Đoàn Quốc - Đi, yêu và vẽ
Chỉ với giá vẽ và bảng màu, người họa sĩ trẻ vẫn rong ruổi trên những cung đường khắp các miền Tổ Quốc, miệt mài với hành trình nắm bắt hồn cảnh sống động đưa vào trong tranh. “Đi- yêu- vẽ” trở thành một lối quen khơi gợi sáng tạo của người nghệ sĩ. Để rồi những ngày phải tạm dừng đi hành trình quen, Đoàn Quốc lại chậm rãi thủ thỉ nói về cơ duyên đi và vẽ của mình.
Được biết Đoàn Quốc bắt đầu với mỹ thuật là từ thiết kế đồ họa và chỉ mới bắt đầu hành trình với vẽ tranh chuyên nghiệp trong khoảng 5 năm gần đây, vậy cơ duyên nào đưa anh tới suy nghĩ rẽ hướng và theo đuổi con đường hiện tại?
- Ngày trước, tôi sống cùng gia đình tại một vùng quê nhỏ, khi đó, việc học những môn như hình họa để có thể thi vào các ngành hội họa chính thống khá khó khăn. Cho nên thiết kế đồ họa trở thành một bước đệm trong lựa chọn của tôi. Dù vậy, tôi vẫn luôn đau đáu về đam mê hội họa ở sâu thẳm bên trong mình. Lúc còn ngồi trên giảng đường Đại học, tôi đã khao khát tìm một hướng đi mới thế nên tôi bắt đầu quá trình tự tìm tòi của mình.
Cơ bản thì nó giống như một con đường tôi đã định sẵn vậy, có khác chăng chỉ là bước đi muộn hơn một chút mà thôi.
Cùng lúc học chính thống thiết kế đồ họa ở trường và tự mày mò về hội họa, chắc chắn sẽ có những lúc không tránh khỏi những khó khăn, vậy có bao giờ anh có ý nghĩ sẽ dừng lại một trong hai con đường trên ở thời điểm đó không?
- Thực ra, thì không có quá nhiều khó khăn. Bởi vì tôi đã xác định trước con đường học thiết kế đồ họa cũng chỉ là một bước đệm mà thôi. Khi học thiết kế đồ họa ở trường vẫn có thể làm quen với các môn học cơ sở có liên quan đến hội họa. Tuy chỉ là các môn học lướt ván nhưng nó vẫn giúp tôi có những bước đầu khi tìm tới hội họa không quá khó khăn. Sau này như cơ duyên may mắn đến với màu nước - chất liệu mà tôi theo đuổi hiện tại cũng bắt nguồn trong quá trình theo học thiết kế đồ họa.
Khó nhất chắc nằm ở chỗ khi sau này tôi đã xác định lựa chọn theo đuổi chất liệu màu nước nhưng ở khoa Thiết kế đồ họa, chất liệu này chỉ như một môn học lướt qua cho nên không có thầy cô vẽ tốt chất liệu này để hướng dẫn. Hầu như học viên phải tự mày mò, tự nghiên cứu qua tranh, qua video ở trên mạng là chính. Chính vì vậy số lượng người vẽ màu nước ở Việt Nam rất ít, nhất là những người vẽ chuyên nghiệp, chỉ có những người tự học thôi chứ học chính quy ở trường thì hầu như không có.
Tự học là một quá trình đối mặt với nhiều cái khó, vậy trong lúc tự học về vẽ màu nước, anh đã bao giờ cảm thấy muốn bỏ cuộc chưa?
- Nói về các chất liệu trong hội họa, màu nước là chất liệu mà độ tiếp cận ban đầu khó nhất. Vì thế rất nhiều người tiếp cận rồi thấy nó khó quá mà không có ai hướng dẫn cụ thể thì rất nhanh nản và bỏ cuộc. Tôi cũng là một trong số những người bắt đầu như vậy nhưng may mắn hơn, tôi học tương đối nhanh và sắp xếp trình tự học đúng hướng cho nên không bị mắc phải tình trạng mất động lực. Sau này con đường phát triển chất liệu màu nước của tôi đi tương đối nhanh, chỉ trong khoảng hai năm tôi đã sử dụng chất liệu này khá tốt.
Khi mới bắt đầu vẽ màu nước chắc phải hỏng đến hàng ký giấy, tôi cũng không nhớ đích xác là bao nhiêu. Mà thời đó một tờ giấy vẽ màu nước nó đã gần 100.000 rồi, chưa tính đến tiền mua màu. Một ngày có thể vẽ hỏng hàng chục bức là chuyện bình thường. Tuy vậy ở thời điểm đó, có thể hoàn thành một bức vẽ đã là rất tốt rồi, vẽ xong được một bức đã rất vui và hầu như là để đấy tự ngắm, ngắm xong tôi lại vẽ bức khác thôi chứ cũng không cảm thấy chán nản hay gì cả.
Anh có nhắc tới chất liệu màu nước mà bản thân đang theo đuổi. Có thể thấy với hội họa có đa dạng lựa chọn về chất liệu, màu nước lại là một chất liệu khá mới trong hội họa Việt Nam, vậy vì sao lựa chọn của anh lại là màu nước? Có phải đó là lựa chọn ngay từ lúc đầu của anh.
- Như kể trên, thời điểm tôi bén duyên với màu nước là quá trình khá bất ngờ. Ban đầu tôi tìm tòi, học hỏi chất liệu màu nước và tập tành nó khoảng 2 năm, từ năm hai đại học. Sau đó tôi vẽ suốt cho đến năm thứ tư, khi đó ở Việt Nam chất liệu màu nước bắt đầu manh nha, khởi xướng lên nhờ các họa sĩ đi trước. Và có một cái may là đúng thời điểm đó, Hiệp hội Màu nước Quốc tế ở Việt Nam đã được thành lập và tổ chức được những buổi triển lãm đầu tiên. Đó là một làn sóng màu nước mới, lần đầu tiên quy tụ các họa sĩ quốc tế gửi tranh về Việt Nam tham gia. Sau đó tôi có có may mắn được đi xem, khi về thì tôi càng chắc chắn về quyết định đi theo con đường vẽ màu nước chuyên nghiệp.
Trong hội họa Việt Nam hay trên thế giới thì màu nước xuất hiện từ khá sớm tuy nhiên ít họa sĩ dùng nó như là một chất liệu chính để sáng tác. Ở Việt Nam, phổ biến hơn cả là sơn mài, sơn dầu hay lụa... Ở các trường đại học, màu nước không được đưa vào giảng dạy như một chất liệu chính thống. Đó cũng là một phần lý do tôi tò mò, muốn chinh phục và thử nghiệm chất liệu này. Có một khoảng thời gian tôi cũng có thử qua các chất liệu khác nhưng sau đó tôi nhận thấy màu nước, từ cách vẽ, cách biểu hiện ý tưởng phù hợp nhất với bản thân mình. Bởi vì tính chất của màu nước đầu tiên là rất gọn, đơn giản, không cần không gian và độ rườm rà như sơn dầu. Ban đầu tôi thích nó theo cách như vậy, việc có thể dễ dàng vẽ ở mọi nơi phù hợp với tính cách của tôi.
Không chỉ làm công việc sáng tạo, anh còn đang đi những bước đầu trong con đường mở ra, phổ biến và phát triển màu nước ở Việt Nam qua những lớp chia sẻ vẽ màu nước. Lý do để anh bắt đầu theo đuổi công việc này là gì?
- Đó là cơ duyên khi tôi làm việc với các họa sĩ khác như anh Hồ Hưng. Họa sĩ Hồ Hưng là một trong những họa sĩ hàng đầu của màu nước Việt Nam, đi đầu từ việc vẽ đến việc đưa màu nước quốc tế về Việt Nam. Tôi may mắn làm việc với anh Hồ Hưng được 4 năm. Ngày đầu khi hai anh em gặp nhau đã có những dự định mở ra những buổi chia sẻ, mục đích đầu tiên là để tạo ra cộng đồng màu nước mạnh. Lúc đó, mỗi họa sĩ cá nhân sẽ có cơ hội kết nối và đóng góp tích cực cho sự phát triển, phổ biến màu nước cho nên chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng như vậy tại Việt Nam.
Việc mở ra những lớp chia sẻ để tìm kiếm người cùng đam mê, cùng sở thích nhưng không có đủ điều kiện tự nghiên cứu, tự tìm tòi giống như chúng tôi ngày xưa. Chúng tôi giúp họ ở giai đoạn đầu rồi dần dần, việc chia sẻ đã tạo ra một sân chơi chung cho tất cả những người đam mê chất liệu này.
Trong tình hình dịch như hiện tại, những lớp chia sẻ của anh có bị ảnh hưởng nhiều không và mọi người làm cách nào để kết nối cùng nhau?
- Hầu như tất cả hoạt động phải chuyển qua chia sẻ online. Chúng tôi vẫn chịu khó làm những video, tạo các nhóm đăng sản phẩm tranh vẽ lên để duy trì tinh thần cho mọi người trong quá trình này. Một tuần cố định thứ 3 và thứ 7, chúng tôi sẽ post video. Mọi người sẽ vẽ trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai ngày đó và sau đó đăng tranh của mình lên để nhận được những nhận xét, góp ý từ những người khác
Thực ra đó chỉ là một cách để duy trì tinh thần thôi, còn học vẽ online không thể hiệu quả bằng việc gặp nhau và nhìn ngắm mẫu trực tiếp.
Anh chia sẻ rằng mình chọn màu nước vì tính dễ di chuyển hợp với phong cách của anh. Có thể thấy anh cũng là người ưa thích dịch chuyển. Bên cạnh đó, một người họa sĩ thông thường cũng hay có xu hướng trực tiếp đi và phác họa những chủ đề mà mình quan tâm. Vậy với Đoàn Quốc, chuyện đi trong cuộc sống thường và cả trong sáng tác hội họa mang ý nghĩa như thế nào?
- Phải nói là tôi đi rất nhiều, có những chuyến là đi tới các trại sáng tác là do Hội Mỹ thuật tổ chức, có thể là cá nhân thích một vùng đất nào đó rồi tự quyết định đến đó để trực họa, ghi chép lại sau đó mới về studio lên bố cục làm những tác phẩm lớn. Đó cũng là một lộ trình thường thấy của các họa sĩ. Đầu tiên là tới địa điểm đó, lấy tư liệu vẽ trực họa và nghiên cứu bố cục.
Nó có hai dạng tranh là tranh trực họa và tranh sáng tác tại studio. Tranh trực họa sáng tác tại chỗ, lấy được tinh thần tại địa điểm đó nhưng về độ chỉn chu sẽ không bằng tranh vẽ ở studio. Khi quan sát xong, tôi sẽ quay về nghiên cứu bố cục kỹ lưỡng rồi lên những bức tranh lớn ở studio.
Việc đi đến nhiều nơi giúp tôi có những cảm hứng và trực quan tốt để thổi hồn vào một tác phẩm. Rõ nét nhất xuất hiện trong tác phẩm dài gần đây nhất tôi vẽ là bức “Những thành phố hội tụ”, hội tụ và lồng ghép 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh đã từng ghé tới bao nơi trong chuyến hành trình “cầm giá vẽ” theo của mình. Có nơi nào để lại ấn tượng đậm nét hay kỉ niệm đặc biệt với anh không?
- Về phong cảnh đa số tôi hay thích đến những nơi vẫn còn hoang sơ, ẩn giấu những vẻ đẹp thiên nhiên nhiều hơn như Tây Bắc hoặc biển đảo. Các thành phố lớn tôi đã từng được đi qua và trải nghiệm gần hết, nhưng tập trung vẽ thì chưa nhiều, nhiều nhất thì có Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong những tác phẩm đã trình làng về các thành phố ở Việt Nam, có thể nhận thấy Sài Gòn chiếm phần lớn trong cảm hứng sáng tạo của anh. Đây cũng là nơi anh lựa chọn để sinh sống lâu dài. Vậy hình ảnh Sài Gòn đối với Đoàn Quốc mang ý nghĩa đặc biệt như thế nào trong quá trình sáng tạo?
- Trước hết thì Sài Gòn như quê hương thứ hai của tôi vậy. Tôi gắn bó với nơi đây từ việc học cho đến lập nghiệp. Sài Gòn mang đến cho tôi cảm giác được về nhà, tôi cảm thấy như mình hiểu rõ Sài Gòn, cảm nhận về thành phố này tốt. Trong quá trình sinh sống ở nơi đây, tôi vẫn lưu lại những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp của Sài Gòn, đến đúng thời điểm thích hợp thì tôi thể hiện nó qua những tác phẩm.
Lúc trước dịch, chúng tôi có lập một nhóm “Trực họa Sài Gòn”. Mỗi tuần một buổi sáng, nhóm sẽ tập trung ở một địa điểm nào đó ở Sài Gòn để ký họa. Trong nhóm có khoảng 20 thành viên, hội tụ cả họa sĩ lão thành trong Hội Mỹ thuật, các thầy dạy tại các trường Mỹ thuật và các kiến trúc sư. Tôi thiết lập nhóm với những người có cùng đam mê trực họa và yêu thích Sài Gòn, những người có chuyên môn tốt để chất lượng của những bức trực họa tốt lên.
Sài Gòn được ví như “một thành phố không ngủ”, một thành phố sống về đêm, cho nên cái lung linh nhất của Sài Gòn khác với những nơi khác đó là ban đêm. Nếu ở Sài Gòn, thức từ đêm đến sáng, từ trên cao nghe thấy tiếng còi xe hầu như là không có ngớt, cứ inh ỏi và ánh đèn vẫn cứ lộng lẫy. Đó là điểm đặc trưng thu hút ở Sài Gòn.
Và khoảnh khắc khi màn đêm buông xuống, ánh đèn lên, đó là một khoảnh khắc đẹp nhất theo tôi thấy ở Sài Gòn. Vì thế tranh của tôi, đa số là vẽ Sài Gòn trong khoảng thời gian từ đêm đến rạng sáng, khoảnh khắc nhìn vào tranh vẫn có thể dễ thấy được sự dịch chuyển của Sài Gòn, sôi động như nó vốn có vậy.
Đi nhiều, đến những nơi mới ở những thành phố khác hay chỉ là đến những góc nhỏ nơi một Sài Gòn quen thuộc dường như khá quan trọng trong niềm cảm hứng sáng tác của anh. Vậy trong những ngày dịch và Sài Gòn đang giãn cách, việc dừng đi có ảnh hưởng như thế nào tới anh?
- Nó cũng có những ảnh hưởng nhất định tuy nhiên tôi cũng giống như mọi người luôn tạo cho bản thân sự thích nghi với hoàn cảnh. Trong khoảng thời gian này, tôi vẫn tiếp tục vẽ nhưng với nhiều chủ đề đa dạng khác nhau bên cạnh cảm hứng vẽ các thành phố, hay vẽ Sài Gòn đã xuyên suốt trong các tác phẩm của mình.
Như dạo gần đây tôi có tiếp tục phát triển về chủ đề “Hoài niệm hương xưa”, hoài niệm về những cái xưa cũ, về văn hóa Việt Nam, cụ thể là ở ngoài Bắc Bộ. Nó giúp tôi cân bằng lại những cảm xúc của bản thân những ngày này, vẽ về cái hiện tại và tìm hiểu về những nét văn hóa xưa.
Audio (Biên tập, kỹ thuật dựng: Ngân Hà, thể hiện: Túy Cát)
Hành trình đi luôn liên quan mật thiết tới cảm hứng sáng tạo. Đi để rồi thấy yêu thấy muốn khám phá rồi khao khát thể hiện. Vậy với một tác phẩm màu nước, quá trình tái hiện hóa những thứ được nhìn thấy diễn ra như thế nào?
