Hành trang nào cho Tân sinh viên?

(Sóng Trẻ) - Vượt “vũ môn” thành công, nhiều tân sinh viên đang háo hức mong chờ ngày nhập học. Tuy nhiên, để không bị “choáng” trước môi trường sống và học tập mới các bạn cần chuẩn bị đầy đủ hành trang để có thể thích nghi và tự tin bước vào cánh cửa ĐH.


Để không phải đeo nỗi lo mang tên “nhà trọ”

Tránh tình trạng phải chật vật đi “săn” nhà trọ mà vẫn không tìm được nơi ứng ý, bị chủ nhà “chặt chém” người nhà và thí sinh cần lo trước vấn đề phòng trọ. Vì kí túc xá trường ĐH,CĐ thường có hạn nên chỉ một số đối tượng ưu tiên mới được ở đây. 

Nhà trọ ở khu vực Hà Nội tuy khá nhiều nhưng nếu “nước đến chân mới nhảy” thì có thể bạn sẽ hoang mang vì ngày học đã tới mà vẫn chưa tìm nơi ở. Tân sinh viên và nỗi lo mang tên nhà trọ vẫn là vấn đề muôn thuở. Nhất là khi năm học mới bắt đầu, nhà trọ leo thang giá cả đến chóng mặt. Nhiều khi chấp nhận giá đắt cũng khó mà tìm được phòng trọ trong những ngày giáp nhập học. Phòng trọ từ 1 triệu 2 – 3 triệu là mức giá khá phổ biến, tuy nhiên ở từng quận giá cả có mức chênh lệch.
 
7df2edbcf_anh_1.jpg


Tân sinh viên và phụ huynh lận đận tìm nhà trọ khi năm học mới sắp bắt đầu.

Nguyễn Hằng (Sinh viên năm 2 ĐH Dược Hà Nội) nhớ lại: Khi mới ra Hà Nội, nhà trọ đúng là nỗi lo lắng của mình. Ra trước 3 ngày,lang thang khắp nơi nhưng đến ngày nhập học mình vẫn không tìm được phòng trọ. Vì ở quận mình có những 3 trường đại học lớn nên “cung không đủ cầu”. Mấy ngày đầu may có người bạn cùng quê cho ở nhờ nên mình chờ ít sau mới tìm được nhưng giá cao lại xa trường nên khá bất tiện cho việc đi lại.

Cảnh tượng phụ huynh và con cái ở các tỉnh “tay xách nách mang” đi tìm nhà trọ ở thành phố dễ bị những tay cò nhà trọ lừa đảo hoặc chặt chém không thương tiếc. Quy định thu tiền trước là việc bình thường của chủ trọ tuy nhiên cũng phải cẩn thận vì bạn có thể bị lừa quỵt tiền, bị tống khứ ra khỏi phòng đã thuê lúc nào không hay.

Chiêu bài thu tiền trước mà không có hợp đồng, giấy tờ rõ ràng khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh ngậm ngùi mà không biết “kêu trời hay đất”. Vì vậy, tốt nhất tân sinh viên cần lên trước ngày nhập học khoảng 10 -15 ngày để có thời gian thoải mái tìm phòng trọ ưng ý và phù hợp với điều kiện của mình.


Hành trang tâm lí: Không thể xem nhẹ

Trở thành tân sinh viên, một thế giới hoàn toàn mới sẽ mở ra điều đó gây xáo trộn không nhỏ cuộc sống tâm lí của các bạn. Một bộ phận tân sinh viên vào đại học không biết thích ứng ra sao với môi trường mới. Vì thế, nảy sinh nhiều vấn đề tâm lí khiến bản thân các bạn bi quan, lo lắng, chán nản với giảng đường mà mình từng mong ước. Rụt rè, ngại giao tiếp, không dám thể hiện mình khiến nhiều bạn thu mình vào cái vỏ tự ti, thậm chí rơi vào khủng hoảng tâm lý.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Đỗ Thu Hằng (chuyên gia tâm lý, giảng viên tâm lí học HVBCTT) đánh giá: “Trong những năm gần đây, số sinh viên rơi vào tình trạng này đã giảm nhiều. Chỉ một số em, do thiếu thông tin về môi trường học tập, trường học, lần đầu tiên phải sống xa nhà, phải chịu áp lực của việc đang được bố mẹ lo cho từng bữa cơm giấc ngủ, thậm chí có bạn đi học them tối còn có người nhà đưa đón, nay phải tự mình thuê nhà, lo bữa ăn, lo chuyện học, tự quyết định mọi việc. Trong bối cảnh đó, các em dễ thất vọng, hụt hẫng… Vừa xa bạn cũ, bạn mới chưa nhiều, ít người chia sẻ giúp đỡ nên dẫn đến tính trạng trên”.

Với các bạn phải xa nhà khi đi học, những ngày tháng đầu sẽ hơi khó khăn. Hồng Nhung (SV năm 3HV BCTT) chia sẻ: “Năm nhất với mình là những kỉ niệm khó quên về một cô bé mang chiếc mai rùa. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, không quen với cách sống mới mình thường xuyên khóc trong hơn một tháng đầu. Mỗi buổi chiều đi học về mình về nhà và gần như rơi vào tình trạng trầm cảm. Giảng đường đại học dường như rất xa lạ với mình. Giữa thành phố rộng lớn, mình cô đơn, hoang mang và tự ti”

7df2edbcf_anh_2.jpg
 
Hãy chuẩn bị sẵn sàng để tự tin vào Giảng đường Đại học.

Hòa nhập và kết bạn mới tưởng chừng dễ nhưng luôn là nỗi băn khoăn của nhiều tân sinh viên. Sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình, quê quán cùng những vỏ bọc làm các bạn khó hòa nhập với nhau về tính cách ở trường học hoặc với người ở ghép cùng phòng trọ. Xích mích nảy sinh và tâm trạng tiêu cực càng có cơ hội xâm lấn đầu óc.

Một vấn đề nữa là phương pháp học tập mới, học đại học đồng nghĩa với việc tự học, chủ động tìm hiểu. Phạm Ngọc (SV ĐH Luật Hà Nội) tâm sự: “Năm đầu tiên lên giảng đường, nhiều bạn bè mình than là thấy chán, hụt hẫng. Tiết học lí thuyết thì quá đông sinh viên, còn tiết học thực hành thì lo sợ vì chưa “tiêu hóa” được cách giảng, cách học mới. Nhiều khi không biết phải học gì cả.”

Số không ít cho rằng Đại học là cái đích đến và khi đến rồi thì phải “xả hơi”. Sự quản lí của gia đình được nới lỏng, tự do mở rộng, nhiều tân sinh viên sa ngay vào những trò tiêu khiển xấu như: game, ngủ, mua sắm, cá độ, bài bạc… thậm chí là ma túy, mại dâm.


Làm gì để vượt qua những khó khăn ban đầu?

Chuyên gia tâm lí Đỗ Thu Hằng đã đưa ra những lời khuyên bổ ích, thiết thực về hành trang cần “sắm” cho các tân sinh viên để vững vàng vào đại học:

“Cần học kỹ năng quản lý tài chính, học cách tự lo cho cuộc sống của mình. Khi sắp đi học đại học, kể cả bạn là trai hay gái, nên học một khoá học nấu ăn. Hỏi thông tin về trường mới, các bạn cùng đỗ đại học cùng trường và những trường gần đó, vào các trang website, các diễn đàn của trường mình nhập học để tìm hiểu môi trường mà mình sẽ học tập khi nhập trường. Các em cũng nên hỏi kinh nghiệm của các anh chị khoá trước về kinh nghiệm học tập, ở ký túc xá hay thuê nhà, các sinh hoạt tập thể có thể tham gia khi nhập trường.


7df2edbcf_anh_3.jpg

 
Tiến sĩ Đỗ Thu Hằng - Chuyên gia tư vấn tâm lí trong một chương trình tư vấn

Các em cũng cần hiểu là việc đỗ vào một trường đại học là thành công của 12 năm học, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu cho việc học và rèn một nghề chuyên môn trong tương lai, nó đòi hỏi phương pháp tiếp cận khác so với học phổ thông cũng như buộc ta phải có nhiều nỗ lực hơn nhiều so với ôn thi đại học. Ta tự hào về những kết qủa đã đạt được, nhưng đừng bỏ phí thời gian ít ỏi trên con đường học nghề, học chuyên môn để có một công cụ cơ bản khi tham gia vào thị trường lao động cạnh tranh rất mãnh liệt hiện nay”. 

Giảng đường đại học là mơ ước của nhiều người, là hành trình bắt đầu của sự học chứ không phải đích đến. Cần xác định mục tiêu rõ ràng, lên kế hoạch thực hiện, rèn luyện kĩ năng mềm, học cách sống tự lập. 

Những bỡ ngờ ban đầu sẽ nhanh chóng qua đi với những ai linh hoạt, biết chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện sinh hoạt và tâm thế trước khi vào giảng đường. Trải qua những khó khăn ban đầu bạn sẽ thích ứng nhanh với môi trường đại học, trưởng thành và khẳng định mình.



Lệ Thu
 




Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN