Hội Nhà báo Việt Nam với vấn đề đạo đức người làm báo trong cơ chế thị trường
TS. Tạ Bích Loan đã lý giải thực trạng xuống cấp đạo đức trong thành phần một số nhà báo hiện nay, cũng như đề xuất giải pháp cho vấn đề này.
Đạo đức nhà báo không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tác phẩm của nhà báo đó, mà còn tác động đến toàn xã hội nói chung và đội ngũ báo chí nói riêng. Trong hơn mười năm qua, vấn để xuống cấp của đạo đức báo chí trong cơ chế thị trường đã là chủ đề của nhiều cuộc hội thảo do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức. Nhưng dường như số lượng những vụ việc, những biểu hiện tiêu cực về đạo đức báo chí vẫn không thuyên giảm mà đang có xu hướng tăng lên. Trong khuôn khổ bài này, người viết muốn cung cấp cho người đọc một cách lý giải nữa cho vấn đề “xuống cấp” của đạo đức nhà báo và đề xuất một số giải pháp với Hội nhà báo Việt Nam.
Trước tiên hãy cùng trả lời câu hỏi: Vì sao với nghề báo, đạo đức nghề nghiệp được đặc biệt coi trọng, được so sánh với nghề y, nghề luật, an ninh, tòa án? Có ý kiến cho rằng vì đó là 5 nghề này có vị trí quan trọng đặc biệt và mối quan hệ rộng rãi với nhiều người trong xã hội. Thế nhưng nghề thực phẩm, nghề nông hay rất nhiều nghề khác đều có mối quan hệ rất rộng với người dân; thậm chí còn có tính toàn dân. Như vậy thì nghề giáo, nghề báo, nghề y, nghề luật, an ninh, tòa án có gì khác biệt với phần lớn những nghề còn lại? Có một sự khác biệt rất lớn về mối tương quan của người làm nghề và đối tượng phục vụ giữa 5 nghề này với những nghề còn lại. Nếu đặt lên bàn cân một bên là người làm nghề và một bên là đối tượng phục vụ, thì với 5 nghề vừa nêu, đối tượng phục vụ nhẹ cân hơn hẳn về vị thế. Dường như người làm nghề có quyền nhiều hơn đối tượng của mình. Ở thế yếu hơn, những người được phục vụ khó có khả năng tự bảo vệ mình, họ phải trông chờ vào đạo đức nghề nghiệp, vào lương tâm của các nhà báo, cũng như các thẩm phán, bác sĩ, điều tra viên. Những người được phục vụ mong muốn những người làm nghề thận trọng và cân nhắc kỹ càng trước mỗi một nhát dao mổ, một kết luận điều tra, một bản án, một bài báo.
Nhà báo Tạ Bích Loan. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)
Mặt trái của nền kinh tế thị trường đang có tác động không nhỏ tới nhân cách con người, khiến đạo đức xã hội xuống cấp, trong đó có đạo đức báo chí. Kết quả của cuộc điều tra dư luận xã hội năm 2007-2008 về “Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay” do Nguyễn Thị Trường Giang tiến hành với 500 nhà báo và 600 người dân nêu lên những con số đáng suy nghĩ:
24% số nhà báo được hỏi cho rằng nhà báo nên tham gia viết bài có nội dung hoặc lồng ghép quảng bá cho thương hiệu hoặc sản phẩm(trừ trường hợp nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực này)
49% nhà báo được hỏi cho rằng nên nhận phong bì
29% nhà báo được hỏi cho rằng sẽ công bố chi tiết dù không được sự đồng ý của nguồn tin
5% nhà báo được hỏi cho rằng đưa tin ảnh địa chỉ của bé gái bị xâm hại lên mặt báo là bình thường
3,8% nhà báo được hỏi vẫn cho đăng thông tin chi tiết thu hút công chúng dù điều đó không có lợi cho nhân vật
Nguyên nhân khách quan nào dẫn tới những biểu hiện xuống cấp về đạo đức báo chí? Theo báo cáo kết quả cuộc điều tra dư luận xã hôi nói trên tác động tiêu cực của cơ chế thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo. 86,7% số người được hỏi là công chúng xếp đây là nguyên nhân quan trọng số một.
Cơ chế thị trường là tổng thể các yếu tố cung, cầu, giá cả và thị trường cùng các mối quan hệ cơ bản vận động dưới sự điều tiết của các quy luật thị trường trong môi trường cạnh tranh nhằm mục tiêu duy nhất là lợi nhuận. Với cơ chế thị trường, báo chí sẽ theo quy luật cung cầu, cung cấp những sản phẩm theo nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng. Các tờ báo, kênh truyền hình, trang báo điện tử…cạnh tranh nhau bằng những hit, rating, tira. Bên cạnh những tác động theo hướng tích cực, buộc các nhà báo phải năng động, cố gắng nâng cao chất lượng tác phẩm hơn, thì cơ chế thị trường cũng gây ra những sức ép lớn để tăng doanh thu cho cơ quan báo chí. Tác động tiêu cực của cơ chế thị trường làm cho một số người làm báo quan tâm đến lơị ích cá nhân, lợi ích kinh tế và coi nhẹ lợi ích xã hội
Có một câu chuyện là: Một nam diễn viên tự tử tại nhà riêng do mâu thuẫn với bạn gái là cô người mẫu và sau khi biết tin đó, có phóng viên đã tìm mọi cách để quay phim phỏng vấn cô người mẫu đó mặc dù cô ta đề nghị để cho cô được yên. 22% nhà báo được hỏi trong cuộc điều tra nói trên cho rằng, có thể chấp nhận hành động vi phạm cuộc sống riêng tư của người khác vì đã đưa được hình ảnh và thông tin tới xã hội. Có đúng là hành động này mang lại lợi ích xã hội hay không?
Có nhiều quan điểm và định nghĩa khác nhau về lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng, lợi ích công chúng. Chưa có một định nghĩa nào được coi là chuẩn. Số lượng người được hưởng lợi là bao nhiêu thì hành động đó được coi là lợi ích cộng đồng? Có phải mọi thành viên của xã hội đều được hưởng lợi thì hành động đó được coi là lợi ích cộng đồng hay không? hay là bất cứ hành động nào mang lại lợi ích cho một vài người và không làm hại ai thì sẽ được coi là vì lợi ích cộng đồng?
Chúng ta chưa có chuẩn đánh giá thế nào là hành động vì lợi ích cộng đồng. Xã hội, công chúng, cộng đồng…cần những tin tức báo chí như thế nào? Có người nói cần phân biệt giữa cái mà công chúng muốn và cái mà công chúng cần, không phải cái gì hấp dẫn công chúng cũng có lợi cho công chúng. Lợi ích của số đông không phải bằng trung bình cộng của các lợi ích cá nhân. Vậy lợi ích của số đông được đo như thế nào? Làm thế nào xác định được đâu là bài báo có lợi cho công chúng, mang lại những gì mà xã hội cần, thực sự phục vụ nhân dân.[1]
Chúng ta rất cần có chỉ số rõ ràng để đánh giá thế nào là bài báo phục vụ nhân dân. Nói một cách đơn giản nhất thì “Chỉ số là những dấu hiệu giúp nhận biết một sự việc nào đó”. Ví dụ nhiệt độ là chỉ số của thời tiết (nóng hay lạnh). Nếu không có nhiệt độ chúng ta sẽ dựa vào cảm giác của mình để kết luận về thời tiết mà cảm giác thì lại phụ thuộc vào từng người, vào số lượng áo anh ta đang mặc và như vậy thì có thể cuộc cãi vã hôm nay nóng hay lạnh sẽ không bao giờ kết thúc. Như vậy nhiệt độ sẽ là một chỉ số rõ ràng về thời tiết. Chúng ra cũng sẽ cần những chỉ số rõ ràng như vậy cho những khái niệm trừu tượng: văn minh, đạo đức, lợi ích xã hội v.v.
Làm sao để có thể nói bài viết này đang giúp cho xã hội chúng ta văn minh lên? Nếu chỉ số của sự văn mình là nhà cao, xe đẹp thì chắc chắn những bài viết hoặc chương trình truyền hình mô tả ai đó mới mua xe nhiều nhiều triệu, mới tổ chức tiệc mừng xe ô tô mới, hay dùng hàng hiệu này kia định hướng người đọc được là cần nỗ lực mua nhà đẹp, xe đẹp hay dùng hàng hiệu sẽ được coi là “phục vụ nhân dân”. Nếu chỉ số của sự văn minh là ý thức trách nhiệm xã hội, là những hành động quan tâm và giúp đõ những người thiệt thòi hơn mình thì những bài viết hoặc chương trình truyền hình về cuộc chạy bộ kêu gọi xã hội quan tâm đến trẻ em tự kỷ chẳng hạn sẽ được coi là phục vụ nhân dân vì giúp cho đông đảo người đọc nhận biết về sự tồn tại của một nhóm thiệt thòi hơn mình trong xã hội..
Cần có chỉ số đánh giá để phân biệt được các bài báo, các tờ báo có trách nhiệm xã hộ hay là vì lợi ích cá nhân, chạy theo doanh thu, và từ đó có những biện pháp hạn chế những hành động vì động cơ cá nhân và gây hậu quả đến số đông. Các biện pháp chế tài của các cơ quan quản lý thường là đi sau, khi xảy ra vụ việc rồi mới xử phạt. Chỉ số về lợi ích xã hội sẽ là lời nhắc nhở trước với những người cầm bút, cầm máy quay hay micro để dè chừng những câu từ, hình ảnh, tít bài…gây hậu quả không tốt cho xã hội.
Hội nhà báo Việt nam với vai trò là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của giới báo chí Việt nam chính là người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đạo đức báo chí. Nhà báo Phan Quang trong bài “Để tiếng nói của Hội ngày càng có hiệu lực” có viết rằng nhiệm vụ thứ nhất, quan trọng nhất của Hội Nhà báo là tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý và đạo đức cho báo chí hoạt động. Thiết nghĩ việc tổ chức các hội thảo, thống nhất và ra được bộ chỉ số đánh giá về tính lợi ích xã hội của báo chí cũng chính là góp phần tạo hành lang về đạo đức cho báo chí hoạt động. Với Bộ chỉ số đi kèm với Quy ước đạo đức nghề báo này, Hội nhà báo Việt nam sẽ tạo ra một cơ sở quan trọng để các nhà báo suy xét khi đứng trước một hiện tượng, vấn đề cần phản ánh. Bộ chỉ số cũng sẽ là một cơ sở để đào tạo các nhà báo trẻ trong môn học về Đạo đức báo chí. Với bộ chỉ số đó Hội nhà báo Việt nam sẽ góp phần để giới báo chí thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, hạn chế các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Để có thể cân đong đo đếm tác động của tác phẩm báo chí đối với xã hội, nhà báo cần có những cái thước dây, những vạch cân. Đó chính là những tiêu chí về lợi ích xã hội mà Hội nhà báo có thể đứng ra thống nhất và ban hành.
[1] Quy định về đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt nam điều 2 có viết: Nhà báo phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
Đạo đức nhà báo không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tác phẩm của nhà báo đó, mà còn tác động đến toàn xã hội nói chung và đội ngũ báo chí nói riêng. Trong hơn mười năm qua, vấn để xuống cấp của đạo đức báo chí trong cơ chế thị trường đã là chủ đề của nhiều cuộc hội thảo do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức. Nhưng dường như số lượng những vụ việc, những biểu hiện tiêu cực về đạo đức báo chí vẫn không thuyên giảm mà đang có xu hướng tăng lên. Trong khuôn khổ bài này, người viết muốn cung cấp cho người đọc một cách lý giải nữa cho vấn đề “xuống cấp” của đạo đức nhà báo và đề xuất một số giải pháp với Hội nhà báo Việt Nam.
Trước tiên hãy cùng trả lời câu hỏi: Vì sao với nghề báo, đạo đức nghề nghiệp được đặc biệt coi trọng, được so sánh với nghề y, nghề luật, an ninh, tòa án? Có ý kiến cho rằng vì đó là 5 nghề này có vị trí quan trọng đặc biệt và mối quan hệ rộng rãi với nhiều người trong xã hội. Thế nhưng nghề thực phẩm, nghề nông hay rất nhiều nghề khác đều có mối quan hệ rất rộng với người dân; thậm chí còn có tính toàn dân. Như vậy thì nghề giáo, nghề báo, nghề y, nghề luật, an ninh, tòa án có gì khác biệt với phần lớn những nghề còn lại? Có một sự khác biệt rất lớn về mối tương quan của người làm nghề và đối tượng phục vụ giữa 5 nghề này với những nghề còn lại. Nếu đặt lên bàn cân một bên là người làm nghề và một bên là đối tượng phục vụ, thì với 5 nghề vừa nêu, đối tượng phục vụ nhẹ cân hơn hẳn về vị thế. Dường như người làm nghề có quyền nhiều hơn đối tượng của mình. Ở thế yếu hơn, những người được phục vụ khó có khả năng tự bảo vệ mình, họ phải trông chờ vào đạo đức nghề nghiệp, vào lương tâm của các nhà báo, cũng như các thẩm phán, bác sĩ, điều tra viên. Những người được phục vụ mong muốn những người làm nghề thận trọng và cân nhắc kỹ càng trước mỗi một nhát dao mổ, một kết luận điều tra, một bản án, một bài báo.
Nhà báo Tạ Bích Loan. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)
Mặt trái của nền kinh tế thị trường đang có tác động không nhỏ tới nhân cách con người, khiến đạo đức xã hội xuống cấp, trong đó có đạo đức báo chí. Kết quả của cuộc điều tra dư luận xã hội năm 2007-2008 về “Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay” do Nguyễn Thị Trường Giang tiến hành với 500 nhà báo và 600 người dân nêu lên những con số đáng suy nghĩ:
24% số nhà báo được hỏi cho rằng nhà báo nên tham gia viết bài có nội dung hoặc lồng ghép quảng bá cho thương hiệu hoặc sản phẩm(trừ trường hợp nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực này)
49% nhà báo được hỏi cho rằng nên nhận phong bì
29% nhà báo được hỏi cho rằng sẽ công bố chi tiết dù không được sự đồng ý của nguồn tin
5% nhà báo được hỏi cho rằng đưa tin ảnh địa chỉ của bé gái bị xâm hại lên mặt báo là bình thường
3,8% nhà báo được hỏi vẫn cho đăng thông tin chi tiết thu hút công chúng dù điều đó không có lợi cho nhân vật
Nguyên nhân khách quan nào dẫn tới những biểu hiện xuống cấp về đạo đức báo chí? Theo báo cáo kết quả cuộc điều tra dư luận xã hôi nói trên tác động tiêu cực của cơ chế thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo. 86,7% số người được hỏi là công chúng xếp đây là nguyên nhân quan trọng số một.
Cơ chế thị trường là tổng thể các yếu tố cung, cầu, giá cả và thị trường cùng các mối quan hệ cơ bản vận động dưới sự điều tiết của các quy luật thị trường trong môi trường cạnh tranh nhằm mục tiêu duy nhất là lợi nhuận. Với cơ chế thị trường, báo chí sẽ theo quy luật cung cầu, cung cấp những sản phẩm theo nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng. Các tờ báo, kênh truyền hình, trang báo điện tử…cạnh tranh nhau bằng những hit, rating, tira. Bên cạnh những tác động theo hướng tích cực, buộc các nhà báo phải năng động, cố gắng nâng cao chất lượng tác phẩm hơn, thì cơ chế thị trường cũng gây ra những sức ép lớn để tăng doanh thu cho cơ quan báo chí. Tác động tiêu cực của cơ chế thị trường làm cho một số người làm báo quan tâm đến lơị ích cá nhân, lợi ích kinh tế và coi nhẹ lợi ích xã hội
Có một câu chuyện là: Một nam diễn viên tự tử tại nhà riêng do mâu thuẫn với bạn gái là cô người mẫu và sau khi biết tin đó, có phóng viên đã tìm mọi cách để quay phim phỏng vấn cô người mẫu đó mặc dù cô ta đề nghị để cho cô được yên. 22% nhà báo được hỏi trong cuộc điều tra nói trên cho rằng, có thể chấp nhận hành động vi phạm cuộc sống riêng tư của người khác vì đã đưa được hình ảnh và thông tin tới xã hội. Có đúng là hành động này mang lại lợi ích xã hội hay không?
Có nhiều quan điểm và định nghĩa khác nhau về lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng, lợi ích công chúng. Chưa có một định nghĩa nào được coi là chuẩn. Số lượng người được hưởng lợi là bao nhiêu thì hành động đó được coi là lợi ích cộng đồng? Có phải mọi thành viên của xã hội đều được hưởng lợi thì hành động đó được coi là lợi ích cộng đồng hay không? hay là bất cứ hành động nào mang lại lợi ích cho một vài người và không làm hại ai thì sẽ được coi là vì lợi ích cộng đồng?
Chúng ta chưa có chuẩn đánh giá thế nào là hành động vì lợi ích cộng đồng. Xã hội, công chúng, cộng đồng…cần những tin tức báo chí như thế nào? Có người nói cần phân biệt giữa cái mà công chúng muốn và cái mà công chúng cần, không phải cái gì hấp dẫn công chúng cũng có lợi cho công chúng. Lợi ích của số đông không phải bằng trung bình cộng của các lợi ích cá nhân. Vậy lợi ích của số đông được đo như thế nào? Làm thế nào xác định được đâu là bài báo có lợi cho công chúng, mang lại những gì mà xã hội cần, thực sự phục vụ nhân dân.[1]
Chúng ta rất cần có chỉ số rõ ràng để đánh giá thế nào là bài báo phục vụ nhân dân. Nói một cách đơn giản nhất thì “Chỉ số là những dấu hiệu giúp nhận biết một sự việc nào đó”. Ví dụ nhiệt độ là chỉ số của thời tiết (nóng hay lạnh). Nếu không có nhiệt độ chúng ta sẽ dựa vào cảm giác của mình để kết luận về thời tiết mà cảm giác thì lại phụ thuộc vào từng người, vào số lượng áo anh ta đang mặc và như vậy thì có thể cuộc cãi vã hôm nay nóng hay lạnh sẽ không bao giờ kết thúc. Như vậy nhiệt độ sẽ là một chỉ số rõ ràng về thời tiết. Chúng ra cũng sẽ cần những chỉ số rõ ràng như vậy cho những khái niệm trừu tượng: văn minh, đạo đức, lợi ích xã hội v.v.
Làm sao để có thể nói bài viết này đang giúp cho xã hội chúng ta văn minh lên? Nếu chỉ số của sự văn mình là nhà cao, xe đẹp thì chắc chắn những bài viết hoặc chương trình truyền hình mô tả ai đó mới mua xe nhiều nhiều triệu, mới tổ chức tiệc mừng xe ô tô mới, hay dùng hàng hiệu này kia định hướng người đọc được là cần nỗ lực mua nhà đẹp, xe đẹp hay dùng hàng hiệu sẽ được coi là “phục vụ nhân dân”. Nếu chỉ số của sự văn minh là ý thức trách nhiệm xã hội, là những hành động quan tâm và giúp đõ những người thiệt thòi hơn mình thì những bài viết hoặc chương trình truyền hình về cuộc chạy bộ kêu gọi xã hội quan tâm đến trẻ em tự kỷ chẳng hạn sẽ được coi là phục vụ nhân dân vì giúp cho đông đảo người đọc nhận biết về sự tồn tại của một nhóm thiệt thòi hơn mình trong xã hội..
Cần có chỉ số đánh giá để phân biệt được các bài báo, các tờ báo có trách nhiệm xã hộ hay là vì lợi ích cá nhân, chạy theo doanh thu, và từ đó có những biện pháp hạn chế những hành động vì động cơ cá nhân và gây hậu quả đến số đông. Các biện pháp chế tài của các cơ quan quản lý thường là đi sau, khi xảy ra vụ việc rồi mới xử phạt. Chỉ số về lợi ích xã hội sẽ là lời nhắc nhở trước với những người cầm bút, cầm máy quay hay micro để dè chừng những câu từ, hình ảnh, tít bài…gây hậu quả không tốt cho xã hội.
Hội nhà báo Việt nam với vai trò là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của giới báo chí Việt nam chính là người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đạo đức báo chí. Nhà báo Phan Quang trong bài “Để tiếng nói của Hội ngày càng có hiệu lực” có viết rằng nhiệm vụ thứ nhất, quan trọng nhất của Hội Nhà báo là tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý và đạo đức cho báo chí hoạt động. Thiết nghĩ việc tổ chức các hội thảo, thống nhất và ra được bộ chỉ số đánh giá về tính lợi ích xã hội của báo chí cũng chính là góp phần tạo hành lang về đạo đức cho báo chí hoạt động. Với Bộ chỉ số đi kèm với Quy ước đạo đức nghề báo này, Hội nhà báo Việt nam sẽ tạo ra một cơ sở quan trọng để các nhà báo suy xét khi đứng trước một hiện tượng, vấn đề cần phản ánh. Bộ chỉ số cũng sẽ là một cơ sở để đào tạo các nhà báo trẻ trong môn học về Đạo đức báo chí. Với bộ chỉ số đó Hội nhà báo Việt nam sẽ góp phần để giới báo chí thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, hạn chế các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Để có thể cân đong đo đếm tác động của tác phẩm báo chí đối với xã hội, nhà báo cần có những cái thước dây, những vạch cân. Đó chính là những tiêu chí về lợi ích xã hội mà Hội nhà báo có thể đứng ra thống nhất và ban hành.
[1] Quy định về đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt nam điều 2 có viết: Nhà báo phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
TS.Tạ Bích Loan
Trưởng Ban VTV6 – Đài Truyền hình Việt Nam
Trưởng Ban VTV6 – Đài Truyền hình Việt Nam
Cùng chuyên mục
Bình luận