Hội thảo khoa học “Tác động của mạng xã hội đến lối sống và văn hóa học đường của sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay”
(Sóng trẻ) – Sáng ngày 22/11, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra hội thảo khoa học “Tác động của mạng xã hội đến lối sống và văn hóa học đường của sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay” với nhiều bài tham luận chất lượng.
Hội thảo có sự chủ trì của PGS.TS. Trần Thanh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng các đại biểu trong đoàn chủ trì. Đồng thời, hội thảo còn có sự góp mặt của lãnh đạo các khoa trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: TS. Đinh Thị Xuân Hòa - Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, TS. Lê Đình Năm - Phó trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, TS. Vũ Tuấn Hà - Phó trưởng khoa QHCC&QC, TS. Nguyễn Thị Khuyên - Phó trưởng khoa Kinh tế Chính trị, TS. Vũ Thị Duyên - Phó trưởng khoa Lịch sử Đảng, TS. Bùi Quang Hiệp - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng cùng các cán bộ giảng viên và gần 300 học viên, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Giang chia sẻ về những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của mạng xã hội lên thế hệ trẻ hiện nay: “Trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và truyền thông, hiện nay, các trang mạng xã hội đáp ứng được gần như đầy đủ các mục đích, nhu cầu của thanh thiếu niên từ việc tiếp cận thông tin nhanh chóng, kết nối tương tác rộng khắp cùng những tiện ích học tập, giải trí, kinh doanh đầy hấp dẫn”.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thanh Giang cũng cho biết thêm: “Do tính chất mở, khó kiểm soát, nếu không có bản lĩnh, không được trang bị các kiến thức, kỹ năng khi tham gia mạng xã hội, thế hệ trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các hệ lụy tiêu cực như phản văn hóa, suy thoái về đạo đức lối sống đang tồn tại trên không gian mạng".
Trong bản đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Thúy Hà - Trưởng ban Quản lý khoa học đề cập đến vấn đề giáo dục văn hóa cho sinh viên: “Mạng xã hội là nơi văn hóa của toàn xã hội được biểu hiện rõ ràng nhất, và những tình trạng lợi dụng mạng xã hội thực hiện hành vi phản cảm, bịa đặt, vi phạm pháp luật... đang rất đáng báo động”. TS. Nguyễn Thúy Hà cũng cho biết thêm, mạng xã hội là nơi các quan điểm, góc nhìn được thể hiện tương đối tự do, các thông tin dù đúng hay sai cũng được lan truyền đi rất nhanh trong thời gian ngắn, dẫn đến sự ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng lối sống, cách nghĩ của mỗi cá nhân.
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nếu không biết cách kiểm soát và điều khiển lời nói, hành vi của mình, sinh viên có thể vô tình bị cuốn theo những tiêu chuẩn đạo đức lệch lạc, xa rời lý tưởng và phẩm chất tốt đẹp của con người. Đặc biệt là hiện nay, trên trang mạng xã hội Tiktok xuất hiện nhiều trào lưu nhảm nhí, đồi trụy, ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng của một bộ phận thế hệ trẻ.
Phát biểu tại hội thảo, bạn Nguyễn Đăng Dương, Học viện An ninh nhân dân trình bày bài tham luận: “Mạng xã hội Tiktok nhưng nguy cơ tiềm ẩn tác động đến lý tưởng, lối sống của sinh viên các trường đại học trên thành phố Hà Nội”.
Bạn cho biết: “TikTok đang chứa đựng những hiểm họa nhất định với giới trẻ, trong đó có sinh viên, lứa tuổi chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí có phần lệch lạc về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội.TikTok có nguy cơ cao bị các thế lực thù địch lợi dụng trở thành công cụ tác động những tư tưởng sai lệch đến sinh viên”.
Bạn Doãn Thị Hằng, Khoa Quản lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ trong bài tham luận của mình: “Việc sử dụng mạng xã hội đang chiếm nhiều thời gian của giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên. Theo khảo sát, phần lớn sinh viên sử dụng mạng xã hội để giải trí, chia sẻ những video vui nhộn và ít quan tâm đến các vấn đề thời sự, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội”.
Song hành cùng với việc học tập kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, sinh viên cũng cần trau dồi thêm các kỹ năng mềm về lối sống và lễ nghi, ứng xử. Bạn Trần Viết Học - Văn hóa phát triển K43 mang đến hội thảo bài tham luận “Một số giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử mạng xã hội cho sinh viên các trường đại học ở thành phố Hà Nội hiện nay”
“Khi xây dựng được nề nếp ứng xử văn minh trên mạng xã hội, các cá nhân không chỉ được hưởng một môi trường lành mạnh mà còn tạo ra nơi để học tập từ các thầy cô, bạn bè và anh chị đi trước. Sinh viên xây dựng được văn hóa ứng xử trên mạng xã hội tốt, đồng nghĩa với việc sinh viên đã và đang biết cách gây dựng hình ảnh cá nhân đối với mọi người xung quanh”. - Viết Học chia sẻ.
Bàn về giải pháp xây dựng lối sống văn hóa học đường trước tác động của mạng xã hội trong thời gian tới, bạn Cao Văn Sơn - Lịch sử Đảng K41 cho rằng: “Học viện nên tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh, sinh viên giúp sinh viên có sức đề kháng mạnh mẽ trước tác động tiêu cực của mạng xã hội. Đồng thời, chú trọng các môn học phát triển nhân sinh quan, thế giới quan như triết học, đạo đức học… nhằm giúp sinh viên có thêm nhận thức về cái đẹp, sống đẹp, thấm sâu những giá trị truyền thống của dân tộc”.
Ngoài ra, hội thảo còn nhận được những tham luận đóng góp, nêu lên tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ ở nhiều lĩnh vực, đề xuất phương pháp tăng cường giáo dục lối sống, đạo đức cho sinh viên. Hội thảo giúp hạn chế tiêu cực từ mạng xã hội, đồng thời phát huy những thế mạnh của mạng xã hội.
Phát biểu bế mạc buổi hội thảo, PGS. TS. Trần Thanh Giang - Phó Chủ tịch hội đồng trường, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổng kết các ý kiến tham luận của các giảng viên, sinh viên. Các tham luận đã chỉ ra mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, đưa ra giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống, văn hóa học đường của học sinh, sinh viên. PSG.TS. Trần Thanh Giang nhấn mạnh: “Nếu không có đủ bản lĩnh và kiến thức khi sử dụng mạng xã hội, sinh viên rất có thể bị lôi kéo vào các hành vi phản văn hóa”.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự đóng góp của 105 bài tham luận với 15 bài tham luận trình bày, thảo luận trực tiếp tại hội thảo.