Doch Chkae – Ban nhạc kim loại sinh ra trên bãi rác
(Sóng trẻ) – Ban nhạc chính là biểu tượng mạnh mẽ nhất của sự nghèo khổ mà rất nhiều người đã phải trải qua giữa những năm 2000 ở Campuchia: sống trong những bãi rác khổng lồ ở nại ô thủ đô.
Hàng ngàn người làm việc trên bãi rác Stung Meanchey năm 2008 (Ảnh: Satoshi Takahashi/Getty Images)
Đối với nhiều người, bãi rác Stung Meanchey gần Phnom Penh đã từng là ngôi nhà của họ. Khoảng 2.000 “cư dân”, đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em cùng nhau lăn lộn trên núi rác rộng 100 mẫu Anh (khoảng hơn 40 hecta), trong điều kiện tồi tàn để bới rác đem đi bán.
Stung Meanchey cũng là một nơi nguy hiểm. Có những người bị xe chở rác cán chết trong khi chen lấn nhau để giành lấy một chỗ thuận lợi khi rác được đưa đến. Nhiều người đã mắc bệnh khi phải tiếp xúc với chất thải từ cống và các chất độc hại khác.
Trong số đó có Sok Vichey, Ouch Theara và Ouch Hing cùng sinh ra ở bãi rác. “Chúng tôi không có gì để ăn trong nhiều ngày liền, chỉ lang thanh quanh thành phố với túi nhựa để tìm chai lọ đem bán”, Vichey, 18 tuổi, kể lại.
“Trời vô cùng nắng nóng và chúng tôi chẳng có nước để uống. Chúng tôi không đi học. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào cả".
Ouch Theara khi còn lại một cậu bé sống ở bãi rác Stung Meanchey (Ảnh: Timon Seibel)
Mẹ của Theara đã mất và cha thì bỏ đi. Cậu sống với người dì và bảy người con của dì ở Stung Meanchey. Vichey sống ngay nhà bên cạnh và cũng không có cha. Mẹ của cậu đi bới rác để kiếm lấy vài đô mỗi ngày.
Không chỉ có một mình họ sống như vậy. Theo Ngân hàng Thế giới tại Campuchia, năm 2007, khoảng 47% dân số Campuchia sống trong đói nghèo, với thu nhập dưới một đô la một ngày.
Khi Theara, Hing và Vichey đến tuổi thiếu niên, những thành viên còn lại trong gia đình không thể chu cấp cho họ được nữa, và họ được chăm sóc bởi tổ chức phi chính phủ tại địa phương “Những bà mẹ chống đói nghèo” (Moms Against Poverty).
Ở đó, họ găp nhà công tác xã hội người Thụy Sỹ - Đức, Timon Seibel.
Ouch Hing, em trai của Ouch Theara khi còn bé (Ảnh: Timon Seibel)
Tuổi thơ lớn lên ở bãi rác khiến cho những cậu bé mang đầy sự giận dữ, và không thể kiềm chế cơn cuồng nộ của mình. “Nhất là Theara”, Timon nói. “Cậu ấy có trong mình sự hiếu thắng mạnh bạo nhất, và tất cả những gì cậu có hay có thể giành được, cậu ấy đều chiến đấu vì nó".
“Cậu chưa bao giờ có thể thật sự chấp nhận số phận của một đứa trẻ thiếu vắng cha mẹ. Khi hưng phấn, cậu cực kỳ năng động và vui vẻ nhưng rồi lại rơi vào cơn trầm cảm. Giữa những trạng thái đó, cậu bé đã từng có những cơn giận đến điên tiết. Cậu sẽ đánh những đứa trẻ khác và đe dọa chúng".
Theara đến gặp một nhà trị liệu và được khuyên nên cố gắng tìm lại cha mình. Cuối cùng, cậu cũng tìm ra ông và biết được cha cậu là một kiến trúc sư giàu có, ông chưa từng kể với gia đình mình về Theara. Cha Theara bắt đầu chu cấp tiền cho cậu, nhưng rồi lại muốn cắt đứt liên lạc một lần nữa.
Timon cố tìm mọi cách để làm dịu cơn giận dữ của các cậu bé – bóng đá, các lớp học hội họa – nhưng đều vô ích. Cạn ý tưởng, Timon, vốn là fan của nhạc rock kim loại, đưa họ đến xem một buổi biểu diễn của ban nhạc hardcore tiên phong của Cam-pu-chia, Sliten6ix ở một quán bar tại Phnom Penh.
Cuối cùng, một điều gì đó đã thay đổi.
“Tôi cứ đứng trước sân khấu, không hiểu đó là thứ âm nhạc gì?” Vichey nói. “Tôi cũng chẳng hiểu họ đang hát cái gì. Bộ trống và những cây guitar, tôi thực sự không biết gì về chúng hết.”
“Nhưng rồi sau buổi diễn, chúng tôi cảm thấy thích thú với thứ âm nhạc này. Nó khá dễ, nên chúng tôi bắt đầu tự chơi.”
(Từ trái sang phải) Ouch Hing, Ouch Theara, Sok Vichey và Sochetra Pic (Ảnh: Florian Gleich)
Timon giới thiệu cho họ những ban nhạc như Slipknot và Rage Again The Machine và các cậu bé ngay lập tức đồng cảm với bản tính hung hăng của thể loại nhạc này – khác xa với những bản tình ca ủy mị được bao người yêu thích.
“Tôi thích nhạc kim loại hơn bởi chúng tôi có thể gào to cơn tức giận trong lòng và chơi bất cứ thức gì mình muốn,” Vichey chia sẻ. “Chúng tôi đến phòng nhạc, vặn amp thật lớn và xả hết ra nài sự giận dữ. Cuộc đời đã thật sự khắc nghiệt trong quá khứ".
Rồi lúc đó, các chàng trai đã quyết định thành lập một ban nhạc mang tên Doch Chkae.
Với ý nghĩa là “như một chú chó”, ban nhạc muốn một cái tên nói lên cách mà xã hội đã khiến họ thấy mình là những kẻ nhặt rác sống trong nghèo đói xơ xác. Điều này đã được họ ghi lại trong lời bài hát, hét lên bằng tiếng Khmer bản địa:
“Chẳng cuộc đời ai như đời tôi
Ngày ngày sống như một chú chó
Kiếm thức ăn, lang thang khắp phố
Tay nhặt rác mỗi khi tìm được
Không làm vậy, tôi sống làm sao
Phải làm thôi, cha mẹ đâu còn…”
Doch Chkae bắt đầu chơi các show diễn vòng quanh Phnom Penh vào năm 2015 và ra mắt một số đĩa đơn bao gồm “Kham Knea Doch Chkae” (Cắn nhau như những chú chó) bởi Yab Moung, hãng thu âm rock hạng năng duy nhất tại Campuchia.
Nina Ruhl, một cô gái từng sống tại Phnom Penh nhưng rồi quay trở lại quê nhà tại Đức, đã trở thành một fan hâm mộ của ban nhạc sau khi xem họ trình diễn.
“Bạn có thể thấy đám đông khen rằng ban nhạc trông đáng yêu, nhưng khi họ bắt đầu chơi nhạc, nguồn năng lượng ngay lập tức thay đổi khắp khán phòng, mọi người đều lắc lư nhảy múa và chứng kiến ban nhạc từ một góc nhìn hoàn toàn khác.” Cô chia sẻ.
“Tôi chưa bao giờ thích nhạc kim loại, nhưng khi tôi trông thấy họ, tôi phát cuồng luôn”.
Doch Chkae bắt đầu tạo nên những làn sóng nhỏ trong giới nhạc kim loại và vào năm 2018, họ được mời đến biểu diễn tại Wacken Open Air tại Đức, một trong những lễ hội nhạc kim loại lớn nhất hành tinh. Nhưng visa của họ đã bị chính quyền Đức từ chối, cho rằng ban nhạc định “tẩu thoát”. “Nói một cách bình thường ư? Họ quá nghèo,” Timon nói.
Rất nhiều người hâm mộ từ cộng đồng nhạc kim loại bức xúc về quyết định này và hơn 10.000 người đã ký vào một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi chính quyền xem xét lại. Band nhạc cuối cùng cũng lấy được visa vào tháng Tám và có một buổi biểu diễn thành công tại Waken trước hàng nghìn khán giả.
Doch Chkae biểu diễn thành công tại Waken Open Air vào than Tám (Ảnh: Dominik Probst)
Doch Chkae và người cố vấn của họ, Timon Seibel (nài cùng bên trái) tại lễ hội âm nhạc (Ảnh: Dominik Probst)
“Tôi đã rất háo hức”, ca sĩ hát chính Theara, giờ đã 20 tuổi, bày tỏ. “Chúng tôi đã chơi 8 bài hát, cứ kết thúc thì khán giả đều hét lên “Thêm một bài nữa đi”. Mọi người trông thực sự vui vẻ, họ cứ muốn chúng tôi tiếp tục".
“Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như vậy cả. Mọi người ở đó thật đông".
Ban nhạc có buổi trò chuyện tại Waken Open Air (Ảnh: Dominik Probst)
Mặc dù biểu diễn với quy mô đám đông gần như chưa từng thấy đối với các ban nhạc Campuchia ở nước nài, nhưng truyền thông ở đó vẫn dành ít sự quan tâm cho Doch Chkae.
“Chưa có ai đến phỏng vấn chúng tôi cả,” Theara nói. “Họ không thích thể loại nhạc đó, la hét nhiều và nhịp rất nhanh. Họ không hiểu nhiều về nó".
Ban nhạc biểu diễn tại nơi ở cũ của họ (Ảnh: Timon Seibel)
Ban nhạc lên những kế hoạch dẫn dắt một buổi workshop mới nhằm giới thiệu nhạc hạng nặng tới những người Campuchia trẻ còn vật lộn với đói nghèo. Họ mong rằng âm nhạc sẽ truyền cảm hứng cho những người khác, như nó đã truyền cảm hứng cho họ.
Bãi rác Stung Meanchey đã đóng cửa một thập kỷ trước mặc dù vẫn còn nhiều người sống và làm việc ở đó. Nghèo đói đã giảm đáng kể tại Campuchia trong vài năm trở lại đây, dù nhiều số phận khó khăn vẫn bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng nhanh chóng.
Mặc dù gặt hái được thành công tại Đức, ban nhạc vẫn sống cuộc sống giật gấu vá vai, làm một số công việc lặt vặt và bán đồ online khi không diễn tập hay trình diễn trực tiếp.
Doch Chkae đang thu âm một EP mới và hy vọng sẽ bắt đầu chuyến lưu diễn ở châu Âu sau khi EP được phát hành. Cho dù cảm thấy bị làm ngơ tại chính quê nhà, nhạc kim loại và sự quan tâm của những người hâm mộ nhạc kim loại tại châu u đang thắp lên những hy vọng mới cho tương lai của ban nhạc này.
Phương Anh
(Theo George Wright, BBC News)
Cùng chuyên mục
Bình luận