- Thực ra màu nước bắt buộc mỗi người họa sĩ phải suy nghĩ, tính toán kỹ trước khi đặt bút vẽ. Bởi vì một khi đã đặt cọ sai thì không thể sửa được. Cho nên thời gian tôi ấp ủ ý tưởng và hoàn chỉnh ý tưởng trong đầu rất lâu, có thể từ 1-3 tháng cho một bức tranh. Còn thời gian khi đã đặt cọ lên giấy vẽ rồi thì gần như nó đã hoàn thành được 70%, cũng có khi chỉ cần một tuần là có thể vẽ xong rồi. Cho nên nói đến thời gian để vẽ một bức tranh màu nước, vẽ càng nhanh tranh lại càng đẹp.
Một khi đã nắm vững được kỹ thuật của vẽ màu nước rồi thì việc triển khai ý của bản thân ra khá đơn giản. Cái quan trọng nhất vẫn là ý ban đầu, bố cục ban đầu chúng ta muốn hướng tới, việc hình thành ý tưởng trong đầu là khó nhất, lâu nhất và đòi hỏi kinh nghiệm nhiều. Việc được đi và được hiểu rõ những thứ bản thân muốn thể hiện giúp những người họa sĩ như tôi dễ hình dung và sáng tạo hơn, bức tranh cũng sẽ mang tính đa sắc và có hồn hơn.
Tuy nhiên, nhiều người vẽ màu nước bây giờ chỉ chăm chăm vào kỹ thuật thôi, bỏ quên đi những ý niệm ở trong bức tranh khiến bức tranh giống như một bản photo, một bức hình chụp vậy.
Vậy trong tương lai, anh có dự định thử sức ở những đề tài mới hay những kế hoạch nào khác?
- Song song với chủ đề Sài Gòn tôi đang vẽ hàng ngày thì tôi cũng ấp ủ kế hoạch về “Sài Gòn 5 năm”. Mỗi năm tôi sẽ vẽ một bức, để nhìn lại 5 năm sẽ thấy được sự thay đổi qua từng bức tranh, cả sự thay đổi của nơi tôi gắn bó và sự thay đổi của chính bản thân mình nữa.
Đồng thời, năm nay do dịch bệnh, dù chưa xác định được ngày cụ thể để ra mắt, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục với chủ đề “Hoài niệm hương xưa” với mục tiêu sẽ có một triển lãm trong năm sau hoặc năm sau nữa về chủ đề này. Tôi vẫn sẽ tiếp tục tìm đến những vùng đất mới, những nơi còn lưu giữ những nét văn hóa xưa để khai thác những cảm hứng sáng tác thực sự cho bản thân mình.
Cuối cùng, mỗi người họa sĩ đều mong muốn định hình một phong cách riêng biệt trong lòng những người yêu tranh của mình. Trải qua năm năm đầu đầy hứa hẹn, với một họa sĩ trẻ như Đoàn Quốc, anh mong muốn tìm kiếm và định hình con đường sắp tới như thế nào?
- Để định hình phong cách của một họa sĩ, phải trải qua rất nhiều thứ, trải qua thời gian, trải qua sự rèn luyện và kiên định của người họa sĩ đó với một sự hiểu biết nhất định về chủ đề thì mới tạo được một phong cách riêng và ghi dấu ấn với người xem lâu dài được chứ không đơn giản là chỉ vẽ. Cho nên rất nhiều người loay hoay ở việc chọn vẽ cái gì để tạo ra phong cách riêng, để không bị lẫn trong khu rừng đã đa dạng nhiều tên tuổi khác nhau.
Với tôi, phong cách riêng, chất riêng qua thời gian, qua từng bức tranh của tôi, người xem sẽ dần dà hiểu tôi và nhớ đến tôi theo cách cảm thụ tác phẩm đó. Nếu chỉ chăm chăm định hình ngay từ đầu khi còn quá trẻ sẽ mất đi những cơ hội để thử những kiểu khác nhau. Tôi muốn trải nghiệm và thể hiện trong tác phẩm một Đoàn Quốc không bó buộc mình.
Cảm ơn những chia sẻ của anh rất nhiều!
Xem chi tiết bài viết tại: