Hầu đồng - Biến tướng một nét văn hóa đẹp
(Sóng trẻ) - Là một trong những nét đẹp tín ngưỡng văn hóa dân gian của dân tộc ta, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Thế nhưng, nghi lễ hầu đồng đang dần biến tướng và trở thành công cụ để “buôn thần, bán thánh”.
Những giá đồng “tiền tỉ”
Được mệnh danh là trung tâm của đạo Mẫu, lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định), có hơn 20 đền, phủ để phục vụ cho những giá đồng “hầu thánh”. Những giá đồng nãy diễn ra liên tục trong dịp lễ hội và bất cứ khi nào có người yêu cầu được hầu thánh.. Trên ban thờ, không chỉ được trưng bày những đồ cúng lễ giản đơn mà còn có những “lễ vật” trị giá rất lớn như: rượu nại, tiền đô,...
Không chỉ phải chuẩn bị những đồ lễ cần thiết, những cô đồng, cậu đồng còn phải bỏ ra những khoản chi lớn như: tiền đặt chỗ để làm giá đồng, tiền may trang phục, tiền thuê nhạc công, tiền hoa quả cúng lễ, tiền phát lộc,… Số tiền mà thanh đồng bỏ ra có thể lên đến hàng chục triệu, trăm triệu, có khi cả tỷ đồng.
Những thanh đồng ở đây truyền nhau câu nói: “Tốt lễ, dễ kêu” có nghĩa là những lễ vật, vật phẩm đem cúng kiếng cho “bề trên” nhất định phải thật tốt, thật đắt, như thế thì những cầu nguyện trong tâm của mình mới được chứng dám và phù hộ. Nếu dùng đồ lễ to, tiền phát lộc mệnh giá cao, mã lớn như thật… trị giá hàng trăm triệu để cúng lễ đúng yêu cầu, vung thật nhiều tiền thì được Thánh “ban” nhiều phúc, nhận tài lộc, may mắn. Chính vì thế, có những chi phí bỏ ra cho một khóa đồng ít nhất thì vài chục triệu, có người còn phải bỏ ra đến cả tỷ để mở một giá đồng.
Ban thờ đồ lễ của một giá đồng (Ảnh: Internet)
Những giá đồng được những người khá giả, có điều kiện coi như là một dịp để thể hiện “đẳng cấp” của mình. Có những người, mỗi tháng có thể bỏ ra bạc tỉ để tìm đến hình thức tín ngưỡng này. Bà Trương Thị Tảo (Vụ Bản, Nam Định) là một “đệ tử” theo phục vụ những giá đồng cho hay: “Từ khi làm việc ở đây, tôi thấy rất nhiều người ở tứ xứ đổ về đây để nhờ mở giá đồng, thậm chí có cả những người làm việc nhà nước. Các phủ, đền ở đây hầu như ngày đêm không ngày nào ngớt tiếng đàn ca hầu phủ. Tôi từng chứng kiến những khóa đồng đồ thờ xếp cao đến gần mái phủ, có người còn bỏ ra cả trăm triệu để sắm lễ”.
“Tốt lễ có dễ kêu”?
Ở góc độ nhìn nhận văn hóa dân gian, lên đồng là hình thức tưởng nhớ đến những người có công với đất nước, với nhân dân. Thế nhưng, những giá đồng ở đây đượcbày lên với những đồ thờ cúng sang trọng, đàn hát inh ỏi, các thanh đồng được trang điểm kĩ càng, múa hát, nhảy nhót,...
Giây phút được người xem chờ đợi nhất là khi “tán lộc”. Đám đông xôm tụ khi thanh đồng cầm xấp tiền lẻ dày cộp rồi tung lên với gương mặt thỏa chí. Trên bệ tiếng đàn hát, múa may; dưới chiếu tiếng cười nói, bàn tán, chen lấn, xô đẩy… tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. Những xấp tiền mệnh giá lớn 20.000 – 500.000 đồng được ban phát tận tay những con nhang như đong đếm tài lộc và danh vọng cho những thanh đồng chuyên nghiệp.
Thanh đồng “tán lộc” cho “con nhang”
Ông Lương Quốc Tuấn - Trưởng Ban Quản Lý Văn Hóa khu di tích lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) cho biết: Khi đăng kí một giá đồng, chúng tôi không thể nào kiểm soát được chi phí mà những thanh đồng bỏ ra cho giá đồng của họ. Thế nhưng, trong quá trình hầu đồng, chúng tôi đã quán triệt những hành động như “tán lộc”, tung tiền cho đệ tử của các thanh đồng. Thế nhưng vẫn có nhiều người cố tình...
Ngày nay việc cướp lộc, xin lộc Thánh là khó tránh khỏi, đây là quan niệm của khá nhiều người về thứ lộc được lấy tại chùa, đền, phủ hay ở các lễ hội dân gian truyền thống ở mỗi địa phương. Đây là việc hiện đang là tâm điểm lớn nhất ở các hoạt động tín ngưỡng, nhất là hầu đồng, lễ hội,… Có những người đi dự lễ hầu đồng đã ngất xỉu, ngạt thở chỉ vì tranh lộc Thánh, có người vì lộc Thánh mà đánh nhau đến chảy máu, mất mạng… ở lễ hội. Có người mê tín thì cúng tràn lan lễ vật, lấy tiền của đánh đồng với lòng thành, có kẻ lại lợi dụng vào tín ngưỡng để gây chia rẽ,… Hình ảnh ban phát “lộc” bằng tiền mặt của những cô đồng, cậu đồng không những không đúng với nghi thức mà còn tạo nên những hình tượng xấu, gây biến tướng, mất thẩm mỹ đối với nét đẹp văn hóa này.
Các “con nhang” nhận “lộc Thánh”
Một trong những nguyên nhân khiến người dân mê tín là do mù mờ về đạo Mẫu, nên bị lợi dụng, cho là sắm lễ lạt nhiều mới được chứng, được tài lộc, bình an. Hầu đồng nếu thực hành đúng thì không có mê tín, không quy định người dân cầu tài lộc phải bỏ ra nhiều tiền, sắm nhiều lễ trọng. Không phải ai lên đồng cũng được và rất nhiều người mới có một người được chọn.
Với việc tồn tại hơn 20 đền, phủ để phục vụ tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng tại khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định), chính quyền ở đây nên có những chính sách và biện pháp để tín ngưỡng hầu đồng được giữ lại bản chất văn hóa vốn có của nó, để hầu đồng được hiểu là một nét đẹp truyền thống dân gian của dân tộc, di sản văn hóa thế giới.
Nguyễn Xuân Bắc - Báo in K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận