Đại úy công an điển trai giàu lòng nhân ái
(Sóng trẻ) - Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi của trường Đại học sư phạm nghệ thuật TW, khác với bạn bè, ở tuổi 26 người thanh niên đó đã quyết định trở thành người chiến sĩ CAND để phục vụ nhân dân bằng năng khiếu âm nhạc “trời cho” của mình.
Chiến sĩ công an trưởng thành từ trường nghệ thuật
“Hỏi cậu Tuấn à? Cái anh công an mà hay đi bán chổi đúng không?” câu trả lời nhận được sau khi nhiệt tình chỉ nhà từ chính người hàng xóm của đại úy Trần Anh Tuấn. Tại khu tổ dân phố số 7 này ai cũng quen mặt anh, người chiến sĩ Công an với những công việc thiện nguyện. Họ còn gọi anh với cái tên gần gũi “hiệp sĩ bán chổi”.
Theo sự hướng dẫn của người dân tôi tìm đến nhà anh. Điều nhận biết dễ dàng ngôi nhà của chàng đại úy là đống chổi được xếp ngay ngắn trước sân. Chào đón tôi bằng một nụ cười rạng rỡ, anh bảo: “Dạo này bận quá. Sắp xếp mãi mới có buổi chiều cuối tuần mang chổi đi bán giúp chị bên hội khuyết tật”. Mẹ anh, bác Thia đã quen với những công việc từ thiện của con trai nhưng mỗi lần anh chuẩn bị đi, bà thở dài, nỗi xót con lại đau đáu trong lòng người mẹ. “Mẹ anh nói thế thôi nhưng mẹ là người dạy anh sống biết phải bảo vệ, giúp đỡ những người yếu thế hơn mình”, anh cười.
Chân dung đại úy điển trai và các em học viên trong CLB ghita ĐH PCCC
Anh Tuấn tên đầy đủ là Trần Anh Tuấn. Một chàng trai thu hút ánh nhìn với vẻ nài khôi ngô mang trong mình tình yêu âm nhạc mãnh liệt. Lấy trong tủ tập giấy đã cũ, không phải là tờ giấy khen thưởng thành tích mà là những bản nhạc do anh tự sáng tác khi còn là một cậu sinh viên. Đây là bài hát “khi em xa anh” anh viết khi vừa nghe câu chuyện tình cảm động của cô bạn thân, bài anh thích nhất “nụ cười trong mắt em” bởi chính bài tình ca này đã gây thương nhớ cho người vợ hiện tại của anh.
Cầm cây đàn ghi-ta trên tay đã cũ theo năm tháng, thời buổi gia đình còn nhiều khó khăn nhưng cố dành dụm mua tặng cho con trai nhân dịp anh đỗ vào trường Đh Sư Phạm Nghệ thuậ TƯ, bác Trần Công Cẩn, bố anh chia sẻ. Thời đó có đàn ghita là oách lắm. Có lần góp vui trong buổi giao lưu âm nhạc với trường ĐH sư phạm, không biết do vẻ nài đẹp trai hay do mê đắm giọng hát ấm áp mà có cô sinh viên lững thững theo anh về đến tận nhà.
Tốt nghiệp trường nghệ thuật với tầm bằng loại nhưng chưa bao giờ ước mơ trở thành chiến sĩ công an ngừng thôi thúc trong anh. Năm 26 tuổi, một ngã rẽ mới mở ra, chàng trai trẻ quyết định viết đơn xin chuyển sang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân. Hiện anh là cán bộ phòng Công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng, trường ĐHPCCC. Tính đến năm nay anh khoác trên mình bộ cảnh phục đầy tự hào đã được 11 năm.
Lan tỏa tình yêu thương qua âm nhạc
Trời cho anh năng khiếu âm nhạc, điều may mắn là anh có thể tự chơi đàn, tự sáng tác nhạc và hát chính ca khúc của mình. Ca từ ấm áp trong những bài tình ca của anh, như rót mật vào tai các cô gái. Ấy thế mà các bài hát của “nhạc sĩ” Trần Anh Tuấn chính là những bài tủ của các chàng trai trẻ dùng để mở lời với người mình yêu. Có những đôi đã nên duyên vợ chồng.
Tình yêu âm nhạc đồng hành với anh cho đến khi đã trở thành một người chiến sĩ Công an. Vừa chân ướt chân ráo chuyển sang công tác tại trường ĐHPCCC, anh đã mạnh dạn khởi xướng thành lập Câu lạc bộ ghi ta của trường và do mình làm chủ nhiệm. Anh là người trực tiếp luyện tập và truyền lửa đến các bạn học viên, phong trào chơi ghi ta lan rộng tới khắp các trường công an.
Hình ảnh người chiến sĩ Công an không còn là sự cứng nhắc, khô khan. Thay vào đó là chân dung người chiến sĩ đậm chất nghệ sĩ, trong sắc phục đầy tự hào say sưa với lời ca tiếng hát mộc mạc, thả hồn trên từng phím đàn du dương khiến người xem ngỡ ngàng. Câu lạc bộ đã hoạt động hơn 10 năm, trải qua nhiều lớp học viên nhưng chương trình mang âm nhạc đến với bệnh viện luôn được anh duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là một hoạt động thường xuyên, được anh phát động tổ chức mỗi tháng một lần, thu bút nhiều bạn học viên quan tâm.
Là một ngày đầu hè của tháng 5. “Đúng 7h30 kính mời các bác có mặt tại sảnh chính của khoa thưởng thức chương trình âm nhạc do các chiến sĩ Công an tổ chức”, ánh mắt sáng ngời, tác phóng nhanh nhẹn của anh đại úy thu hút sự chú ý của cả phòng bệnh.
“ Rõ!” - cụ ông phòng ba lẻ một bật dậy hô to, đứng nghiêm, giơ tay lên chào. Mọi người bật cười.
“Cái cậu này như “nằm vùng” ở đây vậy, chỉ cần nhìn thấy mặt là biết tối này chúng tôi được nghe hát rồi. Vui lắm” , một bệnh nhân khác chia sẻ. Các bác sĩ và bệnh nhân đã quá quen với gương mặt điển trai, giọng hát ấm áp của anh.
Đan xen màu blouse trắng và những giường bệnh thường thấy là màu xanh của các cán bộ, chiến sĩ công an đã tạo nên một đêm nhạc đầy cảm xúc
Đều đặn mỗi tháng, anh và các học viên trường ĐH PCCC đem lời ca tiếng đến với các bệnh nhân
Anh và đồng đội nhanh chóng ổn định chỗ ngồi cho bệnh nhân và người nhà. Điến giữa chương trình, anh Tuấn mời một bác bệnh nhân cùng song ca bài hát “ Bác đã cùng chúng cháu hành quân”. Cả hội trường vỡ òa. Đan xen màu blouse trắng và những giường bệnh thường thấy là màu xanh của các cán bộ, chiến sĩ công an đã tạo nên một đêm nhạc đầy cảm xúc. Chỉ với chiếc đàn guitar, niềm yêu âm nhạc và tấm lòng nhân ái anh và các chiến sĩ đã đem đến những lời ca giản dị, chân thành phần nào giúp người bệnh tạm quên đi cơn đau của bệnh tật. “Chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện như một biện pháp giáo dục thái độ phục vụ nhân dân để xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trong mắt người dân”.
Chưa dừng lại ở đó, anh còn mở lớp dạy ghita miễn phí tới những em nhỏ khiếm thị tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Cơn giông ùn ùn kéo đến báo hiệu một cơn mưa đầu hè. Ngửi thấy mùi man mát, nghe tiếng gió các em chạy ùa ra sân để cảm nhận, bỗng một em lên tiếng “không biết mưa thế này thầy Tuấn “bếu” có đến không?”.
Bầu không khí trùng xuống nhưng ngay lập tức bị phá vỡ khi anh bước đến cùng cây đàn. Sau khi vừa tan ca, trải qua 14 cây số vào giờ tan tầm, bụng anh đói meo,vừa đói vừa mệt nhưng vừa thấy đám học trò anh như được tiếp thêm sức mạnh. Em Hiếu, kể: “thầy Tuấn mũi cao, đẹp trai lắm, em được sờ vào mặt thầy rồi mỗi tội thầy hơi béo”. Đó chính là hình ảnh tưởng tượng của các em học sinh khi nhắc đến người thầy giáo của mình. Dạy ghita cho người bình thường đã khó rồi, dạy các em bị khiếm thị còn khó khăn hơn gấp vạn lần. Những lúc ấy, anh phải cầm tay từng học trò, nhắm mắt lại, cảm nhận bằng thính giác giống như các em để giúp các em học đàn. Nhìn anh hồn nhiên chơi đùa với các em dưới trời mưa mới thấy tình cảm của thầy và trò gắn bó khăng khít.
Sau các công việc thiện nguyện, trở về khi trời đã khuya. Những lần về muộn, vợ anh, chị Lê Thùy Dung lại ra tận đầu ngõ đứng chờ. Thương con dâu, mẹ chồng ra đứng cùng. Anh thấy thương mẹ và vợ vô cùng. Anh là một người chồng rất tình cảm. Đến nay, họ đang mong chờ nhà có tiếng cười con trẻ. Đại úy luôn động viên vợ: “Để anh làm nhiều việc thiện, rồi trời sẽ cho con, em đừng lo”.
Một mình anh bên mâm cơm đã nguội. Thịt có, rau có nhưng thiếu vắng sự có mặt của gia đình, nhiều lúc anh cũng tủi thân. Nhưng khi nhớ đến trách nhiệm của một người chiến sĩ Công an anh lại càng thêm cố gắng. Ăn xong bữa cơm anh lại ra buộc lại gọn gàng từng bó chổi để mai tranh thủ chuyển đến người mua trên đường đến cơ quan.
Đoàn Hồng Ngọc