Điểm tin văn hóa trong nước tuần 2 tháng 1/2013
“Chiếc khăn Piêu trở thành “Bài hát yêu thích năm 2012”
“Chiếc khăn Piêu” – một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho do ca sĩ Tùng Dương thể hiện đã đoạt danh hiệu “Bài hát yêu thích năm 2012” trong liveshow Bài hát yêu thích do VTV tổ chức vào ngày 6/1.
Ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ Doãn Nho nhận giải thưởng "Bài hát yêu thích năm 2012". (Nguồn: Vnexpress)
“Chiếc
khăn Piêu” là một ca khúc mang chất liệu âm nhạc dân tộc miền núi phía Bắc, đã
từng được danh ca Kiều Hưng thể hiện rất thành công. Nhưng với bản hòa âm đầy
sáng tạo của Nguyên Lê và sự thể hiện xuất sắc của Tùng Dương, ca khúc này đã
được thổi một làn gió hoàn toàn mới, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công
chúng.
Với
việc đoạt giải “Bài hát yêu thích năm 2012”, nhạc sĩ Doãn Nho nhận được giải
thưởng trị giá 300 triệu đồng. Ca sĩ Tùng Dương cũng sẽ nhận được giải thưởng với
tổng trị giá 1 tỉ đồng, trong đó có 300 triệu đồng tiền mặt. Anh sẽ trích một nửa
số tiền mặt để gửi tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hiện đang sinh sống
ở vùng cao như một cách tri ân đến vùng đất Tây Bắc – ngọn nguồn cảm hứng của
toàn bộ ca khúc.
Clip lịch sử có tiêu đề “Việt Nam - hình hài một chữ S” gây hiệu ứng mạnh trên cộng đồng mạng
Những
ngày qua, một clip lịch sử dạng Inforgraphic có tiêu đề “Việt Nam - hình hài một
chữ S” (là đồ án tốt nghiệp cử nhân ngành Đồ họa ứng dụng (Graphic Design) trường
ĐH Công Nghệ Sài Gòn) đã gây ấn tượng mạnh với nhiều cư dân mạng bởi sự sáng tạo,
ngắn gọn, hấp dẫn và dễ hiểu. Với độ dài gần 10 phút, clip đã gói gọn lịch sử
hàng nghìn năm lập nước của dân tộc ta, lí giải cho câu hỏi: vì sao nước ta lại
có hình dạng chữ S như ngày hôm nay?
Một số hình ảnh trong clip.
Clip
đã nhận được sự hưởng ứng tích cực bởi cách trình bày sáng tạo cùng những hình ảnh
đồ họa đẹp mắt và âm thanh vui tai, khiến một vấn đề tưởng chừng rất khô khan
là lịch sử trở nên thật sinh động, hấp dẫn. Bên cạnh đó, sau khi được lan truyền
rộng rãi, đoạn clip còn nhận được nhiều comment phản hồi về những thông tin lịch
sử không chính xác.
Tuy còn nhiều thiếu sót nhưng clip “Việt Nam - hình hài một chữ S” đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một đề án tốt nghiệp, mang đến một cách tiếp cận lịch sử thực sự mới mẻ, đồng thời đặt ra vấn đề về việc đổi mới cách dạy và học lịch sử trong nhà trường hiện nay.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời ở tuổi 81
Nhạc
sĩ Hoàng Hiệp, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: “Nhớ về Hà Nội”, “Câu hò
bên bờ Hiền Lương”, “Trở về dòng sông tuổi thơ”... đã qua đời tại nhà riêng vào
ngày 9/1, thưởng thọ 81 tuổi.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp. (Nguồn: Internet)
Nhạc
sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945
và bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Năm 1957, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương do
ông viết chung lời với nhạc sĩ Đằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng
tác chuyên nghiệp của Hoàng Hiệp. Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (khoảng từ
năm 1955 đến 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu
cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như: “Lá đỏ”, “Trường Sơn Đông, Trường
Sơn Tây”, “Cô gái vót chông”…
Nhạc
sỹ Hoàng Hiệp qua đời đã để lại nhiều nỗi tiếc thương cho không chỉ nghệ sĩ mà
cả khán giả. Sự ra đi của ông còn là nỗi mất mát rất lớn của nền âm nhạc Việt
Nam, bởi những nhạc sĩ có số lượng sáng tác lớn với những ca khúc có sức trường
tồn mạnh mẽ như ông là thực sự hiếm.
Minh Hạnh
(Tổng hợp)