Đại diện dự án Căn: "Đó là một điểm chạm văn hóa"
(Sóng trẻ) - CĂN - một dự án mang quá khứ trở về hiện tại với sản phẩm ra mắt đầu tiên là bộ ấn phẩm Thờ Mẫu. Qua các sản phẩm với hình ảnh độc đáo, lạ mắt CĂN đã đem đến cho giới trẻ nguồn cảm hứng tìm hiểu về giá trị văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam. Nếu có dịp trò chuyện với “cha đẻ” của CĂN, người ta ắt sẽ hiểu vì sao CĂN đang dần trở thành một hiện tượng đối với giới trẻ.
“Mỗi sản phẩm của CĂN sẽ là một "điểm chạm văn hóa" để chúng mình cùng nhau lan tỏa, kết nối những giá trị độc đáo của Đạo Mẫu!” – Một trong những người sáng lập dự án CĂN – Nguyễn Kiên đã chia sẻ như vậy trên trang cá nhân của mình. Những tưởng tín ngưỡng là một phạm trù khó có thể để cho giới trẻ ngày nay tiếp cận nhưng những nỗ lực mà điểm chạm CĂN mang lại đang khiến cho nhiều người tò mò và yêu thích.
Gặp gỡ Kiên vào một buổi chiều ảm đảm, se se lạnh nhưng cảm giác mà cậu bạn này mang đến lại ấm nóng, sôi nổi hơn rất nhiều bởi sự nhiệt huyết, đam mê rất riêng của cậu.
PV: Cái tên CĂN nghe vừa lạ vừa ý nghĩa, tại sao Kiên lại đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là CĂN?
Rất nhiều người đã hỏi mình vấn đề này (cười). Đầu tiên, theo Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt Nam, “căn” là chỉ những người có số mệnh thiên cung, có mối quan hệ gần gũi với các bậc thánh thần. Người có căn là người có khả năng đại diện cho thánh thần, có năng lực kết nối giữa thế giới vật chất và siêu nhiên. Vì vậy, họ có sức lan tỏa và dẫn dắt đối với cộng đồng những người tin tưởng họ. Người có căn có khả năng làm thỏa mãn và làm hài lòng đời sống tinh thần của cộng đồng.
Nguyễn Kiên – một trong những người sáng lập CĂN
Mình chọn tên CĂN vì được lấy cảm hứng, dựa trên những nét nghĩa chung. Nó đại diện cho tiếng nói của thế hệ mới trong việc lưu giữ, phát triển những giá trị văn hóa dân gian theo hướng hiện đại, sáng tạo. Sau là nhằm kết nối cộng đồng bởi những giá trị kể trên. Không dám nói dẫn dắt, nhưng mong CĂN có thể gợi lên được cho các bạn trẻ niềm cảm hứng, mối quan tâm tới văn hóa dân gian nhiều hơn. CĂN sản xuất, thiết kế các sản phẩm ứng dụng cơ bản như lịch, sổ, ốp điện thoại, ...
PV: Điều gì thôi thúc khiến bạn sáng tạo và phát triển CĂN? Nguồn cảm hứng nào giúp bạn tìm được nó?
Mình làm trước hết để mình vui và mình muốn, mình rất thích các sản phẩm có yếu tố truyền thống Việt Nam. Kế đó là mình làm bởi những người mà mình yêu thương, nó như một món quà tưởng nhớ tới bà nại của mình, người đã đưa mình đi xem các vấn hầu đồng từ thưở bé. Trong hành trình này, mình muốn chia sẻ cho những người xung quanh thứ tình cảm này của mình và nó đã thôi thúc mình đến với CĂN.
Một sản phẩm đến từ CĂN
PV: Nếu được nói về CĂN với 3 từ, thì bạn sẽ chọn 3 từ nào?
Có lẽ đó là 3 từ: trách nhiệm, ứng dụng và hướng thiện.
Trách nhiệm vì CĂN cam kết 5% giá trị mỗi sản phẩm bán ra sẽ dùng để thực hiện các hoạt động văn hóa xã hội, hiện tại bên mình đang hợp tác với Nhóm dự án văn hóa Sân Đình triển khai dự án bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu. Ứng dụng bởi các sản phẩm của CĂN đều phải mang tính ứng dụng cao. Để có thể được các bạn trẻ yêu thích, buộc sản phẩm phải hiện đại, sáng tạo và có cách tiếp cận, kể lại văn hóa một cách thật thú vị. Cuối cùng là Hướng thiệnm, đây cũng là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của CĂN.
PV: Bạn có thể cho biết các sản phẩm mà bạn đang, và sẽ phát triển cùng Căn?
Sự thân thiện và gần gũi là xu hướng mà chúng mình hướng tới trong tương lai gần và sản phẩm thể hiện cho điều đó sẽ mang tính ứng dụng cao, gần gũi với các bạn trẻ như sổ, bút, ốp điện thoại, áo quần, ...
PV: Bạn từng chia sẻ “Mỗi một sản phẩm của Căn là một điểm chạm văn hoá”, điều này có nghĩa là gì?
Với mình, những giá trị thuộc về văn hóa sẽ chỉ có thể sống được nếu nó được áp dụng thực tế trong đời sống. Ví dụ, đâu nhất thiết để hiểu và biết về Tín ngưỡng thờ mẫu thì bạn phải đến đền miếu phủ, khi bạn muốn biết về tuồng chèo – đâu nhất thiết phải đến rạp nghe hát. Đương nhiên là việc trải nghiệm trực tiếp sẽ vô cùng ý nghĩa. Nhưng bạn biết đấy, đối với người trẻ thì thật khó để “lôi kéo” họ khỏi quán trà sữa hay phòng làm việc. Vì thế, với ý tưởng truyền tải những giá trị văn hóa dân gian trong các món đồ quen thuộc hàng ngày, sẽ giúp cho các bạn trẻ được “chạm” nhiều hơn với văn hóa. Khi bạn nhìn một chiếc ốp điện thoại lấy cảm hứng từ Thờ Mẫu, bạn dùng cuốn sổ có in tranh Đông Hồ, hay cái áo bạn mặc có nét Quan họ Bắc Ninh, ...
PV: Bạn có cho rằng những giá trị văn hoá bây giờ đang bị nền công nghiệp làm mai một đi?
Không hề. Nhờ có công nghiệp mà những giá trị văn hóa dân gian được tiệm cận với sự hiện đại, giúp lưu giữ và lan tỏa tốt hơn. Việc kết hợp với công nghiệp, giúp khai thác và truyền tải, tận dụng các yếu tố thương mai trong văn hóa để phát triển kinh tế, ... Cái chính là mình tiếp cận, xử lí, nhìn nhận nó đến đâu để không trở thành quá lố và mất đi những ý nghĩa văn hóa tốt đẹp.
PV: Có một số người cho rằng việc “nhét thần linh vào túi quần” hay “ đem thần thánh ra buôn bán” là phạm huý, vậy bạn nghĩ sao về điều này?
Đối với sản phẩm ốp điện thoại của chúng mình hiện tại, có khá nhiều người băn khoăn với suy nghĩ này. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm đưa ra đều được CĂN cân nhắc kĩ càng và tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Với thanh đồng Nguyễn Tất Kim Hùng, thủ đền Nguyễn Khiết Linh Từ (102 Hàng Bạc) - Uỷ viên ban Nghi lễ TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Uỷ viên ban chấp hành Hội Di sản Văn hoá Thăng Long Hà Nội, Phó chủ nhiệm CLB Bảo tồn Văn hoá Thờ Mẫu và Hát văn Hà Nội, ông đã chia sẻ rằng “Chúng ta không nên đưa trực tiếp ảnh chụp tượng thờ hoặc tranh thờ của các vị, các ngài vì sẽ làm mất đi tính trang nghiêm ... Các hình vẽ trên sản phẩm (như ốp điện thoại) là hình vẽ hoạt hình, tựa như búp bê, được lấy cảm hứng từ các vị thánh vị thần. Việc sử dụng các sản phẩm này không ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm mà còn giúp lan tỏa và truyền tải để mọi người biết đến theo hướng đáng yêu và thú vị”
Còn theo tôi, thì niềm tin tín ngưỡng tuyệt đối không thể nằm ở bất cứ dạng hữu hình vật chất. Pho tượng hay bức tranh được tạo nên từ niềm tin con người. Nếu cứ đúc tượng mà thành phật thì ai cũng thành thần phật hết rồi. Việc sử dụng các sản phẩm có giá trị văn hóa, hiểu được đúng những ý nghĩa của nó một cách cởi mở là vô cùng cần thiết. Có một chuyện thú vị như thế này, một người bạn của mình đã mua ốp ông Hoàng Bảy ở Paris, bạn chia sẻ là bên đó không có đền chùa, và bạn ấy đang được tiếp xúc với niềm tin của mình qua ... chiếc ốp.
Gần đây, CĂN và Nhóm dự án văn hóa Sân Đình đã tổ chức tọa đàm “Buôn thần bán thánh” – nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Có sự tham gia của các cơ quan báo chí, nhà báo, đại diện của các tổ chức văn hóa phi lợi nhuận và các công ty sản xuất ấn phẩm du lịch, ...
PV: Bạn chia sẻ rằng, nhiều người chưa thật sự hiểu ý nghĩa của CĂN, vậy bạn có điểm gì chưa hài lòng ở căn và sẽ làm gì để cải thiện điều đó?
Mình rất muốn được cộng tác với thật nhiều các bạn trẻ, để có thật nhiều ý tưởng triển khai và khám phá vẻ đẹp truyền thông. Việc khó nhất là hiểu, biết, tìm cho ra vẻ đẹp dân gian. Bên cạnh đó phải làm thế nào truyền tải, làm thế nào để đưa những vẻ đẹp đó vào một sản phẩm thương mại cũng là một trở ngại. CĂN đang nỗ lực kết hợp với các tổ chức văn hóa và các CLB sinh viên để có thêm thật nhiều ý tưởng, nguồn lực và kinh nghiệm.
PV: Thông điệp mà bạn muốn thông qua CĂN để gửi đến mọi người là gì?
Ai cũng có Căn – “Căn văn hóa”
PV: Dự định tiếp theo của bạn với CĂN?
CĂN thiết kế, sản xuất các sản phẩm ứng dụng mang yếu tố văn hóa. Theo từng chủ đề khác nhau, sẽ có những cách tiếp cận, những câu chuyện thú vị và hấp dẫn khác nhau. Tín ngưỡng Thờ Mẫu là chủ đề đầu tiên của CĂN, tiếp sau đây là những chủ đề khác mà mình chưa thể bật mí. Hy vọng rằng mọi người sẽ tiếp tục theo dõi và đón nhận thêm những ý tưởng và sản phẩm của CĂN trong tương lai.
Rất cảm ơn Kiên vì những chia sẻ chân thành ngày hôm nay! Chúc Kiên và CĂN sẽ có thêm nhiều sản phẩm thành công hơn nữa trong tương lai!
Song Hà
Cùng chuyên mục
Bình luận