Hội chứng 4 bức tường: “Đóng khung” tuổi thơ vào màn hình

(Sóng trẻ) - Song song với sự phát triển của xã hội cũng như mạng internet, không gian chơi cho trẻ đang ngày càng bị thu hẹp. Kéo theo đó, khoảng thời gian tuổi thơ của con em chúng ta cũng dần bị lệ thuộc vào những thiết bị điện tử.

Hội chứng 4 bức tường

Gia đình chị Lê Ngọc Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang sinh sống tại một chung cư trong lòng thành phố với đầy đủ tiện nghi. Cái thiếu duy nhất đối với chị là một sân chơi cho con mình. 

“Mẹ ơi, con học xong hết rồi cho con chơi điện thoại nhé” – bé Ngọc Anh (8 tuổi) “ra giá” với mẹ. Sau khi kiểm tra bài tập của con, chị Hà gật đầu đồng ý đưa cho con chiếc iPad. Câu chuyện này không chỉ diễn ra một lần, mà hầu như đó là thói quen “mặc cả” của bé đối với bố mẹ sau mỗi khi ngồi vào bàn học.

Cũng có nhiều gia đình không cần đợi đến khi con “ra giá” mà tự thưởng cho con khi con có thái độ học tập nghiêm túc.

“Ai làm xong bài tập trước, bố sẽ cho chơi điện thoại” – anh Trung (Quán Thánh, Ba Đình) vẫn thường trao thưởng cho hai cậu con trai. Thế là một tiếng sau, hai anh em - một đứa lớp 4, một đứa lớp 2 - tranh giành nhau ầm ĩ. Và để cuộc cãi vã dừng lại, anh đành lấy thêm điện thoại của vợ, cho mỗi đứa cầm một cái chơi để được yên thân. 

Cứ thế, điểm chung của cả 3 đứa trẻ ấy đều là mang kính cận, ngại giao tiếp với bạn bè xung quanh. 

Trẻ nhỏ vì sự bận rộn của cha mẹ mà vô tình phải tìm đến các thiết bị di động. Khi lớn hơn một chút, các em lại không thường xuyên có điều kiện ra ngoài vui chơi và trải nghiệm cuộc sống. game online và các hình thức giải trí điện tử khác nhờ đó lại bủa vây lấy chúng, như một vòng lặp luẩn quẩn đáng lo ngại.

Chuyện thật từ các quán game ảo

Theo chân Huy (12 tuổi) sau giờ tan học, tôi được dẫn vào một tiệm net “chui” trên địa bàn phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) - nơi mà qua lời kể của em được gọi là thiên đường. Bấm chuông một lúc, cánh cửa mới từ từ được mở ra, sau đó nhanh chóng được đóng lại để tránh bị phát hiện có hoạt động trong thời gian giãn cách. Sau đó, chúng tôi được dẫn vào một căn phòng phảng phất khói thuốc, hàng chục game thủ ở nhiều lứa tuổi đang say sưa “cày” như thể chẳng quan tâm bất kỳ điều gì khác.

a-nh-2.jpg
Bên ngoài một tiệm net “chui” tại phường Phú Diễn

 

Khi được hỏi ngoài chơi game có còn làm gì vào thời gian rảnh không, em hồn nhiên đáp: “Trừ những lúc đi học ra thì em chỉ cày game thôi. Khu nhà em chật chội lắm, lại chẳng có sân vui chơi thì thả diều, đá bóng làm sao được. Thỉnh thoảng cuối tuần em được bố cho ra trung tâm thương mại chơi nhưng đông quá nên cũng không chơi được gì nhiều”.

a-nh-1.jpg
 Những thú vui sau màn hình dường như đã trở thành một phần tuổi thơ của nhiều em nhỏ như Huy. Ảnh: Quỳnh Anh.

Lời tâm sự thật của Huy cũng là thực trạng chung của nhiều khu đô thị hiện nay. Khi mà các khu vui chơi ngày càng ít, trẻ em dần mất đi những khoảng không để phát triển vốn có, bị nhốt trong vỏ bọc mà cha mẹ cho là an toàn. Nhiều phụ huynh không hiểu được rằng thứ mà con em mình cần có ở độ tuổi này là những trải nghiệm với xã hội thay vì sự an toàn tuyệt đối trong bốn bức tường. Thiếu hụt những chốn vui đùa, Huy và nhiều bạn bè đồng trang lứa khác của em như thu mình bé lại giữa phố thị chật kín xe và người. Để rồi bị bủa vây bởi công nghệ, internet, bầu bạn với điện thoại, màn hình máy tính… tới mức hao mòn cả tuổi thơ. 

Khu vui chơi trong nhà - không bổ cũng chẳng ngon, rẻ

Hiện tại, nhiều bậc phụ huynh đã ý thức được hệ lụy của việc để con trẻ ở trong không gian hẹp quá lâu. Nhiều ông bố bà mẹ có ý định sau dịch sẽ đưa gia đình đến các trung tâm thương mại vào mỗi dịp cuối tuần để con em có thể vui chơi thỏa thích.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của trường Đại Học Bắc Georgia (Hoa Kỳ) mới đây chỉ ra rằng tại các khu vui chơi, đặc biệt là khu nhà bóng - nơi cực kỳ thu hút với trẻ em lại chứa rất nhiều vi khuẩn. “Các nhà bóng thường bị nhiễm bẩn bởi bụi, thức ăn mà trẻ nôn ra, thậm chí có cả phân và nước tiểu. Tất nhiên nơi này sẽ được dọn sạch ngay sau đó, nhưng vẫn không đủ để loại bỏ tất cả vi trùng có thể gây bệnh như: viêm màng não, nhiễm trùng da, viêm phổi,...”, tiến sĩ Mary Ellen Oesterle, Đại học Bắc Georgia cho biết.

Thêm vào đó, những trò chơi tại các trung tâm thương mại có không ít là các tựa game thực tế ảo ít nhiều mang tính bạo lực, hành động mạnh như bắn súng, đua xe,... Nếu cha mẹ không sát sao hoàn toàn có thể khiến suy nghĩ và hành động của trẻ trở nên lệch lạc trong cuộc sống thực.

Những hệ lụy khôn lường

Trao đổi với phóng viên, anh Lê Minh Hiệp - Chuyên viên Tâm lý học đường cho biết: “Về phía gia đình, trong thời điểm giãn cách xã hội, tâm lý của các em học sinh có xu hướng căng thẳng, khó chịu vì không gian sinh hoạt bị thu hẹp, đồng thời phải đối mặt với những mâu thuẫn, xung đột với các thành viên trong gia đình hoặc ngại giao tiếp với bố mẹ.

a-nh-4.jpg
Anh Lê Minh Hiệp (trái) khi đang tham vấn tâm lý cho một phụ huynh

Việc học trực tuyến ngoài những ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất thì còn rất dễ tạo thành thói quen không lành mạnh như ngủ quá nhiều hay chứng “nghiện” mạng xã hội, “nghiện” game,... 

Đó là chưa kể, các em cũng dễ gặp phải những hiện tượng “bắt nạt trực tuyến” chẳng hạn như body-shaming (chế nhạo/ miệt thị ngoại hình); dùng ngôn từ thiếu chuẩn mực;... về lâu dài nếu không được phụ huynh can thiệp kịp thời có thể để lại những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ sau này.”

Dễ thấy là, với sự phổ cập rộng rãi của internet, “rác” trên không gian mạng cũng nhiều chẳng kém so với rác thải ngoài đời thực. Hẳn chúng ta chưa quên “Thử thách Momo” đã lấy đi sinh mệnh của một bé trai tại Đồng Nai tròn 1 năm trước, clip “Xin vía học giỏi từ kumanthong” của YouTuber Thơ Nguyễn, hay các trò đùa, thử thách kỳ quặc của kênh “NTN Vlogs”, “Hưng Vlog”,... đã khiến cộng đồng phẫn nộ ra sao.

Thế giới là ảo, nhưng hậu quả để lại là thật. Vô hình chung các em ngày càng bị nhốt chặt trong thế giới công nghệ, điện tử… Những trải nghiệm cuộc sống, những va chạm đời thường cứ thế mà trở nên xa lạ.

Đáng sợ hơn, các vụ việc học sinh tử vong do bị điện giật, nổ điện thoại diễn ra trong khoảng hai tháng học online gần đây khiến nhiều phụ huynh bất an, lo lắng, nhất là khi phải để con tự học ở nhà một mình.

Có quá nhiều mối lo ngại khi để trẻ trong không gian kín. Bởi vậy, việc vui chơi, giải trí với những hoạt động bên ngoài trở nên cực kỳ quan trọng. Điều này không chỉ giúp trẻ gắn kết yêu thương với cha mẹ, người thân mà thông qua những trò chơi hằng ngày, bé sẽ học hỏi thêm được những kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống, từ đó phát triển một cách toàn diện về trí lực, ngôn ngữ và cảm xúc.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN