Gồng gánh mưu sinh giữa ngày Quốc tế Lao động

(Sóng trẻ) - Giữa ngày Quốc tế Lao động, vẫn có những người thầm lặng làm việc vì những gánh nặng, lo toan vẫn đợi đằng sau.

Dạo quanh phố phường vào những ngày đầu tháng 5, không khó để bắt gặp khung cảnh người người nhà nhà dắt nhau đi du ngoạn. Lễ Quốc tế Lao động (1/5) dường như đã trở thành dịp để người dân cả nước dành thời gian nghỉ ngơi, quây quần bên người thân, gia đình. Thế nhưng, vẫn còn đó những người lặng lẽ mưu sinh, giữ nhịp làm việc như ngày thường. 

Càng là ngày lễ, càng không nghỉ 

Từ xa, bóng lưng gầy gò của bà Đỗ Thị Trúc như lọt thỏm vào giữa đám đông dòng người qua lại. Bà ngồi đó, lặng lẽ cất nhặt từng món đồ chơi trẻ em, lặng lẽ mong ngóng khách ghé mua. Ở độ tuổi 74, bà Trúc vẫn còn gắn bó với gánh hàng rong không phải như một niềm yêu thích nữa mà là một thói quen, một thói quen chứa đựng biết bao nhọc nhằn. Giờ đây, bà chọn cách mang niềm vui đến cho trẻ con cũng để mang niềm an ủi đến với bản thân mình.

“Tôi tuổi đã cao nhưng hai người con còn khổ, không giúp được gì nhiều nên đành phải đi làm thì mới đủ khả năng chi trả tiền trọ, tiền thuốc men. Mấy dịp lễ, nhìn người ta đi chơi, tôi cũng tủi thân. Người ta bảy mấy tuổi đầu được đi đây đi đó, tôi không đi đâu được, tiền cũng không có, đã thế còn lo buôn bán để chi tiêu qua ngày”, bà Trúc ngậm ngùi chia sẻ.

Những ngày cuối tuần hay ngày lễ lớn chính là thời gian “vàng” để những người làm nghề như bà Trúc có cơ hội kiếm thêm chút thu nhập cao hơn thường ngày. Chính vì thế, càng vào ngày lễ, bà Trúc lại càng cố gắng đi làm, không màng đến chuyện nghỉ ngơi.

hsdij.png
Gồng gánh mưu sinh dù tuổi đã già. (Ảnh: Nguyễn Thực)

Vất vả mưu sinh vì gia đình đã khiến những ước mơ nhỏ nhoi trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết, trong ánh nhìn xa xăm, bà nói: “Tôi cũng rất muốn đi chơi vào cuối đời nhưng cuộc sống lại không cho phép...”.

Công việc “tự do” đi liền với “tự lo”

Không chỉ những người bán hàng rong mà các công nhân làm việc tự do cũng tất bật đi sớm về muộn giữa kỳ nghỉ lễ. Khoảng 3 giờ chiều, anh Lê Thanh Sơn (Cửa Việt, Quảng Trị) cùng các anh em trên thuyền bắt đầu một ngày làm việc của mình. Khác với những nghề khác, nghề đánh bắt cá ở vùng biển Quảng Trị có thể kéo dài từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau. Sau một đêm dài lênh đênh ngoài biển khơi, những người đánh cá sẽ trực tiếp mang cá tươi vào tận chợ, giao cho người đi buôn.

Khuôn mặt đen sạm đi vì nắng biển, anh Lê Thanh Sơn tâm sự: “Tôi đi làm nghề này phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, sóng to gió lớn thì không đi được. Công nhân, viên chức họ đi làm cả năm, được ngày 1/5 thì dành thời gian nghỉ ngơi. Riêng nghề này, cả năm vừa nghỉ vừa đi làm xen kẽ nên 1/5 nếu thời tiết thuận lợi vẫn ra khơi. Kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó”.

Là trụ cột chính trong một gia đình nhỏ, anh Sơn nói thêm: “Đủ thì không biết bao nhiêu là đủ. Còn làm được thì gắng làm để lo cho con thêm tiền sữa bánh, tiền ăn học”. 

anh-4.jpg
Anh Lê Thanh Sơn vẫn ra khơi bám biển vào ngày Quốc tế Lao động. (Ảnh: Hà Trang)

 

“Chắt chiu” vài đồng lương, thưởng

Cứ vào dịp lễ lớn, người dân lại đến các địa điểm du lịch đông hơn ngày thường. Cô Lê Thị Hà (45 tuổi) vẫn cần mẫn bên cây chổi nhỏ giữa dòng người qua lại, giữ cho đường phố sạch sẽ. Nói về công việc của mình, cô cho biết nghề dịch vụ vốn dĩ không bao giờ được nghỉ mà phải làm bất kể sáng tối, tháng ngày.

Khi nói đến quyền lợi của người lao động vào dịp lễ, cô Hà chia sẻ: “Vào những dịp này, lương cao hơn bình thường, tiền công được tính gấp đôi, chưa kể còn có tiền thưởng lên đến 1 triệu. Nhìn người ta đi chơi cũng buồn lắm chứ, ai mà chẳng muốn, nhưng vì cuộc sống, vì con cái nên mình phải cố gắng. Đây là cơ hội để mình có thể kiếm được nhiều tiền chăm lo cho các con”.

shdik.png
Cố gắng làm việc để nhận thêm tiền thưởng vào dịp lễ. (Ảnh: Nguyễn Thực)

 

Chọn trở về nhà muộn hơn những đồng nghiệp khác, chị Lê Phương Thảo (Nam Định) chia sẻ: “Nghề biên tập chúng tôi dịp lễ, tết vẫn luôn cần người trực. Chúng tôi vẫn được hưởng nguyên lương và nhận thêm tiền thưởng từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng. Có thời điểm, công ty còn tổ chức tour du lịch, ăn uống cho nhân viên”. 

Hằng tuần, chị Thảo vẫn được nghỉ thứ bảy, chủ nhật nên luôn tranh thủ về quê thăm gia đình chứ không đợi đến dịp lễ. Chị bày tỏ: “Đường sá dịp lễ thường đông đúc, mình về muộn hơn mọi người một hôm cũng không sao, chỉ cần được về với bố mẹ mà vẫn đảm bảo công việc là tốt rồi”. 

anh-6.jpg
Chị Lê Phương Thảo lựa chọn trở về với gia đình sau khi trực lễ. (Ảnh: NVCC)

 

Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là cuộc sống mưu sinh còn khó nhọc nên chẳng mảy may nghĩ đến ngày nghỉ. Bán thêm được một món hàng, nhận thêm vài đồng lương, thưởng,... đã là niềm hạnh phúc lớn với những người lao động như họ. Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội tôn vinh công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới vì những nỗ lực và hy sinh thầm lặng của họ.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN