Đền bà Kiệu: Tu sửa chứ đừng làm mới
( Sóng Trẻ) - Sau gần 2 năm triển khai tu bổ, tôn tạo di tích đền bà Kiệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2016, với diện mạo hoàn toàn “mới mẻ” so với nguyên bản gốc ban đầu. Một lớp “sơn son thiếp vàng” được phủ lên di tích từ trong ra nài đền, khiến nhiều người dân sống tại Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng và thắc mắc trước hình ảnh mới của ngôi đền linh thiêng này.
Đền Bà Kiệu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm). Đền xây từ đời Lê Thần Tông (1619-1628), thờ ba vị nữ thần: Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ. Đền được công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1994, bộ di vật văn hoá - lịch sử của đền Bà Kiệu hiện tại gồm bia đá, chuông đồng, hệ thống 27 sắc phong thần thuộc các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn, Mẫu đều được phong tặng các mỹ tự và xếp loại Thượng Đẳng Thần.
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Bà Kiệu nhằm giữ gìn di tích lịch sử cũng như giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của dân tộc Việt Nam cho thế hệ mai sau. Dự án đã- được triển khai trong thời gian hai năm 2015-2016 với tổng mức đầu tư là 23,2 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư dự án. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Bà Kiệu bao gồm các hạng mục: nghi môn; đền chính; nội thất đồ thờ; thiết bị phòng cháy chữa cháy; nhà bao che công trình; lán trại, nhà tạm.
Bên nài đền bà Kiệu sau khi được tu sửa
Trao đổi với PV, Đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, dự án tu bổ, tôn tạo đã hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 12/2016 vừa qua. Việc này nhằm bảo vệ công trình di tích lịch sử văn hóa đền bà Kiệu, có giá trị về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, được Nhà nước công nhận và đang bị xuống cấp.
Cụ thể, với đền chính (diện tích 272m2), dự án đã tiến hành hạ giải toàn bộ công trình; làm lại hệ thống móng, tường công trình; lát lại nền; thay thế hoành mái, rui mái, ngói mái đã mối mọt; phục chế hệ thống bờ nóc, bờ chảy, hệ thống hoa văn trang trí.
Ở nghi môn (diện tích 50m2), dự án đã tiến hành hạ giải toàn bộ phần mái; thay thế toàn bộ rui mái; róc, trát tường; lát lại nền; phục chế bốn nghê đầu trụ, hổ phù đầu hồi, các họa tiết hoa văn bằng vữa truyền thống.
Xét về ý nghĩa của việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền bà Kiệu là rất tốt, nhưng sau khi dụ án hoàn thành thì một diện mạo mới hoàn toàn xuất hiện ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội khiến nhiều người dân thấy ngỡ ngàng đầy nuối tiếc với vẻ đẹp cổ kính như xưa của ngôi đền.
Anh Phùng Văn Đức (Nghệ An) chia sẻ: “Sinh sống ở Hà Nội 4 năm nên ít nhiều có những kỉ niệm ở mảnh đất nơi đây. Mỗi lần lên phố đều ngắm nhìn các danh thắng, trong đó có đền bà Kiệu. Mình thích vẻ đẹp đền bà Kiệu trước kia, cổ kính, quen thuộc và có nét gì đó rất bình dị mà lại không đánh mất đi sự linh thiêng của nó. Bây giờ thì mình cảm thấy nó tráng lệ và xa lạ, đánh mất một phần kí ức đẹp về Thủ đô” trong tôi”.
Anh Nguyễn Văn Quân (Hà Nội) chia sẻ: “là người gốc Hà Nội, tôi có điều kiện ghi nhớ các địa danh lịch sử thành phố vì nó là 1 phần không thể thiếu trong tâm thức của mình. Vẫn gốc đa ấy, vẫn tượng đài cảm tử ấy nhưng dường như đền bà Kiệu đã khác, chiếc áo mới này làm tôi thấy buồn khi truyền thống riêng của Hà thành bị mai một theo thời gian”.
Việc tu sửa, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia là hoàn toàn đúng đắn, nhằm giữ gìn giá trị tốt đẹp của dân tộc, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Nhưng không vì thế lại thay cho di tích một màu sắc mới hoàn toàn, khiến chính những người lớn lên cùng di tích ấy, lại không nhận ra được cái mà họ gắn bó từ khi sinh ra, hình ảnh đó giờ chỉ còn trong kí ức và những câu chuyện kể.
Hà Cường
Đa phương tiện K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận