Hai nữ sinh Hải Phòng sáng chế đồng hồ thông minh dành cho người khuyết tật
Chỉ là dân “nại đạo” nhưng hai nữ sinh lớp 11 trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) đang khiến các anh chị trong ngành phải “mắt chữ O, mồm chữ A” với chiếc đồng hồ thông minh Mind Hand.
Ý tưởng đến từ trải nghiệm
Theo Trần Thị Trang Ngân - một trong hai tác giả của Mind Hand, ý tưởng về chiếc đồng hồ được hình thành từ một buổi giao lưu cùng các bạn nhỏ câm điếc. Những bất tiện trong quá trình giao tiếp, trao đổi đã khiến cô học sinh chuyên toán nảy ra sáng kiến, tạo ra một sản phẩm công nghệ thay mình “trò chuyện” với người câm điếc.
Trang Ngân (phải) và Thảo Chi giới thiệu chiếc đồng hồ thông minh sau nhiều lần nâng cấp (Nguồn: Video VTV)
Từ một ý tưởng “ngẫu nhiên”, cô bạn lớp chuyên Toán đã “lôi kéo” thêm đồng đội lớp chuyên Anh - Nguyễn Hiền Thảo Chi tham gia vào “công trình” của mình. Và sau một khoảng thời gian ấp ủ, mày mò, chiếc đồng hồ thông minh Mind Hand đã ra đời.
“Anh bạn” Mind Hand này hết sức đa tài. Được tích hợp kỹ thuật xử lý hình ảnh - âm thanh, chiếc đồng hồ có khả năng liên kết với smartphone, chuyển ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc thành giọng nói, và biến đổi giọng nói thành chữ viết. Nhờ vậy mà “anh bạn” hỗ trợ đắc lực vào cả hai chiều giao tiếp.
Hai cô bạn đang kiểm tra chức năng xử lý hình ảnh – âm thanh của Mind Hand
Với sự giúp sức của Mind Hand, việc trò chuyện với người câm điếc sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều (Nguồn: Video VTV)
Bên cạnh đó, Mind Hand còn đảm bảo an toàn cho người câm điếc với chức năng báo rung khi xuất hiện tiếng ồn xung quanh (tiếng còi, báo cháy, v.v).
Nhưng tại sao lại tích hợp những chức năng đó vào một chiếc đồng hồ, mà không phải các vật dụng khác? Trang Ngân chia sẻ rằng, cô bạn không muốn người câm điếc cảm thấy khác biệt trong giao tiếp với những người xung quanh. Vậy nên, một thiết bị nhỏ gọn, thông dụng như đồng hồ sẽ giúp họ hòa nhập hơn và không bị người khác nhìn bằng ánh mắt phân biệt.
Bắt đầu bằng việc tự mày mò
Điều khiến người ta phải ngỡ ngàng khi biết đến Mind Hand không chỉ là ý tưởng độc đáo, mà còn là “xuất thân” của hai tác giả. Trang Ngân và Thảo Chi đều không hề được đào tạo chuyên nghiệp về công nghệ thông tin hay kỹ thuật.
Tự mày mò, khám phá qua internet, chính vì thế, trong quá trình hoàn thiện “đứa con tinh thần” này, hai cô bạn đã gặp phải không ít trở ngại. Động viên, thúc giục đồng đội kiên trì, cố gắng có lẽ là bí quyết quan trọng nhất giúp Ngân và Chi vượt qua bế tắc.
Internet là phương tiện giúp Chi và Ngân học hỏi, tìm tòi
Không chỉ tự khắc phục khó khăn, hai cô bạn còn biết biến điểm yếu thành thế mạnh để trở nên nổi bật. Nhờ được lập trình hàng trăm câu thoại song ngữ Anh – Việt, Mind Hand trở nên nổi trội hơn hẳn so với những sáng chế tương tự.
Trong tương lai, Trang Ngân và Thảo Chi dự định sẽ nâng cấp thiết bị này, bằng cách đa dạng và chuyên sâu hóa nội dung, tích hợp nhiều ngôn ngữ. Hy vọng rằng những ấp ủ của hai cô bạn có thể thành hiện thực một ngày không xa, để những người câm điếc có thể giao tiếp với bạn bè trong nước và quốc tế.
Được biết, đầu tháng 3 vừa qua, dự án Mind Hand – Giải pháp toàn diện hỗ trợ giao tiếp giúp người câm điếc hòa nhập cộng đồng đại diện trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) đã giành được giải nhất trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia.
Thanh Thanh (Theo VTV)
Cùng chuyên mục
Bình luận