Gác tàu đêm - Ân họa rình rập
(Sóng trẻ) - Mỗi khi tiếng chuông báo vang lên, những nhân viên gác tàu lại nhanh chóng vào vị trí, lấy đèn, đẩy rào chắn…nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến tàu cũng như người qua đường.
Nghề ăn bụi, uống sương
Gác chắn tàu đêm chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Đặc biệt là với nữ giới, công việc này càng trở nên khó khăn, vất vả hơn gấp bội. Những nhân viên chắn luôn đảm bảo tập trung hết sức để nghe tiếng chuông báo động, phải căng mắt để quan sát tàu chạy và người qua đường. Tuy nhiên, khó khăn chồng chất khó khăn khi họ phải gác đêm – khoảng thời gian đáng ra họ được nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày lao động.
Người gác chắn phải thường xuyên chống chọi với cơn buồn ngủ, thiếu tỉnh táo. Tuy nhiên, đặc thù nghề nghiệp không cho phép họ mất tập trung, buồn ngủ trong thời gian làm việc. Bởi lẽ, chỉ 1 sơ xuất nhỏ trên đường tàu cũng có thế gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Ca làm việc của những người gác tàu đêm bắt đầu từ 18h30 – 6h sáng ngày hôm sau. Thời gian làm việc sớm khiến nhiều nhân viên phải ăn tối ở trạm gác. Những bữa cơm chớp nhoáng, tranh thủ đã trở thành quen thuộc với mỗi người gác trạm. Có thể nói đây là nghề không có từ “ưu tiên” bởi người gác trạm luôn phải hy sinh rất nhiều để có thể hoàn thành công việc, thậm chí thời gian ăn uống cũng cần tranh thủ để tránh làm ảnh hưởng đến công việc.
12 tiếng làm việc liên tục không nghỉ khiến cho không ít người rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Ca gác không cố định, xen giữa ngày và đêm nên nhịp sinh học của cơ thể không theo kịp, thành ra lúc mới vào nghề, người lúc nào cũng vật vờ, buồn ngủ. Nhưng làm lâu dần cũng thành quen, không sợ nữa.
Mỗi trạm gác chỉ có 2 nhân viên gác cùng ca. Vì vậy mà công việc cũng được phân chia rất rõ ràng. Mỗi tiếng, có khoảng 3-5 chuyến tàu qua lại và sẽ ít dần về đêm muộn.
Mỗi khi nghe thấy tiếng chuông báo động, chị Hà Thị Phương (SN 1982, Hoàng Mai, Hà Nội) lại nhanh chóng lấy đèn, vào vị trí, đẩy rào chắn…để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu và người qua đường trong khu vực. Tiếng chuông có thể rung lên bất cứ khi nào, chị Phương nói: “Có những lúc, vừa đẩy rào chắn xong chưa kịp ngồi ấm chỗ thì chuông lại reo, lại lấy đèn vào vị trí…”. Tàu đi qua, nhân viên trạm gác trở lại với khuôn mặt thoải mái, vui vẻ bởi an toàn của người qua đường và đoàn tàu đã được đảm bảo.
Với nghề này những người gác trạm như chị Phương còn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết. Chị Nguyễn Thị Hiền (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Làm nghề này thì ngại nhất là mưa rét thôi, mưa hay rét thì tàu vẫn chạy, mà tàu vẫn chạy là mình vẫn phải làm…”. Thật vậy, bất chấp thời tiết mưa phùn, ẩm ướt khó chịu của Hà Nội, những người nhân viên gác trạm vẫn cần mẫn ngày đêm đảm bảo sự an toàn cho các chuyến tàu và người đi đường.
Hy sinh vì mưu sinh
Nếu chỉ phải đương đầu với thời tiết hay đơn giản là những cơn buồn ngủ thì công việc gác trạm chắn đã không trở nên khó khăn như vậy. “Cơn ác mộng” của những nhân viên gác tàu còn đến từ việc phải đương đầu với những người thiếu ý thức, cố vượt barie... thậm chí là cả những ma men hay những người nghiện…
Chị Phương kể, đã có lần chị đã kéo barie xuống nhưng có một nhóm thanh niên vẫn cố vượt barie để qua đường. Chị đã cản nhưng bị nhóm thanh niên tác động vật lý và phải nghỉ gần 1 tháng để có thể đi làm trở lại.
Giống với chị Phương, chị Hiền trong 1 lần can ngăn 1 người đàn ông say rượu cố vượt rào chắn đã bị người đàn ông này lăng mạ, xúc phạm đến chị và gia đình. Ngoài ra, việc gặp những đối tượng thiếu ý thức, ma men…không còn là điều gì quá ghê sợ với mỗi người nhân viên gác trạm. “Gặp mãi cũng quen, người ta chửi cứ chửi, việc mình làm cứ làm…”, Chị Hiền tâm sự.
Làm công việc không có sự ưu tiên nên những nhân viên gác chắn phải hy sinh rất nhiều để có thể hoàn thành công việc. Chị Phương đành gửi 2 con nhỏ cho ông bà ở quê để lên thành phố mưu sinh. Thời gian gặp các con vốn đã ít, nhưng từ khi làm nghề này, chị đã không ít lần lỡ hẹn với các con vì bận gác. "Lễ, Tết gì thì vẫn phải trực gác, có khi ăn tết luôn ở trên này, bố mẹ, chồng con cũng hiểu và giúp, mà có hiểu thì mới làm được nghề này", chị Phương bộc bạch.
Tuy nhiên, công việc của những nhân viên gác trạm không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và người qua đường mà họ còn phải ghi chép lịch trình tàu đến, tàu đi…Nhưng vì thời gian các chuyến tàu đến và đi có thể rất sát nhau nên những người như chị Phương luôn phải tranh thủ thời gian để có thể ghi chép lại lịch trình.
Vì đặc thù công việc phải hoạt động nhiều vào ban đêm, khiến nhịp sinh học bị ảnh hưởng nên đã gây nên không ít mệt mỏi cho nhân viên gác đêm. Những gương mặt hốc hác, những ánh mắt thất thần đã trở nên quen thuộc với mỗi “bạn gác” cùng ca. Đặc biệt là với những “bóng hồng” thì những suy giảm về sức khỏe ngày càng lộ rõ, khi tuổi ngày càng cao, hoàn cảnh làm việc ngày càng khắc nghiệt.
Yêu nghề là điểm chung hướng những nhân viên gác chắn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn cố gắng đảm bảo an toàn đường sắt cho mọi người. Dù nghề còn nhiều khó khăn, nhưng chị em ở trạm vẫn rất yêu đời. Còn một ngày làm cô gác trạm, họ sẽ vẫn trồng hoa, nuôi cá và vẫn... “ăn bụi uống gió”, nghe… chửi bên những ray tàu....