Để gần hơn với lịch sử đã lùi xa
(Sóng trẻ) - Buổi học hôm nay vẫn như mọi ngày. Vẫn mệt mỏi, uể oải, đầu giờ đã ngủ gục trên bàn. Thế rồi thầy đến, khuấy động lớp chúng tôi bằng những câu hỏi dường như chả liên quan mấy đến môn phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội. Và rồi thầy đã lôi chúng tôi khỏi cái kến lười biếng, thụ động mà bấy lâu nay chúng tôi tự nhốt mình trong đó.
Cả lớp chúng tôi dường như bị sốc và chỉ biết ú ớ trước những câu hỏi của thầy. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh đã có câu nói nổi tiếng nào? Chị Võ Thị Sáu khi ra pháp trường đã nói gì với tên cai ngục? Câu nói “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” là của ai? Nguyễn Thái Học mất năm nào? Sau mỗi câu hỏi, thấy sự ngơ ngác của chúng tôi, thầy lại hỏi: “Không biết hả?” rồi lại tự trả lời. Đằng sau đó là khuôn mặt thoáng buồn và lo âu về thế hệ trẻ, một thế hệ sống chênh vênh và dường như đang đánh mất quá khứ.
Tôi cảm thấy hoang mang sau những câu hỏi của thầy, cảm thấy mình chả biết gì, chả hiểu gì về dân tộc, về lịch sử huy hoàng của đất nước bốn ngàn năm văn hiến. Mà đúng là không biết thật. Kí ức của tôi chỉ là những tiết học lịch sử dày đặc chữ với những con số thống kê dài dằng dặc mà chúng tôi phải cố nhét vào đầu để rồi quên ngay sau đó, để rồi trước một câu hỏi giản đơn Võ Thị Sáu đã nói gì trước khi xử bắn, chúng tôi cũng chỉ biết lắc đầu.
Thầy lại kể chuyện trong đợt tuyển nhân viên của một công ty Nhật, có một câu hỏi là kể tên vị vua cuối cùng của Việt Nam. Câu hỏi ngỡ như bâng quơ ấy thế mà mang tính chất quyết định, làm bao nhiêu ứng viên có chuyên môn, giỏi nại ngữ, giỏi tin học bị loại. Họ giải thích họ cần những người có văn hóa, để thổi hồn Việt vào sản phẩm của họ. Câu trả lời ấy làm tôi suy nghĩ nhiều. Dù bạn có giỏi đến đâu bạn cũng chỉ là một đứa con mất gốc mù mờ về quá khứ. Dù bạn có thành đạt đến cỡ nào thì tâm hồn bạn vẫn thấy trống vắng, thiếu khuyết một điều gì đó. Đó là văn hóa dân tộc. Lịch sử là cái gốc của văn hóa, là những mảnh trầm tích vô giá được tích lũy qua nhiều năm tháng. Thầy bảo thế, với cái nhìn và tâm huyết của một người lính đã vào sinh ra tử trong chiến tranh, với những bùi ngùi lo âu vì tuổi trẻ hôm nay khác quá.
Câu chuyện sinh động và những cảm xúc chân thành của thầy đã khiến tôi thấm thía nhiều điều. Thầy cho tôi hiểu, lịch sử cũng chính là cuộc sống, có cảm xúc, có những số phận chứ không phải là những trang giấy vô hồn. Thầy cũng cho tôi hiểu, thà biết câu nói nổi tiếng của Võ Thị Sáu khi ra pháp trường: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu lần cuối cùng và để tôi có đủ can đảm nhìn thẳng vào họng sung của các người” còn hơn rất nhiều là biết rõ hoàn cảnh, diễn biến, số người chết, số vũ khí thu được của một trận đánh. Bởi một bên là lịch sử trên trang giấy, một bên là lịch sử sống động trong tâm hồn.
Một buổi học ngắn ngủi nhưng thầy đã đánh động trong tôi một điều gì đó, thức tỉnh tôi ra khỏi cơn mê mà tôi đang chìm đắm, để tôi thấy gần gũi hơn với lịch sử đã lùi xa. Để tôi nhận ra rằng, thế hệ chúng tôi là thế hệ kế cận lịch sử, viết tiếp và mài sáng hơn lịch sử chứ không phải là những đứa con mất gốc chỉ biết đứng nhìn lịch sử mãi lùi xa vào bụi mờ năm tháng.
Lê Thị Hồng Nhung
Truyền hình K32A1
Cùng chuyên mục
Bình luận