Họa sỹ Phạm Văn Trường: Tôi từng phải vào bệnh viện tâm thần hai lần!

(Sóng Trẻ) - Có người bảo với tôi: Trường điên. Có lẽ đúng. Nhưng tôi không cho rằng anh mượn danh nghệ thuật để nổi loạn. “Cái điên” của anh có lẽ là ở sự khác người, đam mê nghệ thuật đến độ cháy bỏng mà không phải nghệ sỹ nào cũng có được.

Trường sinh năm 1983, da đen, tóc dài, dáng đi lúc nào cũng khật khưỡng như kẻ say. Bất cứ ở đâu, chỗ nào có Trường xuất hiện là ở đó lại trở nên ồn ào. Bởi lẽ, Trường biết cách thu hút và tạo nên sự độc đáo riêng cho mình.

Từng dành được giải nhất trình diễn tài năng năm 2008, cái tên Trường cũng trở nên quen thuộc với hàng loạt các cuộc triển lãm sắp đặt, trình diễn... lớn nhỏ. Nhưng để có được thành công này, Trường đã từng phải vào bệnh viện tâm thần hai lần để tìm các ý tưởng nghệ thuật, anh cũng không nề hà việc đi ngồi mẫu, dạy thêm để có tiền mở triển lãm. Bao giờ cũng thế, bắt đầu câu chuyện, anh lại say sưa kể về gốc tích và ý tưởng của từng tác phẩm... Thỉnh thoảng Trường lại cười lớn, tiếng cười như thể tự trào. Trường bảo, đời họa sỹ nghèo và bạc nhưng không vì thế mà anh chấp nhận cho ra đời những tác phẩm theo kiểu “mỳ ăn liền”.

Anh đến với nghệ thuật trình diễn (Performance Art) từ khi nào?


Có lẽ là năm thứ hai Đại học, tôi còn nhớ tác phẩm trình diễn hồi đó mang tên: “Mây đen mà đòi che phủ bầu trời”. Lần đó, tôi ngồi trước cửa phòng đào tạo của trường, mắt hướng lên bầu trời hàng tiếng đồng hồ. Bảo vệ có kéo thế nào cũng không xê dịch được tôi. Rất nhiều sinh viên túm tụm lại xem phần trình diễn này. Sau lần đó tôi nhận được nhiều ý kiến, kẻ bảo tôi điên, người cho đó là hành động dũng cảm. Tất nhiên, tác phẩm này chưa thể gọi là tác phẩm trình diễn theo đúng nghĩa nhưng nó xuất phát từ cảm xúc nội tại và ngẫu hứng trong tôi.

Nhiều khi toan màu và giá vẽ không làm tôi thỏa mãn với những ý tưởng của mình nên tôi đã dùng những cách giao tiếp và những hành động để tương tác và khám phá đối phương. Chính những hành động kỳ quặc đôi khi chẳng ăn khớp cái gì với cái gì đó là tiền đề để tôi nghĩ sâu hơn về những cách thức biểu đạt ý niệm của mình sau này.


Chân dung họa sỹ Phạm Văn Trường

Anh có buồn không khi nhiều người cho rằng các tác phẩm trình diễn của anh mang tính “nổi loạn” nhiều hơn là nghệ thuật?

Nghệ thuật theo tôi chính là sự nổi loạn, nhờ sự nổi loạn mà có rất nhiều trường phái, cách làm nghệ thuật khác nhau và có những giây phút thăng hoa cho nghệ sĩ và khán giả. Thế nên, nếu có ai đó cho rằng màn trình diễn của tôi mang tính nổi loạn thì đó là điều thú vị.

Bởi lẽ, theo tôi nghĩ, thành công của một tác phẩm không có nghĩa là người xem hiểu trọn vẹn ý tưởng của người nghệ sỹ mà đôi khi chỉ là định hình được cảm xúc mà tác phẩm mang đến cho họ.

Từng phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị, đây là “hậu quả” của việc làm quá sức hay cách anh đi tìm “cảm hứng” cho các tác phẩm nghệ thuật của mình?


Tôi không chỉ phải vào bệnh viện tâm thần một lần mà là hai lần. Nói thế nào để bạn hiểu được giữa việc trong lòng tôi mong muốn khám phá những thứ mới lạ và việc cả gia đình tôi cũng muốn đưa tôi vào đó. Lần đó, tôi bị ăn đòn té tua, bị cách ly với thế giới bên nài nhưng những gì tôi nhận được thì không hề nhỏ. Tôi như được sống trong một thế giới khác, được trải nghiệm với những cảm xúc rất riêng và độc.

Cũng nhờ hai lần trải nghiệm đó mà tôi đã nảy sinh ra rất nhiều ý tưởng cho tác phẩm trình diễn “Những dấu hỏi” hay triển lãm sắp đặt “Bom”.

Trong mấy năm gần đây, có vẻ như các nghệ sỹ đang đua nhau làm video art, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn... Trong số đó có người làm vì thích cái mới nhưng cũng có người làm chỉ để theo phong trào, anh thuộc nhóm nào?

Phong trào sẽ không thể thu hút được tôi. Tôi chỉ có thể làm việc thực sự khi tôi yêu thích cái gì đó. Chính vì vậy mà tôi luôn đặt ra những câu hỏi thật nghiêm túc mỗi khi định làm tác phẩm hoặc định tham gia triển lãm ở đâu đó.


Trường art trong phần trình diễn “To – một gang tay – nghệ thuật cho những kẻ đủ điên”

Nhưng mới quá, táo bạo quá, anh có sợ người xem không hiểu được trọn vẹn ý tưởng của tác phẩm?


Tôi không sợ việc công chúng có thẩm thấu được các tác phẩm của mình hay không, bởi chúng tôi yêu nghệ thuật và luôn cháy hết mình vì nghệ thuật. Nên qua mỗi tác phẩm, tôi luôn hi vọng ngọn lửa đam mê của mình có thể truyền sang công chúng.

Những gì xuất phát từ con tim sẽ cũng đến được với con tim. Thật ra các hình thức nghệ thuật đương đại này cho phép các họa sỹ đương đại như tôi thực hiện sự tương tác và tạo các quan hệ mật thiết với công chúng hơn.

Nó đã dần bắt đầu có một lượng công chúng riêng. “Trọn vẹn” như bạn nói nó chỉ mang tính tương đối thôi. Có thể công chúng đến xem tác phẩm của tôi có người cảm thấy thỏa mãn, có người lại không. Điều đó rất bình thường, có tới hơn 6 tỉ người trên thế giới này mà mỗi người lại là một cách sống, cách nghĩ và làm sao chúng ta có thể bắt họ thích tất cả những gì chúng ta làm ra!

Theo anh, cái khó của người làm nghệ thuật đương đại nói chung và nghệ thuật trình diễn nói riêng ở Việt Nam hiện nay là gì?

Nghệ thuật đương đại là cách làm nghệ thuật mới mẻ. Không chỉ mới mẻ với công chúng Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới nó vẫn còn mới mẻ.

Nên nghệ thuật đương đại nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc làm thế nào để các tác phẩm của mình được công chúng đón nhận và đồng cảm. Kinh phí để tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại là tương đối lớn. Nhiều lúc các nghệ sĩ có ý tưởng nhưng tìm nguồn kinh phí để thực hiện thỏa mãn ý tưởng của mình thì không hề đơn giản.

Nghệ thuật đương đại ở các nước phát triển khác như Nhật, Trung Quốc… họ luôn có đội ngũ Curator và nguồn cung cấp kinh phí để làm nghệ thuật từ các quỹ hỗ trợ nghệ thuật hay các công ty lớn sẵn sàng bỏ tiền chi cho nghệ thuật đương đại. Nên qui mô các tác phẩm nghệ thuật của họ rất hoành tráng và tiếng nói của họ từ đó sẽ được khẳng định hơn. Còn ở Việt Nam, điều này không tồn tại.

Mặt khác, các nghệ sỹ làm trình diễn chủ yếu vì lòng đam mê nghệ thuật, còn tính đến chuyện sống bằng nghề là hoàn toàn không thể. Các nước trên thế giới, người ta có thể quay video các tác phẩm và mang bán, còn ở Việt Nam thì chưa có. Thế nên, để một tác phẩm “vừa có chất, vừa có lượng” là điều gian nan vô cùng.

Chấp nhận hi sinh để có được những tác phẩm nghệ thuật đích thực, anh làm thế nào để sống và thực hiện các ý tưởng của mình?


Thời sinh viên, bố mẹ không thích tôi theo đuổi con đường mỹ thuật, thế là tôi đã trốn nhà lên Hà Nội để theo đuổi đam mê của mình. Ngày đó, tôi phải làm người mẫu thuê, ngủ nhờ dưới nền nhà ký túc xá khi nhiệt độ chỉ có 8 đến 9 độ, ăn bánh mỳ, mỳ tôm để có tiền ôn thi. Nói thế để bạn hiểu tôi là người không dễ dàng bỏ cuộc, một khi tôi đã đam mê thì tôi sẽ theo đuổi nó đến cùng.

Hiện tại, để sống tôi cũng phải đi dạy thêm, chạy vạy xin tài trợ, nói chung khi có ý tưởng tôi sẽ tìm mọi cách để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Dự định sắp tới của anh là gì?

Tôi có rất nhiều ý tưởng vì tôi luôn tư duy sáng tạo. Vì vậy dự định thì rất nhiều nhưng tôi xin phép được giữ bí mật. Tôi sẽ bật mí khi nào nó sắp diễn ra.

Cảm ơn anh về buổi nói chuyện, chúc anh luôn gặt hái được nhiều thành công!

 Performance art, nghệ thuật trình diễn ra đời ở châu Á - châu Mỹ khoảng những năm 1970, tiền thân được gọi là hội họa hành động. Performance art cho phép người nghệ sĩ phá bỏ ranh giới của mọi thể thức từ hội họa, âm nhạc đến sân khấu, phim ảnh để phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật có tính tổng hợp. Ở Việt Nam, nghệ thuật trình diễn đã được thể nghiệm hơn 10 năm, tuy nhiên chỗ đứng của loại hình nghệ thuật này vẫn còn khá khiêm tốn.

 Hà Trang

Lớp báo mạng điện tử k28


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN