Khi tiếng còi xe không còn là chuyện nhỏ
(Sóng trẻ) – Sử dụng còi xe là rất cần thiết để cảnh báo cho người đi đường trong những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, tiếng còi hơi công suất lớn có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông.
Bấm còi mọi lúc, mọi nơi
Từ lâu, còi xe được hầu hết các chủ phương tiện tham gia giao thông sử dụng để cảnh báo cho người đi đường trong những trường hợp khẩn cấp. Thế nhưng, hiện nay, không ít người lại đang có thói quen “bấm còi vì quen tay”. Họ thi nhau bấm còi mọi lúc, mọi nơi và thậm chí là vì lý do muốn khoe xem, còi của ai to hơn. Nhiều người cảm thấy “phát điên” bởi sau một ngày làm việc mệt mỏi, trên đường trở về nhà lại bị tiếng còi xe inh ỏi bám riết.
Đèn đỏ - bấm còi, chờ tàu hỏa đi qua - bấm còi, muốn xin đường, xin rẽ hoặc leo xe lên vỉa hè cũng bấm còi, bấm còi giữa lúc đêm muộn, khi đi qua cổng bệnh viện, trường học… Những việc tưởng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của nhiều người xung quanh. Nảnh lại, người viết nhận được “thông điệp” từ người bấm còi: “Dẹp ra để tôi còn đi!?”. Đấy, ở một đô thị có nhịp sống gấp gáp như Hà Nội, còi xe còn thêm chức năng dẹp người đứng chờ đèn giao thông đúng luật để chủ xe còn có lối… vượt đèn đỏ!
Dòng xe đang lưu thông trên đường Tây Sơn (Ảnh: Minh Phương)
Nguy hiểm từ những tiếng còi
Tiếng còi lớn và chát chúa luôn tạo nguy hiểm cho nhiều người tham gia giao thông. Theo y học, âm thanh “đinh tai nhức óc” này có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, đặc biệt là thính giác nếu mức âm thanh vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Hãy suy nghĩ trước khi bấm còi…
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tiếng còi xe còn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Do quá bất ngờ vì tiếng còi to, nhiều người giật mình ngã xuống đường và có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Chị Thảo Nguyên (Hà Nội) cho biết không ít lần chị giật bắn người và loạng choạng tay lái vì tiếng còi xe buýt, xe tải phía sau mình. “Lúc đó vừa sợ vừa ấm ức. Họ làm tài xế mà không ý thức gì về tiếng còi của mình, cứ thích là bấm, không cần biết có gây nguy hiểm gì cho người đi đường hay không. Chị em phụ nữ nhiều người tay lái yếu, lỡ giật mình ngã xe xuống đường thì sao? Chưa kể nhiều chị còn có bầu hay chở em bé trên xe”- chị Nguyên bức xúc.
Thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ chính “văn hóa bấm còi”. Trong 5 năm trở lại đây, đã xảy ra gần 10 vụ tai nạn làm chết người do tiếng còi xe gây ra. Điển hình nhất là vụ tai nạn tại An Giang: chiếc xe bồn chở bê tông bấm còi inh ỏi khiến một sản phụ ngã xuống đường tử vong tại chỗ, thai nhi bị văng ra khỏi bụng mẹ, đứt lìa chân phải, nhưng may mắn em đã được cứu sống.
Hãy tiết kiệm tiếng còi
Trên thực tế, việc sử dụng còi trái phép, hoặc không tự ý thức về hành vi sử dụng còi đều bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội), việc xử phạt những người điều khiển giao thông vi phạm về còi xe là không dễ. Nài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng, điều quan trọng là phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Nhiều tuyến đường có biển cấm còi nhưng dường như ít ai để ý
(Ảnh: Nguồn Báo An ninh Thủ đô)
Chế tài pháp luật chỉ áp dụng với những trường hợp lắp đặt còi xe sai quy định hoặc bấm còi khi đang lưu thông trong phạm vi phố cấm, còn không thể phạt được người vô ý thức kiểu “mình thích thì mình bấm thôi”. Hệ quả, giao thông Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung luôn trong tình trạng ầm ĩ đến nhức óc, tới mức, nhiều người Hà Nội chỉ ước ao được tới không gian nào đó vắng tiếng… còi xe.
Anh Thành Nam (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từng có dịp đi công tác ở TP Huế, tôi thấy ở đó, người ta đã cấm sử dụng còi hơi trong thành phố. Ý thức chấp hành của lái xe rất tốt, khiến người dân và khách du lịch thấy thành phố rất yên bình”.
Xây dựng ý thức của người tham gia giao thông là cả một quá trình. Trong đó, mỗi hành vi của người tham gia giao thông đều là một cấu thành quan trọng. Cái còi xe dù nhỏ nhưng sử dụng nó như thế nào thì không là chuyện nhỏ. Bấm còi xe cũng cần văn hóa, chứ bấm theo kiểu lạm dụng, làm điếc tai người khác thì rõ là người vô ý thức! Điều đặc biệt, người dân nên coi việc sử dụng còi xe hợp lý là một nét văn hóa và là trách nhiệm của mỗi người.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26-5-2016 quy định, đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi; phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau… |
Nguyễn Minh Phương
Báo in K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận