Khi mạng xã hội biến trẻ em thành “ngôi sao”
(Sóng trẻ) - Gây ấn tượng bởi vẻ ngoài dễ thương cùng các meme hài hước, hình ảnh các Kid Influencer (người dưới 18 tuổi có lượng theo dõi đông đảo trên mạng xã hội) ngày càng phổ biến, thu hút tương tác cao và tạo ra nguồn thu nhập “khủng”. Tuy nhiên, việc nổi tiếng quá sớm đồng thời khiến trẻ đối mặt với một số ảnh hưởng tiêu cực.
Những cuộc tranh luận xoay quanh mặt tích cực và tiêu cực của xu hướng Kid Influencer càng trở nên gay gắt hơn khi một danh sách được cho là các sự kiện mà em bé Pam và gia đình (sở hữu kênh Tik Tok “Pamyeuoi” với 2,3 triệu người theo dõi) tham gia trong năm 2024 được lan truyền trên mạng xã hội Threads. Dư luận nhanh chóng phản ứng, cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng của việc cha mẹ đang “thương mại hóa”, lợi dụng hình ảnh con để kiếm tiền.
Xu hướng Kid Influencer “lên ngôi” trên mạng xã hội
Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh chia sẻ những khoảnh khắc thường ngày của con với bạn bè, người thân và cộng đồng. Nhiều bài viết, video lên xu hướng, tiếp cận lượng lớn người xem, theo dõi và tương tác thường xuyên, vượt khỏi phạm vi bạn bè và người thân.
Khi lượt theo dõi tăng lên, hình ảnh các em bé được nhiều thương hiệu lớn nhỏ chú ý, liên hệ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ… tương tự các KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng) khác. Điều này mở ra cơ hội kinh tế cho các gia đình, họ bắt đầu sáng tạo nội dung trên kênh một cách chuyên nghiệp hơn, theo kịch bản nhằm mục đích PR để thu hút người xem.
Lý giải sức hút của các Kid Influencer hiện nay, Thạc sĩ Ngô Thị Hoa Lê cho biết: “Sự thành công của Kid Influencer đến từ chính sự đáng yêu và hồn nhiên của các em bé, điều dễ dàng thu hút người dùng mạng xã hội. Với nét ngây thơ và cách thể hiện chân thực, trẻ em tạo ra sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ, giúp các nhãn hàng lan tỏa thông điệp một cách tự nhiên. Những video hoặc hình ảnh của các em bé khi trải nghiệm sản phẩm thường khiến người xem cảm thấy vui vẻ, chân thực, từ đó khơi dậy tình cảm tích cực với thương hiệu”.
Từ đó, Kid Influencer mở ra cơ hội kinh tế cho các gia đình thông qua quảng cáo và tài trợ. Tháng 9/2023, tạp chí Forbes công bố bảng xếp hạng những người sáng tạo hàng đầu trong năm. Trong đó, cậu bé Ryan Kaji (10 tuổi, Mỹ), sở hữu 34 triệu người theo dõi trên Youtube với những video chủ đề trò chơi, gây ấn tượng khi kiếm 35 triệu USD/năm. Tương tự, theo tờ The New York Times, cặp song sinh Taytum và Oakley (8 tuổi, Mỹ) đạt được doanh thu 25 nghìn - 50 nghìn USD/năm từ hoạt động đóng quảng cáo và tham gia sản xuất nội dung trên kênh Youtube của bố mẹ với khoảng 3 triệu người đăng ký.
Tại Việt Nam, xu hướng Kid Influencer cũng gia tăng nhanh chóng. Một số cái tên như Pam yêu ơi, em bé Bánh Bao, bộ ba bạn nhỏ Cam - Xoài - Đậu, cặp anh em Hehe - Hiuhiu … thu hút hàng triệu người theo dõi, tương tác trên các mạng xã hội. Đặc biệt, TikTok đã trở thành sân chơi tiềm năng cho các gia đình, tạo ra nhiều gương mặt Kid Influencer mới để hợp tác cùng các thương hiệu.
Những ảnh hưởng tâm lý tiềm ẩn
Không chỉ được liên hệ quảng cáo sản phẩm, đăng tải bài viết, video trên mạng xã hội, các em bé nổi tiếng dần trở thành “gương mặt vàng” được nhiều nhãn hàng mời đến các sự kiện thực tế với mục đích truyền thông. Tháng 9 vừa qua, gia đình Pam có mặt tại sự kiện quảng cáo tổ chức ở trung tâm thương mại (TP.HCM) với sự tham gia của hàng trăm người. Tuy nhiên, trong nhiều hình ảnh và video ghi lại, phát tán trên mạng xã hội, bé Pam có những biểu hiện như la hét, khóc lớn, hoảng sợ khi thấy đám đông, khiến bố mẹ và MC chương trình mất một khoảng thời gian để trấn tĩnh.
Sự việc này tiếp tục tạo nên làn sóng tranh cãi về quyền riêng tư của trẻ. Một bộ phận công chúng cho rằng việc trẻ tham gia các hoạt động giải trí, quảng cáo là điều bình thường, có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và tạo điều kiện tài chính cho tương lai. Phía đối lập bày tỏ quan ngại sâu sắc về tâm lý và quyền riêng tư khi những đứa trẻ nổi tiếng được quan tâm quá mức bởi số lượng người hâm mộ đông đảo.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hạnh (giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội) nhận định: “Việc trẻ em trở thành ngôi sao trên mạng xã hội mang lại ảnh hưởng tích cực như giúp trẻ phát triển sự tự tin, cải thiện khả năng giao tiếp và kỹ năng xã hội”. Qua việc giao lưu với người xem, trẻ sẽ học được cách diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc một cách rõ ràng. Tuy nhiên những lợi ích này không đáng kể so với những tác động tâm lý mà trẻ gặp phải khi nổi tiếng quá sớm.
Về mặt kỹ năng xã hội, trẻ thường gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ tự nhiên với bạn bè đồng trang lứa, dễ bị cô lập khỏi môi trường xã hội thực tế và phát triển các kỹ năng giao tiếp một chiều, chủ yếu tập trung vào việc thể hiện bản thân trước máy quay.
“Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hình thành cá tính, bản sắc cá nhân, khi bị định hình quá nhiều bởi hình ảnh và mong đợi từ người hâm mộ. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển nhân cách không lành mạnh, xu hướng hoàn hảo chủ nghĩa và phụ thuộc quá mức vào sự công nhận từ bên ngoài”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Hạnh phân tích thêm.
Để hạn chế những tác động tiêu cực này, thạc sĩ nhấn mạnh: “Các gia đình cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho trẻ em tham gia mạng xã hội, tạo một môi trường an toàn và cân bằng, xây dựng các quy định bảo vệ quyền trẻ em trong không gian mạng”.
Để cân bằng giữa cơ hội phát triển tài năng và bảo vệ tâm lý trẻ, người lớn cần thiết lập giới hạn về thời gian và nội dung hoạt động trên mạng xã hội. Đồng thời, nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao, nghệ thuật để phát triển trí tuệ, không phụ thuộc vào mạng xã hội. Quan trọng nhất, cha mẹ cần theo dõi, lắng nghe và thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc của trẻ, đặt sự an toàn của con lên hàng đầu, giúp trẻ có cơ hội phát triển trong môi trường tích cực và lành mạnh.