định chùa Phật Tích là một đại danh lam thắng cảnh thời Lý và nay là điểm đến tham quan cho du khách trong và nài nước.
Bá Phúc
Cùng chuyên mục
Bình luận