Nhà báo Hoàng Đức Nam Anh: “Một tháng ẩn náu trong rừng, quyết tìm ra sự thật”
(Sóng trẻ) - Vừa qua, nhà báo Hoàng Đức Nam Anh là một trong những cá nhân xuất sắc đạt giải B - Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII với phóng sự điều tra “Rầm rộ nạn phá rừng ở Nam Đông”. Phóng sự này không chỉ gây tiếng vang lớn ở Thừa Thiên Huế mà còn tạo sự chú ý mạnh mẽ trên toàn quốc.
Trái ngược với vẻ ngoài hiền lành và trầm tư, nhà báo Nam Anh lại là một người mạnh mẽ và quyết tâm trong công việc. Với vốn hiểu biết sâu rộng, những câu chuyện về nghề, khát khao, đam mê với lĩnh vực điều tra được nhà báo Nam Anh chia sẻ, khiến chúng tôi bị lôi cuốn và cảm phục.
“Chúng tôi không được phép nghe một chiều”
PV: Cảm ơn nhà báo Nam Anh đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn của chúng tôi ngày hôm nay. Báo chí điều tra là một lĩnh vực rất khó, bởi sự khốc liệt và nguy hiểm mà không phải ai cũng có thể chịu đựng được. Được biết, anh đã gắn bó với nghề gần 10 năm, vậy lý do đặc biệt nào đã giữ chân anh theo đuổi lĩnh vực điều tra?
Nhà báo Nam Anh: Bản thân tôi là một phóng viên đã hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là truyền hình gần 10 năm. Với tôi, báo chí điều tra là một lĩnh vực tuy khó nhằn, thách thức nhưng đầy thú vị. Bởi mảng điều tra cho phép tôi khám phá những câu chuyện đặc biệt mà ít người khai thác. Điều này không chỉ giúp nội dung báo chí phong phú hơn mà còn mở ra góc nhìn sâu sắc về các vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.
Thêm vào đó, quá trình điều tra đòi hỏi phóng viên chúng tôi phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu và cập nhật kiến thức. Những câu chuyện, vấn đề càng sâu sắc, phức tạp thì càng đòi hỏi kỹ năng cao, giúp phóng viên rèn luyện khả năng tư duy, phân tích và mở rộng kiến thức đa dạng.
Cuối cùng, phóng sự điều tra thường vạch trần các vấn đề nhức nhối, như nạn phá rừng hay tham nhũng, từ đó cảnh báo và kêu gọi hành động tới cộng đồng. Điều này tạo nên tác động xã hội lớn, thúc đẩy thay đổi tích cực, góp phần làm sạch môi trường hay cải thiện chính sách của xã hội.
PV: Phá rừng là một vấn đề rất nhạy cảm, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn liên quan đến nhiều yếu tố nhạy cảm như: chính trị, kinh tế và xã hội. Trong tác phẩm “Rầm rộ nạn phá rừng ở Nam Đông,” anh đã phản ánh sâu sắc về tình trạng này. Vậy anh có thể chia sẻ, anh lấy thông tin từ đâu để biết đến và thực hiện được bài phóng sự này?
Nhà báo Nam Anh: Mỗi nhà báo đều có cho mình những kênh thông tin riêng biệt. Đây là thành quả của cả một quá trình làm nghề, xây dựng và tích lũy từ kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ với các cá nhân và tổ chức mà chúng tôi tiếp xúc. Nguồn tin có thể xuất phát từ những người dân, những người có chức trách, hay các đại diện của cơ quan, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, đối với nguồn tin cho tác phẩm “Rầm rộ nạn phá rừng ở Nam Đông”, tôi xin phép không tiết lộ công khai nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn tin của mình. Tôi rất may mắn khi có được nguồn tin quý giá này, nhưng việc nắm bắt thông tin chỉ là bước khởi đầu.
Để bài phóng sự đạt được tính chân thực cao nhất, tôi và các đồng nghiệp đã tự mình thâm nhập hiện trường, tìm hiểu kỹ càng tại sao vấn đề phá rừng lại diễn ra. Không chỉ riêng về phá rừng, trong tất cả các đề tài, một nhà báo luôn cần phải đối chiếu, xác minh từ nhiều phía để đảm bảo thông tin mà mình đưa ra là chính xác và có giá trị nhất.
PV: Sau khi thâm nhập hiện trường, nếu thông tin ghi nhận được có sự khác biệt so với định hướng ban đầu của bản thân và ekip, anh sẽ điều chỉnh hay giữ nguyên?
Nhà báo Nam Anh: Câu chuyện mà chúng tôi tiếp cận có thể khác với suy nghĩ ban đầu. Và trong trường hợp như vậy, chúng tôi không thể đứng yên mà phải biết ứng biến linh hoạt, sẵn sàng tiếp cận những góc nhìn mới về vấn đề. Từ đó, chúng tôi có thể tạo ra một sản phẩm tối ưu và trung thực nhất để truyền tải đến khán giả.
Việc chặt phá rừng đang là một vấn nạn nghiêm trọng và cấp bách tại nước ta. Anh và đồng nghiệp đã theo đuổi đề tài này qua tác phẩm “Rầm rộ nạn phá rừng ở Nam Đông”. Đó cũng là tác phẩm giúp anh có được giải B Báo chí Quốc gia. Anh có thể chia sẻ những khó khăn khi thực hiện phóng sự điều tra này?
Thú thật, khi hoàn thành xong phóng sự này, tôi vẫn chưa thể tin rằng ekip của mình đã vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện thành công đề tài này. Bởi để có thể thâm nhập hiện trường mà không bị lộ thông tin và danh tính, cả ekip thực hiện phóng sự không được phép dùng xe riêng hoặc xe của cơ quan. Thay vào đó, chúng tôi phải đi nhờ xe trung gian của người dân địa phương để đến điểm hẹn gặp nguồn tin. Dưới sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đã khéo léo trốn thoát khỏi sự giám sát và có thể tiếp cận gần đối tượng điều tra.
Tuy nhiên, hành trình không hề dễ dàng. Cả ekip phải đi bộ xuyên rừng liên tục hơn 8 tiếng, không nghỉ, để tránh bị theo dõi. Ai đói thì phải cầm cự bằng lương khô và ít nước, rồi tiếp tục bước đi trong tâm trạng lo lắng, sợ bị phát hiện. Địa hình dốc, đường xa và khó đi, lại phải đối mặt với sự căng thẳng tinh thần, buộc tôi phải vượt qua giới hạn thể lực của bản thân.
PV: Vậy anh đã vượt qua khó khăn đó như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cho chính mình nhưng vẫn có thể làm sáng tỏ sự thật?
Nhà báo Nam Anh: Trong mỗi trường hợp sẽ có những cách ứng biến khác nhau, không có một quy chuẩn ứng biến như thế nào. Trước khi tác nghiệp, chúng tôi chuẩn bị sẵn một cách xử lý phù hợp cho từng tình huống. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu muôn vẻ, vì vậy vẫn cần đến kỹ năng ứng biến của từng phóng viên trong mỗi trường hợp khác nhau.
Ví dụ như, để thâm nhập được vào vòng trong của rừng, cả ekip phải đóng giả thành những người đi tìm mua lan. Để có thể thuận lợi qua mắt được các đối tượng, chúng tôi trước đó phải tìm hiểu các kiến thức về lan.
PV: Trên hành trình ghi lại những thước phim về thực trạng phá rừng đang diễn ra, anh có thể gặp phải những "cái bẫy" bất ngờ và đáng sợ. Vậy có khi nào trên hành trình ấy, anh nghĩ đến hai từ “dừng lại”?
Nhà báo Nam Anh: Dừng lại thì không. Khi phát hiện ra những dấu hiệu của sự tàn phá rừng, ekip nhận ra rằng mình có trách nhiệm phải thực hiện phóng sự này. Chúng tôi không chỉ muốn ghi lại sự thật mà còn cần phải lan tỏa thông điệp mạnh mẽ để cảnh tỉnh mọi người về tình trạng phá rừng ở địa phương. Đó là động lực thúc đẩy chúng tôi tiếp tục, bởi mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện chúng tôi truyền tải đều có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng.
Ði đến cùng sự thật chính là nhân văn
PV: Mỗi sản phẩm báo chí đều được thực hiện với mục đích mang đến những thông tin xác đáng cho cộng đồng, xã hội. Vậy anh có thể cho biết, tác phẩm điều tra “Rầm rộ nạn phá rừng Nam Đông” đã có tác động như thế nào tới cơ quan chức năng trong quá trình tiếp cận và giải quyết vấn đề phá rừng?
