GS, TS. Hanr - Peter Rodenbrg: “Chúng ta đang cùng trên một chuyến đi”

(Sóng trẻ) - Trước khi đến Hamburg, tôi đã có dịp được làm việc với GS, TS. Hanr - Peter Rodenbrg. Ông sinh năm 1952 (tuổi Nhâm Thìn). Theo quan niệm của người Á Đông, tuổi này có cuộc sống rất tốt đẹp, hạnh phúc. Gặp ông, tôi cảm nhận được từ cách ứng xử, lời nói, cử chỉ, đến cái nhìn sâu thẳm, nụ cười tươi sáng đều toát lên một phóng thái phóng khoáng và tràn đầy một nghị lực rất Đức. Sự hiểu biết sâu rộng của ông khiến cho những câu chuyện dường như càng lúc càng trở nên mê hoặc hơn. 

GS, TS. Hanr - Peter Rodenbrg là một con người học tập không ngừng nghỉ. Ông tốt nghiệp đại học với chuyên ngành chính là triết học, sau đó là nghệ thuật học. Lên đến hệ thạc sĩ, ông học thêm về văn học Mỹ. Năm 1982, ông được cấp bằng tiến sĩ thứ nhất về Văn hoá và Văn học Mỹ. Sau khóa học kéo dài 1,5 năm về phương pháp sư phạm, ông lại tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá Mỹ và bảo vệ luận án tiến sĩ thứ hai với chủ đề “Hình ảnh người thiểu số trong xã hội Mỹ”. Sau đó, với sự am hiểu và say mê về nghệ thuật, điện ảnh, văn hoá, ông đã dành 8 năm để trải nghiệm công việc của một nhà báo và đạo diễn phim tại Đài Truyền hình Bắc Đức. Thời gian này ông cũng tham gia giảng dạy tại trường đại học Osnabrucle đồng thời dành thời gian nghiên cứu khoa học. Ông đã tham gia viết 10 cuốn sách và tài liệu chuyên khảo, công bố hơn 50 bài báo khoa học, tham luận và hiện đang tiếp tục theo đuổi nhiều dự án nghiên cứu. Nhiều vinh dự đã đến trong cuộc đời ông. Năm 1992, ông được đồng nghiệp và sinh viên của Đại học Onabrucle (Đức) suy tôn hàm giáo sư. Năm 1994, ông tiếp tục được Đại học Tổng hợp Hamburg (Đức) phong hàm giáo sư. Từ đó đến nay, ông tham gia giảng dạy về điện ảnh Mỹ, văn hoá Mỹ, văn học Mỹ, báo chí và truyền thông Mỹ tại Khoa Phương tiện Truyền thông và Khoa Ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Tổng hợp Hamburg.

Xin được dừng lại đôi chút để nói về thành phố Humburg và Đại học Tổng hợp Humburg – nơi GS, TS. Hanr - Peter Rodenberg sống và làm việc. Đại học Tổng hợp Hamburg toạ lạc giữa thành phố Hamburg - thành phố thương mại quốc tế và cũng là trung tâm thương mại, văn hoá phía Bắc nước Đức. Người dân nơi đây rất tự hào về thành phố sôi động nhưng giàu truyền thống văn hoá của mình vì nó nằm trong danh sách những thành phố quyến rũ nhất châu Âu. Đoàn chúng tôi được GS, TS. Hanr - Peter Rodenberg dẫn đến thăm trường giữa lúc chiều tỏa nắng. Băng qua những con đường, được ngắm cả một không gian xanh với cây, cỏ, hoa lá và những chiếc ghế đá trắng dài tuyệt đẹp, được tận hưởng những làn gió mát và hương thơm nhẹ nhàng lan toả của những khóm hoa ven đường, chúng tôi không nghĩ mình đang đi giữa lòng một thành phố có nền kinh tế đứng đầu nước Đức. Một cảm giác thật dễ chịu mà có lẽ chỉ những ai từng đặt chân đến mới cảm nhận hết! 

Thành lập từ ngày 01/4/1919, Đại học Tổng hợp Hamburg là niềm tự hào sâu lắng của thầy và trò nơi đây bởi truyền thống, lịch sử lâu đời vừa cổ kính mà vô cùng hiện đại. Đây là trường đại học lớn thứ 3 của Đức, nhưng là trường đại học lớn nhất phía Bắc nước Đức (và cả phía Bắc Châu Âu). Trường hiện có trên 42.000 sinh viên, học viên đang theo học tại 8 khoa (Khoa Luật; khoa Giáo dục; khoa Kinh doanh, Kinh tế và Khoa học xã hội; khoa Dược; khoa Nhân văn; khoa Toán, Tin và Khoa học Tự nhiên; khoa Tâm lý học và vận động con người; khoa Quản trị kinh doanh) với 170 chuyên ngành, có trên 11.800 cán bộ, giảng viên, trong đó có 680 giáo sư. Theo TS. Wang Yi – Phó trưởng Ban Hợp tác quốc tế, phụ trách Chiến lược và Quan hệ đối tác đào tạo, từ năm 2009 đến nay, sinh viên theo học tại Đại học Tổng hợp Hambung tăng nhiều, phần vì sự hấp dẫn của thành phố cảng Hamburg, phần vì sự tận tâm, uyên bác, tất cả vì người học của cán bộ, giáo sư, giảng viên của nhà trường. Trường hiện có trên 5.000 sinh viên quốc tế đang theo học, đông nhất là sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ (451 sinh viên), Nga (410 sinh viên), Trung Quốc (324 sinh viên)... Việt Nam có 135 sinh viên (trong top 10 quốc gia có số sinh viên theo học tại trường). Đại học Tổng hợp Hamburg có quan hệ hợp tác giảng dạy và nghiên cứu với hơn 10 trường đại học trên thế giới như: Đại học Johns Hopkins, Đại học New York, Đại học Berkeley California, Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Kyoto (Nhật Bản), Đại học Fudan (Thượng Hải, Trung Quốc), Đại học Syddansk... 

Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa GS, TS. Hanr - Peter Rodenbrg và PGS, TS. Đinh Thị Thuý Hằng tại Đại học Hoàng gia Phnompenh (Campuchia) là cơ duyên đưa ông đến với Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Rồi cứ thế về sau, tình yêu của ông với Việt Nam, với Học viện ngày càng lớn dần. Từ năm 2006 đến nay, năm nào ông cũng dành thời gian nghỉ hè của mình để sang giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm làm truyền hình, làm phim cho giảng viên, học viên của Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mà không nhận bất kỳ thù lao, không tơ vương lợi ích vật chất gì. Những ai đã từng được nghe ông giảng bài đều cảm thấy may mắn vì được làm việc với một giáo sư không chỉ uyên thâm về kiến thức mà còn tràn đầy kinh nghiệm thực tiễn. Những giờ giảng của GS, TS. Hanr-Peter Rodenberg thực sự bổ ích và thú vị đối với giảng viên, sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình. Đối với ông, người giảng viên phải đặt mình vào vị trí của sinh viên, cảm nhận những áp lực bài tập, những khó khăn mà sinh viên sẽ gặp phải, từ đó sẽ tìm ra những cách tiếp cận hợp lý nhất. Một câu nói mà ông thường nhắc đi nhắc lại với người tham dự giờ giảng của ông là: “Chúng ta đang cùng trên một chuyến đi!”. Ông quan niệm, làm việc là để truyền cảm hứng, nếu không biết sống trọn vẹn cho ngày hôm nay, với con người của hôm nay thì làm sao có thể biết sống cho tương lai, con người của tương lai. 

Trong cảm xúc về ông, chúng tôi còn muốn nhắc đến những chuyến công tác ở Đức. Ông như người nhà đón tiếp, lo lắng từ việc đặt phòng, đặt vé, hướng dẫn nhập cảnh, chỉ dẫn đường đi, tư vấn chỗ ăn, chỗ tham quan, chỗ mua sắm… Rồi như chưa yên tâm, ông tạm dừng công việc đang dang dở để trực tiếp theo sát chúng tôi trong suốt cả chặng đường. Mỗi ngày qua đi, mỗi địa chỉ chúng tôi đến luôn có ông ở bên cạnh, thân thương đến lạ. Ông mời chúng tôi về nhà để ăn bữa cơm do vợ chồng ông chuẩn bị, cùng ngồi quanh chiếc bàn ăn tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề… Những kỷ niệm này mỗi khi nhớ đến đều khiến chúng tôi cay cay nơi khóe mắt vì ở nơi đất khách quê người, sao ta lại gặp được một tấm lòng nồng hậu và yêu thương đến thế!

Nhằm ghi nhận những đóng góp đặc biệt quan trọng về học thuật của GS, TS. Hanr - Peter Rodenbrg đối với nhà trường, tháng 9/2016, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ tiến hành trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho ông. Ông tâm sự, đây là “điểm sáng” trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Đại học Tổng hợp Hamburg với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, còn với chúng tôi, đây là niềm vinh dự và tự hào khi được sát cánh cùng ông – một vị giáo sư đáng kính của một trong những trường đại học lớn trên thế giới. 

Cách đây 10 năm, tôi đã có một cuộc gặp tình cờ tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia) với một giảng viên nước nài có bộ tóc dài buộc túm đuôi trông rất nghệ sĩ. Ông tự giới thiệu là Peter Rodenberg, giảng viên của một trường đại học ở Đức, đang rất muốn tìm hiểu cơ hội giảng dạy tại Việt Nam (lúc đó ông đang dạy báo chí, truyền thông ở Campuchia). Cuộc trao đổi nhanh chóng trong khoảng nửa giờ đồng hồ đã tạo cho tôi một ấn tượng rất tốt về ông - một giảng viên nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm và yêu mến văn hoá Châu Á. Tôi đã mời ông đến Học viện Báo chí và Tuyên truyền, và được Giám đốc Học viện bấy giờ là PGS,TS. Hoàng Đình Cúc tiếp. Cơ duyên giữa ông với Học viện bắt đầu từ đó. Tôi nghĩ mình là "bà mối" mát tay vì đã kết nối ông với Học viện để từ đó đến nay, hầu như năm nào ông Peter cũng sang giảng dạy cho giảng viên, sinh viên của Học viện và tiếp đón các đoàn cán bộ của Học viện sang Đức công tác. Cảm nhận của tôi về ông: Một người sống như để chia sẻ và cho đi để hạnh phúc!

PGS, TS. Đinh Thị Thuý Hằng
Nguyên Trưởng Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo


Ông thường dậy sớm. Rửa bát đĩa. Dọn bàn ăn. Pha trà sáng. Tôi ngủ dậy là đã có sẵn cốc trà nóng đặt trên bàn. Cốc trà mạn thân thuộc khiến tôi cảm giác không khác gì khi ở Việt Nam. Nếu buổi sáng đi ra nài sớm, ông thường trở về với chiếc bánh ngọt để tôi ăn vào đầu buổi chiều. Những việc ông làm hoàn toàn tự giác, không câu nệ, không màu mè và không tô vẽ. Tính cách duy lý điển hình của người Đức khiến ông không dễ bộc lộ cảm xúc hay hành động theo cảm tính. Nhưng tôi thấy trong cử chỉ của ông sự quan tâm tế nhị mà không cần phải diễn đạt bằng lời, nó mang lại cho người khác tình yêu thương trong trẻo và chân thật. Đối với tôi, ông luôn là một con người xác thực hơn là một vị giáo sư, tiến sĩ. Một ngày nào đó khi những tước hiệu đó không còn gắn với ông nữa, ông vẫn là một người bạn Đức chí tình như ngày chúng tôi mới gặp nhau. 
TS. Vũ Thanh Vân
Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế



Tôi may mắn là học trò của Giáo sư Peter Rodenberg qua hai khóa học vào năm 2014 và 2015. Khóa thứ nhất là về Sản xuất tin truyền hình, khóa thứ hai là Sử dụng hình ảnh hiệu quả trong truyền hình. Trong những khóa học, chúng tôi được tiếp cận cả lý thuyết và thực hành, và quan trọng hơn là những phương pháp giảng dạy để chúng tôi có thể áp dụng trong bài giảng của mình với sinh viên. Tôi đã học được từ ông những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng. Ví dụ như việc lập một kế hoạch tỉ mỉ cho sản xuất tác phẩm, việc quan sát hiện thực để tìm ra những góc nhìn độc đáo nhất, việc lựa chọn hình ảnh như thế nào để có được ấn tượng sâu sắc nhất... Một câu nói của ông mà tôi rất nhớ: “Học kỹ đến đâu thì ra đến hiện trường cũng có thể sẽ quên sạch hết, sinh viên của chúng ta luôn có cảm giác đó!”. Chỉ có cách là phải thực hành liên tục, để những kỹ năng ngấm dần vào tác phong làm việc. Tôi có hai tác phẩm sau hai khóa học với ông. Tôi luôn tự hào chiếu lại cho sinh viên xem, không ngần ngại phân tích những lỗi sai ngớ ngẩn mà tôi đã mắc trong khi làm bài tập đó. Đấy lại chính là những bài học sống động và trung thực đối với sinh viên của tôi. Cảm ơn Peter Rodenberg và chờ mong khóa học tiếp theo của ông tại Việt Nam.
Ths. Trần Hoa Mai
Giảng viên Khoa Phát thanh – Truyền hình 

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang 
Học viện Báo chí và Tuyên truyền 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN