Doanh nghiệp cần chủ động, tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh
(Sóng trẻ) - Chiều 15/5, tại FPT Tower, sự kiện “Định hướng chuyển dịch năng lượng bền vững và thực tiễn triển khai cho doanh nghiệp sản xuất” đã diễn ra, mang đến góc nhìn thực tế và cách tiếp cận chuyển đổi năng lượng phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình thuộc chuỗi sự kiện được tổ chức bởi FPT Digital nhằm mục đích xây dựng cộng đồng, kết nối chuyên gia và doanh nghiệp trong đa dạng lĩnh vực, ngành nghề về vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Sự kiện có sự tham gia của ông Lê Vũ Minh - Giám đốc Tư vấn FPT Digital, ông Stuart Livesey - Phó chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh, EuroCham Việt Nam và ông Trần Quốc Hải - Giám đốc Giải pháp năng lượng bền vững, SP Group Vietnam.
Mở đầu phiên thảo luận, ông Stuart Livesey - Phó chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh, EuroCham Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, điển hình như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi… Cùng với đó, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng này tăng cao. Thị trường tự do hoá tại Việt Nam mở ra cơ hội cho các nguồn đầu tư nước ngoài, một số dự án liên quan đến việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo đang được tiến hành".
Bên cạnh những cơ hội và tiềm năng phát triển, ông Stuart Livesey cũng chỉ ra một số rào cản trong việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Trước hết, sự không đồng đều trong phát triển hạ tầng lưới điện có thể hạn chế khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống mạng lưới, đặc biệt ở những khu vực xa trung tâm. Thứ hai, thị trường năng lượng ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình bắt đầu chuyển đổi, do đó cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ phía doanh nghiệp cũng như thu hút các nhà đầu tư ngành năng lượng sạch.
Từ đó, với vai trò là một nhà đầu tư, ông Stuart Livesey kỳ vọng chính phủ cung cấp lộ trình tiếp cận thị trường chi tiết. Các chính sách cần được hình thành và hoàn thiện một cách rõ ràng, minh bạch, đồng thời phải đảm bảo tính ổn định để triển khai các dự án quy mô lớn.
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, ở những ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép, chi phí năng lượng chiếm đến 50 - 55% giá trị thành phẩm. Việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả dẫn tới chi phí sản xuất cao, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp. Do đó, chuyển đổi năng lượng xanh là một yêu cầu bắt buộc để giải quyết thực trạng trên, đồng thời khắc phục biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch cho doanh nghiệp sản xuất.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Vũ Minh - Giám đốc Tư vấn FPT Digital cho rằng chuyển dịch năng lượng là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Để tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi từ tài chính xanh, giải quyết bài toán kinh tế về chuyển dịch năng lượng, doanh nghiệp sản xuất cần chủ động, tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi xanh. Ngoài ra, điều này cũng giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi Việt Nam đang có tỷ trọng xuất khẩu cao. Các đối tác ở thị trường trọng điểm như châu Âu đều có yêu cầu khá cao về việc giảm thiểu khí phát thải và sử dụng năng lượng tái tạo.
Ông Lê Vũ Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi năng lượng xanh cũng mang lại nhiều lợi ích cho bản thân doanh nghiệp. Trước hết, quá trình này giúp tối ưu chi phí sản xuất và tiết kiệm nguồn nguyên vật liệu. Ngoài lợi ích kinh tế, khi doanh nghiệp có sự tiếp cận với xu hướng mới sẽ tạo ra nguồn thúc đẩy cho nội bộ, tăng năng lực cạnh tranh và mang đến hình ảnh thương hiệu xanh, phát triển bền vững, tạo ấn tượng với khách hàng”.
Ông Minh cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp về quá trình chuyển dịch năng lượng xanh. Trong đó, việc nắm bắt thực trạng, tính toán các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn là điều quan trọng nhất. Xây dựng chiến lược năng lượng bền vững là tiền đề giúp doanh nghiệp sản xuất định hướng phát triển phù hợp với nguồn lực của mình. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đang dần hình thành bức tranh tổng quan về chuyển dịch năng lượng, điển hình như Hoà Phát, Vinamilk, Duy Tân…
Đi sau trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam có cơ hội kế thừa và tận dụng những giải pháp công nghệ đã được kiểm chứng, ứng dụng trong các mô hình quy mô lớn trên thế giới, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro và tăng khả năng tối ưu trong lộ trình chuyển dịch năng lượng.
Việc tự sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió hay năng lượng sinh học có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, tuy nhiên lại đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn và kiến thức, kỹ thuật phức tạp.
Kết thúc chương trình, ông Trần Quốc Hải - Giám đốc Giải pháp năng lượng bền vững, SP Group Vietnam đề xuất giải pháp: “Bên cạnh việc tự đầu tư hệ thống sản xuất năng lượng xanh, doanh nghiệp Việt Nam còn có thể mua lại năng lượng từ các bên cung ứng khác như SP Group, tuỳ theo nhu cầu, mục tiêu kinh doanh và điều kiện cụ thể. Bên cạnh việc linh hoạt và nhanh chóng hơn, lựa chọn này còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực đầu tư”.
“Xanh hoá” năng lượng đang trở thành xu thế toàn cầu, do đó, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần nhận thức rõ thách thức để giảm thiểu tối đa các rủi ro trong lộ trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời nắm bắt các cơ hội để phát triển kinh tế bền vững, góp phần thúc đẩy cam kết “Đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của Việt Nam.