HÀ NỘI: NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG - MÒN MỎI ĐỢI CHỜ MỘT LỜI HỨA
Được triển khai từ tháng 8 năm 2016, dự án đầu 1000 nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội khiến người dân thủ đô khấp khởi hi vọng. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay mới chỉ có hai nhà vệ sinh đi vào hoạt động. Và một trong số đó hiện đang trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Lời hứa “một nửa”
1000 là con số đáng mong chờ về số lượng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) mà Hà Nội dự kiến đưa vào lắp đặt từ quý 3 năm 2016. Theo báo cáo từ nhà đầu tư, trước Tết Nguyên đán 2017 sẽ có khoảng 200 NVSCC đạt chất lượng cao được đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố, thay thế nhà vệ sinh (NVS) cũ trên nhiều tuyến đường. Loại NVSCC mới có những cải tiến ưu việt nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng: phục vụ cho cả người khuyết tật, lắp đặt quạt thông gió tại mỗi phòng, vòi nước cảm ứng, đèn tiết kiệm điện,... và tất cả hoàn toàn miễn phí. Thông tin này khiến người dân thủ đô vui mừng, hy vọng về tương lai của một thủ đô văn minh, sạch đẹp.
Những NVSCC quen thuộc này sẽ sớm được thay thế cả về số lượng và chất lượng
Tuy nhiên những con số đáng mơ ước ấy vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Tính tới thời điểm hiện tại, thành phố mới chỉ có hơn 50 NVSCC đang trong quá trình lắp đặt, số lượng NVSCC đã đi vào hoạt động chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại vẫn “cửa đóng then cài”. Màu xanh lá bắt mắt quả nhiên đã gây được sự chú ý của mọi người trên nhiều tuyến đường, song đa phần trong số đó vẫn chỉ là những “chiếc hộp bí ẩn”.
Mẫu nhà vệ sinh công cộng mới đang được lắp đặt tại địa bàn thành phố
Túng quá… hóa liều?
Người dân không thể đẩy lùi nhu cầu cá nhân cho kịp với tiến độ của nhà thầu được. Có thể coi việc thiếu hụt số lượng NVSCC chính là một trong những lý do gây nên tình trạng tiểu tiện không đúng nơi quy định của một bộ phận người dân thiếu ý thức.
“Có lần tôi tức tốc chạy ra một NVSCC vì nhịn không nổi, thì nó lại khóa cửa. Mà tôi thì tuổi cũng cao rồi, còn cách nào khác đâu, đành phải giải quyết luôn lên bờ tường, dù cái NVS thì ngay bên cạnh mình”, ông V.T.H (72 tuổi, Trần Khánh Dư, Hà Nội) chia sẻ.
Đó chỉ là 1 trong số những bức xúc về NVSCC của người dân thủ đô. Còn rất nhiều các trường hợp khác như tài xế lái xe hàng cây số trong nội thành không tìm thấy nổi một NVSCC, con đường gốm sứ thì đậm mùi “xú uế” gây ảnh hưởng đến môi trường, hay hình ảnh hàng người nối dài trước cửa NVS tại Hồ Gươm trong những ngày cuối tuần áp dụng tuyến phố đi bộ,... vẫn thường xuyên xảy ra.
Phóng viên Sóng Trẻ đã đi tìm hiểu kỹ hơn tại một số địa bàn có mật độ người đông với nhu cầu sử dụng NVSCC cao để lấy thêm ý kiến.
Ý kiến của người dân về tình trạng thiếu NVSCC
Trước giờ vấn đề tế nhị này ít được nhắc tới, nhưng thời gian gần đây xuất hiện hơn nhiều trên mặt báo, nhất là từ đầu năm 2017 với quy định xử lý người đại tiểu tiện khi phóng uế nơi công cộng sẽ bị phạt hành chính gấp 10 lần so với quy định cũ (cụ thể là từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng).
Mức phạt nặng là một hình thức tích cực để răn đe cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Song, chính người dân cũng đang thực sự cần được tạo điều kiện để có thể chấp hành đúng luật, chứ không chỉ là một lời hứa suông.
Với số lượng và chất lượng NVSCC đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, rất có thể thành phố Hà Nội sẽ sớm trở thành một thủ đô của ý thức tự giác, một thủ đô xanh – sạch – đẹp “đúng nghĩa”.
Bùi Vân Anh - Nguyễn Ngọc Thảo Ly
Báo chí Đa phương tiện K34A2