Nhật ký “chó” và “mèo”
(Sóng trẻ) - Một người tuổi chó, một người tuổi mèo, hai chị em cứ cạnh nhau là trêu chọc, cãi nhau suốt ngày nhưng xa nhau là nhớ nhiều lắm. Tình cảm chị em tôi được vun đắp một cách tĩnh lặng trong ồn ào, ồn ào trong tĩnh lặng. Nhưng dù có cãi nhau hay quan tâm đến nhau thì đều là cách thể hiện tình cảm riêng để lại những kỷ niệm sâu sắc khó quên chỉ thuộc về “chó” và “mèo”.
5 tuổi, tôi ngây ngô nhìn đứa bé nằm trong nằm mẹ khóc oe oe… Ồ! Mình đã có một đứa em gái. Nhưng rồi tôi bỗng cảm thấy phiền phức: “Sao lại khóc nhiều thế?”
6 tuổi, lần đầu tôi biết bế em, dỗ em, quả thực chăm đứa trẻ chẳng phải dễ. Cũng lần đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng gọi “chị” ngọng nghịu tập nói của em cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng trào. Và lần đầu tiên tôi thấy vui vui vì mình có một đứa em nhỏ xíu.
7 tuổi, tôi vẫn là một đứa trẻ ham chơi. Bố mẹ than thở: “Chẳng mấy khi nhìn thấy mặt nó ở nhà”. Những lúc bố mẹ bận việc, tôi mải nghịch ấy phải trông đứa em nhõng nhẽo, hay khóc nhè. Cả xóm nhìn hai chị em cười và bảo: “Con chó cõng con mèo đi chơi à?”. Bù lại, tôi không thể đi chơi với lũ bạn cùng xóm, không thể chạy nhảy cả ngày hay lang thang nghịch nước suốt cả chiều vì ở nhà trông em.
9 tuổi, con mèo đi nhà trẻ, nó bắt đầu có nhận thức mới khi tiếp xúc với thế giới xung quanh nhưng cũng là lúc mèo không còn nghe lời nữa. Cuộc chiến của con chó và con mèo bắt đầu. Cả nhà luôn đau đầu vì những cuộc cãi nhau, chiến tranh giữa hai chị em. Nhưng hầu như sau mỗi cuộc chiến, tôi thường là đứa bị mẹ mắng vì bắt nạt em. Nhiều lúc tôi cảm thấy như mình bị ra rìa, bỗng dưng tôi muốn đi “bụi”.
10 tuổi, cả hai chị em ngồi im ngắm nhìn đứa bé bụ bẫm ngủ nn lành trên giường. Đứa em thứ hai mà mọi người hay đùa: “Có nó, mai sau nó còn can bọn mày”. Chúng tôi chỉ cười, chẳng biết có can được không hay lại bị liên lụy.
11 tuổi, tôi phải đi học ở trường huyện, phải đi ở trọ xa nhà. Những tuần đầu tiên vào khu nội trú, bỡ ngỡ, sợ sệt, những đêm đầu tiên không ngủ được, nước mắt tôi cứ rơi cho đến khi mỏi mệt rồi thiếp đi. Cuối tuần được bố đón về nhà, tôi thoải mái và ấm áp.Còn gì xúc động là khi nghe bố kể đứa em suốt ngày cãi nhau với tôi bảo: “Con nhớ chị”. Lúc đó, thật sự tôi muốn khóc và muốn chạy đến ôm nó nói: “Chị cũng rất nhớ em”.
Chị em tôi (ảnh minh họa)
Năm cấp 2 cứ thế qua đi, những cuộc cãi nhau, chành chọe chỉ vì hôm nay, ai rửa bát, ai trông em, ai được xem tivi diễn ra thường xuyên. Một nhà ba đứa trẻ, không ngớt tiếng nói, tiếng cười.
Năm cấp 3, tôi phải học xa nhà hơn, vắng nhà nhiều hơn có khi về một tháng về một lần. Những đứa trẻ lớn dần lên, hiểu biết hơn, yêu quý nhau hơn nên bớt giận những hờn dỗi, sự cứng đầu của trẻ em.
Lên đại học, thời gian ở nhà còn chẳng bằng thời gian ở trường. Các em tôi cũng tối ngày vắng mặt vì lịch học thêm dày đặc. Bây giờ thì mèo chó chẳng có thời gian gặp nhau để mà náo loạn. Nhưng nhà cũng chẳng yên tĩnh hơn là mấy. Con mèo đi bắt nặt đứa em trai như để bù đắp và tìm lại những kí ức ngày xưa.
Tết năm nay tôi khăn gói về quê. Chẳng biết có phải nó xem nhiều phim hàn bị loạn không? Vừa về đến cổng, nó đã kêu to một câu chào bằng tiếng Hàn: “Chị! Annyonghaseyo”. Giọng nói ngượng nghịu, phát âm nửa Việt nửa Hàn của em khiến tôi bật cười, đó là những phút giây lòng tôi được thả lỏng, cảm nhận được sự ngọt ngào, bình yên. Kỳ nghỉ tết gần kết thúc, nghĩ đến hôm phải đi là không nỡ, lưu luyến nhưng chẳng thể làm gì.
Đêm đến, nằm một mình trên giường, gió lạnh rít từng cơn bên nài. Dù có chăn, có đệm nhưng mình vẫn thấy lạnh, khó ngủ nên rủ luôn con mèo ngủ cùng. Sáng sớm khi tôi còn mơ màng trong chăn ấm áp, bỗng thấy một cái chăn nhẹ nhàng đắp thêm lên người mình, thì ra con mèo dạy sớm đi học. Có lẽ chiếc chăn đấy đắp lên trái tim tôi ấm áp hơn bất kỳ chiếc chăn bông nào khác.
Tình cảm chị em tôi được vun đắp một cách tĩnh lặng trong ồn ào, ồn ào trong tĩnh lặng. Nhưng dù có cãi nhau hay quan tâm đến nhau thì đều là cách thể hiện tình cảm riêng để lại những kỷ niệm sâu sắc khó quên chỉ thuộc về “chó” và “mèo”.
Phạm Hường
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận