Khi âm nhạc trở thành "cuộc đua" tốc độ - Lợi hay hại?
(Sóng trẻ) - Nhạc remix và nhạc sped-up là khái niệm quen thuộc với khán giả hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Hiểu ngắn gọn, đây là hai loại nhạc có nhịp điệu nhanh, được phối trộn lại tạo thành những bản nhạc bắt tai. Thế nhưng, liệu sự bùng nổ của những giai điệu này có phải là tín hiệu tốt hay tiềm ẩn nguy cơ biến những bài hit trở thành “nhạc ăn liền”?
Thời kỳ bùng nổ của nhạc remix, sped - up
Năm 2015, chương trình truyền hình thực tế The Remix ra mắt đã góp phần giới thiệu khái niệm nhạc remix (nhạc điện tử EDM) đến với công chúng Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến khi các nền tảng video ngắn như TikTok, YouTube Shorts... bùng nổ, thể loại âm nhạc này mới thực sự phổ biến và được đông đảo người dùng đón nhận.
Đặc trưng của nhạc remix nằm ở đoạn chorus (điệp khúc) hoặc những đoạn nhạc nổi bật nhất của bài hát gốc. Người làm nhạc sẽ phối lại và sử dụng thêm những hiệu ứng âm thanh để tạo nên giai điệu sôi động, cuốn hút, thậm chí là "dồn dập".
Định dạng video giải trí ngắn đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự lên ngôi của nhạc remix và sped-up. Giai điệu bắt tai, dễ nhớ cùng khả năng sáng tạo nội dung đa dạng đã giúp loại hình âm nhạc này nhanh chóng trở thành xu hướng. Minh chứng rõ nét nhất chính là sự phổ biến của các video nhảy, hát nhép hay biến hình trên nền nhạc remix/sped-up. Những video này thu hút lượng người xem khổng lồ, đạt đến những con số tương tác mà nhiều nghệ sĩ mơ ước.
Tăng độ nhận diện hay âm thầm “cướp” hit?
Không thể phủ nhận, việc remix nhạc giúp cho bài hát tiếp cận tới đông đảo người nghe hơn. Có không ít bài nhạc được “đổi đời” nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ của các bản remix. Cụ thể, với bài remix ca khúc ‘Ghosting’ của Linh Ka, nhiều khán giả cho rằng chính Lê Bảo (tác giả bản remix) đã góp phần làm nên màn ra mắt thành công của nữ ca sĩ gen Z.
Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều bản nhạc remix, sped - up được phối lại và trở nên phổ biến, thậm chí có phần “lấn lướt” các bản nhạc gốc đã gây ra những vấn đề về bản quyền khiến cho không ít nghệ sĩ bị gặp khó khăn khi kiểm soát sản phẩm của mình.
Điển hình là trường hợp của ca khúc ‘Yêu đừng sợ đau’ (Ngô Lan Hương) và ‘Đường tôi chở em về’ (Buitruonglinh). Đây là hai bài hát khiến ca sĩ “dở khóc dở cười” khi hầu hết khán giả chỉ biết tới bài nhạc khi chúng đã được remix.
Bên cạnh đó, việc các bản remix hay sped - up được đón nhận đã phần nào tác động tới tư duy làm nhạc, khiến một số sản phẩm âm nhạc ngày nay ít dấu ấn cá nhân do ca sĩ mải chạy theo xu hướng để làm “nhạc xu hướng”.
Cuối năm 2022, thị trường âm nhạc Việt trở nên sôi động với hàng loạt các sản phẩm mới được ra mắt. Bên cạnh các bản hit ấn tượng, không ít ca khúc khiến khán giả ngán ngẩm vì sự đại trà, sáo rỗng về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Cụ thể, bài hát Ừ Em Xin Lỗi của Hoàng Yến Chibi và Tất cả đứng im của Ngô Kiến Huy bị công chúng đánh giá là có phần nhạc bắt tai nhưng phần lời thì vô nghĩa. Ý đồ đánh vào thị trường Tiktok của hai nghệ sĩ cũng bị dân tình bóc mẽ là dùng chung “công thức”: đầu tư mạnh vào hình ảnh, phối nhạc cầu kỳ, lặp đi lặp lại những câu hát "hook" dễ nhớ ở phần điệp khúc và tích cực quảng bá bằng cách hợp tác với các nghệ sĩ khác trên nền tảng. Thế nhưng, việc các sản phẩm âm nhạc thiếu chú trọng vào mặt nội dung này xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội lại khiến người xem cảm thấy “bội thực".
Bạn Đặng Kiều Oanh (20 tuổi) chia sẻ: Mình thấy các bản nhạc hot gần đây thường sẽ có những đoạn drop ( đoạn nhạc bùng nổ nhất) khá quen tai và thường được dùng để chèn nhạc cho các mẫu Capcut và các video nhảy trên Tiktok. Ban đầu mình cũng khá thích thú với các đoạn nhạc này nhưng lâu dần thì mình thấy không có gì thu hút mình nữa, chủ yếu là xem cho vui chứ cũng không để lại ấn tượng gì sâu sắc”.
Giải pháp cân bằng giữa xu hướng và màu sắc cá nhân
Trước sức lan tỏa mạnh mẽ của các bản nhạc sôi động, nhiều ca sĩ đã chủ động sản xuất các phiên bản remix, sped-up nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Bên cạnh đó, để tăng độ nhận diện cho các ca khúc mới, đặc biệt là trong mỗi dịp ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, nhiều nghệ sĩ còn kết hợp với các Tiktoker nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội. Cách làm này không chỉ giúp họ kiểm soát tốt hơn các sản phẩm âm nhạc của mình mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận tới nhiều đối tượng khán giả hơn.
Đồng thời, các nghệ sĩ hiện nay cũng đang chủ động khẳng định vị thế của mình bằng việc sáng tạo những bản nhạc mang đậm dấu ấn cá nhân. Những tác phẩm này chinh phục khán giả bằng chính giai điệu đẹp, ca từ giàu ý nghĩa thay vì lạm dụng các thủ pháp remix hay sped-up để tạo hiệu ứng nhất thời.
Trong một bài phỏng vấn với VieZ, nam ca sĩ Hoàng Dũng từng bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Anh thẳng thắn thể hiện bản thân không thích việc sped - up nhạc. Theo Hoàng Dũng: “Mọi người khó chịu với bản speed-up đấy vì nó xuất hiện quá nhanh. Việc có những phiên bản như vậy xuất hiện trong quá trình quảng bá sản phẩm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch của nghệ sĩ. Tôi không ủng hộ, nhưng xu hướng người dùng đang đưa đẩy đến cách làm này".
Âm nhạc sinh ra là để phục vụ công chúng, vì vậy việc đánh giá đúng sai đối với các bản nhạc remix và sped-up là điều không dễ dàng. Thay vì tranh cãi, mỗi nghệ sĩ cần nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, người thực hiện bản phối cần tôn trọng bản gốc và tuân thủ luật bản quyền. Có như vậy, loại hình remix và sped-up mới có thể phát triển lành mạnh và bền vững, đóng góp tích cực vào sự đa dạng của thị trường âm nhạc tại Việt Nam.