Giấy Giang - vẻ đẹp khó diễn tả thành lời trong hội họa
(Sóng trẻ) - “Giấy Giang như một sự hiện hữu cuốn hút về thế giới tâm linh với một vẻ đẹp khó diễn tả bằng lời của nguyên thủy hoang dã, của một thế giới Thiền đang kết nối vạn vật”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh chia sẻ.
Sáng ngày 6/4, tọa đàm “Họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh và giấy Giang” được tổ chức trong không gian triển lãm “Giang”, tại tầng 1 tòa B Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Với sự góp mặt của ba diễn giả: Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam, Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh - Chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” và Họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh - tác giả triển lãm “Giang” đã thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật đến tham dự.
Chia sẻ về cơ duyên đến với giấy Giang, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh cho biết: “Tôi được một người bạn tặng tờ giấy Giang, tôi bất ngờ bởi cái sự chân thật của tờ giấy này. Giấy Giang hấp dẫn vì sự thô ráp, cùng với độ mỏng dày khác nhau tạo nên sự phong phú cả về màu sắc, và khi mà để ánh mặt trời chiếu qua tờ giấy xuống phiến đá bên dưới, cảm giác như là những tia nắng xuyên qua kẽ lá. Đặc biệt là khi tôi biết được giấy Giang được sản xuất ở đâu và vai trò của nó trong đời sống tinh thần”.
Theo phóng viên tìm hiểu, giấy Giang được làm từ cây Giang và là nghề truyền thống ở Pà Cò, một bản người H’mông vùng cao huyện Mai Châu, Hòa Bình. Nhưng, làm giấy không phải nghề kinh doanh của người H’mông, giấy Giang được làm để sử dụng trang trí nhà cửa, đồ dùng, yểm chú đồ vật, cúng tế lễ bái,... với đức tin tổ tiên thần thánh mang đến sự an lạc, mưa thuận gió hòa.
Không giống các loại giấy khác mà họa sĩ đã sử dụng, giấy Giang mang đến cảm xúc mới lạ và xúc động. Bởi những vết xước và độ sần trên mặt giấy rất hấp dẫn, khổ giấy to phù hợp với nhu cầu tạo nên niềm vui thích thú cho người Họa sĩ.
Chia sẻ với công chúng về hành trình tìm hiểu giấy Giang tại bản Pà Cò, Nguyễn Mạnh Quỳnh cảm nhận người dân nơi đây toát lên vẻ trong lành, thật thà và chất phác. Họ đã lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc từ đời này qua đời khác không bị mai một đi, mặc dù nghề làm giấy không mang lại lợi ích kinh tế nhưng họ làm bằng tất cả sự thành tâm.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Giang” và màu đã mở ra những vẻ đẹp cổ xưa cùng những câu chuyện cổ tích, như huyền thoại, còn hình và nét đã làm ra vẻ đẹp hiện đại. Cả hai điều đó đã làm nên thế giới hội họa mang tên Nguyễn Mạnh Quỳnh và thế giới hội họa ấy xác lập ông.
Triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 8/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.