Nhà báo Nam Anh: Khi 1 tác phẩm điều tra được chiếu, đương nhiên là sẽ có tác động rất lớn, đặc biệt đối với dư luận và chính quyền địa phương. Theo tôi được biết, khi phóng sự "Rầm rộ nạn phá rừng Nam Đông" được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, chính quyền đã lập tức thành lập một đoàn điều tra liên ngành để xử lý sự việc. Từ những thông tin mà phóng viên phản ánh, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra sâu hơn và phát hiện ra một đường dây buôn bán ma túy có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm. Bên cạnh đó, khi phóng sự được phát sóng, tình trạng phá rừng đã giảm đi đáng kể nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.
PV: Có thể thấy, phóng sự điều tra này đã thành công trong việc tác động đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, chặt phá rừng không phải là một đề tài mới. Vậy theo anh, tác phẩm “Rầm rộ nạn phá rừng ở Nam Đông” có gì khác biệt so với các tác phẩm khác?
Nhà báo Nam Anh: Theo suy nghĩ của tôi, tác phẩm khai thác về vấn đề phá rừng quả thật không hiếm, nhưng cái khác của “Rầm rộ nạn phá rừng ở Nam Đông” so với nhiều tác phẩm khác chính là sự quyết tâm theo đuổi đến cùng của ekip làm phóng sự. Sau khi xác định được các đối tượng liên quan, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc phát hiện mà còn tiếp tục giám sát cách mà các cơ quan chức năng xử lý tình huống này.
Nguyên tắc số 1, luôn luôn là số 1
PV: Theo anh, nguyên tắc nào là quan trọng nhất khi thực hiện tác phẩm báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra?
Nhà báo Nam Anh: Theo tôi, nguyên tắc tối thượng của báo chí chính là đấu tranh, tìm được đến cùng gốc rễ của sự thật và quan điểm của nhiều bên với vấn đề này, để đưa ra tác phẩm có góc nhìn khách quan.
Để thực hiện được loạt phóng sự điều tra này, tôi và đồng nghiệp đã dành thời gian nghiên cứu rất kĩ đề tài, thu thập thông tin bằng sự “nhập cuộc thực tế” một cách khách quan nhất. Dù gặp không ít những khó khăn từ việc đi thực tế đến khi đặt bút viết nhưng tôi luôn đặt đích đến cho mình là đi tìm sự thật và quyết theo bám sự việc đến cùng.
PV: Để tìm ra sự thật chưa bao giờ là dễ. Và đối với nghề báo, sẽ có nhiều người lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi cho cá nhân và tổ chức. Anh đã bao giờ từng gặp những vụ thương lượng về mặt lợi ích?
Nhà báo Nam Anh: Việc tìm kiếm sự thật là mục đích tối thượng của những người làm báo. Tuy nhiên, trên hành trình này, chúng tôi không thể tránh khỏi những vụ thương lượng về lợi ích cá nhân hay tổ chức. Khi rơi vào tình huống như vậy, mỗi nhà báo sẽ có những cách giải quyết khác nhau, từ việc đứng vững với nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cho đến việc cân nhắc các yếu tố thực tiễn để đưa ra quyết định phù hợp. Chính sự đối diện với những thách thức này làm nổi bật thêm trách nhiệm của người làm báo trong việc giữ gìn sự trung thực và công bằng trong thông tin.
PV: Có thể thấy, ranh giới giữa sự thật giả tạo và điều đúng đắn trong báo chí rất mong manh. Từ vụ việc năm 2016, khi một phóng viên VTV3 đã dàn dựng phóng sự "Cây chổi quét rau" trên chương trình "Cà phê sáng," dẫn đến việc phải xin lỗi công chúng vì đã làm tổn hại hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của Vĩnh Thành, anh có suy nghĩ gì về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo?
Nhà báo Nam Anh: Vụ việc phóng sự “Cây chổi quét rau” thực sự là một bài học đau lòng về đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí. Hành vi dàn dựng và xuyên tạc sự thật không chỉ vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc đạo đức mà còn là hành vi phạm pháp theo quy định của Luật Báo chí Việt Nam. Tình huống này phản ánh sự non kém trong trình độ tác nghiệp và hiểu biết về trách nhiệm của phóng viên đối với công chúng và xã hội.
Bởi vì báo chí không chỉ là nghề mà còn là sứ mệnh, là cầu nối giữa sự thật và công chúng. Do đó, mỗi nhà báo cần tự ý thức về trách nhiệm của mình, kiên quyết từ chối những phương thức làm việc không đúng đắn và phấn đấu xây dựng một nền báo chí trung thực, minh bạch.
PV: Xin được cảm nhà báo Hoàng Đức Nam Anh với những chia sẻ trên!